Tài liệu: Biểu tượng giúp ích ngành Tráng / Chuyên hiệu ngành Tráng
Tác giả: Nguyễn Trọng Luyện
BAN ĐIỀU HÀNH HƯỚNG ĐẠO VIỆT NAM
TOÁN SINH HOẠT NGÀNH TRÁNG
Lưu hành nội bộ tháng 04/2017
Sách Biểu tượng giúp ích ngành Tráng - bản gốc - PDF
Sách Biểu tượng giúp ích ngành Tráng - Word
CHUYÊN HIỆU NGÀNH TRÁNG
Trong Phong Trào Hướng Đạo, chuyên hiệu (năng hiệu) là một trong những thước đo khả năng và bản lĩnh của một Hướng Đạo sinh. Nó thể hiện “đẳng cấp” chuyên môn và “bề dày” của người mang nó. Qua trò chơi thi lấy chuyên hiệu và đẳng thứ, bản thân các em Hướng Đạo sinh được thăng tiến một cách tự nhiên về kỹ năng, kiến thức và thái độ mà bản thân các em không để ý hay không hề hay biết. Nhưng sự thăng tiến này được các Trưởng trong Ban Huynh trưởng đơn vị nhận biết rất rõ qua “Bản lĩnh trại mạc” của từng em một. Ở ngành Tráng chuyên hiệu được nâng lên ở tầm mức cao hơn, nó không dừng lại ở một trò chơi mà còn là hiệu quả của công cuộc giúp ích cho bản thân, gia đình, Phong Trào Hướng Đạo và cộng đồng xã hội .
Trên thế giới, đối với ngành Tráng có nhiều chuyên hiệu thể hiện sự cống hiến của cá nhân qua các công cuộc giúp ích mà đỉnh cao của nó là các huy chương để tri ân những sự cống hiến này. Huy chương được trao cho những cá nhân đã có công đóng góp cho công cuộc giáo dục của Phong Trào Hướng Đạo và phục vụ xã hội. Ở Việt Nam trước năm 1975, chỉ có một Trưởng duy nhất được nhận huy chương đó là Trưởng Trần Văn Khắc nhận huy chương Kim Long ở trại Giữ Vững năm 1970 tại Suối Tiên vì những cống hiến của Trưởng trong việc xây dựng PTHĐ VN.
Tại Việt Nam, từ khi thành lập vào năm 1930 các đơn vị Hướng Đạo ở Việt Nam đều theo kiểu mẫu của Hướng Đạo Pháp. Đến năm 1935 Trưởng Võ Thành Minh thành lập Tráng đoàn đầu tiên, Tráng đoàn Bạch Mã ở Huế. Tất cả tập tục, nghi thức và chuyên hiệu của Tráng đoàn sử dụng đều nhất tề giống Hướng Đạo Pháp (hai hội Scout de France và Éclaireurs de France). Đến năm 1959 Trưởng Cung Giũ Nguyên cải tổ lại ngành Tráng HĐVN, Trưởng đã biên soạn một bản Dự án Quy chế Ngành Tráng (dựa theo Quy chế HĐ Anh Quốc) thay cho cuốn “Sổ đường” dịch từ HĐ Pháp đang sử dụng trước đó. Theo quy chế này, ngành Tráng có 6 chuyên hiệu và chuyên hiệu “Cấp cứu” đòi hỏi những điều kiện khó khăn nhất.
Năm 1964, Trưởng Mai Liệu soạn thảo và phổ biến cuốn Dự thảo Quy chế ngành Tráng khác dựa theo Quy chế ngành tráng của Hội HĐ Công giáo Pháp (Scout de France). Theo cuốn Quy chế mới này Tráng sinh đi qua 3 giai đoạn: Dự tráng, Thuần tráng và Tráng huynh. Chuyên hiệu ngành Tráng vẫn được sử dụng trong các Tráng đoàn lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, Bản dự án Quy chế ngành Tráng này có nhiều bất cập và gặp sự phàn nàn của nhiều Tráng trưởng và Thiếu trưởng nên Bộ Tổng ủy viên phải nhờ trưởng Trần Điền lúc đó đang phụ trách ngành Tráng Đạo Thừa Thiên đứng ra tổ chức Hội nghị Tráng trưởng toàn quốc. Vào dịp này, Trưởng Tôn Thất Hy là phụ tá Ủy viên ngành Tráng đạo được cử làm Trưởng xưởng Quy chế ngành tráng, nhờ tinh thần làm việc cao độ và sự hướng dẫn tinh tường của trưởng Trần Điền, một bản Quy chế ngành Tráng mới ra đời và được Bộ tổng Ủy viên ban hành để áp dụng trên toàn quốc cho đến ngày 30/04/1975. Trong bản Quy chế này có 3 điều thay đổi quan trọng:
- Bỏ chuyên hiệu ngành Tráng.
- Bỏ lễ Tiễn Thiếu sinh lên Tráng.
- Bỏ cấp Tráng huynh.
Việc bỏ chuyên hiệu ngành Tráng và cấp Tráng huynh lúc bấy giờ gây nhiều tranh cãi, bất đồng trong các Trưởng Lãnh đạo ngành Tráng tại các địa phương có Tráng đoàn sinh hoạt…
Sau 1975 cũng như các ngành khác, ngành Tráng HĐVN tạm ngừng sinh hoạt. Đến thập kỷ 1980 đến 1990 một số đơn vị tự phát nhen nhóm lại, nhưng sinh hoạt một cách tự phát và phát triển một cách manh mún, chỉ “nghe ngóng” động viên nhau và “Giữ lửa” là chính.
Năm 2006. Theo thư mời của Trưởng Trần Văn Lược (Nguyên tổng Ủy viên HĐVN nhiệm kỳ 1972-1975 (chưa có Đại hội đồng kế tiếp để bầu lại) đã mời các Đạo trưởng, Liên đoàn Trưởng và các Tráng trưởng các Tráng đoàn biệt lập từ Quảng Trị đến Cần Thơ (Miền Nam Việt Nam cũ trước 1975) về dự Hội nghị Huynh trưởng Toàn quốc : ”huynh đệ nhất gia” từ
6 giờ ngày 14/10/2006 đến 13 giờ ngày 15/10/2006 tại Biên Hòa, Đồng Nai. Hội nghị đã bầu lại
Trưởng trần Văn Lược làm trưởng Ban điều hành HĐVN. Trong giai đoạn này sinh hoạt ngành Tráng đã bắt đầu khôi phục và sinh hoạt khá quy cũ.
Sau một quá trình sinh hoạt, có sự lẫn lộn, không đồng bộ giữa các Tráng đoàn khi áp dụng các Quy chế ngành Tráng đã diễn ra, tùy theo các Tráng trưởng được đào tạo ở đơn vị nào và thời điểm nào. Để thống nhất lại, Trưởng Nguyễn Vĩnh Thịnh phụ trách ngành Tráng của Ban Điều hành HĐVN đã thành lập Ban soạn thảo và tu chỉnh quy chế và làm việc từ năm 2008, vì nhiều lý do chủ quan và khách quan đến năm 2012 bản Quy chế ngành Tráng mới hoàn tất. Bản quy chế này đã được thông qua tại Hội nghị Huynh trưởng “Huynh đệ Nhất gia” lần 2 tổ chức tại Đồng Nai và Quận 9, TP.HCM. Tuy nhiên, trong Quy chế ngành Tráng 2012 này, phần chuyên hiệu chuyên môn của ngành Tráng chưa được đề cập một cách đầy đủ và có hệ thống. Nên Toán Sinh hoạt ngành Tráng đã thành lập Ban Nghiên cứu chuyên hiệu Ngành Tráng và đã soạn thảo ra hệ thống chuyên hiệu ngành Tráng theo tinh thần của Hội nghị ngành tráng Toàn quốc ngày 10/01/2016 tổ chức tại Thủ Đức, TP.HCM đã đề ra.
Chuyên hiệu ngành Tráng không giống như những chuyên hiệu của các ngành Nhi, Ấu, Thiếu, Kha chỉ nhằm mục đích rèn luyện kiến thức, kỹ năng, thái độ và góp phần hướng nghiệp cho các em HĐS, là yếu tố giúp các em thăng tiến trên con đường trở thành một công dân tốt cho xã hội mai sau. Chuyên hiệu ngành Tráng nhằm vào mục đích phục vụ một cách hiệu quả cho bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội. Có nghĩa là khi Tráng sinh mang trên tay áo chuyên hiệu nào thì người Tráng sinh đó có thể giúp ích hiệu quả cho cộng đồng về lĩnh vực đó. Hay nói khác đi, khi người dân có thể nhờ giúp đỡ về lĩnh vực chuyên môn mà người Tráng sinh mang trên tay áo. Vì thế, chuyên hiệu ngành Tráng mang tính chuyên sâu và và có giá trị sử dụng cao hơn các ngành khác chỉ nhằm vào mục đích giáo dục.
Để xây dựng lại hệ thống chuyên hiệu ngành Tráng chúng tôi đề nghị 4 loại chuyên hiệu nên dùng trong ngành Tráng hiện nay như sau
I. CÁC LOẠI CHUYÊN HIỆU
1. Chuyên hiệu phục vụ cộng đồng (viền đỏ)
Đây là dạng chuyên hiệu được trao trong các công cuộc phục vụ, cấp cứu thảm họa, giúp ích cộng đồng. Các Tráng sinh đã kinh qua những khóa huấn luyện, những nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực mình phục vụ và đã đóng góp thiết thực, hiệu quả trong cộng đồng được xã hội và Toán Sinh hoạt ngành Tráng công nhận.
Ví dụ:
- Cấp cứu thảm họa.
- Chuyên hiệu cứu hộ trên biển.
- Chuyên hiệu bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
- Chuyên hiệu bảo vệ môi trường.
- Chuyên hiệu bảo tồn văn hoá truyền thống.
- Chuyên hiệu xây dựng giúp ích cộng đồng
- …
2. Chuyên hiệu trong sinh hoạt ngành Tráng (viền xanh cỏ úa nhạt)
Đây là các chuyên hiệu về chuyên môn Hướng Đạo ở cấp độ Tráng (dựa trên hiệu quả công việc). Chuyên hiệu này sẽ được các chuyên gia, các bộ phận chuyên môn đánh giá và Toán Sinh hoạt ngành Tráng công nhận.
Ví dụ:
- Chuyên hiệu thám du.
- Chuyên hiệu leo núi.
- Chuyên hiệu tổ chức sự kiện.
- Chuyên hiệu sơ cấp cứu.
- …
3. Chuyên hiệu ngành nghề (viền xám)
Ở lứa tuổi Tráng, thường mỗi người đều có một nghề nghiệp ổn định. Về phương diện tay nghề, đôi khi họ ở trình độ “chuyên gia”. Vì thế, hiển nhiên Tráng sinh này đã đạt trình độ về chuyên môn ở lĩnh vực đó, nên có thể đeo chuyên hiệu này mà không cần phải qua sát hạch. Mặt khác, khi đi giúp ích trong Phong Trào hay cộng đồng xã hội, sự hiện diện của chuyên hiệu này trên vai áo người Tráng sinh sẽ báo cho mọi người biết có một người có thể giúp cho họ về chuyên môn này khi hữu sự.
Ví dụ:
- Bác sĩ có thể đeo chuyên hiệu y tế.
- Hoạ sĩ có thể đeo chuyên hiệu hội hoạ.
- Nhạc sĩ có thể đeo chuyên hiệu nhạc sĩ…
4. Chuyên hiệu sáng tạo (viền tím)
Là chuyên hiệu được thiết kế mẫu riêng cho từng công trình nghiên cứu, sáng tạo mà người Tráng sinh đó đóng góp cho PTHĐ hay cộng đồng xã hội ở địa phương, quốc gia và quốc tế. Công trình này được cơ quan chức năng thẩm định và Toán Sinh hoạt ngành tráng công nhận.
II.HÌNH THỨC THỂ HIỆN
Chuyên hiệu thể hiện dưới hình thức Badge thêu hình lục giác
- Kích thước đường kính ngoài 3,5cm.
- Bề dày viền 0,2cm
- Cách sắp xếp : xếp hình tổ ong với chuyên hiệu cấp cứu đặt giữa
- Màu sắc theo quy định cho từng loại
- Chuyên hiệu phục vụ cộng đồng: viền đỏ.
- Chuyên hiệu sinh hoạt: viền xanh cỏ úa nhạt.
- Chuyên hiệu ngành nghề: viền xám.
- Chuyên hiệu sáng tạo: viền tím.
- Trường hợp đặc biệt
Riêng chuyên hiệu phục vụ cộng đồng và chuyên hiệu sáng tạo tùy thuộc vào nội dung và tính chất thời sự của công việc Tráng sinh đó đạt được mà đơn vị cấp có thể sáng tạo ra nội dung thể hiện cho sát hợp. Tuy nhiên, về kích thước, màu sắc viền và quy cách đeo phải tuân theo qui định
III.MẪU CHUYÊN HIỆU
1. CHUYÊN HIỆU PHỤC VỤ CỘNG ĐỒNG
1.1 Chuyên hiệu CỨU HỘ TRÊN BIỂN
1.2 Chuyên hiệu BẢO VỆ SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG
1.3 Chuyên hiệu BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
1.4 Chuyên hiệu CẤP CỨU THẢM HỌA
1.5 Chuyên hiệu BẢO TỒN VĂN HÓA
1.6 Chuyên hiệu XÂY DỰNG GIÚP ÍCH
2. CHUYÊN HIỆU SINH HOẠT
6.1 Chuyên hiệu THÁM DU
6.2 Chuyên hiệu LEO NÚI
6.3 Chuyên hiệu SƠ CẤP CỨU
6.4 Chuyên hiệu TỔ CHỨC SỰ KIỆN
3. CHUYÊN HIỆU NGÀNH NGHỀ
Dưới đây là một số ngành nghề minh họa
Sẽ còn phải bổ sung, lược bỏ bớt hoặc nhập một số với nhau
Các chuyên hiệu gắn trên đôi vai người Tráng sinh phải tiêu biểu cho những giá trị thực sự của người Tráng sinh đó trong cộng đồng. Vì thế, xây dựng một hệ thống chuyên hiệu cho ngành Tráng là một nhu cầu thiết thực và mỗi chuyên hiệu phải được cân nhắc kỹ và áp dụng trong sinh hoạt ngành Tráng một cách nghiêm túc.
Tóm lại, chuyên hiệu ở ngành Tráng là một loại chuyên hiệu mà tính hiệu quả của nó được đặt lên hàng đầu. Nó nói lên sự đóng góp hữu hiệu của một cá nhân hay tập thể cho Phong Trào Hướng Đạo cũng như cộng đồng xã hội trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Các chuyên hiệu gắn trên đôi vai người Tráng sinh phải tiêu biểu cho những giá trị thực sự của người Tráng sinh đó trong cộng đồng. Vì thế, xây dựng một hệ thống chuyên hiệu cho ngành Tráng là một nhu cầu thiết thực và mỗi chuyên hiệu phải được cân nhắc kỹ và áp dụng trong sinh hoạt ngành Tráng một cách nghiêm túc.
Chuyên hiệu Ngành Tráng này được áp dụng trong các đơn vị Tráng đang sinh hoạt thuộc Ban Điều hành Hướng Đạo Việt Nam kể từ ngày ký. Các chuyên hiệu này có thể được tu chỉnh qua đề nghị của các Trưởng trong hội nghị Ngành Tráng toàn quốc và được hội nghị thông qua.
TM. Ban Điều hành Hướng Đạo Việt Nam
Tr.TRẦN MINH THIỆN
TM. Toán Sinh hoạt ngành Tráng
Tr. NGUYỄN TRỌNG LUYỆN