Sách Nguyên lý hướng đạo

Sách Nguyên lý hướng đạo

Tài liệu: Nguyên lý hướng đạo
Người viết: Vĩnh Đào
Tựa: Jacques Moreillon – Nguyên Tổng Thư ký Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới

Mục lục

Lời nói đầu (ấn bản 2017)

Phương pháp giáo dục hướng đạo do Huân tước Baden-Powell khai sinh tại Anh hơn một thế kỷ nay; từ đó hướng đạo đã trở thành một phong trào trải rộng khắp thế giới và đã tỏ ra có một khả năng lôi cuốn phi thường và một hiệu quả rất cao  trong việc giáo dục thanh thiếu niên.

Đường lối giáo dục hướng đạo dựa trên một số yếu tố cơ bản thường được gọi là Nguyên lý hướng đạo. Nhưng trong một thời gian lâu dài, việc giải thích các nguyên lý hướng đạo không có tính cách thống nhất và xuất phát từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau, sự trình bày cũng thay đổi tùy theo quan điểm của từng người. Để việc xác định các nguyên lý hướng đạo được thống nhất và rõ ràng, Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới đã đúc kết các yếu tố cơ bản của phong trào hướng đạo trong một bản văn được trình bày trong ba điều khoản đầu tiên ghi trong Chương I của Hiến chương được tu chính vào năm 1977. Tài liệu này nhằm giải thích nguyên lý hướng đạo theo quan điểm chính thức đó. Bản văn của Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới trình bày một cách cô đọng những yếu tố cơ bản cấu tạo thành nguyên lý hướng đạo, nhiệm vụ của chúng ta là tìm hiểu một cách tường tận những điểm chính yếu đó để bảo đảm rằng lề lối sinh hoạt trong đơn vị hướng đạo của chúng ta đi theo đúng phương pháp và đường lối chung. Lựa chọn lối giải thích theo Hiến chương Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới có một lợi điểm hiển nhiên: đó là cách giải thích thống nhất cho tất cả các nước hội viên trên thế giới.

Sau phần nhắc lại nguồn gốc của phong trào hướng đạo, tập tài liệu này sẽ phân tích từng thành phần một của nguyên lý hướng đạo. Một chương tóm lược sẽ ghi lại vắn tắt tất cả các yếu tố cơ bản đã nêu. Sau khi nắm vững các yếu tố nền tảng, cần phải nhìn lại một số vấn đề đặt ra cho phong trào hướng đạo ngày nay, đặt biệt là Hướng Đạo Việt Nam, nên sẽ có một số suy nghĩ về các vấn đề xây dựng chương trình sinh hoạt, truyền thống hướng đạo, huấn luyện trưởng… Chương I của bản Hiến chương Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới trình bày các nguyên tắc cơ bản sẽ được in lại theo nguyên bản bằng Anh ngữ kèm bản dịch Việt ngữ trong phần Phụ lục để tiện việc tham khảo.

Tài liệu này có thể được sử dụng cho các khóa huấn luyện trưởng hướng đạo. Tuy nhiên, với mục đích giúp những người chưa biết đến phong trào cũng có thể tìm hiểu những đặc điểm chính yếu của hướng đạo nên tài liệu cố gắng trình bày vấn đề để không ai cảm thấy bỡ ngỡ, dù phải nhắc lại một số chi tiết mà các anh chị em hướng đạo cảm thấy quá quen thuộc.

Quyển sách nhỏ này đã được phát hành lần đầu tiên vào năm 1993 tại Canada, với lời đề tựa của Tiến sĩ Jacques Moreillon, Tổng Thư ký Văn Phòng Hướng Đạo Thế Giới vào lúc đó. Sách đã được tái bản vào năm 2012 tại Washington DC. Ở kỳ tái bản lần này vào năm 2017 do Ban Điều Hành Hướng Đạo Việt Nam thực hiện, tác giả đã xem lại toàn bộ, cập nhật và bổ sung rất nhiều chỗ, ghi nhận những điểm bổ túc về nguyên lý Hướng Đạo quyết định tại Hội Nghị Thế Giới năm 2008 tại Hàn Quốc.

Như đã nói, Hội Nghị Hướng Đạo Thế Giới họp tại Montreal, Canada, năm 1977 đã biểu quyết tu chính Chương I của Hiến chương để lần đầu tiên ghi các điểm căn bản định nghĩa nguyên lý hướng đạo trong ba điều khoản đầu tiên của Hiến chương. Sau hơn 30 năm áp dụng, Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới mới tiến hành thủ tục tu chính một lần nữa một số điều khoản của Hiến chương, chủ yếu là để cải tổ một số thể thức điều hành nội bộ. Trong dịp này, các điều khoản về nguyên lý hướng đạo cũng được bổ túc trên một vài chi tiết. Và Hội Nghị Hướng Đạo Thế Giới họp tại Jeju, Hàn Quốc, vào mùa hè năm 2008 đã chuẩn y những thay đổi này trong bản Hiến chương. Những điểm tu chính liên quan đến nguyên lý hướng đạo chỉ có tính cách bổ túc, không có thay đổi trong những đường nét căn bản. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên mà những điều khoản liên quan nguyên lý hướng đạo được tu chính kể từ năm 1977. Tài liệu này đã được cập nhật hóa để ghi nhận những điểm bổ túc này.

Tháng 9, 2017

Un jour, le Scoutisme renaîtra au Vietnam, pays où il a connu de grandes heures et où il a formé des générations de cadres, qui ont donné sa texture invisible à ce beau pays et à ce grand peuple au destin tragique.

Ceux qui, comme moi, ont bien connu le Vietnam, savent que c’est le Scoutisme qui a formé certains de ses meilleurs matériaux humains. Aussi estil vital, essentiel, de préserver au sein de la culture vietnamienne les buts, la méthode, les principes et l’esprit du Scoutisme.

“De la tradition, gardons la flamme et non les cendres”. Tel pourrait être le moto de l’ouvrage du Dr. Vinh Dao, Vice-Président du Comité International du Scoutisme Vietnamien, qui a voulu – et qui a su – donner dans son ouvrage l’essentiel du Scoutisme tel qu’il est aujourd’hui, fidèle à sa tradition et à son Fondateur, mais adapté aux besoins de la jeunesse contemporaine, “toujours prêt” à remplir sa mission pédagogique qui est le développement intégral de la personnalité de l’enfant et de l’adolescent, dans ses dimensions morale, physique, intellectuelle et spirituelle, pour en faire des citoyens à part entière, utiles à leur communauté aux niveaux local, national et international.

Ce livre est un legs précieux à la jeunesse vietnamienne, dans la diaspora et au Vietnam même, qui demain aura créé un pays qui lui ressemblera. Entre autres, grâce au Scoutisme maintenu… et retrouvé.

Genève, le 6 janvier 1993

Jacques Moreillon

Secrétaire Général, Organisation Mondiale du Mouvement Scout

Lời giới thiệu (Tựa)

Một ngày, Phong trào Hướng đạo sẽ tái sinh tại Việt Nam, một đất nước mà hướng đạo đã sống những giờ huy hoàng và đã đào tạo nên nhiều thế hệ trưởng, đã góp phần xây dựng nên một đất nước đẹp với một dân tộc hào hùng nhưng có một vận mạng bi thương.

Những người, như tôi, đã từng biết nước Việt Nam, hiểu rằng chính Hướng đạo đã đào tạo một số trong những thành phần ưu tú nhất của đất nước. Vì vậy, duy trì trong văn hóa Việt Nam các mục đích, phương pháp, các nguyên tắc và tinh thần của Hướng đạo là một điều hết sức cần thiết.

“Nơi truyền thống, nên giữ ngọn lữa, đừng ôm đống tro tàn”. Đó có thể là châm ngôn của tác phẩm của Tiến sĩ Vĩnh Đào, Phó Chủ tịch Hội Đồng Trung Ương Hướng Đạo Việt Nam tại hải ngoại. Ý định của tác giả – và ông đã thành công trong việc này – là trình bày trong quyển sách những gì là thiết yếu trong phong trào Hướng đạo ngày nay, một phong trào trung thành với truyền thống của mình và với Vị Sáng lập, nhưng thích ứng với những nhu cầu của tuổi trẻ ngày nay, “sắp sẵn” để làm tròn nhiệm vụ giáo dục của mình, nghĩa là phát triển toàn diện nhân cách của trẻ em và thiếu niên trong các mặt đạo đức, thể chất, trí tuệ và tinh thần, để đào tạo thành những công dân toàn vẹn, có ích cho cộng đồng ở các cấp địa phương, quốc gia và quốc tế.

Sách này là một di sản quí báu cho tuổi trẻ Việt Nam, tại hải ngoại cũng như ngay tại Việt Nam, một tuổi trẻ mà ngày mai sẽ xây dựng một đất nước Việt Nam giống mình. Một phần cũng nhờ vào Phong trào Hướng đạo được giữ vững và… được tìm thấy lại.

Genève, ngày 6 tháng giêng 1993

Jacques Moreillon

Tổng Thư ký, Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới

Chương I: HƯỚNG ĐẠO LÀ GÌ?

Một số ý kiến thường nghe

Danh từ hướng đạo cũng như hình ảnh các hướng đạo sinh hẵng không còn xa lạ gì đối với mọi người. Tuy vậy, chắc chắn sẽ không ít người lúng túng khi cần giải thích hướng đạo là gì? Chúng ta có thể đặt câu hỏi với những người thường hay thân cận tiếp xúc với các đoàn hướng đạo, ngay cả với một số phụ huynh các em hướng đạo: hướng đạo là gì? Câu hỏi vậy mà không dễ trả lời.

Chắc có vị sẽ cho ý kiến:

  • Theo tôi, hướng đạo là một đoàn thể đi cắm trại, vì tôi thấy các đoàn hướng đạo thường hay tổ chức cắm trại và các em cũng thích thú lắm. Em nào cũng náo nức khi chuẩn bị đi cắm trại. Nếu hướng đạo mà không có cắm trại thì đâu còn là hướng đạo nữa!

Một vị khác lên tiếng:

  • Hướng đạo thường có mặt trong các ngày lễ của cộng đồng, giúp giữ gìn trật tự, làm hàng rào danh dự, phụ giúp dọn dẹp. Hướng đạo cũng tham gia các công tác làm sạch đường phố, công viên… Hướng đạo tham gia rất tích cực các chiến dịch cứu trợ, quyên góp, luôn luôn có mặt để cứu giúp khi có thiên tai, bảo lụt… Theo tôi, hướng đạo là một đoàn thể làm công tác xã hội.

Đến đây có thể có nhiều ý kiến bổ túc:

  • Hướng đạo hay tổ chức lửa trại, làm văn nghệ, ca, diễn kịch giỏi lắm… Các em hướng đạo biết hát những bài hát ngộ nghỉnh, đóng kịch rất tự nhiên, ít có trẻ em nào bằng. Hướng đạo, theo tôi, giống như một đoàn văn nghệ…
  • Hướng đạo hay sinh hoạt ngoài trời, tổ chức cho các em chơi bóng đá, bóng chuyền, cùng nhiều môn thể thao và trò chơi khác. Hướng đạo rèn luyện một thân thể lành mạnh, cổ vũ cho một cuộc sống lành mạnh. Hướng đạo có vẽ gần với một đoàn thể thao…
  • Chưa chắc như vậy, tôi thấy tại mấy kỳ trại hướng đạo, buổi sáng có giờ tinh thần, có mời các thầy, các vị linh mục, đến làm lễ rất trang nghiêm. Lời hứa hướng đạo cũng nói rằng: “Tôi lấy danh dự hứa cố gắng hết sức làm bổn phận đối với tín ngưỡng tâm linh, Tổ quốc và quốc gia tôi…” Hướng đạo đặt tín ngưỡng tâm linh lên hàng đầu, vậy hướng đạo có vẻ như là như một đoàn thể tôn giáo. Chỉ có khác ở chỗ là trong hướng đạo, không phải chỉ có một tôn giáo mà thôi, mà có nhiều đoàn sinh thuộc nhiều tôn giáo sinh hoạt chung với nhau…
  • Hướng Đạo Việt Nam giúp các em hiểu thêm lịch sử, địa lý nước mình qua các trò chơi, các cuộc thám du… thuộc ca dao, tục ngữ, hiểu biết hơn về văn hóa Việt Nam, tập tục cổ truyền của dân tộc… Vậy hướng đạo cũng giống như một đoàn thể văn hóa, nhưng với những hình thức sinh hoạt sinh động hơn mà thôi…

Những ý kiến phát biểu trên không sai, nhưng chỉ giới hạn ở một góc độ nào đó. Khi nêu ra ví dụ này, chúng tôi không có ý phê bình sự hiểu biết của các vị phụ huynh về phong trào hướng đạo, mà chỉ muốn nói rằng nhiều khi khó có được một cái nhìn bao quát để có một ý niệm đúng về một tổng thể không đơn giản.

Mà hướng đạo là một tổng thể không đơn giản nên ít người có một quan niệm thật đầy đủ và chính xác.

Một phong trào giáo dục và quan niệm “phát triển toàn diện”

Trước hết, Hướng Đạo là một phong trào giáo dục thanh thiếu niên. Nói đến giáo dục, người ta nghĩ ngay đến nhà trường, là nơi có chức năng mở mang trí tuệ, truyền đạt những kiến thức để chuẩn bị cho các công dân trẻ tuổi khi lớn lên có những khả năng và kiến thức cần thiết để tham gia vào đời sống kinh tế và xã hội.

Nhưng ngoài những gì học hỏi ở nhà trường, mỗi người đều cũng học hỏi qua những tiếp xúc với nguời chung quanh, với môi trường xã hội, qua những kinh nghiệm thu thập được trong công việc làm, trong đời sống, và như vậy trong suốt cả đời người. Các thanh thiếu niên, ngoài sự giáo dục nhận được từ nhà trường, còn được giáo dục bởi gia đình, qua sự tiếp xúc với bạn bè, với xã hội. Hướng đạo không có tham vọng thay thế giáo dục của nhà trường hay của gia đình, mà chỉ đem lại một nền giáo dục bổ túc, nghĩa là hướng đạo làm những gì mà nhà trường hay gia đình không có phương tiện, hay thời giờ để chú trọng đến, để quan tâm đúng mức.

Ai cũng biết trường học đặt trọng tâm vào việc phát triển trí tuệ, dạy cách suy luận, truyền đạt thật nhiều kiến thức khoa học và nhân văn. Nhà trường cũng có giờ thể dục để học sinh rèn luyện thân thể, chơi các môn thể thao, nhưng rõ ràng đây chỉ là một mặt rất thứ yếu trong hoạt động của nhà trường. Chức năng của giáo dục nhà trường là mở mang trí tuệ. Còn về nhà thì gia đình truyền dạy cho con cái những ý niệm cơ bản về đạo đức, cách xử thế trong nhà và ngoài đời, đôi khi cũng giúp đỡ việc học hành của con em. Nhưng cha mẹ thường không thể đảm nhận hết phần nhiệm vụ giáo dục của mình và đôi khi còn phó mặc cho nhà trường việc dạy dỗ con cái.

Một số đoàn thể cũng tham gia vào công tác giáo dục thanh thiếu niên. Một hội đoàn thể thao chú trọng đến mặt phát triển thể xác, không quan tâm đến một lãnh vực nào khác. Các đoàn thể tôn giáo chú trọng đến lãnh vực tinh thần, với mục đích khuyến khích các bạn trẻ tìm hiểu giáo lý, sống, cư xử theo những điều chỉ dạy của tôn giáo. Các đoàn thể tôn giáo đôi khi cũng tổ chức cắm trại, tổ chức trò chơi… nhưng mục đích chính vẫn là truyền bá giáo lý.

Hướng đạo đặt mục đích giáo dục một cách bao quát hơn và có nhiều tham vọng hơn, nghĩa là phát triển toàn diện con người. Hướng đạo lấy đối tượng giáo dục là các thanh thiếu niên và giúp thanh thiếu niên phát triển toàn vẹn các khả năng của mình trên tất cả các lãnh vực: thể xác, trí tuệ, cảm xúc, xã hội và tinh thần, để sau này trở thành những công dân hữu ích và tích cực, có tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng góp sức vào việc xây dựng cộng đồng xã hội. Trái với các đoàn thể khác, hướng đạo không đặt trọng tâm vào một khía cạnh đặc biệt nào đó trong số các khả năng của con người mà nhắm vào việc đào tạo những con người mà các khả năng được phát triển một cách hài hoà và quân bình trên mọi mặt. Đó là đặc điểm của hướng đạo và nét độc đáo trong phương pháp giáo dục hướng đạo. Nhưng giáo dục hướng đạo không thay thế cho giáo dục của nhà trường, của gia đình, của xã hội… mà chỉ có tham vọng đóng góp thêm vào công tác giáo dục thanh thiếu niên.

Vài con số

Năm 1907 được xem như là năm khởi đầu của phong trào hướng đạo, khi Baden-Powell, vào mùa hè năm đó, dẫn 22 đứa trẻ cư ngụ trong vùng thủ đô London đến hòn đảo Brownsea cắm trại trong 9 ngày và thử nghiệm phương pháp mới về giáo dục thanh thiếu niên của ông. Phương pháp “hướng đạo” được đón tiếp một cách nồng nhiệt và phong trào hướng đạo xuất phát từ Anh, lan đi rất nhanh trên toàn thế giới.

Đến năm 2017, số hội viên của Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới lên đến 169 quốc gia và lãnh thổ. Số đoàn viên của phong trào trên toàn thế giới là 36,7 triệu. Ngoài ra có thể kể thêm khoảng 10 triệu đoàn viên của Hiệp Hội Thế giới Nữ Hướng Đạo, là một tổ chức riêng biệt dành cho phái nữ. Người ta ước lượng rằng từ lúc thành lập cho đến nay, có ít nhất 300 triệu người đã mang đồng phục hướng đạo.

Hiện nay, quốc gia có số đoàn viên cao nhất là Indonesia (21,6 triệu), kế tiếp là Ấn Độ (3,4 triệu) và Hoa Kỳ đứng hàng thứ ba với 3 triệu đoàn sinh. Những nước tiếp theo là Philippines (1,8 triệu), Ấn Độ (1.7 triệu), Bangladesh (1 triệu), Thái Lan (0,8 triệu)… Phần lớn các nước có đông đoàn sinh đều ở châu Á, hiện chiếm hơn một nửa tổng số hướng đạo của toàn thế giới. Một nước lớn ở Bắc Mỹ là Canada với số đoàn sinh 116 ngàn còn thấp hơn số đoàn viên của Nam Hàn (190 ngàn). Các nước lớn ở châu Âu: Đức, Pháp, Ý, mỗi nước có trên dưới 100 ngàn đoàn viên, ngoại trừ Anh, nơi phát xuất phong trào hướng đạo, có 528 ngàn đoàn viên.

Để cho thấy ảnh hưởng của các nước châu Á trong phong trào Hướng Đạo ngày nay thì tính trong số 10 nước hội viên của ASEAN, hai nước chưa phải là hội viên là Việt Nam và Lào, 8 nước còn lại có số đoàn sinh tổng cộng là 24,3 triệu người, chiếm 66,2% tổng số hướng đạo trên toàn thế giới. Có thể nói là hiện nay cứ 10 người Hướng Đạo trên thế giới là có gần 7 người là hướng đạo sinh một nước ASEAN.

Chỉ trong vòng mấy năm sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ (1989), phong trào hướng đạo ồ ạt tái sinh tại các nước Đông Âu và số hướng đạo sinh tại các nước này đã lên đến nửa triệu người. Hiện nay, toàn thể các nước Đông Âu và các nước cộng hòa trong Liên Bang Xô Viết cũ đều là hội viên của phong trào Hướng Đạo Thế Giới, điều này chứng minh là hơn bao giờ hết, phong trào hướng đạo là một phong trào có tính cách hoàn vũ, một phong trào thanh thiếu niên mạnh nhất và đầy sức sống trên thế giới ngày nay.

Tuy với số đoàn viên gần 37 triệu người trên thế giới, hướng đạo không phải là một phong trào đại chúng, nghĩa là không nhắm vào số đông, không đặt chỉ tiêu là thâu nhận đoàn viên càng nhiều càng tốt. Phương pháp hướng đạo đặt tầm quan trọng rất lớn trên chất lượng giáo dục nên các đoàn hướng đạo chỉ thâu nhận đoàn sinh khi có đủ số trưởng để hướng dẫn. Do đó, tỷ suất xâm nhập của hướng đạo trên bình diện thế giới (nghĩa là số đoàn sinh hướng đạo trên tổng số trẻ em cùng lứa tuổi) chỉ là 2,6%. Tỷ suất này cao hơn tại các nước công nghiệp đã phát triển, và thấp hơn tại các nước đang phát triển và các nước nghèo. Ở châu Á, với số hướng đạo sinh chiếm một nửa tổng số hướng đạo của thế giới, có tỷ suất xâm nhập là 2,9%, trong khi đó tại Bắc Mỹ, tỷ suất xâm nhập lên đến khoảng 12%. Tại châu Âu (1/4 tổng số hướng đạo trên thế giới), tỷ suất xâm nhập là 3,5%, với những sai biệt rất lớn giữa các nước: 3% tại Pháp, Đức… đến 12% tại Anh, 22% tại Luxembourg… Phần còn lại: châu Phi, các nước Ả rập, châu Mỹ la tinh, tỷ suất xâm nhập dưới 1%.

Với một tỷ suất xâm nhập khiêm nhường như trên, nhưng nếu chúng ta nhìn vào thành phần lãnh đạo của các nước trên mọi địa hạt (chính trị, kinh tế, kỹ thuật, văn hóa…) thì ta có thể thấy tỷ lệ các cựu hướng đạo trong thành phần lãnh đạo cao hơn nhiều tỷ suất xâm nhập đã trình bày trên đây, ít nhất là 3, 4 lần cao hơn, có khi lên đến 5 hay 10 lần cao hơn!

Lấy thí dụ tại Hoa Kỳ: 12% trong tổng số trẻ em trong nước là hướng đạo. Trong dân số đã trưởng thành, số cựu hướng đạo đáng lẽ cũng chiếm tỷ lệ đó (12%). Nhưng trong Quốc hội Hoa Kỳ (Thượng viện và Hạ viện), hơn ba phần tư (75%) là cựu hướng đạo. Phần lớn Tổng Thống Hoa Kỳ từ sau Đệ nhị thế chiến đến nay đã là hướng đạo lúc trẻ. Trong Hội đồng quản trị công ty IBM, ba phần tư thành viên Hội đồng quản trị cũng là cựu hướng đạo. Tại Pháp, tỷ lệ cựu hướng đạo trong dân số chỉ là 3%, nhưng một nửa các Tổng Bộ trưởng trong các chính phủ kế tiếp từ Thế chiến thứ hai đến nay là cựu hướng đạo. Tại châu Á, hơn một nửa các nhà lãnh đạo chính trị là cựu hướng đạo. Nếu nhìn trong các lãnh vực khác: kinh tế, kinh doanh, các xí nghiệp… tỷ lệ những người là cựu hướng đạo trong số những người nắm quyền quyết định cũng cao như vậy. Chúng ta có thể kể thêm nhiều thí dụ nữa và nhận thấy sự kiện lạ lùng này tại rất nhiều nước.

Tại sao có điều kỳ lạ như vậy? Tại vì hướng đạo nhắm mục đích huấn luyện đoàn sinh để sau này tham gia hoạt động chính trị và trở thành những nhà lãnh đạo trong tương lai? Không phải như vậy. Hướng đạo chỉ huấn luyện thanh thiếu niên trở thành những công dân tốt, có tinh thần trách nhiệm và giúp ích cho cộng đồng. Tại vì hướng đạo chọn lọc để tiếp nhận trong hàng ngũ chỉ có những phần tử giỏi, xuất sắc mà thôi, cho nên những người cựu hướng đạo chiếm tỷ lệ cao trong số các nhân vật hàng đầu trong mọi ngành là điều đương nhiên? Hoàn toàn không phải như vậy. Có những trường đại học danh tiếng (như Harvard, Yale… tại Hoa Kỳ, Oxford, Cambridge tại Anh, E.N.A., Polytechnique tại Pháp…) tuyển chọn rất gắt gao các sinh viên được nhận vào trường và tập trung những phương tiện tốt nhất để đào tại các sinh viên được chọn. Vì vậy, chỉ có những phần tử ưu tú nhất mới bước chân vào được các trường đó, cho nên không ai lấy làm lạ gì khi một số đông các nhà lãnh đạo trong mọi địa hạt xuất thân từ một số ít trường đại học danh tiếng. Hướng đạo không có tuyển chọn như vậy. Mọi trẻ em đều có thể được thâu nhận vào một đoàn hướng đạo, không phân biệt thành phần xã hội, màu da, tôn giáo… Nếu kết quả đưa đến là khi trưởng thành, người hướng đạo có khuynh hướng tự nhiên quan tâm đến công cuộc chung, có khả năng nắm giữ những vai trò lãnh đạo, đó là do những thói quen, cách sống, nếp suy nghĩ, những khả năng thu thập qua giáo dục hướng đạo. Nếu muốn quảng cáo cho “sản phẩm” của mình, nghĩa là mức hiệu quả của phương pháp giáo dục hướng đạo, chúng ta có thể nêu lên vô số những thành tích ghi nhận tại rất nhiều nước. Nhưng, chắc chắn vì bản chất khiêm nhượng, người hướng đạo thường rất “dở” khi nói về mình, và hiệu quả của phương thức giáo dục hướng đạo ít khi được “quảng cáo”, và cũng vì vậy ít ai ngờ được mức hiệu quả đó.

Vì sao một phương pháp giáo dục, nhiều khi được xem như là một “trò chơi cho trẻ em” lại đưa đến những kết quả kỳ diệu như vậy? Đâu là bí quyết của hướng đạo?

Chương II: NGUỒN GỐC VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA PHONG TRÀO HƯỚNG ĐẠO

Phong trào hướng đạo phát sinh từ một cuộc cắm trại trên đảo

Brownsea, Anh quốc, mùa hè năm 1907 do Robert Baden-Powell thực hiện cùng 22 đứa trẻ vùng ngoại ô London. Cuộc cắm trại cụ thể hóa một dự án mà Baden-Powell ấp ủ từ nhiều năm qua về một phương pháp mới để giáo dục thanh thiếu niên, một hình thức giáo dục không có tính cách gò bó như học đường nhưng hấp dẫn và lôi cuốn đối với trẻ em.

Tiểu sử B.P.

Ngày 22 tháng 2 năm 1857, Robert Stephen Smyth Baden-Powell sinh ra tại Paddington, một khu vực thuộc thủ đô London, Anh quốc (sau này các hướng đạo sinh gọi ông là B.P., hay BiPi). Ông là con thứ 8 trong một gia đình 10 người con. Cha là mục sư, mất khi B.P. chỉ mới 3 tuổi. Gia đình không khá giả cho nên B.P. được một học bổng để theo học trường Chaterhouse. Lúc đầu trường này tọa lạc tại London, nhưng sau dời ra ngoài thành phố, ở vùng Surrey. Tại đây, B.P. như cá gặp nước, thích rong chơi trong khu rừng gần trường, tò mò khám phá đời sống giữa thiên nhiên. Nhiều lúc ông bỏ học vào rừng bắt thỏ nấu ăn, và cẩn thận không để khói bốc lên để khỏi bị người khác bắt gặp. Ông có nhiều tài nghệ như chơi dương cầm, vĩ cầm, đóng kịch… Nhưng ông chỉ học dưới mức trung bình.

Mặc dù vậy, khi học hết bậc trung học, ông thi vào quân đội và đỗ thứ nhì trong số mấy trăm thí sinh. Ông được miễn theo học khóa sĩ quan và được điều động sang Ấn Độ vào năm 1876, lúc ông mới 19 tuổi. Tại đây ông chuyên về kỹ thuật thám thính và vẽ bản đồ địa thế. Sau đó ông được thuyên chuyển về vùng bán đảo Balkans rồi về châu Phi.

Tại Nam Phi, ông chỉ huy việc cố thủ thành Mafeking lúc xảy ra cuộc chiến tranh giữa quân đội Anh và quân Boers, là những di dân gốc Hòa Lan sinh sống tại Nam Phi nổi lên chống lại sự thống trị của người Anh. Thành Mafeking bị bao vây suốt 217 ngày. B.P. dùng những thiếu niên trong thành và giao cho nhiệm vụ đưa tin, thám thính vị trí của quân địch; và ông rất thán phục lòng dũng cảm, trí khôn ngoan của các em trong lúc thi hành nhiệm vụ được giao. Trở về Anh năm 1903, B.P. được đón tiếp như một vị anh hùng đã chỉ huy xuất sắc cuộc kháng cự của thành Mafeking. Quyển sách Aids to Scouting do ông viết để huấn luyện cho binh sĩ được các nhà giáo và những người phụ trách sinh hoạt thanh niên lúc đó dùng để huấn luyện cho trẻ em về kỹ thật quan sát và sống trong rừng. Thấy vậy, B.P. có ý định viết lại quyển sách đó, nhưng lần này nhắm vào đối tượng là các thiếu niên.

Mùa hè năm 1907, B.P. đem thí nghiệm những ý nghĩ và phương pháp giáo dục của mình bằng cách đưa 22 trẻ em thuộc mọi thành phần xã hội trong vùng London đi cắm trại trong 9 ngày vào đầu tháng 8 tại đảo Brownsea. Kết quả cuộc thử nghiệm tại đảo Brownsea có tiếng vang đến rất nhiều nước khác. Quyển Scouting for Boys (“Hướng Đạo cho trẻ em”) được xuất bản năm 1908 và được đón nhận rất nồng nhiệt. Nhiều đoàn thể hướng đạo tự phát mọc lên khắp nơi để bắt chước sinh hoạt theo phương pháp của B.P. Quyển Hướng Đạo cho trẻ em trở thành một quyển sách làm nền tảng cho một phong trào có tính cách toàn cầu xuất phát kể từ lúc đó, và sau đó đã được dịch ra trên 35 thứ tiếng. B.P. đã tìm được câu trả lời cho một nhu cầu bức bách của tuổi trẻ tại Anh cũng như trên toàn thế giới.

Tháng 9 năm 1908, B.P. thiết lập một văn phòng tại thủ đô Anh để giải đáp tất cả những thắc mắc, câu hỏi được gởi tới từ khắp nơi. Phong trào hướng đạo lan rất mau chóng đến nhiều nước khác, bắt đầu là tại châu Âu. Ngay từ năm 1909, một số em gái theo anh và các bạn tham dự một ngày họp bạn hướng đạo tại Crystal Palace ở thủ đô London, và các em thấy ham thích, muốn tiếp tục sinh hoạt theo cách thức đó. Phong trào Nữ Hướng Đạo ra đời kể từ năm đó.

Năm 1910, B.P. được 53 tuổi. Theo lời khuyên của quốc vương Anh Edward VII, ông xin về hưu và rời khỏi quân đội với cấp bậc Thiếu Tướng để có thể dành hết thời giờ cho phong trào hướng đạo. Ông du lịch khắp thế giới, giúp ý kiến, khuyến khích việc phát triển của phong trào. Trong một chuyến du hành, ông gặp cô Olave St. Clair Soames, và năm 1912 hai người làm lễ thành hôn. Cô Olave Soames, lúc đó mới 23 tuổi, giúp B.P. rất đắc lực trong nhiệm vụ của ông, và sau này trở thành thủ lãnh của phong trào Nữ Hướng Đạo. Sau khi phương thức hướng đạo được áp dụng thành công cho lứa tuổi thiếu niên 11-18 tuổi, B.P. đem áp dụng cho các em nhỏ tuổi hơn và thành lập ngành Ấu, hay Sói con, năm 1916.

Năm 1919, khu đất Gilwell Park gần London được dùng làm nơi huấn luyện các trưởng hướng đạo đến từ khắp nơi trong nước cũng như từ các nơi khác trên thế giới.

Năm 1920, cuộc họp bạn hướng đạo quốc tế đầu tiên được tổ chức tại Olympia, London, với 8,000 người tham dự. Cuối trại, B.P. được đồng thanh phong làm thủ lãnh của hướng đạo toàn thế giới. Nhân cuộc họp bạn, trưởng phái đoàn các nước tham dự gặp gỡ nhau để đặt nền móng cho một tổ chức quốc tế. Sau này, người ta xem đây là cuộc hội nghị quốc tế đầu tiên của Phong trào hướng đạo. Một Văn Phòng Quốc Tế Hướng Đạo được thiết lập tiếp theo đó tại London. Năm 1922, hội nghị quốc tế lần thứ hai được triệu tập tại Paris, Pháp, và Ủy Ban Quốc Tế đầu tiên (International Committee) được thành lập. Ba mươi ba quốc gia tham dự Hội nghị này được xem là những hội viên sáng lập của Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới.

Năm 1924, trại họp bạn toàn thế giới lần thứ hai được tổ chức tại Copenhagen, Denmark, và trại họp bạn lần thứ 3 được tổ chức tại Birkenhead, Anh quốc, vào năm 1929. Tại đây B.P. được phong tước Lord Baden-Powell of Gilwell do những đóng góp của ông cho công cuộc giáo dục thanh thiếu niên. Bắt đầu từ đây, các trại họp bạn hướng đạo toàn thế giới được tổ chức đều đặn 4 năm một lần.

Năm 1938, nhận thấy sức khỏe giảm sút, B.P. lui về tịnh dưởng tại Nyeri, một thành phố thuộc nước Kenya (châu Phi), và tiếp tục viết sách. Tổng cộng, ông đã cho xuất bản được 32 quyển về sinh hoạt hướng đạo các ngành Thiếu, rồi Ấu và Tráng, cũng như một số hồi ký. Ông mất ngày 8 tháng 1 năm 1941, lúc ông được 83 tuổi, và được chôn tại Nyeri. Baden-Powell phu nhân tiếp tục sự nghiệp của chồng cho tới ngày bà mất vào năm 1977.

Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới

Khi hướng đạo bắt đầu trở thành một phong trào quốc tế, một tổ chức quốc tế được thành lập nhân kỳ họp bạn thế giới đầu tiên tại London năm 1920 với số hội viên đầu tiên là 33 nước. Số hướng đạo sinh trên thế giới được thống kê lúc đó là trên 1 triệu. Năm 1950, số hội viên là 50 quốc gia và số đoàn sinh lên đến 5 triệu. Năm 1969, số đoàn sinh tăng lên thành 12 triệu và đến nay (2017), sỉ số hướng đạo sinh nam và nữ trên thế giới đã tăng lên trên gần 38 triệu, với số hội viên là 169 quốc gia và lãnh thổ (không kể số nữ hướng đạo trong tổ chức riêng của Hiệp Hội Nữ Hướng Đạo Thế Giới).

Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới nhóm họp đại hội đồng mỗi 3 năm một lần: “Hội Nghị Hướng Đạo Thế Giới” (World Scout Conference) gồm đại diện của tất cả các nước hội viên, là cơ quan quyền lực tối cao của Tổ Chức Thế Giới, có nhiệm vụ bảo đảm tính thống nhất, thúc đẩy sự phát triển của phong trào trên khắp thế giới, ấn định đường lối, chính sách chung. Tại mỗi quốc gia chỉ có một tổ chức hướng đạo được công nhận là hội viên của Tổ Chức Thế Giới. Trong trường hợp một nước có nhiều hội hướng đạo, những hội đó phải lập thành một Liên hội thay mặt cho tất cả thành viên để làm hội viên Tổ Chức Thế Giới.

Vì Hội Nghị Hướng Đạo Thế Giới chỉ họp 3 năm một lần nên các nước hội viên bầu ra 12 người thuộc 12 quốc gia hội viên khác nhau trong một “Ủy Ban Hướng Đạo Thế Giới” (World Scout Committee), là cơ quan chấp hành của Tổ chức, có trách nhiệm thi hành những quyết nghị của Hội Nghị Thế Giới và thay mặt Hội Nghị Thế Giới trong thời gian Hội nghị không họp. Cơ quan thường trực của Tổ Chức Thế Giới là “Văn Phòng Hướng Đạo Thế Giới” (World Scout Bureau), đứng đầu là Tổng Thư ký, do Ủy Ban Thế Giới bổ nhiệm, và có nhiệm vụ điều hành công việc hàng ngày, liên lạc với các quốc gia hội viên để giúp đỡ sự phát triển của phong trào, thực hiện các chỉ thị của Hội Nghị Thế Giới và Ủy Ban Thế Giới. Lúc đầu đặt trụ sở tại London, đến năm 1959 Văn Phòng Hướng Đạo Thế Giới đã di chuyển qua Ottawa, Canada, rồi dời về Geneva, Thụy Sĩ, vào năm 1968, và sau cùng dời về Kuala Lumpur, Malaysia, vào năm 2014.

Ngoài ra, Tổ Chức Thế Giới có đặt 6 Văn phòng Vùng tại: Santiago, Chile (châu Mỹ), Cairo, Ai Cập (Trung Đông), Nairobi, Kenya (châu Phi), Geneva, Thụy Sĩ (châu Âu), Manila, Philippines (châu Á – Thái Bình Dương), và Yalta, Ukraina (châu Âu-Á, Eurasia). Văn phòng Vùng tại Ukraina là văn phòng cuối cùng được mở để hổ trợ việc thành lập phong trào hướng đạo tại các nước trong khối Liên bang Xô Viết cũ, và hiện nay qui tụ các nước hội viên là Armenia, Azerbaijan, Georgia, Kazakhstan, Moldova, Tajikistan, Ukraina và Liên bang Nga. Các nước Đông Âu, gồm một số nước có mặt trong số 33 hội viên sáng lập của Phong trào Hướng Đạo Thế Giới vào năm 1920 như Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary, Rumania, Yugoslavia, Estonia, Latvia… đã lần lượt trở lại gia nhập Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới và tùy thuộc Văn phòng châu Âu.

Lịch sử của Phong trào Hướng Đạo Thế Giới bước vào một khúc quanh hết sức quan trọng sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ năm 1989. Cùng với việc phục hồi chế độ dân chủ tại các nước Đông Âu, phong trào hướng đạo hồi sinh nhanh chóng tại những nước vốn đã có một truyền thống hướng đạo lâu năm và lan qua những nước chưa hề biết đến sinh hoạt hướng đạo. Các nước Ba Lan, Hungary, Romania, Tiệp Khắc, Latvia, Yugoslavia lần lược xây dựng lại phong trào hướng đạo và gia nhập trở lại Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới, kéo theo một số nước hội viên mới như Croatia, Slovenia, Estonia… Một văn phòng thông tin của Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới đã được mở tại Moskva, thủ đô nước Nga, vào năm 1991, và để đáp ứng nhu cầu phát triển rất nhanh chóng của phong trào hướng đạo trong một vùng rộng lớn gồm các nước thuộc khối Liên Xô cũ, một Vùng mới được thiết lập trong năm 1997 và đặt trụ sở tại Ukraina.

Phong trào Hướng Đạo phát sinh từ châu Âu, nhưng những năm sau này phát triển rất mạnh ở châu Á, với số đoàn sinh đông đảo vượt hẳn các châu Âu và Mỹ. Trong một thời gian dài, các nước châu Âu hầu như nắm giữ độc quyền vị trí lãnh đạo của Phong trào Hướng Đạo Thế Giới, nhưng do tầm quan trọng ngày càng lớn của các hội Hướng Đạo châu Á nên cán cân ảnh hưởng lần lần nghiêng hẳn về phía châu Á. Trụ sở của Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới từ Genève, Thụy Sĩ, đã được chuyển về Kuala Lumpur, thủ đô Malaysia, vào năm 2014. Vị tổng thư ký hiện nay của Tổ Chức Thế Giới Ahmad Alhendawi, người Jordan, vùng Trung Đông, cũng là vị tổng thư ký đầu tiên không phải thuộc một quốc gia châu Âu hay châu Mỹ.

Hơn bao giờ hết, phong trào hướng đạo chứng tỏ tính cách hoàn vũ của mình, một phong trào có sức hấp dẫn lôi cuốn thanh thiếu niên khắp thế giới, không kể màu da, chủng tộc, tôn giáo.

Với số hội viên ngày càng đông đảo, việc đảm bảo tính thuần nhất của phong trào hướng đạo càng hết sức khẩn thiết. Việc theo đúng những nguyên tắc cơ bản của phong trào và áp dụng đúng đắn phương pháp hướng đạo là điều kiện tiên quyết để một đoàn thể được công nhận là hướng đạo. Trước khi thâu nhận một quốc gia hội viên mới, Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới cứu xét trước tiên xem mục đích của phong trào có được tôn trọng, các nguyên tắc cơ bản và phương pháp hướng đạo có được áp dụng đầy đủ tại quốc gia liên hệ hay không?

Chương III: ĐÂU LÀ NGUYÊN LÝ HƯỚNG ĐẠO ?

Nguyên lý hướng đạo tựu trung là những yếu tố được xem là nền tảng trong đường lối sinh hoạt thanh thiếu niên do Baden-Powell khởi xướng và áp dụng trong Tổ chức của Phong trào Hướng Đạo Thế Giới. Điều rắc rối là không bao giờ B.P. trình bày đầy đủ các mục tiêu giáo dục và phương pháp của ông trong một tài liệu rõ ràng để các trưởng hướng đạo đi sau ông dựa theo đó mà áp dụng. B.P. là một nhà hành động, không phải là một lý thuyết gia.

Vì vậy, những người kế tục B.P. phải tìm tòi, lượm lặt trong tất cả những sách vở, tài liệu do B.P. để lại về kinh nghiệm của ông để đúc kết những điểm xem là cơ bản trong phương thức sinh hoạt hướng đạo, đặc biệt là các quyển:

  • Scouting For Boys (“Hướng Đạo cho trẻ em”, 1908), sách viết về những sinh hoạt cho lứa tuổi 12-18, tức là ngành Thiếu trong hệ thống giáo dục hướng đạo;
  • The Wolf Cub’s Handbook (“Sổ tay Sói con”, 1916) viết cho lứa tuổi 8-12, ngành Ấu;
  • Rovering To Success (“Đường thành công”, 1922), viết cho lứa tuổi thanh niên sắp bước vào đời, tức là ngành Tráng, khi B.P. muốn đem hướng đạo đến với những thanh niên từ 18 tuổi trở lên, và
  • Aids to Scoutmastership (“Hướng dẫn cho Trưởng hướng đạo”, 1919).

Nhưng trong tất cả các sách đó, không có một quyển nào trình bày có hệ thống các nguyên tắc giáo dục của B.P. Những điểm cơ bản trong phương thức giáo dục của ông nằm rải rác trong những mẩu chuyện, những lời khuyên, những gợi ý về vô số những sinh hoạt bổ ích, hấp dẫn cho thanh thiếu niên. Vì vậy, những người muốn tìm hiểu các điểm căn bản của hướng đạo phải tự nghiên cứu, tìm tòi rồi sắp xếp theo lối trình bày của mình. Tại các nước, tài liệu, sách báo do các hội hướng đạo xuất bản thường chú trọng đến các mặt tổ chức sinh hoạt hơn là đi sâu vào lý thuyết. Các trưởng hướng đạo sinh hoạt đơn vị chỉ được trình bày về nguyên lý hướng đạo khi về dự những khóa huấn luyện ở một cấp tương đối cao tại Trại trường quốc gia, nhưng không phải ai cũng có điều kiện và cơ hội tham dự những khóa như vậy.

Trong hệ thống tổ chức huấn luyện cũ, những trưởng phụ trách công tác huấn luyện tại các nước được gởi tới Gilwell Park, là trại trường quốc tế tọa lạc trong vùng phụ cận thủ đô London, học hỏi các đặc điểm của phương thức giáo dục hướng đạo rồi về truyền lại cho những trưởng trong nước. Việc huấn luyện dựa trên một số tài liệu cơ bản, thường được gọi là thủ bản huấn luyện. Nhưng các tài liệu này thường chỉ là những đề cương để các trưởng huấn luyện dựa theo đó mà trình bày, hơn là những bản văn giải thích cặn kẻ vấn đề. Việc trình bày các nguyên lý hướng đạo trong các khóa huấn luyện phần lớn chỉ có tính cách truyền miệng, không có một tài liệu nào viết ra đầy đủ và chính xác. Cách trình bày cũng thường thay đổi từ trưởng này sang trưởng khác.

Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới nhận thấy, khi giao toàn quyền huấn luyện lại cho các quốc gia hội viên và Trại trưởng Gilwell không còn giữ quyền chỉ đạo huấn luyện nữa, cần phải có một tài liệu chính thức, trình bày rõ ràng các nguyên tắc cơ bản của phong trào hướng đạo để các nước hội viên tuân theo, hầu giữ tính thống nhất của những đặc điểm chung làm nền tảng cho phong trào trên toàn thế giới. Bản văn cần phải ngắn gọn, dễ hiểu nhưng bao gồm tất cả những yếu tố thiết yếu, không thê thiếu được.

Sau nhiều năm nghiên cứu, tham khảo, bàn cải, một bản văn trình bày các nguyên tắc cơ bản đã được đề nghị trước Hội Nghị Thế Giới kỳ thứ 26 của Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới họp tại Montreal, Canada, năm 1977. Hơn 100 quốc gia hội viên có mặt tại hội nghị quyết định tu chính Hiến chương của Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới và ghi bản văn đó ngay trong Chương I của Hiến chương. Bản văn trình bày trong các điều 1, 2 và 3 của Hiến chương trở thành bản văn chính thức duy nhất qui định các nguyên tắc cơ bản của Phong trào Hướng Đạo Thế Giới. Đây là lần đầu tiên mà những nguyên tắc cơ bản của phong trào hướng đạo được định nghĩa một cách rõ ràng và được viết thành văn bản.

Nhóm từ “nguyên tắc cơ bản”, hay nói gọn lại là “nguyên lý hướng đạo”, được định nghĩa như là những yếu tố nền tảng của phong trào, và gồm 3 thành phần sau đây: mục đích của phong trào hướng đạo, các nguyên tắc chỉ đạo, và phương pháp hướng đạo. Các nguyên tắc cơ bản là nền tảng chung của toàn thể phong trào trên thế giới, mặc dù sinh hoạt hướng đạo có thể mang nhiều hình thức khác nhau tùy theo môi trường xã hội của từng quốc gia.

Chương I của Hiến chương mang tựa đề là “Phong trào Hướng Đạo” và gồm có 3 điều, quy định:

  1. Định nghĩa và mục đích của Phong trào Hướng Đạo.
  2. Các nguyên tắc và sự thể hiện các nguyên tắc đó trong Lời Hứa và Luật Hướng Đạo.
  3. Phương pháp hướng đạo.

Ba thành phần này gọi chung là các “nguyên tắc cơ bản”. Nói một cách khác, đó chính là các nguyên lý của Phong trào Hướng Đạo Thế Giới. Chúng ta sẽ lần lượt xem xét từng phần một.

Bản Hiến chương tu chính năm 1977 đã được áp dụng không thay đổi trong một thời gian hơn 30 năm. Mãi đến năm 2008, tại Hội Nghị Hướng Đạo Thế Giới kỳ thứ 38 tại Jeju, Korea, nhân việc xem xét lại cơ cấu điều hành và lãnh đạo Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới, Ủy Ban Thế Giới đương nhiệm đã đệ trình Hội nghị một bản văn tu chính một số điều khoản của Hiến chương. Trong dịp này, chương I liên quan đến những nguyên tắc cơ bản đã được tu chính trên vài chi tiết theo đề nghị  của Ủy Ban Thế Giới. Những điểm tu chính về các nguyên tắc cơ bản sẽ được nói rõ trong phần trình bày chi tiết sau đây.

Chương IV: ĐỊNH NGHĨA VÀ MỤC ĐÍCH

Điều 1.

1. Định nghĩa

Phong trào Hướng Đạo là một phong trào giáo dục thanh thiếu niên, đặt căn bản trên sự tự nguyện; đó là một phong trào có tính cách không chính trị, mở ra cho mọi người, không phân biệt giới tính, nguồn gốc, chủng tộc hay tín ngưỡng, thể theo mục đích, nguyên tắc và phương pháp do Vị sáng lập Phong trào đề xướng và trình bày sau đây.

2. Mục đích

Phong trào Hướng Đạo có mục đích góp phần vào việc phát triển thanh thiếu niên bằng cách giúp họ phát huy toàn vẹn các khả năng về thể chất, trí tuệ, cảm xúc, xã hội và tinh thần, trên cương vị cá nhân, trên cương vị công dân có tinh thần trách nhiệm, và trên cương vị thành viên các cộng đồng địa phương, quốc gia và quốc tế.

Điều I của Chương I bản Hiến chương Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới được chia thành hai đoạn. Đoạn thứ nhất định nghĩa thế nào là Hướng Đạo và phần thứ hai xác định mục đích của Phong trào hướng đạo.

Định nghĩa

Điều I định nghĩa Hướng Đạo như sau:

“Phong trào Hướng Đạo là một phong trào giáo dục thanh thiếu niên, đặt căn bản trên sự tự nguyện; đó là một phong trào có tính cách không chính trị, mở ra cho mọi người, không phân biệt giới tính, nguồn gốc, chủng tộc hay tín ngưỡng, thể theo mục đích, nguyên tắc và phương pháp do vị sáng lập Phong trào đề xướng và trình bày sau đây”.

Trước hết, hướng đạo là một phong trào. Từ “phong trào” hàm ý một loạt hành động nhằm một mục đích nào đó. Do đó, một phong trào có một mục đích muốn đạt tới và một tổ chức để tiến tới mực đích đó. Nên nhớ tên gọi chính thức của Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới là “Tổ Chức Thế Giới của Phong trào Hướng Đạo” (World Organization of the Scout Movement – Organisation Mondiale du Mouvement Scout).

Hướng Đạo được định nghĩa là một phong trào giáo dục, và đó là đặc điểm cơ bản nhất của hướng đạo. Nhất định hướng đạo không phải là một hội đoàn thể thao hay giải trí như có thể có người lầm tưởng. Dù rằng trong hướng đạo có nhiều sinh hoạt vui chơi, thể thao, giải trí, nhưng những trò chơi, những sinh hoạt đó được dùng để đạt tới một mục tiêu giáo dục, tự nó không phải là một cứu cánh.

Giáo dục theo nghĩa rộng có thể xem như là một quá trình nhằm phát huy toàn vẹn các khả năng của con người. Cần phải phân biệt giáo dục với sự thâu thập một số kiến thức hay kỹ thuật đặc biệt nào đó. Theo định nghĩa trên đây, giáo dục nhằm phát triển các khả năng trí tuệ (“học biết”) và học tập những thái độ, cách cư xử (“học cư xử”), trong khi đó sự thâu thập kiến thức hay kỹ thuật là nhằm tới việc biết thực hiện một công việc, một công trình nào đó (“học làm”). Nếu cả hai mặt trên (giáo dục và thâu thập kiến thức, kỹ thuật) đều cần thiết cho hướng đạo, nên nhớ rằng việc học hỏi kiến thức hay kỹ thuật đặc biệt trong sinh hoạt hướng đạo chỉ là những phương tiện để đạt tới một cứu cánh, và cứu cánh đó chính là giáo dục. Lấy thí dụ về một sự thâu thập kỹ thuật cổ điển thường thấy trong các đoàn hướng đạo là học tập các cách thức truyền tin bằng morse và sémaphore. Đây là một sinh hoạt nhằm rèn luyện đoàn sinh thêm nhanh nhẹn, tháo vát, và biết được một kỹ thuật có thể dùng trong các trò chơi lớn. Đó là một sinh hoạt bổ ích, có thể hấp dẫn, để đạt tới một mục tiêu giáo dục, tự nó không phải là một cứu cánh, và rất có thể dùng những phương tiện khác thay thế để tiến tới cùng mục tiêu, khi những phương tiện khác trở thành hấp dẫn hơn.

Người ta thường gắn liền ý niệm giáo dục với hệ thống học đường. Nhưng nhà trường chỉ là một hình thức giáo dục mà thôi. Theo cơ quan UNESCO, có thể phân biệt 3 hình thức giáo dục:

  • Nền giáo dục chính thức là cơ cấu giáo dục được sắp đặt có hệ thống đi tuần tự từ bậc tiểu học lên đại học.
  • Hình thức giáo dục thứ hai là một quá trình kéo dài suốt cuộc đời con người, qua đó mỗi người học hỏi những hiểu biết, những kỹ thuật, những giá trị và những thái độ cư xử qua kinh nghiệm sống hằng ngày, qua ảnh hưởng của môi trường xã hội.
  • Hình thức giáo dục thứ ba là do những hoạt động giáo dục tổ chức ngoài khuôn khổ chính thức, nhắm vào một đối tượng rõ rệt và nhằm tiến tới những mục tiêu được ấn định rõ ràng.

Giáo dục hướng đạo nằm trong loại thứ ba này, vì đứng ngoài khuôn khổ học đường, không thay thế hay cạnh tranh với nền giáo dục chính thức. Hướng đạo chỉ muốn đem lại một sự giáo dục bổ túc, chú trọng đến những mặt mà nhà trường không tác động đến hay không chú trọng đúng mức, và dùng những phương pháp sư phạm khác với những phương pháp của nhà trường, với mục đích phát triển toàn diện con người.

Hướng đạo quan niệm giáo dục theo nghĩa rộng, như là một quá trình giúp mỗi người phát triển các khả năng của mình trên nhiều lãnh vực khác nhau. Mục đích của giáo dục theo nghĩa này là giúp cho các khả năng cá nhân đó được phát triển toàn vẹn để đào tạo những con người tự lập, sẵn sàng giúp ích kẻ khác, có tinh thần trách nhiệm và dấn thân.

Công tác giáo dục của hướng đạo nhắm vào đối tượng thanh thiếu niên. Những người đã trưởng thành, giữ vai trò người trưởng, có nhiệm vụ giúp đỡ các thanh thiếu niên tự rèn luyện, phát triển các khả năng của mình, nhằm đạt tới các mục tiêu giáo dục của hướng đạo. Theo khuôn mẫu áp dụng chung trên thế giới, các thanh thiếu niên trong các đoàn thể hướng đạo được phân phối để sinh hoạt trong 4 ngành, tùy theo tuổi. Không có một qui định chung về lứa tuổi cho mỗi ngành, nhưng thông thường sự phân chia thường thấy như sau: ngành Ấu (8-12 tuổi), ngành Thiếu (12-16), ngành Thanh (16-18), ngành Tráng (18 đến 21 hay 25 tuổi). Một cách tổng quát, mỗi ngành trong sinh hoạt hướng đạo trùng hợp với một lứa tuổi trong hệ thống giáo dục học đường, như ngành Ấu tương ứng với tuổi bậc tiểu học, ngành Thiếu bậc trung học cấp 1, ngành Thanh bậc trung học cấp 2 và ngành Tráng là lứa tuổi đại học. Tại nhiều nước đã có thêm một ngành thứ 5 là ngành Nhi để nhận các em từ 6 đến 8 tuổi (tương ứng với lứa tuổi mẫu giáo). Hướng đạo không có mục đích giáo dục hay tổ chức sinh hoạt cho những người đã trưởng thành. Những người đã trưởng thành chỉ phục vụ trong phong trào hướng đạo trong các nhiệm vụ trưởng hay các công tác điều hành và tổ chức.

Cũng nên nhấn mạnh là hướng đạo không phải đơn thuần là một phong trào “cho giới trẻ”, nghĩa là hoàn toàn do người lớn điều hành để phục vụ cho giới trẻ, mà là một phong trào “của giới trẻ” dưới sự hướng dẫn của người lớn, với sự tham gia tích cực của thanh thiếu niên trong công tác điều hành, quản trị, quyết định chương trình sinh hoạt… Qua các hình thức sinh hoạt dân chủ thích hợp với từng lứa tuổi (thí dụ qua các hội đồng đội, hội đồng đoàn…), giới trẻ điều hành trực tiếp sinh hoạt của mình. Trên bình diện cao cấp nhất của Tổ chức, song song với mỗi kỳ họp Đại hội đồng, tức là họp Hội Nghị Hướng Đạo Thế Giới, một “Hội Luận trẻ” được triệu tập để các đại biểu trẻ trực tiếp đóng góp ý kiến về đường hướng hoạt động của phong trào. Hội luận trẻ bầu một số “Cố vấn trẻ” cho Ủy Ban Hướng Đạo Thế Giới.

Phong trào hướng đạo đặt căn bản trên sự tự nguyện. Việc gia nhập phong trào đối với tất cả, trưởng cũng như đoàn sinh, là một hành động tự nguyện. Trẻ em gia nhập hướng đạo vì tự mình cảm thấy thích, không phải vì chính em hay phụ huynh cảm thấy bị bó buộc. Vì vậy, mọi đoàn thể đoàn ngũ hóa thanh thiếu niên có tính cách cưỡng bức dưới một hình thức nào đó, không thể là một đoàn thể hướng đạo, mặc dù lực lượng có hùng hậu đến đâu chăng nữa.

Đặc điểm kế tiếp là tính cách không chính trị. Hướng đạo nhằm mục đích giáo dục công dân nhưng không mang tính chính trị. Tính cách không chính trị của phong trào hướng đạo, theo sự giải thích của Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới [1] , có nghĩa là hướng đạo không tham dự vào việc tranh đấu giành chính quyền, là mục tiêu cuối cùng của chính trị và là đường lối hành động của các đảng phái chính trị. Nói một cách khác, hướng đạo không tham gia chính trị đảng phái, không ủng hộ hay tùy thuộc bất cứ một phe nhóm, một cá nhân nào trong mục đích giành lấy chính quyền. Nhưng hướng đạo không đứng ngoài, tách ra khỏi các thực tế chính trị của quốc gia. Vì, như đã nói, hướng đạo nhằm mục đích giáo dục công dân của ngày mai, tập cho đoàn sinh nếp sống trong một xã hội dân chủ, giúp thanh thiếu niên trở thành những công dân xứng đáng, có tinh thần trách nhiệm, trong xã hội mai sau. Việc giáo dục công dân này không thể tiến hành mà không có một nhận thức sâu sắc về thực tế chính trị của đất nước. Ngoài ra, phong trào hướng đạo đặt nền tảng trên một số nguyên tắc chỉ đạo cho cách cư xử của mỗi thành viên, và điều này không khỏi ảnh hưởng đến lập trường và các lựa chọn chính trị trên cương vị công dân của các thành viên phong trào.

Hướng đạo được mở ra cho mọi người, không phân biệt giới tính, nguồn gốc, chủng tộc, hay tín ngưỡng. Một đặc điểm cơ bản của hướng đạo là không kỳ thị đối xử về bất cứ phương diện nào. Ở những nước chỉ có một hội hướng đạo, tổ chức hướng đạo tất nhiên đón nhận đoàn sinh mà không có một sự phân biệt đối xử nào. Ở những nước có nhiều hội liên kết thành một Liên hội, có thể có những hội thiên về một trong những xu hướng tinh thần hay tôn giáo lớn, và những hội không thiên về một tôn giáo nào, nhưng dù sao tất cả các hội đều mở ra cho mọi người, không phân biệt tín ngưỡng.

Cũng cần nói thêm rằng Điều I của Hiến chương được tu chính năm 1977 chỉ nói rằng phong trào hướng đạo được “mở ra cho mọi người, không phân biệt nguồn gốc, chủng tộc hay tín ngưỡng…” Bản văn được tu chính tại Hội Nghị Hướng Đạo Thế Giới kỳ thứ 38 họp tại Jeju, Korea, năm 2008, đã thêm chi tiết giới tính. Lúc khởi đầu, Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới là một tổ chức nam hướng đạo, trên nguyên tắc chỉ dành cho các đoàn sinh phái nam, và bên cạnh còn có một Hiệp hội Thế Giới Nữ Hướng Đạo. Nhưng bắt đầu từ khoảng năm 1975, hầu hết các hội trong Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới (nam) thâu nhận đoàn sinh cả nam lẫn nữ. Như vậy, sau khi Hiến chương được tu chính năm 2008, một cách chính thức, Phong trào Hướng Đạo Thế Giới trở thành một phong trào mở ra toàn thể giới trẻ, đón nhận đoàn sinh không phân biệt nam và nữ. Trên mặt thế giới, tuy vẫn có những liên lạc và trao đổi thường xuyên giữa hai tổ chức nam và nữ, nhưng các nỗ lực nhằm sáp nhập hai tổ chức vẫn chưa đi đến kết quả.

Hướng đạo không phải là một phong trào đại chúng, theo nghĩa là nhắm vào số đông, thâu nhận càng nhiều càng tốt, nhưng cần mở cửa đón nhận mọi người trẻ tự nguyện đến với mình. Hướng đạo lại càng không phải là một phong trào dành cho một thiểu số được tuyển chọn, thuộc một thành phần “ưu tú” nào đó. Ngược lại, phong trào hướng đạo cần sẵn sàng đến với những trẻ em gặp khó khăn về mặt xã hội và cần nhiều nhất được hưởng sự giáo dục của hướng đạo.

Một đoàn thể hội đủ các đặc điểm nêu trên: phong trào giáo dục thanh thiếu niên, tự nguyện, không chính trị, không phân biệt đối xử, cũng chưa phải là một đoàn thể hướng đạo nếu không đáp ứng điều kiện là theo đuổi một mục đích, tuân theo những nguyên tắc và áp dụng một phương pháp giáo dục như trình bày sau đây.

Mục đích

Đoạn 2 của điều I xác định tiếp theo mục đích của Phong trào: “Phong trào Hướng Đạo có mục đích góp phần vào việc phát triển thanh thiếu niên bằng cách giúp họ phát huy toàn vẹn các khả năng về thể chất, trí tuệ, cảm xúc, xã hội và tinh thần, trên cương vị cá nhân, trên cương vị công dân có tinh thần trách nhiệm, và trên cương vị thành viên các cộng đồng địa phương, quốc gia và quốc tế”.

Mục đích được đề ra cho một phong trào chính là lý lẽ sống còn của phong trào đó. Mục đích của phong trào hướng đạo nhắm vào việc giáo dục thanh thiếu niên bằng cách tác động toàn diện trên các mặt thể chất, trí tuệ, cảm xúc, xã hội, tinh thần. Đó là năm lãnh vực tác động của giáo dục hướng đạo. Phong trào hướng đạo quan niệm rằng cá tính mỗi người là do sự tác động qua lại của tất cả các mặt kể trên, do đó, muốn giáo dục đoàn sinh, rèn luyện một con người phát triển quân bình và toàn diện, cần chú tâm đến tất cả các mặt cấu tạo thành nhân cách con người, không thể tách rời các mặt kể trên.

 Một hội đoàn thể thao sẽ chú trọng tất nhiên đến phần phát triển thể chất. Giáo dục học đường đặt trọng tâm vào việc mở mang trí tuệ và ít quan tâm đến các mặt khác. Giáo dục hướng đạo nhằm vào việc phát triển con người toàn diện, nên đặt mục đích là phát triển các khả năng trên tất cả năm lãnh vực kể trên. Điểm độc đáo của giáo dục hướng đạo chính là chủ trương phát triển toàn diện con người đặt thành mục đích của phong trào hướng đạo. Vì vậy, các sinh hoạt hướng đạo, chương trình tự phát triển mà hướng đạo đề nghị cho mỗi đoàn sinh nhằm rèn luyện những khả năng, những thái độ tác động trên năm lãnh vực:

  • Thể chất (physical):rèn luyện cơ thể lành mạnh, dẻo dai;
  • Trí tuệ (intellectual):phát triển trí thông minh, óc xét đoán, suy luận;
  • Cảm xúc (emotional): phản ứng tình cảm, cách cư xử, cách đối phó với ngoại cảnh;
  • Xã hội (social):khả năng hợp tác với kẻ khác, khả năng quyết định, lãnh đạo, giữ một vai trò trong cộng đồng);
  • Tinh thần (spiritual):hướng đến những giá trị tâm linh của cuộc sống.

Ở đây cũng cần nói rõ rằng Điều I của Hiến chương được tu chính năm 1977 chỉ nói đến bốn lãnh vực phát triển là thể chất, trí tuệ, xã hội và tinh thần. Theo các khám phá mới của môn tâm lý học, người ta nhận thấy là một đứa trẻ thông minh, có khả năng trí tuệ cao, không hẳn là sẽ thành công ngoài đời sau này nếu không biết chế ngự những cảm xúc của mình, không được rèn luyện để đối phó với nghịch cảnh. Do đó, Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới trong kỳ tu chính Hiến chương năm 2008 đã thêm vào một lãnh vực phát triển thứ 5 là “cảm xúc” để bổ túc công tác giáo dục phát triển “toàn diện”.

Cũng cần nhấn mạnh đến ý niệm đào tạo công dân có tinh thần trách nhiệm. Giáo dục hướng đạo không phải nhằm phát triển các khả năng cá nhân để con người sống đơn độc mà chuẩn bị cho đoàn sinh giữ một vai trò xứng đáng trong cộng đồng xã hội. Mỗi cá nhân trước hết thuộc về một cộng đồng địa phương (làng xã, khu phố). Đơn vị địa phương đó lại nằm trong một cơ cấu hành chánh lớn hơn (quận, thành phố, tỉnh), và sau đó thuộc một thực thể chính trị là quốc gia. Các quốc gia lại là thành phần của cộng đồng quốc tế. Một công dân đảm nhận đứng đắn vai trò của mình phải nhận thức rõ những trách nhiệm và quyền lợi của mình đối với từng cộng đồng mà mình là một thành viên.

Trên đây là định nghĩa hướng đạo và mục đích mà phong trào hướng đạo theo đuổi. Để đạt tới mục đích trên, phong trào hướng đạo dùng một phương pháp gọi là phương pháp giáo dục hướng đạo. Nhưng trước khi đề cập đến phương pháp, cần nói tới những nguyên tắc chỉ đạo trong đường lối giáo dục của phong trào.

Chương V: CÁC NGUYÊN TẮC

Điều II

1. Phong trào Hướng Đạo đặt nền tảng trên những nguyên tắc sau: Bổn phận đối với Thượng đế

Tuân theo những nguyên tắc tinh thần, trung thành với tôn giáo thể hiện các nguyên tắc đó, và chấp nhận những bổn phận phát sinh từ đó. Bổn phận đối với kẻ khác

-Trung tín với đất nước trong chiều hướng phát huy hoà bình, sự cảm thông và hợp tác trên các lãnh vực địa phương, quốc gia và quốc tế.

– Tham gia vào việc phát triển xã hội trong sự tôn trọng phẩm giá con người và toàn vẹn của thiên nhiên.

Bổn phận đối với chính mình

Nhận trách nhiệm về sự phát triển của chính bản thân.

  • Tất cả thành viên của Phong trào Hướng Đạo được yêu cầu tuân theo một Lời Hứa và Luật Hướng Đạo, trong một lối hành văn phù hợp với nền văn hóa và văn minh của mỗi tổ chức Hướng Đạo quốc gia, và được Tổ chức Thế giới chuẩn y, diễn đạt các nguyên tắc Bổn phận đối với Thượng Đế, Bổn phận đối với kẻ khác và Bổn phận đối với chính mình, phỏng theo bản Lời Hứa và Luật do Vị sáng lập Phong trào Hướng Đạo đặt ra lúc nguyên thủy. Biểu hiệu của Phong trào Hướng Đạo
  • Biểu hiệu của Phong trào Hướng Đạo Thế Giới là dấu hiệu biểu trưng cho tính cách thành viên của Phong trào Hướng Đạo. Biểu hiệu này là một hoa huệ trắng chung quanh có một sợi dây cùng màu làm thành một vòng tròn, phần dưới được thắt lại bằng một nút dẹp, tất cả ở trên nền màu tím.

Các nguyên tắc

Các nguyên tắc đối với phong trào hướng đạo là những điều cơ bản phải tôn trọng khi hành động để đạt tới mục tiêu. Phong trào hướng đạo đặt ba nguyên tắc cơ bản làm nền tảng của mọi hoạt động của mình:

  • Nguyên tắc tinh thần : Bổn phận đối với tín ngưỡng tâm linh.
  • Nguyên tắc xã hội : Bổn phận đối với kẻ khác.
  • Nguyên tắc cá nhân : Bổn phận đối với chính mình.

Nguyên tắc thứ nhất nói về liên hệ giữa cá nhân với các giá trị tinh thần của đời sống, nguyên tắc thứ hai chi phối những quan hệ giữa cá nhân và xã hội theo nghĩa rộng nhất, và nguyên tắc thứ ba nói đến những bổn phận của một cá nhân đối với bản thân mình. Ba nguyên tắc này được nêu lên trong điều II của Hiến chương.

Bổn phận đối với tín ngưỡng tâm linh

Hiến chương Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới dùng tựa đề “Bổn phận đối với Thượng đế” để gọi nguyên tắc đầu tiên được nêu trong số ba nguyên tắc căn bản của phong trào hướng đạo và định nghĩa nguyên tắc này như sau: “Tuân theo những nguyên tắc tinh thần, trung thành với tôn giáo thể hiện các nguyên tắc đó, và chấp nhận những bổn phận phát sinh từ đó”.

Hành động giáo dục của hướng đạo nhằm khuyến khích thanh thiếu niên vươn lên khỏi những giá trị vật chất của đời sống để hướng đến những giá trị tâm linh. Hướng đạo không tìm cách ảnh hưởng đến sự lựa chọn tôn giáo của đoàn sinh nhưng khuyến khích và tạo cơ hội để đoàn sinh thi hành bổn phận đối với tôn giáo của gia đình hay của mình, hoặc để tìm hiểu và chọn một tín ngưỡng cho mình.

Tựa đề của điều II Hiến chương là “Bổn phận đối với Thượng đế”. Từ “Thượng Đế” được dùng do nguồn gốc Thiên Chúa giáo của phong trào hướng đạo lúc khởi đầu, nhưng trong phần định nghĩa, bản Hiến chương chỉ nói đến những “nguyên tắc tinh thần” (spiritual principles), không nhắc lại từ “Thượng đế” để cho hiểu là nguyên tắc này cũng phù hợp cho các tôn giáo không bao hàm sự hiện hữu của một Thượng đế, như Phật giáo, hay các tôn giáo đa thần, như Ấn Độ giáo. Đối với Hướng Đạo Việt Nam, sự giải thích còn rộng hơn nữa vì lời hứa Hướng Đạo Việt Nam nói đến bổn phận đối với “tín ngưỡng tâm linh”, để bao gồm trường hợp những tín ngưỡng không được tổ chức như một tôn giáo, như tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Tất cả những hình thức tín ngưỡng trên đều được Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới công nhận và tôn trọng miễn là niềm tin thuộc về lãnh vực tâm linh.

Nên nhấn mạnh là giáo dục hướng đạo không có mục đích nắm giữ vai trò của các định chế tôn giáo. Nguyên tắc thứ nhất, bổn phận đối với tín nguỡng tâm linh, nói lên sự kiện là trong nhiệm vụ giáo dục của mình, phong trào hướng đạo nhắm đến một sự phát triển toàn diện con người, và lãnh vực tinh thần được chú trọng cùng lúc với sự phát triển các khả năng của trẻ trên các mặt thể chất, trí tuệ, cảm xúc, xã hội.

Bổn phận đối với kẻ khác

Nguyên tắc bổn phận đối với kẻ khác chi phối thái độ của cá nhân đối với xã hội trong nghĩa rộng, bao gồm những cộng đồng từ nhỏ đến lớn nhất. Hiến chương Hướng Đạo Thế Giới định nghĩa bổn phận này như sau:

  • “Trung tín với đất nước trong chiều hướng phát huy hoà bình, sự cảm thông và hợp tác trên các lãnh vực địa phương, quốc gia và quốc tế.
  • Tham gia vào việc phát triển xã hội trong sự tôn trọng phẩm giá con người và toàn vẹn của thiên nhiên”.

Trong đoạn thứ nhất, hai ý niệm cơ bản được gắn liền với nhau: lòng trung tín với đất nước, song song với tình hữu nghị và sự cảm thông quốc tế. Hai ý niệm đi liền nhau cho thấy là lòng yêu nước đối với người hướng đạo không thể là một tình cảm hẹp hòi, mà cần phải đặt lòng yêu nước trong chiều hướng xoá bỏ mọi kỳ thị địa phương và chủng tộc, để phát huy hoà bình cũng như sự cảm thông giữa các cộng đồng, các dân tộc.

Việc xác định lập trường như trên chi phối thái độ của người hướng đạo khi đứng trước trường hợp sống trong một quốc gia có chủ trương gây hấn, xâm lăng và bành trướng lãnh thổ. B.P. luôn luôn cổ vũ cho một lòng yêu nước sáng suốt, rộng lượng, vượt qua những định kiến nhỏ nhen: “Khi dạy lòng yêu nước cho đoàn sinh, chúng ta phải làm cho hiểu rằng đó là một lòng yêu nước vượt lên trên tình cảm hẹp hòi thường chỉ dừng lại ở ranh giới quốc gia, và vì vậy làm cho sự giao dịch với kẻ khác bị vấy bẩn bởi sự ghen ghét và tỵ hiềm. Lòng yêu nước của chúng ta phải thật là rộng rãi và cao cả, giúp cho ta biết nhận thức đâu là công lý, là sự chính đáng trong những yêu sách của kẻ khác, để đưa đất nước đến tình đoàn kết với các quốc gia khác trên thế giới. Bước đầu tiên trong chiều hướng đó là phát huy hoà bình và thiện chí ngay trong đất nước chúng ta, khuyến khích tuổi trẻ đem thực hành mỗi ngày các giá trị đó, để cho những ganh tỵ giữa các thành phố, giữa các giai cấp và giữa các phe phái không còn nữa. Sau đó, ta hãy gieo rắc những tình cảm tốt đẹp đó ra ngoài biên giới, đến những dân tộc chung quanh ta “.

Phong trào hướng đạo, bằng các cuộc họp bạn thế giới, các trao đổi và hợp tác quốc tế, bằng cách phát huy một tình huynh đệ vượt lên trên các biên giới và chủng tộc, đóng góp thường xuyên vào việc tăng cường sự đoàn kết cảm thông giữa các người trẻ thuộc mọi quốc gia trên thế giới.

Đoạn thứ hai xác định thái độ của người hướng đạo trong cộng đồng khi hợp tác với kẻ khác và góp phần phát triển cộng đồng. Hướng đạo sinh có bổn phận đóng góp vào công cuộc phát triển xã hội, nhưng công cuộc phát triển đó phải xảy ra trong điều kiện tôn trọng giá trị con người và sự toàn vẹn của thiên nhiên. Điều này đòi hỏi một nhận thức và xác định thái độ của mình trước một xã hội áp bức và chà đạp nhân phẩm. Sự tham gia vào việc phát triển xã hội phải đặt trên căn bản tôn trọng phẩm giá và quyền của con người như đã nêu trong Bản Tuyên ngôn quôc tế nhân quyền.

Ý niệm toàn vẹn của thiên nhiên biểu hiện mối lo âu gìn giữ, bảo vệ thiên nhiên và môi trường sinh sống. Trong khi phát triển xã hội và khai thác tài nguyên thiên nhiên, con người cần cẩn trọng để không phá vỡ sự quân bình và hài hoà của thiên nhiên.

Nói tóm lại, trong nguyên tắc bổn phận đối với kẻ khác, người hướng đạo phải có lòng trung tín với đất nước, góp sức mình để phát triển cộng đồng, trong điều kiện bảo vệ hoà bình, phát huy sự cảm thông quốc tế, tôn trọng nhân quyền và môi sinh.

Bổn phận đối với chính mình

Nguyên tắc thứ ba được Hiến chương định nghĩa như sau: “Nhận trách nhiệm về sự phát triển của chính bản thân”.

Phương thức hướng đạo là một hệ thống tự giáo dục, nghĩa là mỗi cá nhân phải đảm nhận lấy trách nhiệm tự rèn luyện và phát huy các khả năng của mình. Việc này được quan niệm như là một bổn phận của mỗi cá nhân đối với bản thân mình. Ở đây nên nhắc lại tính cách tự nguyện của phong trào hướng đạo: mỗi thành viên tự nguyện gia nhập phong trào, nhận thức nhu cầu phát triển của bản thân và tự nguyện đảm nhận một công tác tự giáo dục. Các trưởng hướng đạo chỉ có nhiệm vụ giúp đỡ, hướng dẫn, để đoàn sinh rèn luyện lấy bản thân, hầu trở nên một con người mà các khả năng cá nhân được phát triển một cách hài hòa, toàn diện và quân bình.

Trong quá trình tự rèn luyện này, lời Hứa và Luật hướng đạo giữ một vai trò chủ yếu.

Tuân theo lời Hứa và Luật

Các nguyên tắc tinh thần, xã hội và cá nhân nói ở trên là những niềm tin nền tảng của phong trào hướng đạo. Các hội hướng đạo quốc gia cần có một chương trình sinh hoạt dành cho đoàn sinh mọi cơ hội để sống trong sự tôn trọng các nguyên tắc đó. Phong trào hướng đạo dùng một phương tiện rất hữu hiệu là lời Hứa và Luật Hướng Đạo để diễn đạt cụ thể các nguyên tắc đó, trình bày dưới một hình thức dễ hiểu, làm thành một qui tắc danh dự để hướng đạo sinh noi theo. Mỗi hội hướng đạo đều có một bản lời Hứa và Luật Hướng Đạo của mình, dựa theo bản văn đầu tiên do B.P. soạn.

Việc mỗi hướng đạo sinh tự nguyện cam kết vào lời Hứa và Luật được đặt thành một điều kiện cơ bản, và phần hai của Điều II Hiến chương ghi rằng:

“Tất cả thành viên của Phong trào Hướng Đạo được yêu cầu tuân theo một lời Hứa và Luật Hướng Đạo, trong một lối hành văn phù hợp với nền văn hóa và văn minh của mỗi tổ chức Hướng Đạo quốc gia, và được Tổ chức Thế giới chuẩn y, diễn đạt các nguyên tắc Bổn phận đối với Thượng Đế, Bổn phận đối với kẻ khác và Bổn phận đối với chính mình, phỏng theo bản lời Hứa và Luật do Vị sáng lập Phong trào Hướng Đạo đặt ra lúc nguyên thủy với lời lẽ sau đây:

Lời Hứa Hướng Đạo

Tôi hứa trên danh dự cố gắng hết sức để:

  • Thi hành bổn phận của tôi đối với Thượng Đế và Quốc Vương (hay Thượng Đế và đất nước tôi),
  • Giúp ích kẻ khác bất cứ lúc nào,- Tuân theo Luật Hướng Đạo.

Luật Hướng Đạo

  1. Hướng Đạo sinh trọng danh dự.
  2. Hướng Đạo sinh trung tín.
  3. Bổn phận của Hướng Đạo sinh là giúp ích kẻ khác.
  4. Hướng Đạo sinh là bạn của mọi người và là anh em của tất cả các Hướng Đạo sinh khác.
  5. Hướng Đạo sinh lễ độ.
  6. Hướng Đạo sinh là bạn của súc vật.
  7. Hướng Đạo sinh nghe lời cha mẹ, Đội trưởng và Đoàn trưởng mà không biện bác.
  8. Hướng Đạo sinh tươi cười và huýt sáo trong mọi khó khăn.
  9. Hướng Đạo sinh cần kiệm.
  10. Hướng Đạo sinh trong sạch trong tư tưởng, lời nói và việc làm.

Nên biết rằng Luật và lời Hứa nguyên bản do Hiến chương ghi lại đã được soạn cho các thiếu niên Anh vào đầu thế kỷ 20. Các hội hướng đạo quốc gia phỏng theo đó mà viết lại một bản văn hợp với môi trường văn hóa xã hội mỗi nước. Có thể nói lời Hứa và Luật Hướng Đạo là trung tâm điểm của hệ thống giáo dục hướng đạo. Phong trào hướng đạo dùng lời Hứa và Luật để xây dựng một mẫu mực con người mà các khả năng được phát triển một cách hài hoà và toàn diện trên các lãnh vực thể chất, trí tuệ, cảm xúc, xã hội và tinh thần, theo đúng mục đích mà phong trào hướng đạo tự đặt ra cho mình.

Lời Hứa và Luật Hướng Đạo Việt Nam

Hội Hướng Đạo Việt Nam trước đây có một bản văn lời Hứa và Luật được Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới chuẩn y khi gia nhập Tổ chức Thế giới năm 1957. Bản văn lời Hứa và Luật Hướng Đạo này vẫn được áp dụng cho đến ngày nay:

Lời Hứa Hướng Đạo Việt Nam

Tôi xin lấy danh dự hứa cố gắng hết sức:

  • Làm bổn phận đối với tín ngưỡng tâm linh và quốc gia tôi,
  • Giúp đỡ mọi người bất cứ lúc nào, – Tuân theo Luật Hướng Đạo.

Luật Hướng Đạo Việt Nam

  1. Hướng đạo sinh trọng danh dự, ai cũng có thể tin lời nói của

Hướng đạo sinh.

  • Hướng đạo sinh trung thành với Tổ quốc, cha mẹ và người cộng sự.
  • Hướng đạo sinh có bổn phận giúp ích mọi người.
  • Hướng đạo sinh là bạn khắp mọi người và coi  nào cũng như ruột thịt.
  • Hướng đạo sinh lễ độ và liêm khiết.
  • Hướng đạo sinh yêu thương các sinh vật.
  • Hướng đạo sinh vâng lời cha mẹ và huynh trưởng mà không biện bác.
  • Hướng đạo sinh gặp khó khăn vẫn vui tươi.
  • Hướng đạo sinh tằng tiện của mình và của người.
  • Hướng đạo sinh trong sạch từ tư tưởng, lời nói đến việc làm.

Nên ghi nhận là Hướng Đạo Việt Nam tại hải ngoại, trong kỳ họp Đại hội đồng năm 1980 tại San Jose, Hoa Kỳ, đã biểu quyết sửa đổi bản văn Luật Hướng Đạo với một lối hành văn ngắn gọn hơn, dễ nhớ và dễ hiểu hơn cho các đoàn sinh Hướng Đạo Việt Nam tại hải ngoại.

  1. Hướng đạo sinh trọng danh dự.
  2. Hướng đạo sinh trung tín.
  3. Hướng đạo sinh giúp ích.
  4. Hướng đạo sinh là bạn của mọi người.
  5. Hướng đạo sinh lễ độ và hào hiệp.
  6. Hướng đạo sinh tôn trọng thiên nhiên.
  7. Hướng đạo sinh trọng kỹ luật.
  8. Hướng đạo sinh vui tươi.
  9. Hướng đạo sinh cần kiệm và liêm khiết.
  10. Hướng đạo sinh trong sạch trong tư tưởng, lời nói và việc làm.

Cũng nên lưu ý là bản văn Luật như trên là viết cho ngành Thiếu, nhưng được xem là bản Luật chung cho Hướng Đạo Việt Nam. Trong thời gian sau này, càng lúc càng có nhiều người gia nhập phong trào Hướng Đạo lúc đã trưởng thành, để làm Trưởng hay phục vụ trong nhiều trách nhiệm khác. Một bản Luật với cách hành văn cho ngành Thìếu như “vâng lời cha mẹ và huynh trưởng mà không biện bác” khó thích hợp cho mọi hoàn cảnh. Đó cũng là một lý do để xem lại cách hành văn của một bản Luật vừa là phương tiện giáo dục đoàn sinh, vừa là một mẫu mực sống và cư xử của một người đã trưởng thành muốn là thành viên của Phong trào Hướng Đạo.

Biểu hiệu của Phong trào Hướng Đạo

Đoạn sau đây định nghĩa biểu hiệu của Phong trào Hướng Đạo Thế Giới đã được thêm vào cuối Điều II trong bản văn Hiến chương tu chính năm 2008:

Biểu hiệu của Phong trào Hướng Đạo Thế Giới là dấu hiệu biểu trưng cho tính cách thành viên của Phong trào Hướng Đạo. Biểu hiệu này là một hoa huệ trắng chung quanh có một sợi dây cùng màu làm thành một vòng tròn, phần dưới được thắt lại bằng một nút dẹp, tất cả ở trên nền màu tím, cũng là một yếu tố thiết yếu của danh tính Phong trào Hướng Đạo.

Hoa huệ thường được vẻ trên những bản đồ xưa để chỉ hướng bắc. Từ lúc khởi đầu, Baden-Powell đã lựa chọn dùng hình hoa huệ để làm huy hiệu cho phong trào mới được thành lập. Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới cũng chính thức dùng hình vẻ này làm biểu hiệu của tổ chức. Một số đông nước hội viên sau đó cũng lấy hoa huệ làm biểu hiệu cho tổ chức hướng đạo tại nước mình, tuy rằng hình vẻ có thay đổi trong vài chi tiết tùy theo từng nước. Cờ của Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới có nền tím, ở giữa có hình hoa huệ trắng với một sợi dây trắng bao quanh. Biểu hiệu này đã được chính thức hóa qua một đoạn mới thêm vào Điều II của bản Hiến chương được tu chính năm 2008.

Tới đây chúng ta đã xét qua mục đích và các nguyên tắc chỉ đạo của Phong trào hướng đạo. Để tiến tới mục đích đã ấn định, trong sự tôn trọng các nguyên tắc cơ bản, Phong trào hướng đạo sử dụng một phương pháp giáo dục riêng và độc đáo, và phương pháp chính là thành phần thứ ba của nguyên lý hướng đạo.

Chương VI: PHƯƠNG PHÁP

Điều III

Phương pháp Hướng Đạo là một hệ thống tự giáo dục tuần tự, sử dụng:

  • Lời Hứa và Luật;
  • Học bằng thực hành;
  • Sinh hoạt trong những nhóm nhỏ (thí dụ: Đội), dưới sự hướng dẫn của những người trưởng thành, để lần lần nhận thức và chấp nhận những trách nhiệm của mình, để tập tự quản trị, nhằm rèn luyện chí khí, thu thập kỹ năng, đạt được sự tự tin, gây được sự tin tưởng, có khả năng hợp tác cũng như lãnh đạo;
  • Những chương trình sinh hoạt đa dạng, đi từ dễ đến khó, hấp dẫn, dựa theo sở thích của đoàn sinh, và gồm có những trò chơi, những thủ thuật có ích, những công tác giúp ích cộng đồng; những sinh hoạt đó phần lớn xảy ra ngoài trời, tiếp xúc với thiên nhiên.

Phương pháp có thể được định nghĩa như là các phương tiện được dùng, hay là các giai đoạn tuần tự đi qua để tiến tới các mục tiêu và đạt được mục đích đã đề ra. Khi Phong trào hướng đạo đã đặt nền tảng trên một số nguyên tắc chỉ đạo, phương pháp áp dụng phải được xây dựng trong sự tôn trọng các nguyên tắc đó.

Điều III của Hiến chương nêu các đặc điểm của phương pháp hướng đạo:

“Phương pháp Hướng Đạo là một hệ thống tự giáo dục tuần tự, sử dụng:

  • Lời Hứa và Luật;
  • Học bằng thực hành;
  • Sinh hoạt trong những nhóm nhỏ (thí dụ: Đội), dưới sự hướng dẫn của những người trưởng thành, để lần lần nhận thức và chấp nhận những trách nhiệm của mình, để tập tự quản trị, nhằm rèn luyện chí khí, thu thập kỹ năng, đạt được sự tự tin, gây được sự tin tưởng, có khả năng hợp tác cũng như lãnh đạo;
  • Những chương trình sinh hoạt đa dạng, đi từ dễ đến khó, hấp dẫn, dựa theo sở thích của đoàn sinh, và gồm có những trò chơi, những thủ thuật có ích, những công tác giúp ích cộng đồng; những sinh hoạt đó phần lớn xảy ra ngoài trời, tiếp xúc với thiên nhiên.”

Như vậy, phương pháp hướng đạo được định nghĩa như là một hệ thống tự giáo dục kết hợp bởi nhiều yếu tố. Ý niệm hệ thống bao hàm một tổng hợp gồm nhiều phần tử liên hệ chặt chẽ với nhau, kết hợp thành một tổng thể mạch lạc. Do đó chỉ có thể có một phương pháp hướng đạo, không thể nói có nhiều phương pháp, và ta chỉ có thể nói đến phương pháp hướng đạo khi nào tất cả các yếu tố được kết hợp thành một hệ thống giáo dục mạch lạc.

Hệ thống đó được xây dựng trên quan niệm tự giáo dục tuần tự. “Tự giáo dục” vì mỗi đoàn sinh nhận lãnh trách nhiệm phát triển các đức tính và khả năng của mình, với sự giúp đỡ của trưởng hướng đạo (nguyên tắc bổn phận đối với chính mình), và “tuần tự” là vì giáo dục hướng đạo đi từ bước một, từ dễ đến khó, tùy theo trình độ và sự tiến bộ của mỗi đoàn sinh. B.P. có giải thích về quan niệm giáo dục của ông như sau: “Tự giáo dục có nghĩa là, những gì mà đứa trẻ tự học được lấy sẽ ở mãi với em và sẽ dẫn dắt em trong cuộc sống sau này, hiệu quả lớn hơn rất nhiều so với những gì mà em được học qua một thầy giáo”.

Giáo dục hướng đạo xem mỗi đoàn sinh là một cá nhân đặc biệt và chú ý đến sự phát triển và tiến bộ của từng đoàn sinh một. Vì vậy một đoàn hướng đạo luôn luôn có một sỉ số giới hạn không thể vượt qua. Thí dụ một Thiếu đoàn không thể quá 32 đoàn sinh (4 đội 8 em) vì một đoàn trưởng không thể theo dõi cá tính từng đoàn sinh cùng với sự tiến bộ của mỗi người nếu sỉ số đoàn đông hơn. Những đoàn thể đoàn ngũ hoá thiếu niên qui tụ rất đông đảo đoàn viên xếp hàng ngay ngắn, hô khẩu hiệu, cử động đồng loạt theo tiếng còi, hoàn toàn trái ngược với tinh thần và phương pháp hướng đạo. Giáo dục hướng đạo không thể nào là một sự huấn luyện rập khuôn, mà là một quá trình giáo dục theo dõi sự tiến triễn và phát huy nhân cách của từng đoàn sinh một.

Trước khi xem xét những yếu tố nào tạo thành “phương pháp hướng đạo”, cần nhắc lại kết quả muốn đạt tới. Giáo dục hướng đạo giúp thanh thiếu niên “lần lần nhận thức và chấp nhận những trách nhiệm của mình, để tập tự quản trị, nhằm rèn luyện chí khí, thu thập kỹ năng, đạt được sự tự tin, gây được sự tin tưởng, có khả năng hợp tác cũng như lãnh đạo”. Hướng đạo giúp cho trẻ lần lần nhận thấy những nhu cầu của mình, cần rèn luyện, phát triển những mặt nào, rồi từ đó nhận trách nhiệm đối với bản thân mình và tiến hành một chương trình tự huấn luyện. Giáo dục hướng đạo giúp cho trẻ tiến tới tự lập, tức là có khả năng tự quản trị đời sống mình, thu thập được một số kỹ năng để có thể ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày và đối phó với những tình huống khó khăn, bất ngờ. Trong quan hệ với kẻ khác, người hướng đạo tập thói quen làm việc, hợp tác với những người chung quanh, rèn luyện khả năng lấy quyết định, khả năng lãnh đạo, và trên hết là ý thức được trách nhiệm của mình đối với cộng đồng mình đang sống, tập thói quen giúp ích kẻ khác. Qua những khả năng, những kỹ năng cùng những đức tính thu thập được, trẻ lần lần trở thành một người tự tin nơi mình, nơi những khả năng của bản thân, và còn gây được sự tin tưởng của người khác.

Đến đây chúng ta có thể phân tích từng yếu tố trong phương pháp hướng đạo, tức là những phần tử tạo thành hệ thống giáo dục đặc thù của hướng đạo. Phương pháp hướng đạo là một sự kết hợp giữa 7 yếu tố sau đây.

1) Lời Hứa và Luật

Yếu tố thứ nhất của phương pháp hướng đạo là lời Hứa và Luật. Chúng ta đã nói lời Hứa và Luật hướng đạo khi bàn đến các nguyên tắc chỉ đạo của phong trào và thấy rằng lời Hứa và Luật là khí cụ để diễn đạt trong thực tế các nguyên tắc chỉ đạo. Thêm vào đó, một đặc điểm cơ bản của hướng đạo là mỗi thành viên tự nguyện cam kết vào lời Hứa và Luật. Ở đây chúng ta không nói tới khía cạnh đạo đức bao hàm trong lời Hứa và Luật, mà chú ý đến công dụng sư phạm của lời Hứa và Luật. Nói một cách khác, lời Hứa và Luật nhìn dưới góc độ này là một phương tiện để tự giáo dục, và là một yếu tố của phương pháp hướng đạo.

Luật hướng đạo là một phương tiện cụ thể và tiện lợi để đoàn sinh hiểu đâu là những giá trị mà hướng đạo mong muốn em tuân theo trong suốt cuộc đời em. Lời Hứa là hành động cam kết của mỗi cá nhân sẽ cố gắng hết sức sống theo qui tắc danh dự đó. Mỗi đoàn sinh cam kết như vậy trước các bạn mình khi em quyết định trở thành một thành viên của Phong trào hướng đạo. Tuyên hứa là một hành động tự nguyện cam kết đối với chính mình cũng như đối với mỗi người bạn mình trong đoàn, và đó là chặng đường đầu tiên trong quá trình tự giáo dục. Khi đã chính thức trở thành một thành viên của phong trào, em được khuyến khích luôn luôn cố gắng tôn trọng lời đã cam kết, để rèn luyện chí khí, trở thành một con người với những đức tính và những giá trị đạo đức chứa đựng trong các nguyên tắc chỉ đạo của Phong trào hướng đạo. Trong quá trình tự rèn luyện, lời Hứa và Luật là một qui tắc danh dự mà mỗi người cố gắng noi theo trong cách hành động và suy nghĩ của mình. Người trưởng hướng đạo cũng lấy lời Hứa và Luật để nhắc nhỡ đoàn sinh, theo dõi sự tiến bộ của từng người.

Chúng ta không bao giờ ngừng nhắc nhỡ đến tầm quan trọng của lời Hứa và Luật trong đường lối giáo dục hướng đạo: vừa là bản văn diễn đạt các nguyên tắc cơ bản của phong trào, vừa là phương tiện giáo dục, một yếu tố của phương pháp hướng đạo. Nhiều đơn vị hướng đạo có khuynh hướng quên đi tầm quan trọng của lời Hứa và Luật, đoàn sinh không thuộc Luật, trưởng không nhắc nhỡ, không nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc sống và hành động theo lời Hứa và Luật. Trong những trường hợp đó, người trưởng chắc chắn chưa nhận thức rõ ràng trách nhiệm và chức năng của mình trong nhiệm vụ giáo dục của Phong trào hướng đạo.

2) Học bằng thực hành

Trong quan niệm giáo dục bằng thực hành, những điều học hỏi được là kết quả của một kinh nghiệm trực tiếp và cụ thể, không phải do những bài học lý thuyết. Đặc điểm của giáo dục hướng đạo là đoàn sinh học hỏi trong khi thực hiện những công việc mà mình ưa thích, bằng những trò chơi, bằng cách quan sát, thí nghiệm, tiếp xúc với thực tế. Đó là điểm khác biệt lớn so với phương pháp giáo dục cổ điển của nhà trường. Trong sinh hoạt hướng đạo, không có bảng đen, không có bài vở ghi chép. Thay vì một bài học về lịch sử, đơn vị hướng đạo tổ chức một trò chơi lớn dùng bối cảnh lịch sử, sử dụng những diễn biến, những trận chiến liên quan đến chủ đề, hay dựng lên một vở kịch, kể những mẫu chuyện… Những sưu tập về cây cỏ, dấu vết thú rừng, thay thế những bài học về khoa học thiên nhiên. Có những trò chơi luyện tập óc quan sát, suy luận, khuyến khích tinh thần đồng đội… Mỗi sinh hoạt đều nhắm một số mục tiêu giáo dục rõ rệt.

Một chương trình sinh hoạt không đặt trên ý niệm giáo dục qua thực hành, qua những trò chơi, những kinh nghiệm cụ thể, không thể xem là một chương trình hướng đạo được.

3) Sinh hoạt theo từng nhóm nhỏ

Yếu tố thứ ba của phương pháp hướng đạo là phân phối đoàn sinh trong những nhóm nhỏ từ 6 đến 8 em, là những cơ cấu dân chủ nhỏ nhờ đó đoàn sinh thu thập những đức tính và khả năng cần thiết để hợp tác và làm việc trong một nhóm, sống trong một cộng đồng. Đơn vị nhỏ này được gọi là “đàn” trong ngành Ấu, “đội” trong ngành Thiếu, “tuần” trong ngành Thanh, và “toán” trong ngành Tráng. Hình thức sinh hoạt này cũng được gọi là “phương pháp hàng đội”, nhưng nên nhớ là phương pháp này không những chỉ áp dụng cho ngành Thiếu (đội), mà còn cho tất cả các ngành khác, với những thích nghi cần thiết cho từng lứa tuổi.

Chúng ta có thể tóm lược như sau các đặc điểm của phương thức sinh hoạt theo nhóm:

  • Đội trưởng là một em trong độì. Người trưởng hướng dẫn đoàn không can dự trong việc điều hành đội. Đội trưởng thường do đoàn trưởng chỉ định trong số các đoàn sinh có kinh nghiệm sinh hoạt hướng đạo nhiều nhất, đã được đoàn trưởng huấn luyện để giữ vai trò đội trưởng. Cũng có thể đặt ra một hình thức luân phiên để mỗi em trong đội có cơ hội giữ nhiệm vụ đội trưởng trong một thời gian được ấn định.
  • Đội là một cộng đồng nhỏ trong đó mỗi đoàn sinh giữ một vai trò để góp phần trong đời sống của cộng đồng, nghĩa là có một sự phân công rõ rệt trong sinh hoạt thường xuyên của nhóm (đội trưởng, đội phó, thư ký, thủ quỹ, bảo trì vật liệu, dụng cụ…), hay là trong những sinh hoạt ngắn hạn (một buổi cắm trại, một đề án phải thực hiện). Đội có một đời sống tự trị (họp đội, xuất du đội, dự án đội) để đội sinh tự quản trị sinh hoạt của mình, cùng nhau soạn thảo, phát họa những dự án và cùng thực hiện.
  • Đội dự phần trong sinh hoạt dân chủ của đoàn: các đội đóng góp ý kiến để quyết định sinh hoạt của đoàn qua các cơ chế như hội đồng đội, hội đồng đội trưởng, hội đồng đoàn. Trong đoàn, đoàn trưởng không giữ vai trò chỉ huy và lãnh đạo, mà chỉ nên cố vấn, thúc đẩy.

Một đoàn hướng đạo như vậy có một lề lối sinh hoạt dân chủ như một quốc gia nhỏ bé, trong đó hội đồng đoàn là Quốc hội hay cơ quan lập pháp, và hội đồng đội trưởng là cơ quan hành pháp thi hành các quyết định của hội đồng đoàn. Qua cách sinh hoạt trong đội và đoàn, mỗi đoàn sinh nhận thức trách nhiệm và bổn phận của mình trong cộng đồng. Đội và đoàn là những cộng đồng nhỏ đầu tiên có một tổ chức, một sự phân công, một hình thức sinh hoạt dân chủ, giúp đoàn sinh làm quen với nếp sống trong một cộng đồng dân chủ, luyện tập khả năng hợp tác với kẻ khác, khả năng lãnh đạo, khả năng tổ chức, quyết định, cũng như rèn luyện chí khí. Nên nhắc lại là vai trò của đoàn trưởng không phải là chỉ huy, mà là người cố vấn, khuyến khích và giúp đỡ việc thực hiện những dự án được quyết định qua những cơ chế của đội, của đoàn, trong đó đoàn sinh giữ phần chủ động.

4) Những chương trình hấp dẫn, từ dễ đến khó

Ba yếu tố trên đây của phương pháp hướng đạo: lời Hứa và Luật, học bằng thực hành, sinh hoạt theo nhóm, được kết hợp một cách cụ thể trong một chương trình sinh hoạt, gồm tất cả những sinh hoạt mà đời sống hướng đạo đem lại cho đoàn sinh. Chương trình này phải là một tổng thể mạch lạc chứ không phải là sự tập hợp rời rạc của nhiều sinh hoạt không liên quan với nhau.

Chương trình sinh hoạt phải được sắp xếp từ dễ đến khó. Lúc đầu, muốn thực hiện những sinh hoạt đề nghị, chỉ cần biết một số thủ thuật, kiến thức chuyên môn dễ, sau đó lần lần đến những sinh hoạt đòi hỏi những hiểu biết mới, những thủ thuật cao hơn.

Chương trình sinh hoạt hướng đạo gồm một chương trình tiến triễn cá nhân do cơ cấu trung ương của hội hướng đạo soạn cho mỗi ngành, và mặt khác là những sinh hoạt, những dự án riêng của đội, của đoàn, được quyết định với sự đóng góp của đoàn sinh. Chương trình đề nghị để đoàn sinh tuần tự thực hiện và thăng tiến qua một quá trình tự rèn luyện trước đây thường được gọi là “chương trình đẳng thứ và chuyên hiệu”. Ngày nay, nhiều nước không còn có một chương trình đẳng thứ với các đẳng thứ cổ điển như hướng đạo tân sinh, hạng nhì, hạng nhất… mà soạn ra một chương trình tổng hợp mang một hình thức thích hợp và mới mẽ hơn nhưng cùng với mục đích giúp đoàn sinh tiến triển tuần tự qua từng giai đoạn. Chương trình này được gọi là phương án giáo dục của ngành, và dĩ nhiên là mỗi ngành có một phương án riêng.

Chương trình tiến triển cá nhân này lồng trong một chương trình sinh hoạt theo nghĩa rộng của cả đoàn, cả liên đoàn, với các buổi cắm trại, xuất du, dự án các loại… Điều kiện cần thiết là chương trình sinh hoạt phải hấp dẫn đối với đoàn sinh, nghĩa là đáp ứng các sở thích, nhu cầu tìm tòi, khám phá, phiêu lưu, hoạt động, giúp ích kẻ khác, của đoàn sinh. Một chương trình không có tính cách hấp dẫn chắc chắn dẫn đến thất bại, vì không gây hứng thú cho đoàn sinh để giữ đoàn sinh lại với đoàn, dẫn đến việc thất bại của công tác giáo dục.

5) Khung cảnh biểu tượng

Biểu tượng là một vật thể quen thuộc dùng để tượng trưng một thực thể cao cả hơn hay phức tạp hơn (một ý tưởng, một ý niệm trừu tượng). Ví dụ chim bồ câu được dùng làm biểu tượng cho hòa bình. Biểu tượng thường được dùng để giúp giải thích một điều gì bằng cách kêu gọi đến trí tưởng tượng, khi ta muốn truyền đạt một một điều gì chưa quen thuộc với người xem bằng cách khuyến khích họ nghĩ xa hơn ý nghĩa trước mắt của một vật thể quen thuộc. Trong sinh hoạt hướng đạo, khung cảnh biểu tượng là một khung cảnh bao gồm một loạt vật biểu tượng tượng trưng cho những ý niệm mà hướng đạo muốn phổ biến.

Khi sáng lập ra phong trào giáo dục mới của ông và nhắm vào các đối tượng đầu tiên là các trẻ em cuối tuổi thơ ấu và bước vào tuổi thiếu niên (tức là ngành “Thiếu” trong hệ thống giáo dục hướng đạo ngày nay) , B.P. dùng danh từ “Scout”, và danh từ này tự nó đã gợi lên một khung cảnh biểu tượng. Theo nghĩa đầu tiên, “Scout” (hướng đạo) chỉ những binh sĩ gởi đi trước đoàn quân để thám thính tình hình, xem địa thế có an toàn không cho đoàn quân theo sau. Từ “hướng đạo” đã bao hàm hình ảnh phiêu lưu, tình đồng đội, tính tháo vát, khả năng quan sát, một cuộc sống giản dị, lành mạnh giữa thiên nhiên v.v., là những giá trị mà B.P. muốn truyền đạt cho giới trẻ. Cần nhấn mạnh là tuy B.P. gốc là một tướng lãnh trong quân đội, nhưng những giá trị mà ông muốn quảng bá hoàn toàn không có tính cách quân sự. Trái lại, ông cổ vũ cho hòa bình, thiện chí, tính khoan dung, sự cảm thỏng giữa các dân tộc…

Hướng đạo dùng biểu tượng để giúp trẻ lĩnh hội những ý niệm trừu tượng; khung cảnh biểu tượng kích thích trí tưởng tượng, óc sáng tạo, thỏa mãn sự ham thích phiêu lưu của trẻ em, và được dùng để lôi cuốn sự tham gia của các em vào phương án giáo dục của ngành. Lúc khởi đầu, hướng đạo chỉ nhắm đến đối tượng là trẻ em trong tuổi thiếu niên (12-16 tuổi); ngày nay, hướng đạo mở rộng tầm hoạt động đến thanh thiếu niên mọi lứa tuổi, từ tuổi mẫu giáo đến đại học. Ở mỗi lứa tuổi cần có một khung cảnh biểu tượng phù hợp với mức độ trưởng thành của trẻ, và đặt trọng tâm trên nhu cầu giáo dục cho lứa tuổi đó. Ở mỗi lứa tuổi (mỗi “ngành”), khung cảnh biểu tượng gợi lên một cách sống bao hàm những đức tính cá nhân và tập thể mà hướng đạo muốn cổ vũ, phục vụ cho nhu cầu giáo dục đặt ra cho lứa tuổi đó. Thí dụ: tập sống với nhau trong một cộng đồng (ngành Ấu), phiêu lưu, mạo hiểm và sống còn giữa một môi trường khắc nghiệt (ngành Thiếu), khám phá những chân trời mới (ngành Thanh), dấn thân phục vụ cộng đồng hay bảo vệ môi trường (ngành Tráng).

Tại nhiều nước, khung cảnh rừng xanh và các nhân vật trong “Truyện rừng xanh” (The Jungle Book, tiểu thuyết của Rudyard Kipling, 1894) được dùng làm khung cảnh biểu tượng cho các sinh hoạt của ngành Ấu; đời sống trong một bộ lạc da đỏ, lối sống hào hùng của các hiệp sĩ thời xưa, cuộc sống của những nhà thám hiểm, những người khai phá những vùng đất hoang dã… thường được dùng cho các sinh hoạt của ngành Thiếu, ngành Thanh… Khung cảnh biểu tượng tùy theo lứa tuổi là một phương tiện của phương pháp hướng đạo, khiến cho sinh hoạt hướng đạo trở nên hấp dẫn hơn. Nhưng khung cảnh biểu tượng không bắt buộc phải đồng nhất cho toàn thể các nước, và có thể khác nhau tùy theo bối cảnh văn hóa – xã hội, và có thể thay đổi theo thời gian. Khung cảnh biểu tượng có thể phỏng theo các huyền thoại, những chuyện cổ tích, những nhân vật anh hùng, một thời kỳ lịch sử, thậm chí có thể hoàn toàn tưởng tượng ra.

Mặc dù mỗi ngành có một khung cảnh biểu tượng riêng biệt, nhưng Hướng Đạo (từ “Scout”, “Hướng Đạo” được dùng chung để chỉ mọi thành viên của phong trào hướng đạo ở bất cứ lứa tuổi nào) là một khung cảnh biểu tượng chung, bao trùm lên mọi ngành và bao hàm một số đức tính, một cung cách sống như đã nói ở trên.

6) Thiên nhiên

Thiên nhiên là một yếu tố của phương pháp hướng đạo vì khung cảnh thiên nhiên cung ứng vô số khả năng giúp cho sự phát triển của trẻ trên nhiều mặt:

  • Thể chất: thiên nhiên cho không khí trong lành, cơ hội để chạy, nhảy, rèn luyện thân thể, sức dẻo dai, chịu đựng của cơ thể.
  • Trí tuệ: thiên nhiên tạo cơ hội để tìm tòi, khám phá, luyện tập óc quan sát, suy luận, mở rộng tầm hiểu biết về thế giới bên ngoài, về các sinh vật, cây cỏ và con người…
  • Cảm xúc: thiên nhiên tạo nhiều cơ hội để khám phá, đào sâu lãnh vực cảm xúc và tình cảm;  cảnh thiên nhiên thanh tịnh, tịch mịch, giúp cho những tình cảm bồng bột, những khó chịu trong cuộc sống thường nhật lắng đọng xuống; ban đêm giữa thiên nhiên, trẻ tập chế ngự những nỗi lo sợ vô cớ của mình; những thử thách khi phải khắc phục các trở ngại rèn luyện tính bền bỉ, khả năng đối phó trước nghịch cảnh…
  • Xã hội: khi tổ chức đời sống giữa thiên nhiên trong những buổi cắm trại, đoàn sinh có dịp tìm hiẻu nhau rõ hơn, thấy những điểm mạnh, điểm yếu của mỗi người, cảm thấy mỗi người trong nhóm tùy thuộc lẫn nhau, nhận thấy sự cần thiết của phân công và hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau trong việc tổ chức đời sống, cảm thấy giá trị của tình bạn, tình đồng đội…
  • Tinh thần: Sự nhận thức về chiều hướng tâm linh có thể bắt nguồn từ việc khám phá và ngắm nhìn những kỳ diệu của thiên nhiên; quan sát một bầu trời đầy sao cho thấy sự nhỏ nhoi của con người trước sự vô tận và bí mật của vũ trụ, cùng lúc cảm nhận giá trị của sự phấn đấu của con người và sự cần thiết tìm ra một ý nghĩa cho cuộc sống…

Với tất cả những lợi ích phong phú mà những sinh hoạt ngoài trời đem lại, thiên nhiên là một yếu tố hết sức quí báu trong phương pháp hướng đạo. Tuy rằng không phải tất cả sinh hoạt hướng đạo đều xảy ra ngoài trời, nhưng đời sống hướng đạo cho đoàn sinh càng nhiều cơ hội càng tốt để tiếp xúc với thiên nhiên, vì đó là một môi trường hết sức thuận tiện cho công cuộc phát triển hài hòa và toàn diện con người.

7) Vai trò của trưởng

Trong phương pháp hướng đạo, vai trò của trưởng, hay là tương quan giữa người trưởng thành hướng dẫn đoàn và đoàn sinh mà mình giữ trách nhiệm giáo dục, là một yếu tố quan trọng và cần được hiểu rõ. B.P. giải thích vai trò người trưởng như sau: “Trưởng hướng đạo không phải là một giáo viên, cũng không phải là một sĩ quan chỉ huy, một giáo sĩ hay là một huấn luyện viên. Anh phải tự đặt mình ở vị trí một người anh lớn, có nghĩa là phải biết nhìn mọi việc theo nhãn quan đứa trẻ, để dẫn dắt, hướng dẫn, tạo niềm phấn khởi để hướng về con đường tốt “. Người trưởng trong một đoàn hướng đạo không phải là một người chỉ huy, ra lệnh để cho đoàn sinh làm theo, mà là người có ba nhiệm vụ chính:

  • Trước hết, trưởng là người hướng dẫn sinh hoạt: tức là người trông nom để những dự án mà đoàn thực hiện được tiến hành đến nơi đến chốn. Khi đoàn thực hiện một công trình nào đó, có thể đến lúc cần được giúp đỡ về một mặt kỹ thuật; trưởng có mặt để đem lại một giải pháp, hoặc là tự mình giúp ý kiến cho đoàn, hay là mời một người có khả năng để cố vấn cho đoàn để công trình có thể tiếp tục cho đến lúc hoàn tất. Tuy rằng không ai đòi hỏi người trưởng phải có đầy đủ khả năng kỹ thuật để có thể cố vấn về mặt kỹ thuật trong tất cả những sinh hoạt thuộc nhiều lãnh vực khác nhau, nhưng trong mọi trường hợp, trưởng phải là người có thể giúp cho đoàn có được sự hướng dẫn hay trợ giúp cần thiết về kỹ thuật để hoàn thành dự án.
  • Trưởng là một nhà giáo dục: là người theo dõi tiến trình tự giáo dục của đoàn sinh, chú ý để các kinh nghiệm mà đoàn sinh thu thập trong thời gian sinh hoạt với đoàn là những cơ hội để phát triển kiến thức, khả năng, tính khí của em. Là một nhà giáo dục, trưởng theo dõi sát khả năng, cá tính và nhu cầu của mỗi đoàn sinh, giúp mỗi em nhận thức rõ những nhu cầu của mình để chấp nhận một tiến trình tự giáo dục qua thời gian mà em sống với đoàn. Trưởng cũng trông chừng để cho chương trình đề nghị thích hợp với nhu cầu phát triển của đoàn sinh mình.
  • Trưởng là người điều hợp nhóm: sau cùng, trưởng trông nom làm sao để cho đoàn của mình có một không khí vui tươi, lành mạnh, cởi mở và thân thiện, một nơi mà mọi người cảm thấy thoải mái, phấn khởi để cộng tác, học hỏi lẫn nhau trong những sinh hoạt chung để cùng tiến bộ. Việc này đòi hỏi một sự tương kính, tin tưởng lẫn nhau, chấp nhận những cá biệt của từng người.

Vai trò của trưởng là một yếu tố trong phương pháp hướng đạo nên cần được hiểu một cách đúng đắn. Trưởng không phải là người ra lệnh để người khác làm, một người quyết định tất cả, hoặc là ôm đồm hết mọi công việc vì đoàn sinh mình quá “yếu”… Trưởng cần hiểu rõ nhiệm vụ của mình, là một người hướng dẫn sinh hoạt, một nhà giáo dục và một người điều hợp nhóm, tạo điều kiện để đoàn sinh cảm thấy phấn khởi, vui vẻ chấp nhận một chương trình để phát triển các khả năng của mình trong khi sinh hoạt với đoàn.

Nói tóm lại, phương pháp hướng đạo kết hợp 7 yếu tố:

  • Lời Hứa và Luật
  • Học bằng thực hành
  • Sinh hoạt theo từng nhóm nhỏ
  • Những chương trình hấp dẫn, từ dễ đến khó
  • Khung cảnh biểu tượng
  • Thiên nhiên
  • Vai trò của trưởng

Tất cả các yếu tố trên phải kết hợp với nhau, tác dụng qua lại với nhau, tạo thành phương pháp hướng đạo, và được áp dụng trong mọi sinh hoạt của đoàn. Có thể nói là lời Hứa và Luật hướng đạo chiếm vị trí trung tâm trong phương pháp này vì đó là qui tắc sống, hướng dẫn cách cư xử, cách hành động trong mọi sinh hoạt; nhưng mỗi yếu tố của phương pháp hướng đạo đều có tầm quan trọng của nó, mọi thiếu sót sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả của phương pháp.

Lấy thử một thí dụ có thể thường thấy nơi cách thức sinh hoạt ở vài đoàn: Thiếu đoàn X gồm ba đội dưới sự hướng dẫn của Trưởng Hải, tổ chức một kỳ trại ba ngày trên một đất trại tuyệt đẹp giữa một vùng phong cảnh hung vĩ. Ngày đầu tiên đến đất trại, thấy trời sắp mưa nên Trưởng Hải cho dựng một lều lớn làm nơi sinh hoạt đoàn và để cả đoàn có thể trú mưa. Dựng xong lều thì đã đến giờ ăn nên, để cho “nhanh” và “tiện lợi”, Trưởng Hải tổ chức một bếp chung cho cả đoàn rồi tự mình đứng ra chỉ huy công tác nấu bữa ăn trưa, phân công một đội lo việc xây dựng bếp, một đội khác chịu trách nhiệm thu góp dụng cụ làm bếp chuẩn bị bữa ăn, đội thứ ba lo việc lượm củi và các công tác vệ sinh v.v. Để cho tiện việc, Trưởng Hải tự mình đi vo gạo để nấu cơm, vừa đốc thúc mỗi người lo phần việc của mình. Ăn xong thì trời đổ mưa lớn, trong khi một số em lo công việc dọn dẹp dưới lều, một số đoàn sinh bày ra vài trò chơi nhỏ để cho qua thời giờ. Một số em khác chạy ra đùa giỡn dưới mưa.

Ta có thể rút ra vài nhận xét về cảnh xảy ra trên đây.

Kỳ trại ba ngày là một dịp quí báu để sống giữa thiên nhiên và có thể đem lại rất nhiều lợi ích cho công cuộc giáo dục của hướng đạo. Nhưng có thể thấy trước là kết quả sẽ không được khả quan vì mấy thiếu sót nghiêm trọng. Thứ nhất, trưởng không hiểu rõ vai trò của Trưởng nên thi hành không đúng nhiệm vụ của mình. Nghiêm trọng hơn là phương pháp hàng đội, hay phương thức tổ chức sinh hoạt theo nhóm, không được áp dụng nghiêm chỉnh. Đáng lẽ ra, ngay từ phút đầu tiên đến đất trại, Đoàn trưởng phải để mỗi đội hoàn toàn tự trị trong việc tổ chức cuộc sống trong nội bộ của đội trong suốt kỳ trại, tự tìm lấy những giải pháp để đối phó với những nghịch cảnh gặp phải.

Ngoài những lần sinh hoạt chung cho cả đoàn như trò chơi lớn, buổi lửa trại chung… phần lớn thời giờ nên được dành cho đội tự tổ chức và quản lý các sinh hoạt thường nhật của mình. Khi phải dựng lều và xây dựng góc đội dưới mưa, các em sẽ thu thập những kinh nghiệm quí báu cho những lần trại sau, sẽ tập giải quyết những khó khăn, đối phó với các trở ngại gặp phải. Các em bắt buộc phải chủ động khi phải đương đầu với những trở ngại, biết phải đối phó ra sao khi trời mưa, trời gió, biết lấy quyết định thay vì thụ động chờ người khác quyết định cho mình. Các em sẽ có nhiều cơ hội để hiểu rõ nhau hơn, nhận thấy sự cần thiết của sự phân công, hợp tác với nhau để hoàn thành một công tác, hiểu thế nào là tình bạn, tình đồng đội khi chia sẻ những khó khăn, những giây phút vui buồn,. Các em cũng sẽ có những phút yên tỉnh cảm thông với thiên nhiên hùng vĩ, mở rộng tầm nhìn và tâm hồn mình…

Tất cả những kinh nghiệm sống trong một kỳ trại sẽ đóng góp rất nhiều trong quá trình tự giáo dục của đoàn sinh, phát triển các khả năng của em trên các mặt thể chất, trí tuệ, cảm xúc, xã hội và tinh thần. Nhưng cơ hội quí báu này có thể bị lãng phí và kết quả sẽ không được bao nhiêu chỉ vì trưởng không biết áp dụng phương pháp hàng đội.

Phương pháp hàng đội là một yếu tố chủ yếu của phương pháp hướng đạo và được áp dụng cho tất cả các ngành, từ ngành nhỏ tuổi nhất là ngành Ấu, cho đến ngành Tráng. Nhưng cũng cần nói rõ rằng phương thức sinh hoạt theo nhóm là một phương pháp giáo dục dành để tổ chức sinh hoạt cho đoàn sinh, không phải là một hình thức để làm việc giữa các trưởng, như nhiều người có thể lầm tưởng. Ví dụ, việc điều hành, phối hợp công việc giữa các trưởng trong một Liên Đoàn, hay trong Bộ Tổng Ủy viên, phải theo những phương thức quản trị của một tổ chức giữa những người trưởng thành, đòi hỏi áp dụng “phương pháp hàng đội” trong trường hợp này là một điều phi lý.

Qua thí dụ đã kể trên, chúng ta có thể rút ra nhận xét như sau: phương pháp hướng đạo gồm có nhiều yếu tố kết hợp lại và tác động qua lại với nhau, bổ túc cho nhau và củng cố hiệu quả cho nhau. Nếu thiếu một yếu tố hay áp dụng sai, áp dụng không đúng mức một yếu tố thì toàn bộ hệ thống không còn hiệu nghiệm, không còn đem lại kết quả mong muốn nữa.

Chương VII: ĐỂ TỔNG KẾT

Quan niệm giáo dục của hướng đạo

Qua những gì đã được trình bày về nhiệm vụ giáo dục của Phong trào hướng đạo, chúng ta thấy là hướng đạo nhằm mục đích đóng góp vào việc phát triển toàn diện các khả năng của trẻ để trở thành một con người tự lập, tương thân tương ái, có tinh thần trách nhiệm và dấn thân, một thành viên tích cực của cộng đồng. Hướng đạo là một hệ thống giáo dục không chính thức, góp phần vào công tác giáo dục thanh thiếu niên, vì đứng ngoài hệ thống giáo dục chính thức và chỉ đem lại một nền giáo dục bổ túc cho các hệ thống giáo dục khác. Tuy chỉ là một hệ thống giáo dục không chính thức, nhưng hướng đạo vẫn là một định chế có cấu trúc chặt chẽ, theo đuổi một mục đích rõ ràng và nhắm vào những đối tượng nhất định. Quan niệm giáo dục của hướng đạo là một nền giáo dục đặt trọng tâm vào con người, một nền giáo dục phục vụ cộng đồng, và hướng thượng.

Đặt trọng tâm vào con người

Trái với những hình thức giáo dục rập khuôn huấn luyện hàng loạt theo một mẫu mực đồng nhất, hướng đạo xem mỗi người như một cá nhân duy nhất, với một quá khứ, một kinh nghiệm sống đặc biệt của mình, có những nhu cầu riêng và một khả năng phát triển theo nhịp độ riêng của mình. Hướng đạo công nhận tính cách duy nhất của mỗi cá nhân:

  • bằng cách tôn trọng sự tự do quyết định của mỗi cá nhân đến hay không với Phong trào hướng đạo;
  • bằng cách đề nghị cho mỗi người một chương trình để tự giáo dục (đó là, theo như B.P. nói: “giáo dục từ bên trong”, trái với những hình thức giáo dục “từ bên ngoài”);
  • bằng cách khuyến khích mỗi thanh thiếu niên cố gắng hết sức để phát triển các khả năng của mình, mà không cần phải so sánh mức độ thành công của người này hay người khác;
  • bằng cách cung cấp cho mỗi thanh thiếu niên những phương tiện để tự phát triển theo phương thức nào thích hợp nhất cho mình: khởi đầu từ các mục tiêu giáo dục chung được ấn định cho từng lứa tuổi, mỗi trẻ tự đặt ra một số mục tiêu riêng biệt cho mình, với sự giúp đỡ và góp ý của trưởng; từ đó, mỗi em tiến triển theo nhịp độ riêng của mình, không có hạn định thời gian nào.

Hệ thống giáo dục hướng đạo tạo cơ hội để mỗi em có thể lãnh hội được vô số những kinh nghiệm đa dạng, hợp với sở thích của các em. Các kinh nghiệm được thu thập này đều nhắm tới việc phát triển các khả năng của trẻ trên tất cả các lãnh vực.

Phục vụ cộng đồng

Hướng đạo giáo dục thanh thiếu niên để trong tương lai trở thành những công dân tích cực cho xã hội. Hướng đạo giúp cho các em luôn luôn có ý thức là mình không sống đơn độc mà là thành viên của một cộng đồng:

  • qua những kinh nghiệm sống trong một cộng đồng nhỏ (đội, đàn…), với những thể thức sinh hoạt dân chủ, tôn trọng những nhu cầu và sở thích của mỗi thành viên trong nhóm;
  • qua việc nhấn mạnh đến sự cần thiết có những quan hệ hài hòa với kẻ khác (các trẻ khác và những người trưởng thành), trong sự tôn trọng lẫn nhau;
  • qua việc giúp các em nhận thức rằng mình là thành viên trước hết của một cộng đồng nhỏ và gần nhất là khu phố, xóm làng, rồi một cộng đồng lớn hơn là quốc gia, và sau hết em cũng là thành viên của cộng đồng thế giới;
  • qua việc giúp các em có những cơ hội đóng góp cùng với các bạn khác vào việc phát triển cộng đồng (địa phương, quốc gia, quốc tế);
  • qua việc tập cho thanh thiếu niên thích ứng với mọi biến đổi tất yếu của xã hội, và biết đối phó với mọi khó khăn gặp phải.

Khi hướng đạo đặt cho mình nhiệm vụ giúp thanh thiếu niên trở thành những con người tự lập, tương thân tương ái, có tinh thần trách nhiệm và dấn thân, tất nhiên Phong trào hướng đạo đóng góp vào việc phát triển xã hội và phục vụ cho toàn thể cộng đồng thế giới.

Hướng thượng

Chủ trương giáo dục của hướng đạo có một chiều hướng tâm linh khi, trong mọi sinh hoạt đề nghị cho thanh thiếu niên, Phong trào hướng đạo khuyến khích các em:

  • tìm thấy một Thực thể tâm linh vượt lên trên thực tế vật chất của cuộc sống,
  • khám phá những giá trị đem lại một ý nghĩa cho đời sống,
  • luôn luôn cố gắng tôn trọng những giá trị đó trong cuộc sống hằng ngày.

Những nguyên tắc nền tảng  

Trong những chương trên đây, chúng ta đã xem xét qua toàn bộ những yếu tố cấu tạo thành nguyên lý hướng đạo. Điểm đầu tiên cần phải nắm vững là định nghĩa Phong trào hướng đạo (chúng ta là ai?): là một phong trào giáo dục cho giới trẻ với các đặc tính tự nguyện, không có tính cách chính trị, mở ra cho mọi người, không phân biệt giới tính, nguồn gốc, chủng tộc hay tín ngưỡng. Sau đó là mục đích (chúng ta muốn làm gì?): hướng đạo góp phần vào công cuộc giáo dục thanh thiếu niên với một chủ trương giáo dục phát triển toàn diện các khả năng của trẻ trên các lãnh vực thể chất, trí tuệ, cảm xúc, xã hội và tinh thần.

Trong công tác giáo dục của mình, Phong trào hướng đạo đặt nền tảng trên ba nguyên tắc chỉ đạo là bổn phận đối với tín ngưỡng tâm linh, bổn phận đối với kẻ khác và bổn phận đối với chính mình. Mọi thành viên phong trào hướng đạo phải tuân theo một Lời Hứa và một bản Luật diễn đạt các nguyên tắc đó.

Sau cùng, để hoàn thành công tác giáo dục đã đề ra (chúng ta làm như thế nào?), phong trào hướng đạo sử dụng một phương pháp độc đáo gọi là phương pháp hướng đạo.

Các yếu tố nêu trên là đặc điểm chung mà tất cả các đoàn thể hướng đạo cần phải tuân theo. Tất cả đều có tính cách cơ bản nên không thể thiếu một điểm nào hay coi nhẹ một khía cạnh nào trong các yếu tố kể trên. Trước sự thành công và tính lôi cuốn, hấp dẫn, của Phong trào hướng đạo trong việc giáo dục giới trẻ, tất nhiên đã có nhiều tổ chức, đoàn thể muốn vay mượn, bắt chước những hình thức sinh hoạt của hướng đạo để đoàn ngũ hóa và sinh hoạt thanh thiếu niên: cũng có cắm trại, cũng có trò chơi v.v. Nhưng kết quả là không có một tổ chức nào gặt hái được một mức độ thành công như Phong trào hướng đạo. Lý do là các tổ chức đó có vay mượn một số đặc điểm của hướng đạo, nhưng không áp dụng đầy đủ tất cả những yếu tố căn bản của hướng đạo. Đây là một điều hết sức quan trọng cần nhấn mạnh: cũng như phương pháp hướng đạo gồm một số yếu tố, chỉ cần thiếu một hay áp dụng không hoàn chỉnh một yếu tố là mức độ hiệu quả của phương pháp bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng, sự thành công của Phong trào hướng đạo là kết quả của tổng hợp tất cả những đặc điểm tạo thành nguyên lý hướng đạo, nếu áp dụng không đầy đủ, phương thức sẽ không còn hiệu nghiệm. Vị sáng lập ra phong trào hướng đạo đã thấy rõ điều này lưu ý đến điểm này rất sớm. Ông có nói trong một diễn từ đọc tại trại họp bạn thế giới năm 1922 tại Paris: “Hướng đạo là một liều thuốc gồm có nhiều tố chất, và nếu không pha trộn theo đúng liều lượng của toa bác sĩ, bệnh nhân đừng có trách bác sĩ tại sao hiệu quả không được như ý”.

Một trưởng hướng đạo cần nắm vững và áp dụng đúng đắn các yếu tố căn bản trên mới có thể làm tròn nhiệm vụ giáo dục của mình theo đường lối của phong trào. Ngược lại, ta có thể xem những gì không đụng chạm đến các yếu tố cơ bản đều là phụ thuộc: thí dụ đồng phục hướng đạo, các hình thức sinh hoạt, một số tập tục, nghiêm phép có thể thay đổi theo thời gian, không gian, tùy theo khung cảnh văn hóa xã hội, môi trường sinh sống. Cũng chính vì biết thích ứng với mọi môi trường xã hội có những nền văn hóa rất khác biệt và đáp ứng những nhu cầu mới của thời đại mà sự thành công của Phong trào hướng đạo có tính cách hoàn vũ và bền bỉ qua thời gian.

Nguyên lý hướng đạo không có gì là rắc rối khó hiểu. Cái khó là áp dụng đúng đắn trên thực tế đầy đủ các nguyên lý đó, và khi sinh hoạt hướng đạo, biết nhận thức rõ ràng đâu là những điểm cơ bản cần phải tôn trọng và gìn giữ hết sức nghiêm chỉnh, và đâu là những điểm hình thức, không cần phải khư khư giữ lấy. Một số hình thức trong sinh hoạt hướng đạo có thể và cần phải biến đổi theo thời gian và không gian, tùy theo sở thích, tâm lý của trẻ em, là đối tượng giáo dục của chúng ta, Nói một cách khác, chúng ta cần giữ vững tinh thần và cốt lũy của hướng đạo, nhưng phải biết sống với thời đại.

Chương VIII: BẢN TUYÊN NGÔN NHIỆM VỤ

Sự ra đời của “Bản Tuyên ngôn Nhiệm vụ”

Vào những năm cuối thế kỷ XX, trước những thay đổi lớn lao và dồn dập trong tình hình thế giới và sự tăng triển nhanh chóng của số hội viên muốn gia nhập Phong trào hướng đạo, Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới nhận thấy cần xác định lại vai trò của Phong trào hướng đạo trong thế giới ngày nay: việc này nhằm mục đích cho thấy rõ hơn chỗ đứng của phong trào giáo dục thanh thiếu niên có tầm quan trọng hàng đầu trên thế giới, đồng thời giúp cho các trưởng hướng đạo nhận thấy một cách rõ ràng nhiệm vụ của mình.

Các giá trị căn bản của Phong trào hướng đạo, cùng với mục đích muốn đạt tới và phương pháp để đạt tới mục đích đã được trình bày trong Hiến chương của Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới, vấn đề đặt ra là tóm lược tất cả những yếu tố căn bản trên trong một bản văn ngắn gọn để mọi người nhìn rõ được công việc mà Phong trào hướng đạo đang làm. Từ ý nghĩ đó, sau một thời gian nghiên cứu, bàn thảo, bản Tuyên ngôn Nhiệm vụ sau đây đã được Hội Nghị Hướng Đạo toàn thế giới lần thứ 35 họp tại Durban năm 1999 biểu quyết.

Bản văn này có thể xem như là một bản ghi nhớ, tóm tắt nguyên lý Hướng Đạo, vì nó thâu gọn trong một bản văn ngắn cho dễ nhớ mục đích, các nguyên tắc cơ bản và phương pháp Hướng Đạo. Vì là một bản văn ngắn, nên mỗi câu, mỗi từ trong bản văn đã được cân nhắc tỉ mỉ. Trưởng Hướng Đạo sau khi đọc và hiểu bản văn này, sẽ dành thời giờ để đào sâu, nghiên cứu thêm từng điểm để biết mình cần và phải làm gì trong Phong trào.

Phong trào Hướng Ðạo có mục đích góp phần vào công tác giáo dục trẻ –  dựa trên các giá trị nêu trong Lời Hứa và Luật Hướng Ðạo – nhằm giúp xây đắp một thế giới tốt đẹp hơn, gồm những con người hoàn mãn, sẵn sàng giữ một vai trò xây dựng trong xã hội.

Ðể hoàn thành công tác này, Phong trào Hướng Ðạo

  • đề nghị cho trẻ một quá trình giáo dục không chính thức trong thời gian những năm mà trẻ nhận sự giáo dục,
  • dùng một phương pháp độc đáo giúp mỗi người trở thành nhân tố chính trong quá trình phát triển để trở thành một người tự lập, tương thân tương ái, có tinh thần trách nhiệm và dấn thân,
  • giúp trẻ xây dựng một hệ thống giá trị dựa trên những nguyên tắc tinh thần, xã hội và cá nhân nêu trong Lời Hứa và Luật.

Giải thích bản Tuyên ngôn Nhiệm vụ

Bản Tuyên ngôn Nhiệm vụ tóm lược trong một bản văn ngắn thế nào là nhiệm vụ của Phong trào hướng đạo: góp phần vào công tác giáo dục trẻ. “Góp phần” vì hướng đạo không phải là nhân tố duy nhất tác động trên quá trình giáo dục, mà chỉ bổ túc cho nền giáo dục chính thức (nhà trường) và các hình thức giáo dục không chính thức khác (gia đình, bạn bè, các phương tiện truyền thông, môi trường xã hội nói chung), và mục tiêu muốn đạt tới là đào tạo những con người hoàn mãn, sẵn sàng giữ một vai trò xây dựng trong xã hội. Từ “hoàn mãn”, dịch ý từ nguyên bản tiếng Anh “self-fulfilled”, chỉ những người đã phát huy toàn vẹn tiềm năng của mình, tài trí được phát triển rạng rỡ, một cách hài hòa và toàn vẹn, là những người biết lấy quyết định để điều khiển cuộc đời mình, đồng thời biết lo lắng cho kẻ khác, sẵn sàng nhận trách nhiệm về hậu quả của những quyết định của mình, giữ những cam kết mình đã hứa, hoàn thành những công trình mình muốn thực hiện, sống trong sự tôn trọng các giá trị mà mình cho là quan trọng.

Mong muốn đầu tiên của B.P. khi lập nên Phong trào hướng đạo là cải tiến xã hội bằng cách giúp đào tạo những con người hoàn hảo hơn cho xã hội. Như vậy, mục đích của hướng đạo: góp phần giáo dục để phát triển khả năng của trẻ được đặt trong một bối cảnh rộng hơn là góp phần xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, qua công việc giáo dục trẻ.

Để hoàn thành nhiệm vụ trên, Phong trào hướng đạo sử dụng một hình thức giáo dục không chính thức (tức là ngoài hệ thống giáo dục học đường), hạn chế trong thời gian, nghĩa là trong quảng thời gian mà trẻ nhận giáo dục của học đường (tức là từ tuổi mẫu giáo, tiểu học đến trung học và đại học). Và phương pháp áp dụng là một phương pháp “độc đáo” của hướng đạo.

Bản Tuyên ngôn Nhiệm vụ cũng không nói rõ thế nào là “phương pháp độc đáo” mà hướng đạo dùng trong công tác giáo dục. Đó chính là “phương pháp hướng đạo” đã được định nghĩa vắn tắt trong Hiến chương và đã được giải thích rõ trong một chương trên đây. Một đặc điểm quan trọng của phương pháp hướng đạo là để cho trẻ trở thành nhân tố chính của quá trình tự rèn luyện của mình, với mục đích trở thành một người tự lập, tương thân tương ái, có tinh thần trách nhiệm và dấn thân.

  • Tự lập (self-reliant): có khả năng lấy quyết định và quản lý cuộc đời mình.
  • Tương thân tương ái (supportive): biết nghĩ đến kẻ khác và chia sẻ những lo âu của họ.
  • Trách nhiệm (responsible): biết nhận hậu quả những quyết định của mình, tôn trọng những cam kết của mình và làm cho đến cùng những gì mình muốn thực hiện.
  • Dấn thân (committed): sống phù hợp với một hệ thống giá trị mà mình đã chọn lựa và theo đuổi những sự nghiệp, những lý tưởng mà mình cho là quan trọng.

Công tác giáo dục của phong trào hướng đạo đặt nền tảng trên một “hệ thống giá trị” mà bản Tuyên ngôn Nhiệm vụ mô tả một cách vắn tắt là “dựa trên những nguyên tắc tinh thần, xã hội và cá nhân nêu trong Lời Hứa và Luật”. Nên nhắc lại là các nguyên tắc căn bản này là bổn phận đối với tín ngưỡng tâm linh, bổn phận đối với kẻ khác và bổn phận đối với bản thân.

  • Bổn phận đối với tín ngưỡng tâm linh : quan hệ giữa cá nhân và các giá trị tâm linh, niềm tin vào một thế lực thiêng liêng vượt lên trên cuộc sống vật chất.
  • Bổn phận đối với kẻ khác : quan hệ giữa cá nhân và xã hội trong định nghĩa rộng nhất, bắt đầu từ gia đình, làng xóm (cộng đồng địa phương), đất nước, cho đến cả thế giới nói chung.
  • Bổn phận đối với chính mình : Mỗi cá nhân chịu trách nhiệm phát triển các tiềm năng riêng của mình, một cách có hiệu quả nhất, tùy theo khả năng của mỗi người.

Các nguyên tắc căn bản trên được nêu trong một bản Luật và Lời Hứa mà mỗi người hướng đạo tự nguyện tuân theo.

Trong bối cảnh những thay đổi lớn lao trong đời sống kinh tế và chính trị trên toàn thế giới và những biến chuyển trọng đại xảy ra trong nội bộ Phong trào hướng đạo, trong lúc thế giới chuẩn bị bước vào một thiên niên kỷ mới, bản Tuyên ngôn Nhiệm vụ cho thấy rõ đâu là vai trò của Phong trào hướng đạo trên cương vị của một phong trào giáo dục thanh thiếu niên, nhắc nhở một cách vắn tắt nhưng đầy đủ tất cả những yếu tố làm nền tảng cho Phong trào hướng đạo.

Nguyên bản tiếng Anh của Bản Tuyên Ngôn Nhiệm Vụ

THE MISSION OF SCOUTING

The mission of Scouting is to contribute to the education of young people, through a value system based on the Scout Promise and Law, to help build a better world where people are self-fulfilled as individuals and play a constructive role in society.

This is achieved by

  • involving them throughout their formative years in a non-formal educational process
  • using a specific method that makes each individual the principal agent in his or her development as a self-reliant, supportive, responsible and committed person
  • assisting them to establish a value system based upon spiritual, social and personal principles as expressed in the Promise and Law.

Chương IX: HIỂU RÕ QUAN NIỆM “PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN”

Điểm độc đáo trong giáo dục Hướng Đạo là quan niệm “phát triển toàn diện”. Trưởng Hướng Đạo cần nắm vững nguyên tắc này cho mọi sinh hoạt trong đơn vị mình.

Tất cả các sinh hoạt hướng đạo: trong các buổi họp đoàn, trong các sinh hoạt ở trại (trò chơi, cắm trại, thám du, lửa trại…) đều có mục đích phát triển các khả năng của trẻ trong một hoặc nhiều lãnh vực sau đây: thể chất, trí tuệ, cảm xúc, xã hội tinh thần. Thí dụ, một sinh hoạt thể thao tổ chức trong một ngày trại có thể tác động đến các mặt thể chất, cảm xúc và xã hội (thúc đẩy tinh thần đồng đội, giao tiếp với kẻ khác…), một buổi thám du có thể tác động đến cả 5 mặt… Trưởng cần hiểu rõ điểm này để nhận định, cân nhắc, và lựa chọn những sinh hoạt nào có tác động giáo dục nhiều nhất, loại bỏ những hoạt động, những trò chơi… không có tác động giáo dục.

  1. Lãnh vực thể chất. Sinh hoạt Hướng Đạo, nhất là các sinh hoạt ngoài trời, giờ thể dục buổi sáng, trò chơi, sinh hoạt thể thao… giúp cho đoàn sinh có một thân thể khỏe mạnh, một sức khỏe bền bỉ, dẻo dai, có thể đối phó với nắng, mưa, với những trở ngại của thời tiết… Một hội đoàn thể thao chú trọng trước hết đến mặt phát triển khả năng thể chất, Hướng Đạo chú trọng đến lãnh vực thể chất ngang hàng với các mặt khác.
  2. Lãnh vực trí tuệ. Những sinh hoạt kích thích óc tò mò, khám phá, khả năng quan sát, óc suy luận… đều góp phần mở mang kiến thức của đoàn sinh trên rất nhiều lãnh vực khoa học. Nhưng Hướng Đạo không cạnh tranh với nhà trường, mà có cách thức riêng (sử dụng phương pháp hướng đạo) để đoàn sinh tự thâu thập kiến thức qua rất nhiều hình thức sinh hoạt ngoài thiên nhiên. Nên nhớ đoàn sinh học ở hướng đạo những gì không học được ở nhà trường (quan sát bầu trời, tìm phương hướng, ước lượng đo đạc, lấy dấu vết thú rừng, nhận biết các loại cây cỏ…), và đó là điều làm cho sinh hoạt hướng đạo hấp dẫn và thích thú.
  3. Lãnh vực cảm xúc. Những nghiên cứu mới của tâm lý học cho thấy là trẻ em có một chỉ số thông minh (IQ) cao, thành công trong học vấn, tức là có khả năng cao trên lãnh vực trí tuệ, không hẳn sẽ thành công trong nghề nghiệp, khi vào đời. Còn cần phải biết kiểm soát và chế ngự cảm xúc, thích ứng với những hoàn cảnh đổi thay trong cuộc sống, bền bỉ, không chán nãn trước những trở ngại, đối phó, tìm ra giải pháp cho mọi tình huống… Do đó, chỉ số thông minh (IQ) cao cần được bổ túc bằng chỉ số cảm xúc (EQ) cao. Đây là một lãnh vực mới trong quan niệm giáo dục hướng đạo. Nhưng không phải là trước đây, Hướng Đạo không chú ý đến mặt này. Chúng ta vẫn quan niệm Hướng Đạo là “một trường rèn luyện chí khí”. Điều này chứng tỏ là Hướng Đạo đã quan tâm từ lâu đến lãnh vực này trong nhiệm vụ giáo dục của mình.
  4. Lãnh vực xã hội. Hướng Đạo giúp đoàn sinh nhận thức bổn phận của mình đối với cộng đồng xã hội, từ làng xóm, khu phố, địa phương, quốc gia, đến cả cộng đồng thế giới. Qua việc sinh hoạt trong mợt nhóm và qua phương pháp hàng đội, mỗi người đều được thực hành sống và làm việc trong một nhóm, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau để tổ chức cuộc sống, để thực hiện một dự án, thực hành kỹ thuật lãnh đạo…
  5. Lãnh vực tâm linh. Như đã có dịp trình bày trong một phần ở trên, không phải chỉ tổ chức một “giờ tinh thần” hay nhờ một vị tu sĩ chủ trì một lễ nghi tôn giáo vào một sáng chủ nhật trong một kỳ trại là Trưởng đã làm xong nhiệm vụ của mình. Cần phải xem lãnh vực tâm linh là một lãnh vực tác động của giáo dục hướng đạo giống như các lãnh vực khác, không phải là một “mảng” tách biệt. Trưởng cần chú trọng đến mặt này trong các sinh hoạt hướng đạo, cùng lúc và giống như 4 lãnh vực đã trình bày ở trên.

Khi đã hiểu thế nào là “giáo dục toàn diện”, chúng ta sẽ thấy là những sinh hoạt hướng đạo hữu hiệu nhất là những sinh hoạt tác động được trên nhiều mặt, và chúng ta cũng sẽ thấy chính những sinh hoạt ngoài trời, tiếp xúc với thiên nhiên mới có khả năng rất nhiều tác động trên nhiều mặt như chúng ta mong muốn. Vì vậy thiên nhiên là một yếu tố quan trọng nằm trong phương pháp hướng đạo.

Các sinh hoạt hướng đạo rất đa dạng và phong phú, không phải chỉ giới hạn trong một số sinh hoạt “cổ điển” lập đi lập lại khi Trưởng thiếu sáng kiến. Khi chúng ta đề nghị được cho các em những sinh hoạt đa dạng, hấp dẫn, phát triển được khả năng của các em trên tất cả các lãnh vực mong muốn, tức là chúng ta đã thành công trong công tác giáo dục hướng đạo. Việc này không khó, chỉ cần hiểu rõ nhiệm vụ của Trưởng và vận dụng óc sáng tạo.

Chương X: TRỞ LẠI VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN TÂM LINH

Vấn đề khía cạnh tâm linh trong sinh hoạt hướng đạo vẫn hay là đề tài tranh cải, vì có quan điểm cho rằng tâm linh thuộc về lãnh vực tôn giáo, cần được tách ra khỏi sinh hoạt hướng đạo. Những người bênh vực cho quan điểm này lập luận rằng hướng đạo là một tổ chức giáo dục, sinh hoạt thanh thiếu niên, không cần chen vấn đề tôn giáo vào, là một lãnh vực hoàn toàn cá nhân. Hướng đạo thâu nhận mọi người, không phân biệt tôn giáo, và tôn trọng sự lựa chọn có tín ngưỡng hay không có tín ngưỡng của mỗi người. Hơn nữa, vấn đề tôn giáo chỉ được đưa thêm sau này vào Phong trào hướng đạo; lúc khởi thủy, sinh hoạt hướng đạo dưới thời Baden-Powell không đặt vấn đề tôn giáo, chứng cớ là có nhiều hội hướng đạo kỳ cựu (thí dụ Eclaireurs de France tại Pháp) không đề cập gì đến tôn giáo, không nhắc đến “Thượng đế” trong lời Hứa hướng đạo…

Chương này có mục đích giải thích những khúc mắc nêu ra, đồng thời trình bày lập trường chính thức của Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới trước vấn đề này. Đây không phải là một vấn đề đơn giản, và những thắc mắc nêu lên không phải là vô lý, vậy cần phải giải thích thật rõ khía cạnh tế nhị nhưng cực kỳ quan trọng này, vì nó liên quan trực tiếp đến toàn bộ nguyên lý hướng đạo. Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới cũng phải nhiều lần xác định rõ ràng lập trường của mình, đặc biệt trong thời gian gần đây, đặc biệt là trong lúc tiến hành thủ tục công nhận hội hướng đạo các nước Đông Âu.

Đôi dòng lịch sử

Phong trào hướng đạo có thể xem đã khởi đầu vào năm 1907, với trại hè đầu tiên mà Baden-Powell tổ chức trên đảo Brownsea cho một số thiếu niên trong vùng thủ đô Anh. Sau đó, nhiều nước đã bắt chước tổ chức những đoàn thể hướng đạo theo mẫu của Baden-Powell, nhưng từ đó cho đến năm 1920, không có một tổ chức quốc tế nào để qui định những luật lệ, thể thức chung để mọi người tuân theo. Năm 1922, nhân dịp Hội Nghị Thế giới lần thứ 2 của Phong trào hướng đạo, các nước tham dự hội nghị bầu ra một “Ủy Ban Quốc Tế” (International Committee, sau này được đổi tên thành “Ủy Ban Thế Giới” – World Committee). Những nước này được xem là những quốc gia sáng lập Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới và không bị bó buộc phải theo những điều kiện qui định mà những nước gia nhập sau này phải tuân theo.

Trong số những quốc gia sáng lập đó, có những nước trong đó có đến 5, 6 hội hướng đạo liên kết thành một Liên hội và mỗi hội hoàn toàn tự trị về mặt hành chánh, tài chánh, chương trình sinh hoạt… Tại mỗi nước, trong số các hội hướng đạo hoạt động, có hội sử dụng lời Hứa hướng đạo hoàn toàn theo mẫu do B.P. đặt ra, kể cả phần “bổn phận đối với Thượng Đế”, nhưng có hội lại không đặt nặng vấn đề tín ngưỡng, để tùy ý mỗi người về mặt này. Tựu trung có ba nước là Bỉ, Đức và Pháp áp dụng hình thức Liên hội, trong đó những hội thiên về những tôn giáo lớn sử dụng lời Hứa có ghi rõ bổn phận đối với tôn giáo, nhưng bên cạnh đó có những có hội theo đường lối trung lập về mặt tôn giáo, không can thiệp trên lãnh vực này. Các nước Pháp và Bỉ lại du nhập hình thức có nhiều hội khác nhau trong một Liên hội đến các nước thuộc địa của mình, chủ yếu là tại châu Phi. Thí dụ điển hình là Pháp, là nước có nhiều hội hướng đạo hoạt động song hành, mỗi hội thiên về một tôn giáo lớn, và một hội, Eclaireurs de France, theo chính sách “thế tục”, tách vấn đề tôn giáo ra khỏi sinh hoạt hướng đạo. Lời hứa của Eclaireurs de France bắt đầu bằng: “Tôi lấy danh dự mà hứa…” hoặc “Trước Thượng Đế, tôi lấy danh dự mà hứa…”, để tùy đoàn sinh lựa chọn. Đường lối của Eclaireurs de France được du nhập vào các thuộc địa Pháp ở châu Phi cũng như vào Đông Dương. Sinh hoạt hướng đạo khi được nhập vào Việt Nam trong thập niên 1920-1930 cũng chịu ảnh hưởng của Eclaireurs de France.

Như vậy, có thể nói là lúc khởi đầu, chiều hướng tâm linh không được đặt thành một yếu tố thiết yếu quyết định sự chấp thuận hay không chấp thuận một hội viên vào tổ chức quốc tế hướng đạo, vì những hội như Eclaireurs de France vẫn nằm trong hệ thống chính thức của những nước được xem như là quốc gia sáng lập của Phong trào hướng đạo. Lý do, như đã nói qua ở chương III (“Đâu là nguyên lý Hướng Đạo?”), là lúc ban đầu không có văn bản nào nói rõ ràng đâu là những đặc tính cơ bản của hướng đạo. Các nước chỉ mô phỏng theo những gì mà B.P. đang làm rồi tùy nghi áp dụng vào nước mình. Tất cả đều được nhận vào đại gia đình hướng đạo, không có cơ quan nào giám sát hay kiểm soát.

Nhưng sau đó, khi tổ chức đã thành hình, lần lần các qui tắc, các tiêu chuẩn, được đặt ra và mọi đơn xin gia nhập mới cần được đa số các hội viên chấp thuận theo khuyến cáo của Ủy Ban Thế Giới, là cơ quan có nhiệm vụ nghiên cứu các hồ sơ xin gia nhập Tổ chức.

Quan điểm của B.P. và lập trường của Tổ chức Thế giới

Sau khi Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới được thành hình và cơ cấu lãnh đạo được thiết lập sau Hội nghị 1922, Tổ Chức Thế Giới bắt tay vào việc xác định những nền tảng cơ bản của Phong trào hướng đạo. Ngay tại hội nghị kế tiếp vào năm 1924, Quyết nghị 14/24 được biểu quyết, mang tựa đề “Nguyên tắc của Hướng Đạo” (“Principles of Scouting”), xác nhận “nguyên tắc tâm linh” ngay trong đoạn thứ nhất : “Hội nghị xác nhận rằng Phong trào Hướng Đạo có những đặc tính quốc gia, quốc tế và hoàn vũ, nhằm đem lại cho mỗi quốc gia và cho thế giới nói chung những người trẻ mạnh về thể chất, tinh thần và tâm linh”. Nhưng Hội nghị cẩn thận không muốn mang tiếng là thiên vị một tín ngưỡng nào đặc biệt, vì đoạn chót của Quyết nghị nói rõ: “Phong trào Hướng Đạo không muốn làm suy yếu, nhưng ngược lại muốn củng cố lòng tin vào tôn giáo của mỗi đoàn sinh. Luật Hướng Đạo đòi hỏi Hướng Đạo sinh thực hành bổn phận tôn giáo của mình một cách thành thật, và chính sách của Phong trào là ngăn cấm mọi tuyên truyền tôn giáo trong mọi buổi họp có Hướng Đạo sinh thuộc nhiều tôn giáo khác nhau .”

Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới dựa vào quan điểm của B.P. về vấn đề tôn giáo để xác định chiều hướng tâm linh như là một yếu tố căn bản của Phong trào hướng đạo. Thật vậy, bản lời Hứa hướng đạo mà B.P. đã soạn bắt đầu như sau: “Tôi hứa trên danh dự cố gắng hết sức để thi hành bổn phận của tôi đối với Thượng đế và Quốc Vương”. Trong các bản văn do B.P. để lại, ý niệm về một quyền lực tối cao luôn luôn hiện diện như là một ý niệm cơ bản trong đường lối giáo dục của ông. Ngay trong quyển Hướng Đạo cho trẻ em, ông viết: “Không một người nào có giá trị gì trừ phi là người đó tin vào Thượng đế và tuân theo luật của Người. Vì vậy, mỗi Hướng Đạo sinh phải có một tôn giáo[5] . Năm 1926, B.P. đọc một diễn từ tại hội nghị các Ủy viên Hướng Đạo tại High Leigh, Anh quốc, về vấn đề “Tôn giáo trong Phong trào Nam và Nữ Hướng Đạo”. Ông nói: “Có người hỏi tôi rằng tôn giáo đã đi vào Hướng Đạo từ lúc nào? Câu trả lời của tôi là: ‘Tôn giáo không có đi vào Hướng Đạo gì cả vì đã ở sẵn đó rồi. Đó là một yếu tố cơ bản làm nền tảng cho Hướng Đạo[6] ” .

Kể từ năm 1924, Ủy Ban Hướng Đạo Thế Giới bắt đầu xem xét kỹ lưỡng bản văn lời Hứa Hướng Đạo của các nước muốn gia nhập Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới, và bắt buộc rằng điều khoản “Bổn phận đối với Thượng đế” phải được ghi vào lời Hứa, tuy rằng với những ngôn từ có thể khác biệt, tùy theo từng tôn giáo.

Tuy nhiên còn tình trạng những hội hướng đạo không những đã được chấp nhận trong Tổ chức mà còn là hội viên sáng lập, nhưng trong lời Hứa lại không đề cập đến “Bổn phận đối với Thượng Đế” (trường hợp Eclaireurs de France đã nói ở trên). Ủy Ban Thế giới ghi nhận “sự đã rồi” và không yêu cầu các hội đó phải sửa đổi lại lời Hứa, theo nguyên tắc “bất hồi tố”. Kết quả là các hội liên hệ được phép giữ lời Hứa hiện hành, không bị bắt buộc phải sửa đổi. Tuy nhiên, đối với các hội viên mới, điều khoản “Bổn phận đối với Thượng Đế” là một điều kiện “không có không được” để được chấp nhận làm hội viên.

Từ Quyết nghị Lisbon 1961 đến sau khi bức tuờng Bá Linh sụp đổ

Hội Nghị Hướng Đạo Thế Giới lần thứ 18 tại Lisbon, Portugal, năm 1961, biểu quyết một Quyết nghị giải thích rộng hơn “Bổn phận đối với Thượng đế” và cho hiểu rằng đó là bổn phận đối với tôn giáo nói chung, không nhất thiết phải diễn dịch theo nghĩa Thượng đế của Thiên chúa giáo, và cũng có thể áp dụng trong trường hợp niềm tin vào một “quyền lực tối thượng”. Tựa đề của Quyết nghị 8/61 là “Bổn phận đối với Thượng Đế / Tôn giáo”. Lần đầu tiên từ “tôn giáo” được ghép vào ý niệm Thượng Đế, như muốn nói rằng chiều hướng tâm linh trong Phong trào hướng đạo không nhất thiết phải gắn liền với Thượng Đế của Thiên Chúa giáo. Quyết nghị cũng diễn dịch lời Hứa nguyên thủy của B.P. một cách rộng rãi hơn, và nói rõ: “Đối với những hội hướng đạo nào muốn, lời Hứa có thể được diễn tả thế nào để ứng dụng với trường hợp trong số đoàn sinh có người tin nơi một Thượng Đế và có người tin tưởng vào một thực thể tâm linh. Mọi diễn đạt ở điểm này phải phù hợp với tinh thần lời Hứa hướng đạo nguyên thủy công nhận sự hiện hữu của một Quyền lực tâm linh tối thượng trong vũ trụ[7]“.

Cho đến thời điểm đó, các chính sách, lập trường của Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới được thảo luận trước trong nội bộ Ủy Ban Thế giới rồi đưa ra trình bày trước những phiên họp khoáng đại của Hội Nghị Thế Giới, cuối cùng được đúc kết thành những bản Quyết nghị. Không có một văn bản nào được đúc kết để trình bày một cách tổng hợp lập trường của Tổ chức Thế giới về vấn đề có một tầm quan trọng căn bản này. Đến năm 1977, sau hai năm bàn cải, Tổ chức Thế giới quyết định tu chính Hiến chương. Trong bản văn được tu chính, những điểm căn bản gọi là nền tảng của Phong trào hướng đạo được trình bày trong Chương I. Bổn phận tâm linh được đặt lên hàng đầu trong số ba nguyên tắc chỉ đạo làm nền tảng cho Phong trào hướng đạo. Bản Hiến chương vẫn dùng nhóm từ “Bổn phận đối với Thượng Đế” cho một trong số ba nguyên tắc căn bản, nhưng trong phần giải thích, bản văn không lập lại từ “Thượng Đế” và giải thích bổn phận này như sau: “Tuân theo những nguyên tắc tinh thần, trung thành với tôn giáo thể hiện các nguyên tắc đó, và chấp nhận những bổn phận phát sinh từ đó”.

Những đặc tính cơ bản làm nền tảng cho Phong trào hướng đạo thế giới từ đó đã được xác định rõ ràng trong một văn bản chính thức, và chiều hướng tâm linh trong nền giáo dục hướng đạo được long trọng xác nhận như là nguyên tắc được nêu lên đầu tiên trong số ba nguyên tắc chỉ đạo. Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới kiên trì đòi hỏi các nước ứng viên vào Tổ chức phải chấp nhận chiều hướng tâm linh này mới được gia nhập Tổ chức. Một cách cụ thể, chiều hướng tâm linh phải được biểu thị trong lời Hứa hướng đạo, và lời Hứa đệ trình trong hồ sơ gia nhập phải đề cập đến mặt này nếu muốn được chấp thuận.

Đôi khi Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới bị mang tiếng là muốn cổ vũ cho Thiên chúa giáo (Công giáo và Tin lành), nhưng trong thực tế, số đoàn sinh Hồi giáo lại chiếm số đông nhất trong Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới ngày nay. Nước đứng đầu về số đoàn sinh, Indonesia, là một nước mà đa số dân là Hồi giáo. Theo số liệu năm 2017 thì trong số 9 nước có số đoàn sinh đông nhất (trên nửa triệu đoàn sinh) thì có đến 6 nước châu Á, Hoa Kỳ chỉ đứng hàng thứ ba về số đoàn sinh.

Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới không bắt buộc rằng mỗi hướng đạo sinh phải có một tôn giáo mà chỉ cần có niềm tin vào một “thực thể tâm linh”, và làm như vậy, Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới cho rằng mình trung thành với quan điểm của Baden-Powwell. Chủ trương phát triển con người “toàn diện” bao gồm cả chiều hướng tâm linh trong một khối không thể tách rời được (tức là phát triển các khả năng của hướng đạo sinh trên toàn bộ các mặt: thể chất, trí tuệ, cảm xúc, xã hội và tinh thần).

Vấn đề này lại trở thành một vấn đề thời sự nóng bỏng sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ năm 1989. Tại các nước trong khối Đông Âu cũng như tại các nước cộng hoà thuộc Liên Xô cũ, sinh hoạt hướng đạo đã bị đình chỉ trong gần nửa thế kỷ, nay đồng loạt tái sinh một cách rầm rộ. Trong những nước này và qua một thời gian dài, những gì liên hệ đến vấn đề tôn giáo đều được nhìn với một cặp mắt nghi ngờ. Trong các cuộc tiếp xúc với Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới để phục hồi sinh hoạt hướng đạo tại những nước này, nhiều hội hướng đạo đã bày tỏ sự khó khăn tại nước họ khi phải nêu từ “Thượng đế” trong lời Hứa, vì những di sản của lịch sử còn nóng hổi của thời gian mới qua. Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới phải đặt ra một ủy ban đặc biệt để nghiên cứu tìm một hướng đi thích hợp nhằm giải tỏa vấn đề. Sau cùng, ủy ban đưa ra giải pháp là định nghĩa bổn phận về mặt tâm linh của người hướng đạo như sau: “Chấp nhận một Thực thể Tâm linh và tìm hiểu ý nghĩa toàn vẹn (của thực thể tâm linh này)[8] . Ủy ban đề nghị lời Hứa hướng đạo có thể được phát biểu như sau: “Tôi hứa làm bổn phận đối với Thượng đế, nghĩa là chấp nhận một một Thực thể Tâm linh và tìm hiểu ý nghĩa toàn vẹn” . Lời Hứa chỉ có thể gồm một trong hai phần mà thôi, nghĩa là có thể nói: “Tôi hứa làm bổn phận đối với Thượng đế“, hoặc: “Tôi hứa chấp nhận một Thực thể tâm linh và tìm hiểu ý nghĩa toàn vẹn”[9]. Lối phát biểu trên được Ủy Ban Hướng Đạo Thế Giới chấp nhận như là một giải pháp khả thi, và nói rõ đó là cách diễn đạt thích hợp cho người trưởng thành, nghĩa là trong trường hợp đoàn sinh nhỏ tuổi, có thể sửa đổi lối hành văn cho dễ hiểu hơn cho từng lứa tuổi.

Những nổ lực vừa kể nói lên một điều: Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới không nhượng bộ để từ bỏ chiều hướng tâm linh, là một đặc điểm không thể thiếu trong sinh hoạt hướng đạo, một thành phần trong chủ trương phát triển con người toàn diện của Phong trào hướng đạo. Nhưng Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới sẵn sàng tìm một giải pháp thích hợp cho mọi hoàn cảnh, không đòi hỏi phải có niềm tin vào một tôn giáo, mà chỉ xác nhận lòng tin vào một Quyền lực tối thượng, không nhất thiết phải gắn liền với một tôn giáo nào nhất định.

Trong khoảng thời gian những năm 1998-2000, tác giả sách này có cơ hội trao đổi trực tiếp nhiều lần với vị Tổng Thư ký Văn Phòng Hướng Đạo Thế Giới lúc đó, Tiến sĩ Jacques Moreillon, về các hình thức diễn đạt khác nhau của khía cạnh tâm linh trong lời Hứa hướng đạo. Ông xác định là Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới không thể chuẩn y một lời Hứa mà không nêu mặt tâm linh, nhưng rồi, vấn đề áp dụng trên thực tế về sau, áp dụng như thế nào, theo mức độ nào, thì có thể linh động rất nhiều, tùy theo từng quốc gia hội viên. Ông nhiều lần nhắc lại là Tổ chức Thế giới bắt buộc phải cứng rắn về mặt hình thức, nhưng sẵn sàng linh động rất nhiều trên mặt áp dụng thực tế. Tôi có trình bày trường hợp ở Việt Nam trước đây, với lời Hứa ghi nhận “bổn phận đối với tín ngưỡng tâm linh”, là một cách diễn đạt thích hợp cho những đoàn sinh có tôn giáo cũng như những đoàn sinh theo truyền thống gia đình thờ cúng tổ tiên. Nhóm từ “tín ngưỡng tâm linh” hình như chỉ được dùng ở Việt Nam mà không có trong các văn bản của Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới. Sau khi tham khảo với vị phụ tá là Phó Tổng Thư ký Malek Gabr, đặc trách các vấn đề nguyên tắc và nguyên lý tại Văn Phòng Hướng Đạo Thế Giới, ông Moreillon xác nhận là giải pháp này hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới, và Tổ chức Thế giới sẽ sẵn sàng chuẩn y một lời Hứa dưới hình thức đó.

Phương pháp hướng đạo và phát triển tâm linh

Một điều quan trọng cần ghi nhớ là không nên lầm lẫn “phát triển tâm linh” và “giáo dục tôn giáo” vì Phong trào hướng đạo không chủ trương giáo dục tôn giáo. Nhiều đơn vị hướng đạo tưởng rằng chỉ cần thêm vào một vài sinh hoạt tôn giáo trong một trại hướng đạo là thỏa mãn được mặt “phát triển tâm linh”. Cũng vì lẫn lộn giữa “phát triển tâm linh” và “giáo dục tôn giáo” nên một số trưởng hướng đạo cho rằng mình không có khả năng trong lãnh vực này.

Nhiều trưởng tưởng rằng trong “giờ tinh thần” tổ chức trong một trại Hướng Đạo phải có lễ nghi tôn giáo, thuyết giảng về tôn giáo… nên cần có một tu sĩ phụ trách. Nhưng thật ra “giờ tinh thần” không phải là một sinh hoạt tôn giáo trong một trại Hướng Đạo, mà là một sinh hoạt Hướng Đạo, tổ chức cho tất cả đoàn sinh, bất kể thuộc tôn giáo nào hay chưa có tôn giáo. Và trưởng cũng áp dụng phương pháp Hướng Đạo trong sinh hoạt này, qua những bài hát, những trò chơi, những bản văn ngắn cùng đọc cùng nghe, những cuộc trao đổi… Mục đích là giúp các em có những ý nghĩ hướng thượng, hiểu bổn phận và tiến gần hơn dến tôn giáo của mình.

Phát triển tâm linh là một mặt trong chủ trương phát triển con người toàn diện của hướng đạo. Nhưng chú trọng đến lãnh vực phát triển tâm linh cùng lúc với việc phát triển các lãnh vực thể xác, trí tuệ, cảm xúc và xã hội, không có nghĩa là phải đặt thêm vào một mãnh “phát triển tâm linh” trong sinh hoạt hướng đạo, mà phải hòa nhập khía cạnh phát triển tâm linh vào toàn bộ chương trình sinh hoạt. Ta có thể tìm thấy khía cạnh tâm linh trong mọi hình thức sinh hoạt của hướng đạo:

  • Các sinh hoạt và lối sống hướng đạo khuyến khích trẻ em phát triển tinh thần trách nhiệm đối với chính mình, chống lại các loại ảnh hưởng tiêu cực, tự đặt ra những mục tiêu tăng tiến cá nhân.
  • Hệ thống hàng đội giúp giới trẻ có những mối tương giao dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau, tình bạn và tình đồng đội, lo lắng cho nhau, phát triển sự tự tin, tinh thần khoan dung…
  • Sống gần với thiên nhiên giúp cho trẻ có một cảm giác bình yên, thanh thãn, biết thương yêu sinh vật, khuyến khích việc tìm tòi, khám phá các điều kỳ diệu của thiên nhiên, hiểu tầm quan trọng của việc bảo vệ đời sống thiên nhiên và môi trường sống.
  • Qua các hoạt động giúp ích, giúp sức phát triển xã hội, giúp các người già cô đơn, những người nghèo sống bên lề xã hội, chống lại sự kỳ thị chủng tộc, tinh thần bài ngoại, giới trẻ thấy là, qua sự tận tụy và dấn thân, có thể xây dựng một thế giới có tình người hơn, khoan dung và thân thiện hơn.
  • Những phút “tỉnh tâm” xen kẻ vào các sinh hoạt hướng đạo giúp cho các em suy nghĩ về những gì mình vừa trải qua, tìm hiểu giá trị của kinh nghiệm vừa sống, hồi tưởng lại những kinh nghiệm đã qua để tìm thấy một ý nghĩa chung…

Tất cả những mặt này trong sinh hoạt hướng đạo đều có thể thúc đẩy đoàn sinh đến những ý tưởng hướng thượng và trưởng có thể tìm những hoàn cảnh thuận tiện trong lúc sinh hoạt để chú tâm đến chiều hướng tâm linh song song với việc phát triển khả năng của đoàn sinh trên các mặt khác.

Để kết luận, nên nhớ là phong trào hướng đạo giúp trẻ tiếp xúc với những nhận thức hướng thượng, khám phá một thực thể tâm linh vượt trên đời sống vật chất và con người. Trưởng hướng đạo không giáo dục tôn giáo và cũng không phải đưa nghi thức tôn giáo vào sinh hoạt hướng đạo, mà dùng chính những kinh nghiệm mà sinh hoạt hướng đạo đem lại để giúp giới trẻ khám phá và đào sâu chiều hướng tâm linh trong cuộc sống.

Chương XI: XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH SINH HOẠT HƯỚNG ĐẠO

Chương trình sinh hoạt hướng đạo bao gồm một mặt một chuơng trình tiến triển tuần tự mà mỗi hội hướng đạo đề nghị ra để rèn luyện đoàn sinh theo một kế hoạch đã định sẵn, và mặt khác là những sinh hoạt như những cuộc cắm trại, lửa trại, xuất du, họp đoàn, công tác giúp ích… là những sinh hoạt sắp đặt theo một chương trình hàng tháng, hàng năm, có sự đóng góp tích cực của đoàn sinh qua những buổi thảo luận trong hội đồng đội, hội đồng đoàn.

Hệ thống tiến triển tuần tự mà đoàn thể hướng đạo đề nghị cho đoàn sinh, đối với ngành Thiếu thường được biết qua tên gọi “chương trình đẳng thứ”, gồm những giai đoạn như Hướng Đạo tân sinh, Hướng Đạo hạng nhì, Hướng Đạo hạng nhất… cùng với một hệ thống chuyên hiệu để học hỏi một số thủ thuật và khả năng chuyên môn trong nhiều lãnh vực. Chương trình này cùng với các tên gọi kèm theo dựa trên những chương trình đầu tiên của B.P., được áp dụng tại Anh rồi được phỏng theo tại các nước khác, trong đó có Pháp, và từ đó du nhập vào Việt Nam, được sử dụng và không có sửa đổi nào đáng kể cho đến mãi về sau này.

Nhưng lần lần, tại một số lớn quốc gia, bắt đầu là các nước phương Tây, chương trình đẳng thứ đó đã được đặt lại vấn đề một cách toàn diện, nhằm tiến tới một phương thức thích hợp hơn cho thời đại hiện nay. Trước hết, các tên gọi “Tân sinh, hạng nhì, hạng nhất”… mang vẻ những cấp bậc trong một hệ thống quân đội được bãi bỏ tại nhiều nước. “Chương trình đẳng thứ” được thay thế bởi một “Phương án giáo dục” thích hợp cho từng ngành. Mỗi hội hướng đạo có một phương án giáo dục riêng cho ngành Ấu, ngành Thiếu, ngành Thanh, ngành Tráng, xây dựng theo một mô hình chung, nhưng gồm những giai đoạn tiến triển thích hợp cho từng lứa tuổi. Việc xây dựng những phương án này thuộc trách nhiệm của những cơ cấu trung ương như Bộ Tổng Ủy viên, có sự đóng góp rộng rãi của các nhà giáo dục và trưởng hướng đạo các cấp, nhằm đưa ra một món ăn hấp dẫn cho đoàn sinh để các em cảm thấy thích thú để học hỏi, tự rèn luyện và tiến triển.

Trong việc xây dựng hệ thống tiến triển này, tất nhiên cần phải nắm vững trước tiên mục đích của phong trào hướng đạo, để có thể vạch ra những  mục tiêu phải đạt tới, rồi nghĩ đến những phương cách và phương tiện sử dụng để đi đến mục tiêu.

Các sinh hoạt khác: cắm trại, văn nghệ, thể thao, những dự án đủ loại (thủ công, khám phá, giúp ích…) là những sinh hoạt thường xuyên của mỗi đơn vị hướng đạo (phần lớn xảy ra ngoài trời, theo phương pháp hướng đạo), được phác họa và quyết định với sự tham gia của đoàn sinh qua các cơ chế dân chủ của đoàn, qua sự điều động, cố vấn của Đoàn trưởng.

Trong khi xây dựng chương trình sinh hoạt, cần nhớ đến các yếu tố không thể thiếu được của phương pháp hướng đạo: lời Hứa và Luật hướng đạo (sinh hoạt hướng đạo là dịp để thực hành và nhắc nhở sống, cư xử theo lời Hứa và Luật), học bằng thực hành, bằng các trò chơi, sinh hoạt theo hệ thống đội, sinh hoạt ngoài trời, và đặc biệt là các sinh hoạt phải hấp dẫn. Phương án giáo dục ngành đưa ra không thể tiếp tục dựa trên những khuôn mẫu xưa, mà phải có tính cách lôi cuốn, hấp dẫn đối với đoàn sinh. Những phương án giáo dục đưa ra áp dụng mà không gây hứng thú cho đoàn sinh phải được xét lại để sửa đổi, điều chỉnh.

Trong việc xây dựng chương trình sinh hoạt thường xuyên của đoàn, tính hấp dẫn của sinh hoạt hướng đạo là điều kiện thiết yếu để giữ đoàn sinh lại trong đoàn và thu hút đoàn sinh mới. Không thể nào cứ đi mãi vào những lối mòn xưa cũ về sinh hoạt hướng đạo. Một đoàn mà chỉ có vài sinh hoạt buồn tẻ, mấy trò chơi cứ lập đi lập lại vào mỗi kỳ họp là một đoàn chắc chắn đi dần tới chỗ tan rã. Nên nhớ là những sinh hoạt thích thú đối với trưởng không hẵn là làm cho đoàn sinh ham thích. Vì vậy, rất cần phải tập cho đoàn sinh thói quen đóng góp ý kiến, tham gia vào việc quyết định chương trình sinh hoạt. Rất có thể trong thời gian đầu, đoàn sinh chưa quen đóng góp ý kiến, không biết đề nghị những sinh hoạt mà mình ưa thích, lúc đó vai trò của trưởng là gợi ý, cố vấn, đề nghị một số dự án để đoàn bàn thảo, lựa chọn. Vai trò của trưởng về phương diện này rất quan trọng: phải học hỏi, nghiên cứu trong các tài liệu, sách báo, để tìm những sáng kiến mới về những sinh hoạt có khả năng lôi cuốn sự tham gia của đoàn sinh; và sau đó, cố vấn, thúc đẩy việc thực hiện những dự án của đoàn, kiểm soát để các sinh hoạt của đoàn đạt được các mục tiêu giáo dục đã đề ra.

Một bức tranh có thể thay thế hàng trang giấy giải thích. Sau đây là một bức tranh hí họa trích từ một tạp chí của Hội Hướng Đạo Anh Quốc trình bày lý do tại sao một em lại chán nãn để quyết định rời đoàn hướng đạo:

Em nghĩ là Hướng Đạo sẽ như thế này…

Nhưng trên thực tế lại là thế này…

Mức độ thành công của công tác giáo dục hướng đạo tùy thuộc rất nhiều vào vai trò của trưởng. Vì vậy công tác huấn luyện trưởng rất quan trọng. Mỗi hội hướng đạo quốc gia cần xây dựng một hệ thống huấn luyện thật hữu hiệu để bảo đảm cung cấp cho mình một số trưởng thấu hiểu mục đích, phương pháp của phong trào hướng đạo và biết giữ đúng vai trò của trưởng khi hướng dẫn sinh hoạt hướng đạo.

Công tác huấn luyện trưởng

Khi phong trào hướng đạo bắt đầu lan rộng trong nước Anh rồi lần lần phát triển khắp thế giới, Baden-Powell và những người cộng tác với ông phải nghĩ đến việc huấn luyện những người đoàn trưởng hướng đạo để hướng dẫn các đoàn hướng đạo theo phương pháp mà B.P. đã vạch ra.

Mãnh đất Gilwell Park gần London được chủ nhân tặng cho Hội Hướng Đạo Anh quốc và được dùng làm nơi huấn luyện trưởng hướng đạo đầu tiên kể từ năm 1919. Sau đó, trại trường Gilwell đón nhận cả những trưởng từ các nước khác được gởi đến để học hỏi phương pháp hướng đạo. Gilwell Park trở thành một trung tâm huấn luyện quốc tế, trại trường quốc tế đầu tiên của Phong trào Hướng Đạo Thế Giới. Khi B.P. còn là sĩ quan trong quân đội Hoàng gia Anh và phục vụ tại châu Phi, một hôm một tù trưởng bộ lạc Zulu đã trao tặng ông một xâu chuỗi được kết lại bởi những mẫu gỗ nhỏ bị đốt cháy nám hai đầu. Tại Trại trường Gilwell, B.P. có thói quen trích hai mẫu gỗ trong xâu chuỗi để tặng những trưởng đã theo học xong khóa huấn luyện trưởng đơn vị và được xem là có khả năng để hướng dẫn một đoàn hướng đạo. Về sau, Phong trào Hướng Đạo Thế Giới dùng những mẫu gỗ tương tự, do Trại trường quốc tế Gilwell sản xuất và cung cấp cho tất cả các nước hội viên, để trao cho những trưởng đã qua một quá trình huấn luyện theo tiêu chuẩn của Phong trào Hướng Đạo Thế Giới. Hai mẫu gỗ nhỏ đính vào một sợi dây da trở thành “Huy hiệu Rừng” (Woodbadge) có tính cách quốc tế, thường được đeo kèm với khăn quàng của Liên đoàn Gilwell, màu hồng xám có một mãnh vải hình chữ nhật nhỏ mang màu sắc của địa phận Gilwell.

Công tác huấn luyện trưởng hướng đạo lúc đầu có tính cách thống nhất và tập trung: các nước gởi người đến thụ huấn phương pháp hướng đạo tại Gilwell Park, nơi phát sinh ra phong trào hướng đạo, rồi trở về nước huấn luyện lại các trưởng tại địa phương theo phương pháp đã học hỏi. Cách thức huấn luyện này bảo đảm được tính thuần nhất trong phương thức sinh hoạt tại tất cả các nước có đoàn thể hướng đạo. Những người đã được huấn luyện tại Gilwell Park và trở về nước đảm nhận công tác huấn luyện trưởng trong nước hành xử vai trò đại diện cho Trại trưởng Gilwell, và được gọi là Phó Trại trưởng (Deputy Camp Chief – DCC) do Trại trưởng Gilwell bổ nhiệm. Những vị này lại có một số phụ tá là Assistant Deputy Camp Chief (ADCC). Để phân biệt với các trưởng đơn vị mang huy hiệu Rừng 2 mẫu gỗ, các ADCC có huy hiệu Rừng 3 mẫu gỗ, và các DCC có 4 mẫu gỗ.

Phương thức huấn luyện tập trung vào Gilwell không còn thể áp dụng được khi phong trào hướng đạo không ngớt phát triển và số quốc gia hội viên Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới vượt quá số 100. Mỗi nước lại có những sắc thái riêng, môi trường văn hóa xã hội không giống nhau, sở thích, nhu cầu của trẻ em từng nơi cũng rất khác biệt, sinh hoạt hướng đạo phải thích ứng với từng môi trường. Việc tập trung huấn luyện theo cùng một khuôn mẫu có nhiều bất tiện. Một quyết nghị của Hội Nghị Hướng Đạo Thế Giới năm 1969 trao trả chức năng huấn luyện cho mỗi quốc gia hội viên, từ nay có toàn quyền tổ chức công tác huấn luyện trong nước mình. Thế là nuớc Anh trở thành một nước hội viên bình thường như các nước khác, không còn giữ vai trò đầu tàu trong công tác huấn luyện trưởng nữa.

Tuy vậy, trong chiều hướng muốn duy trì tính cách thuần nhất trong phương pháp Hướng Đạo áp dụng tại các nước, Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới còn giữ lại nhiệm vụ huấn luyện các Ủy viên phụ trách công tác huấn luyện tại các nước, qua các khóa gọi là International Training the Team Course (ITTC) để đào tạo những Ủy viên Trưởng Huấn luyện (Leader Trainer – LT), thay thế các DCC mà tước vị không còn ý nghĩa khi không còn một Trại trưởng cấp thế giới tại Gilwell. Các LT lại có môt số phụ tá là những Trưởng Phụ tá Huấn luyện (Assistant Leader Trainer – ALT), tương đương với các ADCC ngày trước. Các khóa ITTC được giao cho các Văn phòng Vùng tổ chức.

Chức năng huấn luyện cuối cùng trong tay Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới cũng không còn nữa khi các khóa ITTC không còn được tổ chức kể từ năm 1977. Từ đó, mỗi quốc gia hội viên chịu hoàn toàn trách nhiệm công tác huấn luyện trưởng của mình. Văn Phòng Hướng Đạo Thế Giới chỉ phổ biến những tài liệu gợi ý về những phương thức xây dựng và soạn thảo chương trình huấn luyện, đề nghị các phương pháp huấn luyện cho các nước hội viên tùy nghi tham khảo và áp dụng. Tuy công tác huấn luyện được tản mác khắp thế giới và mỗi quốc gia tự ấn định lấy hệ thống, chương trình, phương thức huấn luyện của mình, nhưng phong trào hướng đạo tại bất cứ nơi nào vẫn đặt trên những nền tảng chung, theo đuổi một mục đích chung và cùng áp dụng một phương pháp giáo dục. Đó là những yếu tố đặc trưng của Phong trào hướng đạo, không giống bất cứ tổ chức đoàn ngũ hóa thanh thiếu niên nào, và nhờ vào đó mà Phong trào hướng đạo thành công vượt bực trong việc giáo dục trẻ em, có được một vị trí ngày càng vững mạnh trong lãnh vực sinh hoạt và giáo dục thanh thiếu niên.

Sống với thời đại

Hướng đạo ra đời vào những năm đầu thế kỷ 20, chúng ta đã bước sang thế kỷ 21. Hơn 100 năm qua, Phong trào hướng đạo đã trưởng thành, trở thành một phong trào giáo dục có qui cũ, có tổ chức vững mạnh, lôi cuốn nhiều thế hệ thanh thiếu niên. Điều quan trọng hơn cả là các yếu tố cơ bản của hướng đạo vẫn giữ nguyên giá trị của nó, trở thành những giá trị trường tồn của hướng đạo. Điều này có nghĩa là hướng đạo ngày nay vẫn theo đuổi cùng một mục đích, vẫn dựa trên những nguyên tắc và áp dụng cùng một phương pháp như người sáng lập Phong trào đã vạch ra hơn một trăm năm trước đây.

Trong khi đó, trong một thế kỷ qua, bộ mặt thế giới đã biến đổi nhanh như chưa từng thấy trong lịch sử. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật chỉ trong vòng vài thập niên có thể thay đổi cả khung cảnh sống cùng với tâm lý xã hội, tâm tư con người. Hình thức sinh hoạt hướng đạo không thể đứng yên trong một khung cảnh bất động và không tránh khỏi biến đổi theo thời gian và không gian. Không ích gì khi muốn giữ khư khư những mẫu mực xưa cũ nay không còn gì hấp dẫn đối với trẻ em, cũng như không còn ai cảm thấy cần thiết giữ lại hình ảnh con người hướng đạo thời B.P.: chiếc nón rộng vành, tua vai, túm lông trên nón, gậy nạng lên đường…

Sinh hoạt hướng đạo ngày nay, dù là ở môi trường xã hội nào, không thể nào giống sinh hoạt hướng đạo năm 1930 hay của những thập niên 1950, 1960… Nhưng trên thực tế, một số trưởng vẫn còn hình dung sinh hoạt hướng đạo với những sắc thái của 30, 40 năm về trước, với một số nghi thức nặng nề thịnh hành cách đây hơn cả nửa thế kỷ. Tai hại hơn nữa là khi chúng ta có khuynh hướng xem đó là những thứ đặc trưng cho hướng đạo, không thể thiếu được. Lối suy nghĩ như vậy làm cho Phong trào hướng đạo ở một vài nơi mang một bộ mặt bảo thủ, hoài cổ, không còn thích hợp với bối cảnh xã hội cũng như tâm lý tuổi trẻ. Chương trình sinh hoạt, các thủ thuật chuyên môn cũng đi vào những lối mòn xưa cũ, không còn hấp dẫn cho đoàn sinh, như vậy vô tình làm cho một số thanh thiếu niên đáng lẽ có thể bị lôi cuốn vào đoàn thể lại đứng ngoài Phong trào.

Tại một số nước, khi Phong trào hướng đạo hồi sinh sau nhiều thập niên gián đoạn, đã có hiện tượng nhiều trưởng hướng đạo sau khi đã ngưng sinh hoạt một thời gian dài, nay với tất cả lòng nhiệt thành và hăng hái, muốn phục hồi y nguyên một hình thức sinh hoạt mà các vị đã biết từ lúc còn trẻ, và nghĩ rằng đó là thứ hướng đạo chân chính và duy nhất. Trong khi đó, một lối sinh hoạt như vậy hoàn toàn không còn thích hợp trong một thế giới đã biến đổi, cũng không còn đáp ứng những nhu cầu, sở thích và đòi hỏi của thiếu niên ngày nay. Chúng ta cần nhớ một điều quan trọng là sự tham gia, đóng góp của các em trong việc quyết định chương trình sinh hoạt của đoàn, trong việc lựa chọn những dự án mà đoàn sẽ thực hiện qua những sinh hoạt dân chủ. Đó là cách tốt nhất để bảo đảm rằng chương trình sinh hoạt đáp ứng những trông đợi và sở thích của trẻ. Ở cấp trung ương, việc xây dựng và áp dụng phương án giáo dục cho mỗi ngành cũng cần được thẩm định, đánh giá lại một cách định kỳ để cải tổ, sửa đổi, hoặc xây dựng một phương án mới (thông thường 10 năm một lần). Mục đích cũng chỉ là làm cho sinh hoạt hướng đạo vẫn còn hấp dẫn đối với trẻ em, đáp ứng được những nhu cầu và đòi hỏi của thời đại. Những gì không thay đổi là những đặc điểm nền tảng, những nguyên lý của Phong trào Hướng Đạo.

Chương XII: VÀI SUY NGHĨ VỀ TRUYỀN THỐNG HƯỚNG ĐẠO

Chúng ta thường nghe nhắc đến “truyền thống” như: truyền thống dân tộc, truyền thống hướng đạo, hay truyền thống Hướng Đạo Việt Nam. Một câu thường được Văn Phòng Hướng Đạo Thế Giới nhắc nhỡ là: “Nơi truyền thống ta hãy biết gìn giữ ngọn lửa, đừng ôm đống tro tàn.” Vấn đề gìn giữ truyền thống cũng thường được nêu lên trong Phong trào Hướng Đạo Việt Nam. Và nhiều câu hỏi được đặt ra: truyền thống dân tộc hay truyền thống Hướng Đạo Việt Nam, và Hướng Đạo Việt Nam có truyền thống không?

Tìm một định nghĩa

Truyền thống là một từ thông dụng và được nhắc đến khá nhiều. Nhưng phải hiểu thế nào là truyền thống? Khi nhìn kỹ vấn đề, ta mới thấy là tìm một định nghĩa chính xác không phải là chuyện dễ dàng. Nhất là khi muốn đào sâu và tìm ra những gì phân biệt truyền thống với tập tục, phong tục, tập quán…

Tiếng Anh và tiếng Pháp đều dùng từ tradition để chỉ truyền thống. Tradition bắt nguồn từ tiếng latin tradio. Từ này lại phát xuất từ tradere, gồm có trans (xuyên qua) và dare (cho, trao lại). Tradere có nghĩa là hành động truyền lại, chuyển giao một vật gì cho kẻ khác.

Truyền thống là tiếng Hán-Việt cũng có ý niệm truyền lại (thống chỉ ý bao quát, một tập thể yếu tố, như trong “hệ thống”). Vậy giữa truyền thốngtradition trong tiếng Tây phương đều có chung một ý truyền lại, chuyển giao. Từ điển Tây phương định nghĩa truyền thống là việc truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác những tập tục, những cách cư xử, những hiểu biết, những câu chuyện kể, có thật hay tưởng tượng… Những gì được truyền lại như trên thuộc các lãnh vực kiến thức (như kỹ thuật canh tác, nghệ thuật làm đồ gốm chẳng hạn), những phong tục, cách hành động và cách cư xử, tạo thành một di sản của quá khứ, được truyền lại từ các thế hệ trước. Việc truyền lại này chủ yếu là do sự truyền miệng (không có bản văn nào được viết ra và qui định rõ ràng), chỉ dẫn qua thực hành, làm gương cho con cháu mình noi theo.

Tập tục và truyền thống

Như nói ở trên, trong những thứ truyền lại cho thế hệ sau, có cả những tập quán, cách cư xử, của một tập thể. Vậy phải phân biệt thế nào giữa phong tục, tập quán và truyền thống? Phong tục, tập quán (ways and customs) là cách ăn ở, cư xử theo thói quen của một tập thể, ăn sâu vào đời sống xã hội, được mọi người công nhận và làm theo. Phong tục, tập quán (nói chung là tập tục) là những thói quen lâu đời của một xã hội và cũng được truyền qua nhiều thế hệ, nên phong tục, tập quán cũng là truyền thống, nhưng ngược lại không phải tất cả truyền thống của một xã hội đều là phong tục, tập quán. Trong những thứ truyền lại cho đời sau có cả những hiểu biết, những cách thức tạo một sản phẩm (đan lưới, dệt vải v.v.), và những giá trị tinh thần. Những hiểu biết, những giá trị tinh thần này không phải là phong tục, tập quán, nhưng thuộc di sản của truyền thống.

Ta có thể nói là tinh thần bất khuất, ý chí quật cường, óc tự chủ, là những giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam. Nước Việt Nam là một nước nhỏ, bên cạnh một nước khổng lồ, nhưng dù có bị xâm chiếm, đô hộ cả ngàn năm, dân tộc Việt Nam không bao giờ chịu khuất phục và luôn luôn đấu tranh giành lại độc lập, trong khi biết bao nhiêu dân tộc khác ở bờ phía nam sông Dương Tử đã bị hoàn toàn đồng hóa và trở thành người Trung Hoa. Ta có thể nói là ở trong trường hợp và điều kiện lịch sử như Việt Nam, ít có dân tộc nào có thể tồn tại được. Những cuộc đấu tranh không ngừng mỗi khi có ngoại xâm là tấm gương sáng để thế hệ sau noi theo, tinh thần bất khuất được truyền từ đời này sang đời khác và trở thành một giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Truyền thống hướng đạo

Người ta hay nói đến truyền thống dân tộc, vì một dân tộc là một tập thể có một lịch sử, một quá khứ và một vận mạng chung. Nhưng không có một giới hạn nào được đặt ra, và một tập thể nhỏ hơn cũng có thể có những truyền thống của mình: một ngành nghề, một địa phương (truyền thống của địa phương)… Ngay cả một trường học, một quân trường, một đoàn hướng đạo… cũng có thể có truyền thống. Yếu tố cần thiết là sự bền bỉ, tính thời gian: như đã nói, đặc tính của truyền thống là được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Nhưng yếu tố thời gian không có những giới hạn rõ ràng, mà phải được hiểu một cách tương đối. Trong lịch sử của một dân tộc dài mấy ngàn năm, thế hệ (từ đời cha ông truyền cho con, cháu) là thước đo lường mức độ bền bỉ của truyền thống. Trong một trường học lâu đời, học sinh cũ trở thành phụ huynh, học sinh lớp sau cũng sẽ gởi con em mình vào học… Những tập tục đặc biệt của trường được truyền qua các thế hệ trở thành truyền thống và mối tự hào của trường. Lấy trường hợp một quân trường không có một quá khứ lâu dài như vậy nhưng những tập tục truyền từ các khóa đàn anh sang các khóa đàn em cũng trở thành truyền thống của quân trường. Ở đây, ý niệm thế hệ được hiểu một cách khác.

Phong trào Hướng Đạo Thế Giới có một lịch sử hơn một thế kỷ, đã đón nhận nhiều thế hệ trưởng và đoàn sinh. Phong trào hướng đạo có những truyền thống được tôn trọng khắp nơi trên thế giới (hai mẫu gỗ của huy hiệu Rừng, khăn quàng màu xám hồng của Liên Đoàn Gilwell…), và cả những giá trị tinh thần (chí khí, trọng danh dự, giữ lời nói…). Hướng Đạo Việt Nam là một tập thể nhỏ hơn. Hướng Đạo Việt Nam chia sẻ những truyền thống của phong trào thế giới và cũng có những truyền thống riêng. Hướng Đạo Việt Nam có những tập tục do mình đặt ra, hay là du nhập từ Hướng Đạo Pháp nhưng được gìn giữ một cách bền bỉ, lâu dài, và trở thành truyền thống Hướng Đạo Việt Nam (nhiều khi, Hướng Đạo Việt Nam du nhập một số tập tục từ Hướng Đạo Pháp, và đến nay vẫn giữ những tập tục đó, mặc dầu một những tập tục này đã lần lần biến mất nơi Hướng Đạo Pháp).

Một tập thể nhỏ hơn cũng có thể có truyền thống của mình: một đoàn hướng đạo có thói quen mỗi khi tiếp nhận đoàn sinh mới đều tổ chức một trại qua đêm, và mỗi em hướng đạo tự tay làm lấy một món quà nhỏ tặng đoàn sinh mới. Thói quen này được giữ vững qua các anh doàn trưởng khác nhau; khi những đoàn sinh ban đầu không còn nữa, những lớp đoàn sinh mới không còn nhớ tập tục này đã bắt đầu từ lúc nào nhưng vẫn giữ thói quen đó một cách tự hào. Thói quen đó trở thành truyền thống của đoàn, không thấy nơi các đoàn khác. Trong trường hợp này một thói quen, cộng thêm yếu tố thời gian, trở thành truyền thống. Một thói quen không được giữ lâu dài, và biến mất sau một thời gian ngắn không thành một truyền thống được.

Như đã nói, không có một giới hạn rõ ràng cho yếu tố thời gian, nghĩa là phải đủ bao nhiêu năm tháng mới được gọi là truyền thống. Đối với cả một dân tộc, thước đo lường là thế hệ, đối với một tập thể nhỏ hơn, một quân trường, một đoàn hướng đạo, mức đo lường đặt ở một tỷ lệ khác. Vài mươi năm trong lịch sử một dân tộc là một thời gian rất ngắn, đối với một đoàn thể, đó là một thời gian dài.

Ta cũng cần phải thận trọng: một thói quen, một tập tục được gìn giữ qua một thời gian lâu dài vì có một ý nghĩa, một giá trị tinh thần nào đó. Một thói quen xấu, không có ý nghĩa, sẽ không tồn tại được lâu và không thể gọi là truyền thống được.

Truyền thống không bất di bất dịch

Trong lịch sử một dân tộc có vô số những thói quen, những tập tục, được truyền qua thời gian. Một số lớn biến mất vì điều kiện sinh sống, lối suy nghĩ, quan niệm thẩm mỹ… thay đổi. Tập tục xâm mình của người Giao Chỉ không còn nữa khi đời sống kinh tế, xã hội tiến triển; thói quen nhuộm răng đen của một thời khi mà mọi người công nhận một hàm răng đen nhánh là đẹp và duyên dáng, đã biến mất khi quan niệm thẩm mỹ đổi khác; tục lệ trồng cây nêu trước nhà vào ngày Tết lần lần không còn nữa khi phần lớn dân chúng không còn ở thôn quê mà tập trung ở thành thị. Bộ khăn đóng áo dài truyền thống chỉ còn thấy trong vài dịp long trọng, có thể sẽ biến mất hẵn một ngày nào đó.

Cũng như các nền văn minh, truyền thống có một điểm khởi đầu và một ngày nào đó cũng có thể sẽ tàn lụi.

Truyền thống không phải là chỉ gìn giữ và truyền lại những gì đã có: trong quá trình lịch sử, truyền thống cũng có thể tiếp thu những yếu tố mới, thích ứng với những điều kiện mới và biến đổi. Trong các kỳ vận động hội thế giới, vào buổi lễ khai mạc các lực sĩ diễn hành theo từng phái đoàn, theo thứ tự, và phái đoàn chủ nhà bao giờ cũng diễn hành chót. Ngày bế mạc, các lực sĩ cũng ra tập họp giữa vận động trường, nhưng không khí thoải mái hơn, hòa đồng và thân thiện hơn… Không có bản văn nào qui định diễn tiến các buổi lễ, nhưng mỗi lần tổ chức, truyền thống trên được gìn giữ. Lúc đầu các phái đoàn diễn hành nghiêm chỉnh, bước đều bước; nhưng đến một lúc, người ta thấy không cần thiết lực sĩ phải diễn hành như quân đội, từ đó trong lễ khai mạc, lực sĩ diễn hành tự do và thoải mái hơn, có những cử chỉ chào mừng, thân thiện với khán giả. Từ đó, truyền thống cũ biến đổi, thích hợp với một khung cảnh tâm lý xã hội mới.

Trong các trại họp bạn toàn thế giới của Hướng Đạo Việt Nam, bao giờ cũng có một lửa trại khai mạc và có một lửa trại bế mạc. Lần lần, số đồng bào, quan khách đến dự ngày khai mạc trại họp bạn Hướng Đạo Việt Nam càng đông, khó có thể thu xếp chỗ ngồi cho mọi người quanh đống lửa, nên lửa trại khai mạc được thay thế bằng một buổi trình diễn văn nghệ trên sân khấu, có đèn chiếu, có ghế ngồi cho quan khách. Nhưng lửa trại bế mạc vẫn giữ một tính cách thân mật, thoải mái hơn, mọi người được mời ngồi xuống đất, quanh ánh lửa, trong một không khí hướng đạo hơn. Vì những điều kiện khách quan, tập tục ban đầu đã biến chuyển để thích hợp với hoàn cảnh, nhưng chúng ta ai cũng nghĩ là truyền thống vẫn được giữ.

Giữ vững ngọn lửa

Trở lại câu đã nhắc đến ở trên: “Nơi truyền thống ta hãy biết gìn giữ ngọn lửa, đừng giữ tro tàn”. Phải hiểu làm sao? Trong lịch sử của Phong trào hướng đạo, có những giá trị bền vững, làm thành những giá trị nền tảng của hướng đạo. Một trong những giá trị hàng đầu của người hướng đạo là tính ngay thẳng, trọng danh dự và tôn trọng lời nói đã đưa ra. Đây là một giá trị mà bất cứ lúc nào người hướng đạo cũng giữ vững, không viện cớ hoàn cảnh xã hội thay đổi mà xem nhẹ. Mỗi khi một đoàn hướng đạo cắm trại, chúng ta có thể tin là sau khi rời trại, sẽ không có một mẫu giấy, một sợi dây nào còn sót lại. Đó là phản ứng tự nhiên do lòng yêu mến thiên nhiên, tôn trọng sở hữu người khác, những đức tính truyền thống của con người hướng đạo. Đó là những ngọn lửa vẫn cháy sáng qua thời gian. Ngược lại, những hình thức bên ngoài trên đồng phục, vài hình thức sinh hoạt, tập họp… có thể biến đổi và nhiều khi biến mất. Nhiều hình thức không thích hợp với hoàn cảnh và tâm lý xã hội cũng như tâm lý giới trẻ ngày nay nên để lui hẵn vào quá khứ.

Quá câu nệ hình thức (phải như thế này, phải như thế kia…) là khư khư ôm lấy đống tro tàn, mà quên đi ngọn lửa đang cháy và cần nuôi dưỡng. Một trưởng lão thành có tâm sự rằng một số trưởng có uy tín của thời trước, trong những năm sau này vẫn mở khóa huấn luyện cho các dự trưởng. Một vài vị khăng khăng đòi hỏi khóa sinh đi dự khóa huấn luyện phải có gậy hướng đạo, trung thành với hình ảnh người hướng đạo của những năm 1930-1960. Nhưng các vị ấy không thấy rằng phương tiện di chuyển thông dụng ngày nay tại Việt Nam là xe gắn máy và nguy hiểm biết bao nhiêu khi một em hướng đạo đi xe gắn máy phải đem theo một chiếc gậy dài một thước rưởi!

Những gì được xem là truyền thống, cả những giá trị tinh thần lẫn phong tục tập quán, không phải bao giờ cũng đứng nguyên không lay chuyển. Chúng ta cần nhận biết đâu là những giá trị tinh thần được xem là thiết yếu và cần gìn giữ, những tập tục có ý nghĩa cần duy trì, nhưng đừng sống trong quá khứ, với những đống tro tàn.

Chúng ta cần nhớ là những giá trị tinh thần căn bản của phong trào hướng đạo đều bắt nguồn từ những nguyên tắc căn bản tạo thành nguyên lý hướng đạo, thể hiện qua lời Hứa và Luật Hướng Đạo. Đó là cốt lõi của phong trào hướng đạo, những yếu tố bất di bất dịch làm cho phong trào hướng đạo được trường tồn mà chúng ta cần bảo vệ, gìn giữ. Bên ngoài là những hình thức, lề lối sinh hoạt, có thể thay đổi từ nơi này sang nơi khác hay là biến đổi theo thời gian.

PHỤ LỤC: Hiến chương Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới

Bản Hiến chương Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới được biểu quyết lần đầu vào tháng 7 năm 1922 tại Paris, và sau đó được tu chính nhiều lần. Hiến chương hiện nay gồm có 7 chương và 23 điều khoản, qui định việc tổ chức và điều hành của các cơ cấu của Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới như Hội Nghị Thế Giới, Ủy Ban Thế giới, Văn Phòng Thế giới. Sau đây là bản dịch Chương I về Mục đích và nền tảng của Phong trào Hướng Đạo Thế Giới.

CHƯƠNG I

PHONG TRÀO HƯỚNG ÐẠO:

Điều I

Ðịnh nghĩa

1. Phong trào Hướng Ðạo là một phong trào giáo dục cho giới trẻ, đặt căn bản trên sự tự nguyện; đó là một phong trào không có tính cách chính trị, mở ra cho mọi người, không phân biệt giới tính, nguồn gốc, chủng tộc hay tín ngưỡng, thể theo các mục đích, nguyên tắc và phương pháp do Vị sáng lập Phong trào đề xướng và diễn tả sau đây.

Mục đích

2. Phong trào Hướng Ðạo có mục đích góp phần vào công tác phát triển thanh thiếu niên bằng cách giúp họ phát huy toàn vẹn các khả năng về thể chất, trí tuệ, cảm xúc, xã hội và tinh thần, trên cương vị cá nhân, trên cương vị công dân có tinh thần trách nhiệm, và trên cương vị thành viên những cộng đồng địa phương, quốc gia và quốc tế.

Điều II

Nguyên tắc

1. Phong trào Hướng Ðạo đặt căn bản trên các nguyên tắc sau đây:

* Bổn phận đối với Thượng Ðế

– Chấp nhận những nguyên tắc tinh thần, trung thành với tôn giáo thể hiện những nguyên tắc này và chấp nhận những bổn phận phát sinh từ đó.

* Bổn phận đối với kẻ khác

  • Trung tín với đất nước mình trong chiều hướng phát huy hòa bình, sự cảm thông và hợp tác trên bình diện địa phương, quốc gia và quốc tế.
  • Tham gia phát triển xã hội trong sự tôn trọng phẩm giá con người và toàn vẹn của thiên nhiên.

* Bổn phận đối với bản thân

– Chịu trách nhiệm về sự phát triển của chính mình.

Tuân theo một Lời Hứa và một bản Luật

2. Mọi thành viên Phong trào Hướng Ðạo phải tuân theo một Lời Hứa và một bản Luật, qua lời văn thích hợp với văn hóa và văn minh của mỗi Hội Hướng Ðạo quốc gia, và được Tổ chức Thế giới chấp thuận, diễn đạt các nguyên tắc bổn phận đối với Thượng Ðế, bổn phận đối với kẻ khác và bổn phận đối với bản thân, dựa theo Lời Hứa và bản Luật do Vị sáng lập Phong trào soạn thảo, với lời lẽ sau đây:

Lời Hứa Hướng Đạo

Tôi hứa trên danh dự cố gắng hết sức để:

  • Thi hành bổn phận của tôi đối với Thượng Đế và Quốc Vương (hay Thượng Đế và đất nước tôi),
  • Giúp ích kẻ khác bất cứ lúc nào, – Tuân theo Luật Hướng Đạo.

Luật Hướng Đạo

  1. Hướng Đạo sinh trọng danh dự.
  2. Hướng Đạo sinh trung tín.
  3. Bổn phận của Hướng Đạo sinh là giúp ích kẻ khác.
  4. Hướng Đạo sinh là bạn của mọi người và là anh em của tất cả các Hướng Đạo sinh khác.
  5. Hướng Đạo sinh lễ độ.
  6. Hướng Đạo sinh là bạn của súc vật.
  7. Hướng Đạo sinh nghe lời cha mẹ, Đội trưởng và Đoàn trưởng mà không biện bác.
  8. Hướng Đạo sinh tươi cười và huýt sáo trong mọi khó khăn.
  9. Hướng Đạo sinh cần kiệm.
  10. Hướng Đạo sinh trong sạch trong tư tưởng, lời nói và việc làm.

Biểu hiệu của Phong trào Hướng Đạo

3. Biểu hiệu của Phong trào Hướng Đạo Thế Giới là dấu hiệu biểu

trưng cho tính cách thành viên của Phong trào Hướng Đạo. Biểu hiệu này là một hoa huệ trắng chung quanh có một sợi dây cùng màu làm thành một vòng tròn, phần dưới được thắt lại bằng một nút dẹp, tất cả ở trên nền màu tím, cũng là một yếu tố thiết yếu của danh tính Phong trào Hướng Đạo.

Điều III

Phương pháp

Phương pháp Hướng Ðạo là một hệ thống tự giáo dục tuần tự dựa

trên:

  • Lời hứa và Luật;
  • Học bằng thực hành;
  • Sinh hoạt trong những nhóm nhỏ (thí dụ: Đội), dưới sự hướng dẫn của những người trưởng thành, để lần lần nhận thức và chấp nhận những trách nhiệm của mình, để tập tự quản trị, nhằm rèn luyện chí khí, thu thập kỹ năng, đạt được sự tự tin, gây được sự tin tưởng, có khả năng hợp tác cũng như lãnh đạo;
  • Những chương trình sinh hoạt đa dạng, từ dễ đến khó, hấp dẫn, dựa trên những điểm ham thích của trẻ, và gồm có những trò chơi, những thủ thuật có ích, nhũng công tác giúp ích cộng đồng; những sinh hoạt này phần lớn xảy ra ngoài trời, tiếp xúc với thiên nhiên.

CONSTITUTION OF THE WORLD ORGANIZATION OF THE SCOUT MOVEMENT

CHAPTER I

THE SCOUT MOVEMENT

ARTICLE I

Definition

  1. The Sout Movement is a voluntary non-political educational movement for young people open to all without distinction of gender, origin, race or creed, in accordance with the purpose, principles and method conceived by the Founder and stated below.
  2. The purpose of the Scout Movement is to contribute to the

development of young people in acheiving their full physical, intellectual, emotional, social and spiritual potentials as individuals, as responsible citizens and as members of their local, national and international communities.

ARTICLE II

Principles

1. The Scout Movement is based on the following principles: * Duty to God

Adherence to spiritual principles, loyalty to the religion that expresses them and acceptance of the duties resulting therefrom. * Duty to others

  • Loyalty to one’s country in harmony with the promotion of local,

national and international peace, understanding and cooperation.

  • Participation in the development of society with recognition and respect for the human dignity and for the integrity of the natural world. * Duty to self

Responsibility for the development of oneself.

Adherence to a Promise and Law

2. All members of the Scout Movement are required to adhere to a Scout Promise and Law reflecting, in language appropriate to the culture and civilization of each National Scout Organization, the principles of Duty to God, Duty to others and Duty to self, and inspired by the Promise and Law originally conceived by the Founder of the Scout Movement in the following terms:

The Scout Promise

On my honour I promise that I will do my best –

To do my duty to God and the King (or to God and my Country);

To help other people at all times; To obey to the Scout Law.

The Scout Law

  1. A Scout’s honor is to be trusted.
  2. A Scout is loyal.
  3. A Scout’s duty is to be useful and to help others.
  4. A Scout is a friend to all and a brother t oevery other Scout.
  5. A Scout is courteous.
  6. A Scout is a friend to animals.
  7. A Scout obeys orders of his parents, Patrol Leader or Scoutmaster without question.
  8. A Scout smiles and wistles under all difficulties.
  9. A Scout is thrifty.
  10. A Scout is clean in thought, word and deed.

World Scout Emblem

3. The World Scout Emblem is a symbol of belonging to the Scout Movement. It consists of a field of royal purple bearing the white fleur-de-lys surrounded by a white rope in a circle and a central reef knot at the bottom and is an essential element of the brand identity of the Scout Movement.

ARTICLE III

Method

The Scout Method is a system of progressive self-education through:

  • A promise and law.* Learning by doing.
  • Membership of small groups (for example the patrol), involving, under adult guidance, progressive discovery and acceptance of responsibility and training towards self-government directed towards the development of character, and the acquisition of competence, self-reliance, dependability and capacities both to cooperate and to lead.
  • Progressive and stimulating programmes of varied activites based on the interest of the participants, including games, useful skills, and services to the community, taking place largely in an outdoor setting in contact with nature.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang
Optimized with PageSpeed Ninja