Tài liệu: Huấn luyện dự tráng
Tác giả: Nguyễn Trọng Luyện – Ong kiên trì
Phiên bản 1.5, bản cập nhật 2022
Lời giới thiệu tác giả
Cái tên rừng Ong kiên trì của anh đã nói lên tính cách của một con người cần mẫn, kiên tâm, trì chí trong tất cả mọi công việc anh làm cho xã hội và cho phong trào Hướng Đạo.
Là một Hướng Đạo sinh lớn lên từ Sói con, anh đã “mở mắt, vểnh tai” và luôn “Gắng sức” để vượt qua bao thăng trầm của Lịch sử đời mình để hòa với Lịch sử Đất nước. Anh luôn “Sắp sẵn” vươn lên với tinh thần của một Hướng Đạo sinh để đương đầu với những thách đố của tương lai và nghề nghiệp (ở những người như anh, thật sự không dễ gì đạt được “chuyên hiệu” Thạc sĩ Y khoa ở thời điểm đó). Anh lại kiên trì “Khai phá” sáng tạo những nẻo đường mới cho phong trào qua những bài viết của anh về phong trào Hướng Đạo. Anh thật sự đạt được thành công trong việc “Giúp ích” cho bao người với tư cách là một Bác sỹ, anh đã hy sinh những ngày nghỉ phép, nghỉ lễ (thay vì chỉ ở phòng mạch kiếm tiền) để lo cho thế hệ đàn em, nào Tráng sinh, Huynh Trưởng, nào là bệnh nhân phong cùi, khuyết tật, mồ côi…
Theo dõi những công việc của anh qua các bài viết, bài khóa huấn luyện, các tập thơ (một thi sĩ chính hiệu không hề sai phạm luật thơ Lục bát hay Đường luật nào!). Nay tôi được anh trao cho đọc bản thảo cuốn “Huấn luyện Dự Tráng” để viết đôi lời giới thiệu về một trước tác mang tính chất “Thủ bản huấn luyện”, cô đọng những kiến thức và kinh nghiệm của nhiều năm làm Tráng Trưởng và Phụ tá Huấn luyện viên Trưởng ngành Tráng.
Tôi xin trân trọng giới thiệu với các bạn cuốn sách này, hy vọng sẽ giúp ích cho nhiều người và sẽ là cuốn sách “gối đầu giường” ít là trong một năm dành cho các bạn trẻ muốn vượt qua Bước Đường Đầu, Tân Sinh, Hạng Nhì để chính thức trở thành một TRÁNG SINH HƯỚNG ĐẠO VIỆT NAM.
Trân trọng giới thiệu,
Saigon, ngày 01 tháng 01 năm 2011
Voi Hoạt Bát TIẾN LỘC
Chào bạn Dự Tráng!
Thế là bạn đã tạm biệt lứa tuổi rong chơi để bước vào cánh cửa phục vụ của ngành Đường. Xã hội gọi các bạn là những người trưởng thành, còn Phong trào Hướng Đạo gọi các bạn là Tráng sinh, những người mang dáng dấp của những Tráng sĩ Việt Nam cổ xưa…
Bước vào Tráng đoàn với biết bao điều mới lạ phải làm quen, phải học hỏi để trở thành Tráng sĩ của thế kỷ 21. Đây thực sự là một thử thách đối với các bạn! Trước kia, thường các bạn chỉ nhiệt tình làm những điều mình thích, thì nay là người Tráng sinh Việt Nam, bạn còn phải biết nhiệt tình làm những việc mà mình cảm thấy đúng nữa, cho dù mình có thích hay không. Châm ngôn của ngành Tráng là “giúp ích”, muốn giúp ích bạn phải có một số phẩm chất nhất định, nghĩa là phải có kiến thức, kỹ năng và thái độ ứng xử của một Tráng sinh thực thụ.
Là người Tráng sinh, bạn phải tự học hỏi, tự đào luyện mình để trở thành người hữu dụng cho Phong trào Hướng Đạo cũng như cho cộng đồng xã hội. Tôi thiết nghĩ, nội dung bài hát quen thuộc mà các bạn vẫn thường ngân nga trong các buổi sinh hoạt Tráng đoàn: “Tự chèo lấy thuyền anh” của tác giả Tiến Lộc, một Trưởng lão thành của ngành Tráng đã nói lên đầy đủ tính chất đó.
Trong phạm vi tập sách nhỏ này, chúng tôi chỉ mong góp một phần nhỏ vào công việc dìu dắt của các Tráng trưởng đối với các Tráng sinh mới bước vào Tráng đoàn, và cũng là tài liệu tham khảo của các Dự tráng khi làm quy ước tu thân để có thể tự ôn luyện một số kiến thức và kỹ năng Hướng đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho các bạn trên đường phục vụ.
Chúc các bạn thành công,
Sài gòn, ngày 22 tháng 2 năm 2011
Nguyễn Trọng Luyện


Chương I: Baden Powell và phong trào HĐ
TIỂU SỬ BADEN POWELL

Baden Powell được mọi Hướng Đạo Sinh gọi với cái tên thân thương là cụ BP (BiPi), có tên gọi nguyên văn: ROBERT STEPHENSON SMYTH BADEN POWELL. Sinh ngày 22 tháng 2 năm 1857 tại một căn nhà gần công viên Hyde Park ở Luân Đôn. Thân phụ của BP là một mục sư có tên H.G. Baden Powell làm giáo sư ở Đại học Oxford. Thân mẫu của BP là con gái của Đô đốc William Smyth tên là Olave St Clair Soames.
Ông là con trai thứ 6 trong gia đình và đứng hàng thứ 8 trong số 10 người con của ông bà Baden Powell. Cha mất khi ông mới 3 tuổi, mẹ ông phải bươn chải kiếm sống nuôi các anh, chị, em ông. Bà luôn khuyến khích các con tìm tòi học hỏi tất cả những gì liên quan đến thiên nhiên và xã hội. Ông thuận cả hai tay trong mọi công việc và có năng khiếu về hội họa. Sau đó ông được học bổng của trường Charterhouse ở Luân Đôn. Với lối giáo dục theo trường phái tự do của thầy Hiệu trưởng là Bác sĩ William Haig Brown ông học được rất nhiều điều. Ông hay đi lang thang trong rừng quan sát thiên nhiên và học được nhiều điều bổ ích cho cuộc sống quân ngũ sau này của ông. Sau khi kết thúc chương trình học tại nhà trường, ông thi vào quân ngũ và đã đậu cao, được tuyển vào Đoàn Kỵ Binh thứ 13 đang đóng quân tại Ấn Độ. Ước muốn du lịch và khám phá thiên nhiên hoang dã của ông thành sự thật, tháng 9 năm 1876 ông lên tàu đi BomBay.
BP ở Ấn Độ 10 năm, 8 năm đầu là sĩ quan kỵ binh và 2 năm cuối là Thiếu Tá Đoàn Long Kỵ Binh thứ 5. Chính đời quân nhân ở Ấn Độ đã giúp BP những yếu tố sống cuộc đời Hướng Đạo thực hành và sau này chính là những tư liệu để người đưa ra phương pháp huấn luyện các Hướng Đạo Sinh trong quân đội và phương pháp đó là nền tảng của cuốn “Hướng Đạo cho trẻ em”. Năm 1865, chiến tranh bắt đầu ở Ashanti, một mảnh đất ở bờ biển phía Tây châu Phi. Ashanti do vua Premph cai trị, ông ta và những người thuộc quyền tỏ ra rất tàn bạo, giết người như ngóe với một chế độ nô lệ dã man. Bộ chiến tranh Anh Quốc cần một sĩ quan có tài và nghị lực để ngăn chặn những hành động trên của vua Premph, BP đã được chọn. Ông đã dắt lực lượng xung kích gồm nhiều dân bản xứ từ bờ biển vượt qua 200km rừng già. Sau 3 tuần mở đường rừng, hạ cây bắc cầu và đắp đường. Đoàn quân của BP đã vượt ra ánh sáng tới Kumasi thủ đô nước Ashanti. Vua Premph đầu hàng ngày hôm sau. Thời gian ở Ashanti BP thấy dân bản xứ đã tỏ tình thân hữu của mình với người khác bằng cách bắt tay trái nhau (một tập tục của Hướng Đạo Sinh sau này).
Mùa thu năm 1899, BP trở lại Anh Quốc và mang theo bản thảo của tập sách nhỏ mà cụ đã viết ở Kashmi.
Quyển sách có tên “Aids to Scouting” (Hướng dẫn về thám sát). Trình bày về việc huấn luyện những binh sĩ của BP thành những binh sĩ Hướng Đạo. Sau đó, nhiều biến động bắt đầu xảy ra ở miền Nam Phi Châu giữa Anh Quốc và dân Boers. Cụ được cấp tốc phái sang Nam Phi để động viên hai Trung Đoàn Kỵ Binh bảo vệ vùng Bắc và Tây Bắc ranh giới xứ Cộng Hòa Boers. Chiến tranh bùng nổ ngày 11/10/1899. Lúc đó BP cùng với Trung Đoàn thứ hai đóng đại bản doanh tại Mafeking, sát biên giới xứ Transwall. Quân số trong thành chỉ vỏn vẹn 1.000 binh sĩ và 8.000 dân bản xứ (không tham gia cuộc chiến). Làm sao để giữ được thành với số quân địch lên tới 9.000 người với những vũ khí tối tân nhất thời ấy. BP đã dùng nhiều mưu kế, kế hoạch chống trả và lừa quân địch. Quân sĩ thiếu, Huân tước Edward Cecil, Tham mưu trưởng của BP quyết định dùng trẻ em trong tỉnh vào công việc đưa thư, liên lạc và báo động. Chúng tỏ ra rất mẫn cán. Ngày 19/05/1900 Mafeking được giải vây và đẩy lùi được quân địch. Baden Powell trở thành người anh hùng dân tộc, ông được thăng hàm Thiếu Tướng ở tuổi 43, là Thiếu Tướng trẻ nhất của quân đội Hoàng Gia Anh. Năm 50 tuổi, ông được thăng chức lên Trung Tướng và trở về ngạch trừ bị. Sau 30 năm quân ngũ, bây giờ ông mới được rảnh rỗi.
Năm 1906 cụ BP gửi một vài chương trình đại cương đến Huân tước William. Tập tài liệu đó có tên Scouting for Boy (Hướng Đạo cho trẻ em), Thiếu sinh quân chỉ chấp nhận một phần của chương trình. Thế rồi, BP nghĩ một chương trình như trên có thể thích hợp cho những đoàn thể thanh niên khác. Ngày 31/07/1907, cùng với 20 trẻ em, BP vượt biển đến đảo Brownsea, các em được chia làm 4 Đội: Sói, Cun cút, Bò Rừng và Quạ. Cắm trại đến ngày 09/08/1907. Cụ mượn của quân đội một nhà bếp, 6 lều tròn trắng, rất nhiều dây thừng, la bàn, bản đồ. Các em được học hỏi và áp dụng kỹ thuật Hướng đạo (Thủ công trại, nấu nướng, quan sát, nghề rừng, cấp cứu, thám du, bơi thuyền…) và khi đêm đến chúng quây quần bên đống lửa trại. Hiệu lệnh trong trại cụ BP thổi bằng một còi tù và làm bằng sừng sơn dương và cụ mang theo cả một lá cờ cũ ở Mafeking. Trại thành công tốt đẹp, tạo tiền đề khởi phát cho một Phong trào Hướng Đạo lan rộng ra khắp Anh Quốc và thế giới sau này. Cụ BP đã chứng tỏ sự hữu hiệu nhất để học hỏi các kỹ thuật Hướng Đạo là qua việc thực hành và các trò chơi. Điều quan trọng nhất cụ nêu lên là ở trẻ em, một khi tin vào danh dự trẻ, chúng sẽ làm mọi việc rất hoàn hảo.
Tháng giêng năm 1912, cụ BP đi vòng quanh thế giới để nghiên cứu những vấn đề của Phong trào Hướng Đạo tại các thuộc địa Mỹ châu và Á châu. Cụ được tiếp đón nồng nhiệt ở khắp nơi.
Một biến cố bất ngờ làm thay đổi lớn lao cuộc đời cụ. Trong khi vượt Đại Tây Dương trên chiếc Arcadio cụ đã gặp cô Olave St Soames và trước khi cuộc hành trình kết thúc, cụ đã tỏ lời muốn cưới nàng. Hôn lễ cử hành ngày 30/10/1912. Sau đó, Phong trào Hướng Đạo hân hoan chào đón sự ra đời của cậu bé Peter (1913), cô Heather (1915) và cô Betty (1917).
Cụ bà BP đã giúp chồng một cách đắc lực trong nhiệm vụ lèo lái phong trào. Năm 1929, đến thăm trại trường Gilwell. Gia đình BP đều mặc đồng phục Hướng Đạo. Lúc đó Heather đang là một Đội trưởng và Peter chỉ là một Đội phó.
Đến năm 1937, cụ về nghỉ tại Kenya (châu Phi). Lúc đó cụ đã yếu lắm rồi, nhiều khi không thể xuất hiện ra gặp các Hướng Đạo Sinh tập họp để chào cụ. Sức khỏe giảm dần, ngày 08/01/1941 cụ từ trần. Thi hài cụ được chôn quay về ngọn núi Kenya hùng vĩ. Phong trào Hướng Đạo tiếc nuối vô cùng khi chia tay vĩnh viễn với vị sáng lập đáng kính của mình.

LỊCH SỬ VÀ TỔ CHỨC HĐTG
I . LỊCH SỬ HƯỚNG ĐẠO THẾ GIỚI
Qua trại thử nghiệm 9 ngày ở đảo Brownsea , gần Poole, Dorset nước Anh từ ngày 01/08/1907 đến 09/08/1907 với 20 em trai, Baden Powell (BP) đã thử nghiệm thành công chương trình sinh hoạt Hướng Đạo đầu tiên trên thế giới. Năm 1908 cuốn sách “Hướng Đạo cho trẻ em” (Scouting for Boy) ra đời đã tạo được tiếng vang, ngay lập tức đã bán được 100 triệu bản và trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại. Sự thành công của cuốn sách “Hướng Đạo cho trẻ em” cùng với những buổi nói chuyện của BP về một phong trào mới: Phong trào Hướng đạo (PTHĐ), đã tạo ra một phong trào phát triển nhanh chóng với tên gọi “Boy Scouts” . Đến năm 1909 sách đã được dịch ra 5 thứ tiếng. Sau đó, các đơn vị Hướng đạo dần dần được thành lập ở Luân Đôn và khắp nước Anh. Một Trại Họp bạn ở Luân Đôn đã thu hút 11.000 Hướng đạo sinh. Chỉ trong một thời gian ngắn PTHĐ vượt ra khỏi nước Anh và lan rộng trên phạm vi thế giới. Chile là quốc gia đầu tiên bên ngoài nước Anh có Phong trào Hướng đạo. Năm 1910, BP đã đến thăm Canada và hoa Kỳ và nơi đó bắt đầu có Phong trào Hướng đạo.
Thế chiến thứ nhất nổ ra vào năm 1914 tưởng rằng sẽ kéo theo sự tan rã của Phong trào Hướng đạo, nhưng việc huấn luyện thông qua phương pháp hàng đội đã chứng minh giá trị của nó. Các Đội trưởng đã tiếp tục điều hành đội khi các Huynh trưởng rời đoàn tình nguyện gia nhập quân đội. Hướng Đạo góp phần vào việc chấm dứt chiến tranh ở Anh bằng nhiều cách; Đáng chú ý nhất có lẽ là những Sea Scouts những người góp phần thường xuyên bảo vệ bờ biển giải phóng của họ khỏi cuộc chiến.
1. Các ngành HĐ
- Năm 1907 thành lập Hướng Đạo (ngành Thiếu).
- Năm 1910 thành lập:
- Nữ Hướng Đạo.
- Hướng Đạo Hải đoàn.
- Năm 1916 thành lập ngành Ấu (xuất bản cuốn sách: “Sách Sói con”).
- Năm 1918 thành lập ngành Tráng.
- Năm 1926 thử nghiệm HĐ khuyết tật đến năm 1936 chính thức thành lập.
- Năm 1927 Hệ thống Liên Đoàn được công nhận.
- Năm 1941 thành lập HĐ Không đoàn.
- Năm 1946 thành lập ngành Kha.
- Bắt đầu thử nghiệm từ năm 1966 ở các nước Bắc Âu, cho đến năm 1986, khoảng 20 năm sau, ngành Nhi mới chính thức được công nhận là thành viên của Văn phòng Hướng Đạo Thế Giới. Ngành Nhi có mặt ở nhiều quốc gia như: Canada, Úc, Anh, Nhật Bản,…
2. Sách HĐ do BP viết
- Năm 1908 xuất bản cuốn “Hướng Đạo cho trẻ em”: Scouting for Boy.
- Năm 1916 xuất bản cuốn “Sách Sói con”: Wotf Cup Hand book.
- Năm 1921 phát hành báo Jamboree, 1955 đổi tên thành World Scouting.
- Năm 1922 xuất bản cuốn “Đường thành công”: Rovering to Success.
3. Họp Bạn thế giới
- Năm 1920 Họp Bạn thế giới lần đầu tiên tại Luân Đôn, có 8.000 người của 33 quốc gia tham dự.
- Năm 1922 Họp Bạn thế giới lần thứ hai tại Copenhague, thủ đô Đan Mạch, có 40 quốc gia tham dự.
- Năm 1929 Họp Bạn thế giới lần thứ ba tại Birkenhead Anh Quốc, có 43 quốc gia tham dự.
Sau đó, tuần tự các Trại Họp Bạn thế giới được tổ chức tại các quốc gia khác nhau cho đến nay.
4. Phần khác
- 1919 thiết lập trại trường Gilwell. Do ông MALLAREN mua tặng hội HĐ Anh Quốc. Khoá huấn luyện đầu tiên tháng 09/1919.
- 1928 áp dụng hệ thống Liên đoàn.
II. TỔ CHỨC HƯỚNG ĐẠO THẾ GIỚI
Hội nghị Hướng Đạo Thế giới (World Scout Conference) sau này được gọi là (International Scout Conference) lần đầu tiên tổ chức tại Luân Đôn vào năm 1920 với đại diện 33 tổ chức Hướng Đạo quốc gia tham dự.
Văn phòng Hướng Đạo Quốc tế (The Boy Scout International Bureau), sau này trở thành Văn phòng Hướng Đạo Thế giới (World Scout Bureau) được thành lập.
Năm 1922 Hội nghị Hướng Đạo Quốc tế lần thứ 2 được tổ chức tại tại Paris với 31 tổ chức Hướng Đạo Quốc gia tham dự đã bầu ra Ủy ban Thế giới (World Scout Committee). Ở thời điểm này thế giới chỉ có hơn một triệu HĐS.
Ngày nay Hướng Đạo Thế giới được tổ chức như sau:
1. Tổ chức Hướng Đạo thế giới
Tổ chức Hướng Đạo thế giới (The World Organization of the Scout Movement) viết tắt là WOSM là một tổ chức quốc tế, phi chính phủ (NGO: Non-Governmental Organization) được cấu thành từ 3 thành phần cơ bản:
- Hội nghị Hướng Đạo Thế giới (The World Scout Conference).
- Ủy Ban Hướng Đạo Thế giới (The World Scout Committee).
- Văn phòng Hướng Đạo Thế giới (The World Scout Bureau).
2. Thành phần tổ chức Hướng Đạo thế giới
a. Hội nghị Hướng Đạo Thế giới
Được xem như là Đại Hội đồng Hướng Đạo. Là cơ quan chấp chính của Hướng Đạo Thế giới và bao gồm tất cả các thành viên. Hội nghị HĐTG nhóm họp 3 năm một lần và mỗi quốc gia hội viên được cử 6 đại biểu tham dự.
Đại Hội đồng HĐTG nghe báo cáo, duyệt chính sách và ấn định chính sách.
b. Ủy ban Hướng Đạo Thế giới
Ủy ban HĐTG là ban chấp hành của Tổ chức HĐTG, chịu trách nhiệm thực hiện các nghị quyết của Hội nghị Hướng Đạo Thế giới. Ủy ban HĐTG gồm 14 Ủy viên. Trong đó 12 người phải đến từ những quốc gia khác nhau, được bầu cho một nhiệm kỳ 6 năm bởi Hội nghị HĐTG. Các Ủy viên không đại diện cho đất nước mình mà quan tâm đến phong trào như một sự nghiệp chung. Tổng thư ký và thủ quỹ của tổ chức HĐTG là Ủy viên đương nhiệm của ủy ban.
Nhiệm kỳ của mỗi Ủy viên là 6 năm và cứ mỗi lần họp Hội nghị HĐTG (3 năm), 1/2 số ủy viên của Ủy ban được bầu lại. Chủ tịch Ủy ban HĐTG không do Đại Hội đồng bầu trực tiếp mà do các Ủy viên của Ủy ban HĐTG bầu lên, cứ 2 năm bầu một lần.
Ủy ban HĐTG họp định kỳ hoặc bất thường để ấn định chính sách thay cho Đại Hội đồng HĐTG.
Các thành viên của Ủy ban HĐTG kể cả Tổng Thư ký HĐTG hoặc các Ủy viên chấp hành vùng đều không có quyền bầu cử hoặc biểu quyết tại Đại Hội đồng HĐTG.
c. Văn phòng HĐTG
Văn phòng HĐTG là cơ quan có nhiệm vụ thi hành các chỉ thị và nghị quyết của Hội nghị HĐTG và Ủy ban HĐTG. Văn phòng HĐTG được điều hành bởi Tổng Thư ký là một Trưởng chuyên nghiệp do Ủy ban HĐTG đề cử và thuê có khế ước.
Văn phòng được thành lập đầu tiên từ năm 1920 đặt tại Luân Đôn – Anh quốc.
Năm 1959 văn phòng được chuyển đến Ottawa – Canada.
Năm 1968 văn phòng được chuyển đến Geneve – Thụy Sĩ. Có khoảng 40 Trưởng chuyên nghiệp làm nhân viên văn phòng tại trụ sở chính, địa chỉ:
BUREAU MONDIAL DU SCOUTISME
CASE POSTALE 241 1211 GENEVE 4 SUISSE
Tel: (022) 26.32.70
Để nhẹ bớt công việc của VP HĐTG, có thành lập thêm các VP HĐ vùng:
- Vùng Phi Châu (Africa region) gồm các văn phòng tại thủ đô Nairo (Kenya), Dakar (Senegal) và Cape Town (Nam Phi).
- Vùng Ả Rập (Arab region) văn phòng tại thủ đô Cairo (Ai Cập).
- Vùng Á Châu – Thái Bình Dương (Asia Pacific region) văn phòng tại thủ đô Manila (Philippines).
- Vùng Á – Âu (Eurasia region) văn phòng tại Yalta Gurzuf (Ukraina) và thủ đô Moscow (Nga).
- Vùng Âu Châu (European region) văn phòng tại Geneve (Thụy Sĩ) và Brussels (Bỉ).
- Vùng Liên Mỹ (Interamerican region) văn phòng tại thủ đô Santiago (Chi Lê).
Hiện nay, Văn phòng Hướng đạo Thế giới bao gồm khoảng 120 nhân viên, trụ sở tại 8 địa điểm trên toàn thế giới:
- Trung tâm Hỗ trợ Hướng đạo Thế giới – Kuala Lumpur, Malaysia
- Trung tâm Hỗ trợ Hướng đạo Thế giới Geneva, Thụy Sĩ
- Trung tâm Hỗ trợ Phi Văn phòng Hướng đạo Thế giới – Nairobi, Kenya
- Trung tâm Hỗ trợ Hướng đạo Thế giới vùng Ai cập – Cairo, Ai Cập
- Trung tâm Hỗ trợ Hướng đạo Thế giới vùng châu Á – Thái Bình Dương – Makati City, Philippines
- Trung tâm Hỗ trợ Hướng đạo Thế giới vùng Á – Âu – Kiev, Ukraina
- Trung tâm Hỗ trợ Hướng đạo Thế giới vùng Châu Âu – Geneva, Thụy Sĩ và Brussels, Bỉ
- Trung tâm Hỗ trợ Hướng đạo Thế giới vùng Interamerica – Thành phố Panama, Cộng hòa Panama
Văn phòng Hướng đạo Thế giới đặt tại Geneva, Thụy Sĩ. Văn phòng Tổng thư ký đặt tại Kuala Lumpur, Malaysia.

LỊCH SỬ VÀ TỔ CHỨC HĐVN
I. LỊCH SỬ HĐVN:
- Năm 1926 các đoàn Hướng Đạo đầu tiên đã xuất hiện tại Hà Nội và Trung kỳ do sáng kiến của những giáo sĩ người Pháp, nhưng sau đó do thiếu Trưởng nên tan rã.
Giai đoạn 1930-1946: khởi đầu sôi nổi
- Năm 1930 Trưởng Trần Văn Khắc và Tạ Văn Giục thành lập đơn vị Hướng Đạo tại trường Thể Dục Thể Thao Hà Nội, nhưng thiên về thể thao hơn là Hướng Đạo. Đơn vị này được gọi là Ban Đồng Tử Quân. Đến năm 1933 nhờ sự yểm trợ về tài liệu tham khảo và hướng dẫn của Hướng Đạo Pháp, các Trưởng tiên khởi đã đổi tên lại là Hướng Đạo thay thế cho danh hiệu Đồng Tử Quân. Từ đó quay lại sinh hoạt đúng với nguyên lý và phương pháp của Hướng Đạo. Tuy nhiên, từ Luật, Lời Hứa, hệ thống chuyên hiệu, đẳng thứ, trò chơi, ca hát đều nhất tề giống Hướng Đạo Pháp.
- Năm 1931 Trưởng Hoàng Đạo Thúy thành lập đơn vị Ấu (ở Miền Bắc).
- Từ năm 1934 trở đi, Hướng Đạo Việt Nam trở thành một phong trào phát triển mạnh mẽ lan rộng khắp cả nước và có đủ ba ngành Ấu, Thiếu và Tráng.
- Năm 1935 Họp bạn Toàn quốc “Huynh đệ” tại sân Mayer, Đakao, Sài Gòn. Trại trưởng: Trưởng Trần Văn Khắc.
- Năm 1934-1935 HĐVN tổ chức ngành Tráng.
- Năm 1936 hai Hội Hướng Đạo Bắc kỳ và Trung kỳ ra đời. Trưởng Trần Văn Khắc vào Nam để xúc tiến thành lập Hội Hướng Đạo Nam kỳ vào cuối năm đó.
- Năm 1936 Trại trường Tùng Nguyên (Đà Lạt) được thành lập để huấn luyện Trưởng khắp Đông Dương.
- Năm 1937 chính thức thành lập Liên Hội Hướng Đạo Đông Dương gồm: Hội HĐ Bắc kỳ, Hội HĐ Trung kỳ, Hội HĐ Nam kỳ, Hội HĐ Lào và Hội HĐ Cao Miên. Cùng năm đó Trại trường Bạch Mã (Huế) được thành lập, các Trưởng ưu tú được công nhận Huy Hiệu Rừng.
- Năm 1940 Họp Bạn toàn quốc HĐVN tại Rừng Sặt (Bắc Ninh) cho cả 3 ngành Ấu, Thiếu và Tráng. Kỷ niệm 10 năm thành lập Hướng Đạo Việt Nam có 1500 trại sinh tham dự. Trại trưởng Trưởng Hoàng Đạo Thúy.
- Năm 1941 Họp Bạn toàn quốc tại Quảng Tế (Huế), có đủ 3 ngành HĐ.
- Năm 1942 Họp Bạn ngành Tráng ở Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình.
- Năm 1943 tổ chức cuộc chơi “Hỏa bài”.
- Năm 1944 Họp Bạn ngành Tráng ở Qua Châu, Thanh Hóa (Bắc & Bắc Trung VN), và cù lao Bảy Miễu, Nha Trang (Trung & Nam VN).
Giai đoạn 1945-1955: Trụ sở Hội Hướng Đạo VN dời từ Hà Nội, vào Huế rồi vào Sài Gòn
- Tháng 8/1945 Mặt trận Việt Minh lên nắm chính quyền, tuyên bố Việt Nam độc lập và thống nhất. Hướng Đạo Bắc, Trung, Nam sáp nhập lại thành Hội Hướng Đạo Việt Nam. Ngày 31/05/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận lời làm Hội Trưởng Danh Dự Hội HĐVN.
- Năm 1946 chiến tranh Việt Pháp bùng nổ, HĐVN tạm ngưng hoạt động. Gần như toàn bộ Bộ Tổng Ủy viên HĐVN thành lập năm 1946 đi theo Trưởng Hoàng Đạo Thúy vào mật khu. Một số Trưởng và HĐS vùng thành thị còn lại bắt đầu khôi phục PTHĐ kể từ năm 1950. Ngoài các Trưởng kỳ cựu có mặt từ đầu, xuất hiện những khuôn mặt mới gia nhập PTHĐ vào cuối thập niên 1930 như các Trưởng: Mai Liệu, Cung Giũ nguyên, Phan Như Ngân, Trần Điền…và một số Trưởng kế tiếp trong những năm 1950 như: Trần Văn Thao, Trần Trung Ru, Lê Trường Thọ, Trần Văn Thiệp, Nguyễn Trung Thoại, Nghiêm Văn Thạch…
- Tháng 7/1954 thực hiện hiệp định Geneve chia đôi đất nước. Hướng Đạo ở miền Bắc vì chiến cuộc tạm ngưng hoạt động, còn Hướng Đạo miền Nam vẫn tiếp tục hoạt động. Đất nước bị phân chia, Hội HĐVN chuyển vào Huế rồi sau đó dời vào Sài Gòn.
Thời kỳ 1955-1975: 20 năm phát triển
- Ở giai đoạn này các đơn vị Hướng đạo ở Miền Bắc và Bắc Trung phần tạm ngưng sinh hoạt, các đơn vị Hướng Đạo từ Quảng Trị đến Cà Mau vẫn tiếp tục sinh hoạt.
- Ngày 07/05/1957 Hội HĐVN được Hướng Đạo Thế giới công nhận là Hội viên chính thức (Hội viên thứ 72 của Tổ chức HĐTG).
- Năm 1959 Trại Họp Bạn Phục Hưng ở Trảng Bom từ ngày 24/12/1959 đến 27/12/1959 gồm 2.000 HĐS Việt Nam, Cam Bốt, Trung Hoa Dân Quốc và Pháp. Trại Trưởng: Trưởng Cung Giũ Nguyên.
- 1965 nhân Hội nghị Huynh Trưởng tại Gia Định ngành Kha được chính thức thành lập.
- 1969 Họp Bạn ngành Tráng ở Đà Lạt.
- 1970 Trại Họp Bạn Giữ Vững ở Suối Tiên trong dịp lễ Giáng sinh “Kỷ niệm 40 năm HĐVN”. Có 7.000 HĐS Việt Nam, Hoa Kỳ, Thái Lan, Campuchia, Tân Tây Lan, Úc và Trung Hoa Quốc Gia. Trại Trưởng: Trưởng Trần Văn Lược.
- Năm 1974 Trại Họp Bạn Tự Lực ở Tam Bình, Thủ Đức từ ngày 21 đến 25/12/1975. Có 4.295 HĐS tham dự. Đặc biệt kỳ này có đơn vị Hướng Đạo sắc tộc từ rừng núi cao nguyên về tham dự. Trại Trưởng: Trưởng Trần Văn Lược.
Giai đoạn 1975-2016: Giai đoạn giữ lửa và vươn lên
- Sau năm 1975, PTHĐ cũng như tất cả các đoàn thể khác tại miền Nam VN, đều tạm ngưng sinh hoạt. Tuy Nhiên các Trưởng lão thành của PTHĐ như các Trưởng: Trần Văn Lược, Nguyễn Duy Thu Lương, Nguyễn Văn Lộc, Trần Văn Hợp, Đinh Quang Điện, Nguyễn Thới Hòa, Phan Kim Phụng, Lê Văn Ngoạn, Nguyễn Xuân Long, Tôn Thất Hàn, Tôn Thất Sam, Trần Văn Hiến, Phạm Quang Lộc, Bùi Văn Giải, Nguyễn Trọng Ngọc… vẫn tiếp tục giữ lửa thông qua các hoạt động dân gian truyền thống của người VN như: cưới, hỏi, tân gia, sinh nhật, ma chay… Các Trưởng quy tụ các HĐS lại, ôn lại kỷ niệm, động viên, nhắc nhở giúp đỡ thăm hỏi nhau trong tình huynh đệ HĐ.
- Khoảng thập niên 1980 một số anh em HĐ ở các đơn vị HĐ trước năm 1975 đã ngầm sinh hoạt lại trên khắp miền Nam nhằm mục đích giữ lửa theo lời kêu gọi của các Trưởng lão và giữ cho con em mình không bị ảnh hưởng của mại dâm và ma túy, một tệ nạn phổ biến đương thời.
- Năm 2006, các đơn vị từ Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng đến Cần Thơ đã phục hoạt. Theo thư mời của Tr. Trần Văn Lược, nguyên Tổng Ủy viên HĐVN nhiệm kỳ 1972 1975 (và chưa có Đại Hội Đồng kế tiếp để bầu lại TUV) ký ngày 16/09/2006 gửi cho các Đạo Trưởng, Liên Đoàn Trưởng, Tráng Đoàn biệt lập hiện đang sinh hoạt từ miền Trung, Tây Nguyên, miền Tây, Sài Gòn và các vùng phụ cận. Hội nghị Huynh Trưởng toàn quốc “Huynh đệ Nhất gia” được triệu tập từ 06 giờ sáng ngày 14/10/2006 đến 13 giờ ngày 15/10/2006 tại Biên Hòa – Đồng Nai. Ngày 15/10/2006, Tr. Trần Văn Lược được bầu làm Trưởng Ban Điều Hành HĐVN và Trưởng đã công bố thành phần Ban Điều hành HĐVN gồm các Trưởng: Nguyễn Văn Lộc, Lê Gia Mô, Đặng Thanh Long, Lê Văn Ngoạn, Nguyễn Thới Hòa, Nguyễn Xuân Long, Trần Xê, Tôn Thất Hàn, Trần Văn Hồng, Trần Văn Hiến, Trần Trung Phúc, Lương Hải, Trần Minh Thiện, Phạm Quang Thùy, Nguyễn Phước Ai Huy, Nguyễn Tuấn, Lê Ngọc Bưu, Trần Trọng Thảo…được sự đồng thuận của các Trưởng đơn vị tham dự Hội nghị Huynh Trưởng toàn quốc. Hội nghị cũng đã thống nhất các vấn đề về sinh hoạt cũng như huấn luyện Huynh Trưởng HĐVN trong giai đoạn này.
- Năm 2007 Trại Họp Bạn Bách Hợp diễn ra từ ngày 16 đến 19/08/2007 tại Kỳ Vân, Long Hải, Vũng Tàu. “Kỷ niệm 100 năm phong trào Hướng Đạo thế giới”, có 1.269 HĐS tham dự. Trại Trưởng Danh dự: Tr. Trần Văn Lược. Trại Trưởng điều hành: Phạm Quang Thùy sau đó chuyển giao cho Trưởng Trần Trung Phúc.
- Năm 2010 Trại Họp Bạn toàn quốc Bách Việt ở Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến Bình Dương từ ngày 22 đến 25/07/2010, “Kỷ niệm 80 năm phong trào Hướng Đạo Việt Nam”, với sự tham dự của 1.699 HĐS, gần 200 khách mời và hơn 300 Sói con, Hải ly các Bầy (Tổng cộng có: 2.199 thành viên). Trại Trưởng danh dự: Trưởng Trần Văn Lược. Trại Trưởng: Trưởng Trần Minh Thiện.
- Năm 2004, nảy sinh nhu cầu phát triển ngành Nhi tại Việt Nam (do rất nhiều phụ huynh có con em từ 4 đến 6 tuổi muốn cho tham gia sinh hoạt HĐ mà chưa đủ tuổi vào ngành Au. Để đáp ứng nhu cầu đó, dưới sự chấp thuận của Ban Điều hành HĐVN, Liên Đoàn Âu Lạc (nay là Đạo Âu Lạc) thành lập thử nghiệm ngành Nhi ngày 15/08/2004 tại Suối Sao, Đồng Nai. Đến năm 2010, được sự hỗ trợ của Ban Điều hành HĐVN, Nhóm Nghiên cứu và Phát triển ngành Nhi chính thức được thành lập do Trưởng LT. Nguyễn Thành Nghĩa làm Trưởng nhóm. Nhóm Nghiên cứu và Phát triển ngành Nhi tập trung các Trưởng đam mê ngành Nhi. Qua một thời gian nghiên cứu và sinh hoạt, đã thu thập rất nhiều dữ liệu về ngành Nhi trong và ngoài nước để chuẩn hóa sinh hoạt ngành Nhi. Cuốn sách “Sổ tay Nhi Trưởng” đã phát hành trong Khóa Huấn Luyện Dự Bị Nhi đầu tiên ở Việt Nam vào ngày 28/02/2010 tổ chức tại Xóm Chiếu do trưởng LT. Nguyễn Thành Nghĩa làm Khóa Trưởng. Ngày 15/02/2011, Ban Điều hành HĐVN chính thức quyết định công nhận ngành Nhi là ngành thứ năm của PTHĐ VN. Sau đó, ngày 14-15/11/2015, nhân Hội nghị Huynh Trưởng thường niên, Hội nghị đã biểu quyết màu cam là màu khăn quàng của ngành Nhi và đổi màu khăn quàng Liên Đoàn Trưởng thành màu xám viền cam.
- Năm 2012, Hội nghị Huynh Trưởng Hướng Đạo thường niên được tổ chức quy tụ hầu hết các đại biểu và đơn vị trưởng của các đơn vị Hướng Đạo đang sinh hoạt trên toàn quốc về dự: Trại “Huynh Đệ Nhất Gia” lần 2 được tổ chức tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai từ ngày 30/11/2012 đến 01/12/2012, quy tụ 87 đơn vị Trưởng đại diện cho gần 6.000 Hướng Đạo Sinh đang sinh hoạt trên khắp mọi miền đất nước. Hội nghị đã bầu ra Ban Điều hành mới gồm 3 khối: Khối Sinh Hoạt, Khối Huấn Luyện và Khối Quản Trị. Trưởng Trần Minh Thiện được bầu làm Trưởng Ban Điều Hành Hướng Đạo Việt Nam. Các Trưởng trong Ban điều hành HĐVN 2012 – 2017 gồm các Trưởng: Trần Minh Thiện, Nguyễn Văn Lộc, Nguyễn Vĩnh Thịnh, Trần Xê, Nguyễn Tuấn, Nguyễn Trọng Luyện, Tôn Thất Hàn, Nguyễn Quốc Khánh, Phan Tấn Luận, Trần Trung Phúc, Ngô Minh Khiêm, Trần Văn Hiến, Nguyễn Thành Nghĩa, Trần Thị Diệu Quỳnh, Nguyễn Phước Ai Huy, Đỗ Thị Thanh Nga, Thái Thị Bằng, Nguyễn Thái Hùng, Lê Ngọc Bưu, Trần Trọng Thảo, Mai Đức Hướng, Võ Văn Nguyên Phổ. Hội Nghị đã thông qua Quy Chế Hướng Đạo Việt Nam, Quy Chế Huấn Luyện và định hướng sinh hoạt từ năm 2012 đến 2017.
- Cùng năm 2012, Trại Họp Bạn Ngành Tráng (Rover Moot) được tổ chức lại sau 43 năm gồm các đơn vị miền Trung và miền Nam Việt Nam (miền Bắc chưa khôi phục được PTHĐ trong giai đoạn này) được tổ chức tại Vườn Quốc Gia Bidoup, Đa Nhim, Đà Lạt, Lâm Đồng từ ngày 28/12/2012 đến 31/12/2012. Trại Trưởng: Trưởng Nguyễn Vĩnh Thịnh, đã quy tụ hơn 600 trại sinh và 108 khách mời về tham dự.
- Năm 2014, Hội nghị Huynh trưởng “Huynh đệ Nhất Gia” lần 3 được tổ chức tại Đồng Nai. Hội nghị tiếp tục hoàn thiện hệ thống Quy Chế HĐVN, thảo luận và biểu quyết Quy chế ngành Thiếu, chuẩn bị trại họp bạn 2015 Kỷ niệm 85 năm HĐVN. Ở giai đoạn này, xã hội Việt Nam bắt đầu nhận thức lại được các ưu điểm cũng như tính hiệu quả về giáo dục Thanh – Thiếu niên của Phong Trào Hướng Đạo và đã đón nhận phương pháp giáo dục này. Qua sự giúp đỡ của các Trưởng HĐ, các cơ sở tư nhân cùng một số cơ quan, trường học của nhà nước bắt đầu tự phát áp dụng phương pháp giáo dục HĐ (tuy rằng trong giai đoạn này nhà nước Việt Nam chưa chính thức cho tái sinh hoạt và công nhận lại Hội HĐVN). Một điểm son trong giai đoạn này là Trưởng Phạm Thanh Hiệp đã mạnh dạn thành lập một số đơn vị Hướng Đạo tại miền Bắc Việt Nam, một hoạt động hoàn toàn chưa hề có tiền lệ ở miền Bắc và phía Bắc miền Trung VN từ năm 1946.
- Trại Họp bạn toàn quốc (Jamboree) Hợp Lực được tổ chức tại Bửu Long, Biên Hòa, Đồng Nai từ ngày 16 đến 19 tháng 07 năm 2015. Với sự tham dự của 2.017 thành viên. Do một số khó khăn, cản trở nhất định, nên sau ngày trại thứ 2, trại phải chia làm nhiều cụm nhỏ di chuyển đến các địa điểm mới tại Sài Gòn, Vũng Tàu, Đồng Nai, DakLak… Tại đây, các đơn vị vẫn tiếp tục tổ chức trại Họp bạn như những bông hoa đua nhau nở trên mọi miền đất nước. Để chia sẻ với những khó khăn của HĐVN, Trưởng Jose Rizal C. Pangilinan, Giám đốc Hướng đạo vùng Châu Á Thái Bình Dương cũng qua tham dự “Trại bay tình thế” Toàn quốc với các HĐS Việt nam. Trưởng đã công nhận rằng đây là một sự kiện hoàn toàn chưa có tiền lệ của HĐTG và rất khâm phục ý chí kiên cường của các Huynh trưởng và các em HĐS Việt Nam.
Năm 2015, đoàn các Trưởng lãnh đạo cao cấp của APR và ASARC gồm:
- Trưởng JR C. Pangilinan, Giám Đốc Vùng, WOSM/APR;
- Trưởng Dr. Mr. Pattaraoj Kamonrojsiri, thành viên APRSC.
- Trưởng Rajalingam Ramasamy, Phụ tá tổng thư ký, ASARC.
- Trưởng Dr. Somboon Bunyasiri, thành viên, APR Management.
Các Trưởng đã đến Việt Nam cùng với các Huynh Trưởng Việt Nam tiến hành quá trình vận động một cách cụ thể và tập trung hơn. Các Trưởng đã kết hợp với các Trưởng Việt Nam thành lập nhóm Công Tác (Task-Force) với 10 thành viên gồm:
- Trưởng Nguyễn Thiện Khánh – Đơn vị Liên Tỉnh Thành – Đồng chủ tịch.
- Trưởng Trần Minh Thiện – Đơn vị Ban Điều Hành – Đồng chủ tịch.
- Trưởng Phạm Thanh Hiệp – Đơn vị Liên Tỉnh Thành – Thành viên.
- Trưởng Nguyễn Vĩnh Thịnh – Đơn vị Ban Điều Hành – Thành viên.
- Trưởng Nguyễn Thông – Đơn vị Liên Tỉnh Thành – Thành viên
- Trưởng Nguyễn Tuấn – Đơn vị Ban Điều Hành – Thành viên
- Trưởng Phạm Minh Thắng – Đơn vị Liên Tỉnh Thành – Thành viên.
- Trưởng Nguyễn Quốc Khánh – Đơn vị Ban Điều Hành – Thành viên
- Trưởng Nguyễn Văn Trung – Đơn vị Liên Tỉnh Thành – Thành viên
- Trưởng Nguyễn Thái Hùng – Đơn vị Ban Điều Hành – Thành viên
Nhiệm vụ của nhóm công tác là:
- Nối kết với các đơn vị đang sinh hoạt tại Việt Nam.
- Thực hiện tiến trình 7 bước để phong trào HĐVN được công nhận. Trước tiên là việc hoàn thành bản Hiến Chương Hướng Đạo Việt Nam với sự hỗ trợ của Văn phòng Vùng APR.
Bản Dự Thảo Hiến Chương Hướng Đạo Việt Nam được nhóm Task-Force soạn thảo đã được hoàn thành và được gửi đến Văn Phòng Hướng Đạo Vùng ngày 30 tháng 1 năm 2016.
- Năm 2016 Hội Bầy kỷ niệm 100 năm thành lập ngành Ấu thế giới. 2 trại được tổ chức tại 2 miền đất nước: miền Trung tổ chức tại Đà Nẵng và miền Nam tại Đồng Nai. Trại Trưởng: Trần Thị Diệu Quỳnh; do một số cản trở nhất định trại tại Đồng Nai không tổ chức được các Trại sinh phải chia làm nhiều cụm và tổ chức theo kiểu Hội Liên Bầy.
- Năm 2017 ngành Tráng tổ chức Trại Họp bạn ngành Tráng toàn quốc kỷ niệm 100 năm thành lập ngành Tráng Hướng Đạo Thế giới; Trại có tên Việt Nam Rover Moot 2017 – Vững tiến. Trại Trưởng là trưởng Nguyễn Trọng Luyện. Chương trình trại được phát động từ ngày sinh nhật cụ BP: 22/02/2017 đến ngày 16/08/2017 gồm 2 phần:
- Phần giúp ích: Các công cuộc giúp ích trong đơn vị như tổ chức các sự kiện cho PTHĐ và ngoài cộng đồng xã hội như giúp đỡ các nhà tình thương, mồ côi, khuyết tật, khám chữa bệnh phát thuốc, xây dựng nhà ở cho người nghèo, hệ thống nước sạch, xây cầu tại vùng rốn lũ…
- Phần trại kỷ niệm 100 năm: Do những lý do khách quan không cho phép tập trung tại một địa điểm được, nên chia làm 4 Tiểu trại theo vùng miền, đó là các Tiểu trại: Hoa Lư (Sài Gòn), Bảy Miễu (Kontum), Bidoup (Phú Yên-DakLak), Tùng Nguyên (Đà nẵng).
- Đến phiên họp thứ 16 ngày 26/11/2017, Văn phòng Hướng Đạo Vùng thông báo đoàn APES (Asia-Pacific EverGreen Scouts) gồm các Trưởng cố vấn của 18 nước trong Vùng đến thăm Hướng Đạo Việt Nam đầu năm 2018.
- Ngày 09 tháng 10 năm 2018, Ủy Ban Hiến Chương Hướng Đạo Thế Giới thông báo đã chấp nhận Bản Hiến Chương HĐVN và đã chuyển Bản Hiến Chương của HĐVN cùng các thủ tục công nhận thành viên đến tất cả các thành viên của Phong trào Hướng Đạo thế giới. Trong thời hạn 90 ngày để cho ý kiến.
- Ngày 10/01/2019 dưới hỗ trợ của văn phòng HĐ Châu Á Thái Bình Dương (APR), HĐVN được Hội HĐ Thế giới (WSOM) công nhận là thành viên thứ 170 của hội Hướng Đạo Thế Giới với cái tên giao dịch quốc tế là Pathfider Scouts Vietnam, tên dùng trong nước vẫn giữ là Hướng Đạo Việt Nam không gì thay đổi. Đây là kết quả của một quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ của APR, Task Fort cùng toàn thể anh, chị, em HĐS sinh Việt Nam trên mọi miền đất nước trong giai đoạn lịch sử vô cùng khó khăn này.
II. TỔ CHỨC HƯỚNG ĐẠO VIỆT NAM:
Đại Hội Đồng 1967, đã tu sửa lại Quy trình của Hội, theo đó, Hội HĐVN được tổ chức như sau:
1. Hội đồng Trung ương
Cơ quan lãnh đạo của Hội HĐVN, thi hành các quyết định của Đại Hội Đồng về chương trình sinh hoạt cũng như về sử dụng tài nguyên. Mỗi năm Hội đồng Trung ương trình bày ở Đại Hội Đồng hoạt động của Hội HĐVN và các khoản thu chi trong năm.
2. Ban Thường vụ
Ban Thường vụ thi hành các quyết nghị của Hội đồng Trung ương và báo cáo cho Hội đồng Trung ương những công việc đã được giải quyết.
Ban Thường vụ họp ít nhất 2 tháng một lần và các quyết định phải được chấp thuận bởi đa số hội viên có mặt và chỉ có giá trị ít nhất khi có 3 thành viên có mặt. Hội Trưởng, Tổng Ủy viên, Phó Tổng Ủy viên, Tổng Thư ký do Đại Hội Đồng bầu ra, nhiệm kỳ là 3 năm, nhưng mỗi năm Đại Hội Đồng có thể nêu ra vấn đề tín nhiệm và nếu biểu quyết không tín nhiệm, Đại Hội Đồng sẽ bầu người khác.
Trại Trưởng Huấn luyện Quốc gia được cử và bổ nhiệm theo đúng thể lệ quốc tế.
3. Bộ Tổng Ủy viên
Gồm: Tổng Ủy viên, Phó Tổng Ủy viên, 4 Ủy viên của 4 ngành Ấu, Thiếu, Kha, Tráng và Ủy viên Tu Thư báo chí cổ động.
Các Ủy viên do Tổng Ủy viên chọn và mời phải được Ban Thường vụ chấp thuận.
Bộ Tổng Ủy viên tổ chức và phát triển Phong trào theo những quyết định của Hội đồng Trung ương được đại diện bởi Ban Thường vụ. Bộ Tổng Ủy viên họp ít nhất mỗi tháng một lần và các quyết định có giá trị với tỉ số tối thiểu là phân nửa Ủy viên trong Bộ Tổng Ủy viên.
4. Ban Quản trị
Gồm: Tổng Thư ký, Phó Tổng Thư ký, Thủ quỹ, Ủy viên Giao tế và Ủy viên Liên lạc Quốc tế. Nhân viên Ban Quản trị do Tổng Thư ký chọn và mời, được Ban Thường vụ chấp thuận.
Ban Quản trị điều hành các vấn đề thuộc hành chánh, giao tế, liên lạc cùng quản thủ tài sản của Hội theo quyết định của Ban Thường vụ.
5. Ban Huấn luyện
Gồm: Trại trưởng, Phó Trại trưởng, các LT và Akéla Leader. Lo việc huấn luyện. 6. Các đơn vị Hướng Đạo:
- Nhi đoàn, Ấu đoàn, Thiếu đoàn, Kha đoàn và Tráng đoàn. (Ngày nay đang thử nghiệm Niên đoàn dành cho các Hướng Đạo sinh trên 30 tuổi, dựa trên tham luận của Trưởng Nguyễn Trọng Luyện đã báo cáo tại Hội Nghị Huynh Trưởng “Huynh đệ Nhất gia” 2012 và được chuẩn thuận của Trưởng Ban Điều Hành HĐVN: Trưởng Trần Minh Thiện cho thử nghiệm tại Đạo Âu Lạc. Niên đoàn trực thuộc ngành Tráng HĐVN).
- Liên đoàn.
- Đạo.
- Châu
III. THÀNH QUẢ HƯỚNG ĐẠO VIỆT NAM:
1. Theo số liệu trước 1975
- Số đơn vị:
- Châu: 10 Châu.
- Đạo: 60 Đạo.
- Nhân sự
- Có 12.432 Hội viên, gồm có:
- 2.195 Trưởng, trong đó 185 Trưởng có Huy Hiệu Rừng.
- 475 Trưởng có huy hiệu Bạch Mã.
- Ấu: 2.758 HĐS trong 145 Ấu đoàn và 595 Trưởng.
- Thiếu: 5.265 HĐS trong 246 Thiếu đoàn và 847 Trưởng.
- Kha: 1.323 HĐS trong 70 Kha đoàn và 177 Trưởng.
- Tráng: 882 HĐS trong 94 Tráng đoàn và 134 Trưởng.
- Có 12.432 Hội viên, gồm có:

SƠ ĐỒ TỔ CHỨC HĐVN TRƯỚC NĂM 1975

2. Theo số liệu của Ban Điều hành HĐVN năm 2015:
Ban điều hành HĐVN hiện nay được cơ cấu tương tự như trước năm 1975. Tuy nhiên, vì nhà nước chưa có luật cho thành lập hội nên được tinh giảm lại và được gọi là Ban Điều hành Hướng Đạo Việt Nam gồm:
- Trưởng Ban Điều hành: Trưởng TRẦN MINH THIỆN
- Cùng 3 khối góp phần điều hành HĐVN hiện nay:
- Khối Huấn Luyện: Trưởng NGUYỄN VĂN LỘC
- Khối sinh hoạt: Trưởng NGUYỄN VĨNH THỊNH
- Khối quản trị: Trưởng TRẦN XÊ
Ban điều hành HĐVN có 16 Đạo, 39 Liên đoàn, 7 Tráng đoàn Biệt lập với tổng số là 5.857 thành viên, bao gồm:
- Trưởng: 651
- Nhi: 117
- Ấu: 1.501
- Thiếu: 1.637
- Kha: 693
- Tráng: 1.258


Chương II: Nguyên lý, Phương pháp và hiểu biết về phong trào HĐ
NGUYÊN LÝ VÀ PHƯƠNG PHÁP HƯỚNG ĐẠO
I. DẪN NHẬP:
Phương pháp giáo dục Hướng Đạo do Huân tước Baden Powell sáng lập từ những năm đầu của thế kỷ 20 (1907) và đã phát triển mạnh mẽ rộng khắp trên các châu lục. Tính đến nay đã có trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ có sự hiện diện của gần 30 triệu Hướng Đạo Sinh đang sinh hoạt. Điều đó đã nói lên giá trị đích thực cũng như khả năng phi thường trong việc giáo dục thanh thiếu niên của Phong trào Hướng đạo.
Vậy thì đâu là nền tảng, là mục tiêu, là đặc điểm của phương pháp giáo dục siêu việt đó?
Đường lối giáo dục Hướng Đạo được đặt trên một yếu tố cơ bản mà ta thường gọi là Nguyên lý Hướng Đạo.
II. NGUYÊN LÝ HƯỚNG ĐẠO
Năm 1957, tại Hội nghị Hướng đạo Thế giới lần thứ 16 ở Anh, nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, các quốc gia Hội viên đã xác định 8 Nguyên lý của Phong trào Hướng Đạo là:
- Làm bổn phận đối với Tín Ngưỡng Tâm Linh.
- Trung thành với Tổ Quốc và Quốc Gia.
- Tin tưởng vào tình Huynh Đệ Thế Giới.
- Thực hành Lời Hứa và Luật Hướng Đạo.
- Không chịu ảnh hưởng của chính trị, bè phái.
- Gia nhập tự nguyện.
- Giúp ích tha nhân.
- Áp dụng phương pháp huấn luyện duy nhất:
- Sinh hoạt ngoài trời.
- Hệ thống Hàng Đội và Liên Đoàn.
- Hệ thống Đẳng Thứ, Chuyên Hiệu.
- Học bằng thực hành.
Đến năm 1977, Hội nghị HĐTG kỳ thứ 26 tại Canada, trên 100 quốc gia Hội viên đã biểu quyết và tu chỉnh bản Hiến chương Tổ Chức Hướng đạo Thế giới và từ đó trở thành văn bản chính thức và duy nhất của phong trào HĐTG.
1. Định nghĩa và mục đích
Hướng Đạo là một phong trào giáo dục thanh thiếu niên đặt căn bản lên sự tự nguyện, mở ra cho tất cả mọi người, không phân biệt giới tính, tín ngưỡng, giai cấp, nguồn gốc, chủng tộc, không mang màu sắc chính trị, bè phái. Nhằm mục đích giúp thanh thiếu niên phát huy toàn vẹn khả năng về: thể chất, trí tuệ, tính khí, xã hội và tinh thần. Đào tạo những công dân có tinh thần trách nhiệm, thành viên của những cộng đồng địa phương, quốc gia và quốc tế.
2. Nguyên lý Hướng Đạo
Nguyên lý HĐ là những luật cơ bản và niềm tin cần được tuân thủ để đạt đến mục đích. Nguyên lý tương ứng với một nguyên tắc ứng xử mang nét đặc thù của tất cả thành viên của PTHĐ được đặt căn bản trên 3 nguyên tắc chỉ đạo:
- Bổn phận đối với TÍN NGƯỠNG TÂM LINH.
- Bổn phận đối với THA NHÂN.
- Bổn phận đối với BẢN THÂN.
Mỗi thành viên của Phong trào Hướng Đạo tự nguyện cam kết thực hành Lời Hứa và Luật Hướng Đạo diễn đạt các nguyên tắc chỉ đạo nói trên.
3. Phương pháp Hướng Đạo
Phương pháp Hướng Đạo là khung cấu trúc được đề ra để hướng dẫn và khuyến khích các HĐS theo con đường phát triển, thăng tiến cá nhân. Nó là một nhóm các yếu tố tương thuộc lẫn nhau tạo nên một tổng thể hài hòa và thống nhất.
Phương pháp Hướng Đạo dùng để:
- Giúp mỗi cá nhân trẻ sử dụng và phát triển năng lực, lợi ích và kinh nghiệm sống của chính mình.
- Kích thích khám phá và phát triển những mối quan tâm và năng lực mới.
- Giúp tìm cách xây dựng việc đáp ứng nhu cầu ở những giai đoạn khác nhau của sự phát triển.
- Mở ra những cánh cửa đến những chặng đường xa hơn với chính những bước đi của cá nhân trẻ.
Những yếu tố của phương pháp Hướng đạo:
- Lời hứa và luật
- Học bằng thực hành
- Sinh hoạt từng nhóm nhỏ (Hệ thống hàng đội)
- Khung biểu tượng
- Thăng tiến cá nhân với một chương trình tiệm tiến và hấp dẫn
- Sinh hoạt ngoài trời (thiên nhiên)
- Sự hỗ trợ của người lớn (Huynh trưởng)
- Tham gia cộng đồng.
3 Lời hứa và luật Hướng Đạo
LỜI HỨA HƯỚNG ĐẠO
Tôi xin lấy danh dự hứa sẽ cố gắng hết sức:
- Làm bổn phận đối với Tín Ngưỡng Tâm Linh và Quốc Gia tôi.
- Giúp đỡ mọi người bất cứ lúc nào.
- Tuân theo Luật Hướng Đạo.
- Chấp nhận thực hành Lời Hứa là điều tiên quyết để trở thành Đoàn sinh của Phong trào HƯỚNG ĐẠO THẾ GIỚI.
- Lời Hứa Hướng đạo không thay đổi dù ở lứa tuổi nào, được áp dụng cho tất cả mọi Đoàn viên của Phong trào Hướng Đạo, từ Trưởng cho đến Đoàn sinh (Thiếu – Kha – Tráng), ngoại trừ Sói con và Hải ly. Nhưng có sự khác biệt về nhận định, diễn giải và hiểu biết tùy từng lứa tuổi.
- Trên danh dự bản thân, tự nguyện cam kết thực hành Lời Hứa Hướng Đạo.
- “Cố gắng hết sức” không phải là một ý tưởng cao siêu, lại càng không phải là lý do tiêu cực, nhằm xóa bỏ, tha thứ những biếng nhác, trì trệ của Đoàn sinh, mà là sự thử thách, thúc đẩy sự tiến bộ hàng ngày.
LUẬT HƯỚNG ĐẠO
Luật Hướng Đạo gồm 10 điều, đặt căn bản lên lòng tự trọng, vẽ nên hình ảnh một Hướng Đạo Sinh hoàn hảo để mọi Đoàn viên cùng phấn đấu, càng ngày càng tiến triển trong việc tu thân, thấm nhuần hình ảnh đó.
10 Điều Luật Hướng Đạo
- HĐS trọng danh dự, ai cũng có thể tin lời nói của HĐS.
- HĐS trung thành với Tổ quốc, cha mẹ và người cộng sự.
- HĐS có bổn phận giúp ích mọi người.
- HĐS là bạn khắp mọi người và xem HĐS nào cũng như ruột thịt.
- HĐS lễ độ và liêm khiết.
- HĐS thương yêu các sinh vật.
- HĐS vâng lời cha mẹ, huynh trưởng mà không biện bác.
- HĐS gặp nỗi khó khăn vẫn vui tươi.
- HĐS tằn tiện của mình và của người.
- HĐS trong sạch từ tư tưởng, lời nói đến việc làm.
- Luật Hướng Đạo không có tính cách một lệnh truyền, lại càng không phải là một giáo điều, mà chỉ là những nhắc nhở cần thiết để mỗi Đoàn sinh tự tu luyện, cải tạo bản thân, hướng tới Chân, Thiện, Mỹ và giúp ích Tha nhân.
- Luật Hướng Đạo không viết ra trên căn bản lý thuyết, mà thoát thai từ đời sống thực tế, từ nền tảng xây dựng nhân phẩm.
- Luật Hướng Đạo ý thức tích cực, nhắc nhở Hướng Đạo Sinh luôn nuôi dưỡng và phát huy các tiềm năng trong mỗi con người, giúp chúng tiến tới sự hoàn thiện khi trưởng thành trong đời sống tự lập, cuộc sống gia đình và giao tiếp ngoài xã hội.
- Luật Hướng Đạo sẽ mất hết hiệu lực khi bắt buộc phải tuân giữ.
C. ĐỨC TÍNH HĐS:
Thật thà – Tận tâm – Trong sạch
III. KẾT LUẬN
- Nguyên lý Hướng Đạo tựu trung là những yếu tố tạo thành những nguyên tắc căn bản của đường lối giáo dục Hướng Đạo.
- Đường lối giáo dục Hướng Đạo được xây dựng trên nền tảng Lời Hứa và Luật Hướng Đạo.
- Lời Hứa và Luật Hướng Đạo là thước đo mọi suy tưởng, hành động và sự tiến triển của Trưởng và Đoàn sinh.
- Sự làm gương của Trưởng là yếu tố quyết định để các Đoàn sinh noi theo.

ĐẶC ĐIỂM, MỐI QUAN HỆ GIỮA NĂM NGÀNH HƯỚNG ĐẠO & CƠ CẤU QUẢN LÝ
Hướng Đạo là một phong trào giáo dục có vai trò bổ sung cho giáo dục nhà trường và gia đình. PTHĐ giáo dục trẻ bằng thực hành, chú trọng đào luyện từng cá nhân một cách tiệm tiến, từng em một nhằm nâng cao chí khí, phát triển thể lực, phát triển trí tuệ của trẻ làm cho trẻ có tinh thần cầu tiến, luôn học hỏi để tiến bộ, ham lao động, biết sáng tạo và trở thành người hữu dụng sau này. Ở mỗi ngành Hướng Đạo đều có một số phương pháp giáo dục riêng để phù hợp tâm sinh lý của các em trong lứa tuổi đó, nhưng vẫn dựa trên nền tảng là nguyên lý PTHĐ. Ngành nhỏ tuổi tạo nền tảng cho sự phát triển của ngành kế tiếp lớn tuổi hơn, trong mối quan hệ hữu cơ và liên tục.
NĂM NGÀNH HƯỚNG ĐẠO VÀ MỐI QUAN HỆ HỮU CƠ:
1. NGÀNH NHI
- Nhi đoàn, còn gọi là Bầy Hải Ly. Gồm các em từ 4 đến 6 tuổi. Từ 4 đến 8 Hải Ly tập họp thành một Hộ, mỗi Hộ do một Nhi Trưởng phụ trách. Từ 2 đến 4 Hộ tập họp thành một Nhi đoàn.
- Châm ngôn của Hải ly: “Chia sẻ”
- “Chia sẻ” để làm cho thế giới tốt đẹp hơn.
- Là nguồn cung cấp Sói Con cho Bầy.
Các Nhi Trưởng trong Nhi đoàn có tên gọi theo các nhân vật trong câu chuyện “Hải Ly – Thế giới kỳ diệu”.
2. NGÀNH ẤU
- Ấu đoàn còn gọi là Bầy, gồm các em từ 6 đến 11 tuổi. Từ 4 đến 8 em tập họp thành một Đàn do một Sói con trong Đàn điều khiển, gọi là Sói Đầu Đàn. Từ 2 đến 4 đàn tập họp thành một Ấu Đoàn. Ban Huynh Trưởng của Ấu đoàn (còn gọi là Bầy Sói) là Ban Sói Già, mỗi Trưởng của Bầy được gọi bằng tên của một nhân vật rừng như: Bầy Trưởng gọi là Akéla, Phó Bầy và Trưởng phụ tá gọi là Bagheera, Baloo, Chil, Hathi, Kaa, Morh, Shahi… Đây là các nhân vật trong câu chuyện “Chuyện Rừng Xanh” của tác giả Rudyard Kipling.
- Ấu Đoàn lý tưởng gồm 24 Sói Con (có thể lên đến 32 sói, nếu 36 sói thì nên tách 2 Bầy).
- Châm ngôn “Gắng sức”.
- Dùng “Chuyện Rừng Xanh” để giáo dục các em.
- “Gắng sức” mở mắt, vểnh tai để nhận thức và làm quen với thế giới xung quanh.
- Là nguồn cung cấp HĐS cho Thiếu đoàn.
3. NGÀNH THIẾU
- Gồm các em từ 11 đến 15 tuổi. Từ 4 đến 8 em tập họp lại thành một Đội. Do một em Thiếu sinh trong Đội điều khiển gọi là Đội Trưởng. Từ 2 đến 4 Đội họp thành một Thiếu đoàn. Thiếu đoàn do một Thiếu Trưởng hướng dẫn với sự trợ giúp của Thiếu phó và các Phụ tá.
- Dùng Lời Hứa, Luật HĐ, chương trình chuyên hiệu và đẳng thứ để giáo dục các em.
- Châm ngôn “Sắp sẵn”.
- “Sắp sẵn” để tiếp cận thế giới, chủ yếu với hoạt động trung bình và phương tiện thô sơ, tập làm quen với tác phong công nghiệp.
- Là nguồn cung cấp Kha sinh cho Kha đoàn.
4. NGÀNH KHA
- Gồm các em từ 15 đến 18 tuổi. Từ 3 đến 6 Kha sinh họp thành một Tuần. Do một em Kha sinh trong Tuần điều khiển gọi là Tuần trưởng. Từ 2 đến 4 Tuần họp thành một Kha đoàn do một Huynh trưởng hướng dẫn gọi là Kha trưởng.
- Châm ngôn “Khai phá”.
- “Khai phá” để khám phá thế giới với những hoạt động mạnh mẽ kèm sự hỗ trợ của các phương tiện hiện đại, thực hành sáng tạo và tác phong công nghiệp.
- Là nguồn cung cấp Tráng sinh cho Tráng đoàn.
5. NGÀNH TRÁNG
- Gồm các em từ 18 đến 30 tuổi. Từ 3 đến 10 Tráng sinh họp thành một Toán do một em Tráng sinh trong Toán điều khiển gọi là Toán Trưởng. Từ 2 Toán trở lên họp thành một Tráng đoàn (với số thành viên tối thiểu là 10), Tráng đoàn có từ 2 đến 4 Toán được một Huynh Trưởng hướng dẫn gọi là Tráng Trưởng.
- Châm ngôn “Giúp ích”.
- Tập lãnh đạo, áp dụng các tri thức khoa học, kỹ năng hiện đại để thực hiện các công cuộc giúp ích.
- Là “Vườn ươm Trưởng” và là nơi cung cấp những công dân ưu tú cho cộng đồng XH.
(*) Chú ý: Hướng Đạo Trưởng Niên không phải là một ngành mới của PTHĐ VN như ngành Nhi, mà chỉ là một bộ phận của ngành Tráng HĐVN, dành cho các HĐS hay Huynh Trưởng đã trên 30 tuổi mà vẫn còn thích tham gia sinh hoạt Hướng Đạo, nhưng bởi một lý do nào đó không thể gánh vác chức vụ trong Ban Huynh Trưởng các đơn vị được.
- Đơn vị Hướng Đạo Trưởng niên là Niên đoàn. Mỗi Niên đoàn do một Niên Trưởng điều hành với sự trợ giúp của các Niên phó. Trong Niên đoàn có nhiều nhóm, mỗi nhóm có một Nhóm Trưởng phụ trách với sự trợ giúp của Nhóm phó.
- Các thành viên trong Niên Đoàn đã từng là Huynh Trưởng thì được gọi là Trưởng Niên, còn các thành viên khác chưa từng là Huynh Trưởng thì được gọi là Tráng Niên.
6. LIÊN ĐOÀN
- Điều kiện để thành lập một Liên đoàn bao gồm:
- Có một Thiếu đoàn làm cơ sở.
- Có từ 2 đoàn trở lên với ít nhất có hai ngành khác nhau (2 ngành này phải là 2 ngành nối tiếp nhau để bảo đảm tính liên tục trong phương pháp giáo dục HĐ).
- Số lượng đoàn sinh ổn định tối thiểu là 40 thành viên.
- Huynh Trưởng đã được phong nhậm.
7. ĐẠO
- Đạo là cơ cấu cấp cao nhất về mặt tổ chức của một đơn vị Hướng Đạo.
- Điều kiện để thành lập Đạo gồm:
- Có từ 2 Liên đoàn trở lên cùng chung một địa phương. Nhưng không được vượt quá 8 Liên đoàn.
- Số lượng đoàn sinh ổn định tối thiểu là 120 thành viên.
- Huynh Trưởng đã được phong nhậm.
- Mỗi Đạo do một Đạo Trưởng phụ trách và phối hợp hoạt động. Đạo Trưởng có các Đạo phó và các Ủy viên Đạo cộng sự.
- Các Huynh trưởng, các Toán, Tráng đoàn trong một Đạo hình thành nên ngành Tráng Đạo, nhằm phối hợp hoạt động sinh hoạt và huấn luyện. Ngành Tráng Đạo do Ủy viên ngành Tráng Đạo phụ trách, tổ chức hoạt động ngành Tráng Đạo tuân theo quy chế ngành Tráng.
- Tổ chức và hoạt động của Đạo tuân theo quy chế Hướng Đạo.
8. CHÂU
- Châu là cơ cấu về mặt hành chính liên kết nhiều đơn vị Hướng Đạo với nhau trong cùng một khu vực.
- Khu vực của Châu do Ban Điều Hành đề nghị và Hội nghị Huynh Trưởng thông qua.
- Châu do một Châu trưởng quản trị và phối hợp các hoạt động. Châu Trưởng có các Châu phó cộng sự.
- Ở các địa phương, vùng chưa có đơn vị Châu, Trưởng phụ trách Miền tạm thời đảm trách vai trò của một Châu Trưởng.
- Tổ chức và hoạt động của Châu tuân theo Quy chế Hướng Đạo.
9. KẾT LUẬN
Giáo dục HĐ là một quá trình giáo dục liên tục, tiệm tiến, từng em một. Vì thế sự duy trì năm ngành HĐ trong Liên đoàn là điều rất cần thiết, đặc biệt là trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay. Vai trò ngành Tráng là không thể phủ nhận được. Vì đây là vườn ươm Trưởng cho phong trào Hướng Đạo Việt Nam. Ở các Liên đoàn không có Tráng đoàn, hoạt động ngành Tráng vẫn được duy trì, vì các Trưởng trong Liên đoàn vẫn sinh hoạt Tráng. Tất cả các Trưởng trong Liên đoàn họp thành một Toán hay một Tráng đoàn tùy theo số lượng, mà trong đó anh Liên Đoàn Trưởng đóng vai trò như một Tráng Trưởng. Tráng trưởng này sẽ tổ chức thực hiện tập tục lửa dặm đường, lấy tên Rừng, quy ước tu thân và nghi thức Lễ Lên Đường vẫn được tiến hành cho các Trưởng trẻ. Riêng các Trưởng trên 30 tuổi thì thay Lễ Lên Đường bằng Lễ Phong nhậm Tráng Huynh.
Chương III: Ngành Tráng HĐ
LỊCH SỬ NGÀNH TRÁNG HĐVN
Sau 10 năm sinh hoạt, các Thiếu sinh đầu tiên đều đã trưởng thành và lần lượt từ giả đơn vị. Vì muốn giữ các Thiếu sinh lớn ở lại với PTHĐ, B-P đã đưa vấn đề này ra thảo luận trước hội nghị Ủy viên cấp Đạo và Trung Ương. Đến năm 1917, cụ thành lập một ngành mới cho HĐS lớn tuổi (Senior scouts), nhưng vì đang lúc có chiến tranh, hoàn cảnh chưa thuận lợi và chương trình sinh hoạt cũng chưa xác định phải như thế nào. Sau thế chiến thứ nhất (1914 – 1918) kết thúc. Đại tá Ulick de Burgh, từ tiền tuyến trở về Bộ Chỉ huy, B-P mới ủy thác cho vị này nghiên cứu và cùng thẩm định lại chương trình, rồi thử nghiệm lại từ năm 1920 đến 1921. Thấy có kết quả tốt và đã đi đúng hướng, B-P phát hành cuốn sách “Đường thành công” (Rovering to success) vào ngày 14/06/1922. Từ đó, PTHĐ có thêm một ngành mới: “Đoàn thể huynh đệ của cuộc sống ngoài trời và giúp ích”, tức là Tráng đoàn.
Tại Việt Nam, HĐ được khai sinh năm 1930, nhưng đến tháng 5 năm 1934 Tráng đoàn đầu tiên mới được thành lập mang tên Tráng đoàn Lam Sơn với Tráng trưởng là Trưởng Hoàng Đạo Thúy. Năm 1935 Trưởng Võ Thành Minh mới thành lập Tráng đoàn đầu tiên tại Miền Trung: Tráng đoàn Bạch Mã ở Huế và cũng là người đầu tiên được lên đường ở chân núi Ngự Bình, do Trưởng Raymond Schlemmer làm chủ lễ. Đến năm 1937 mới có thêm một số Tráng đoàn khác ra đời.
Những Tráng đoàn lớn có tiếng tăm lúc bấy giờ là:
- Tráng đoàn Lam Sơn của Trưởng Hoàng Đạo Thúy ở Hà Nội.
- Tráng đoàn Quang Trung của Trưởng Hoàng Văn Quý tại Hà Nam.
- Tráng đoàn Võ Tánh của Trưởng Trần Điền tại Thanh Hóa.
- Tráng đoàn Hồng Lĩnh của Trưởng Võ Thành Minh tại Nghệ An.
- Tráng đoàn Bạch Đằng của Trưởng Tạ Quang Bửu tại Huế.
- Tráng đoàn Ngô Quyền của Trưởng Cung Giũ Nguyên tại Nha Trang.
- Tráng đoàn Lê Văn Duyệt của Trưởng Huỳnh Văn Diệp tại Sài Gòn.
Trong giai đoạn này, ngành Tráng chịu ảnh hưởng của HĐ Pháp (Nhất là về tinh thần và tôn giáo của hai hội Scout de France và Éclaireurs de France). Chương trình tu tiến của Tráng sinh áp dụng theo cuốn Carnet de Route tức cuốn “Sổ Đường” do Trưởng Isard Niedreist biên soạn.
Ngành Tráng Hướng Đạo Việt Nam với biểu tượng “Đường” và nghi thức “Lên Đường” giống như Hướng Đạo Pháp, ngoại trừ danh xưng “Ngành Tráng” và “Hướng Đạo Tráng sinh”. Nghi lễ Lên đường được phỏng theo nghi thức Lên đường (Départ) của ngành Tráng HĐ Pháp với bài “Tiếng gọi lên đường” (Lappel de la Route) có nhạc Pháp và Trưởng Hoàng Đạo Thúy đặt lời Việt .
Về độ tuổi sinh hoạt trong ngành Tráng Hướng Đạo Việt Nam cũng không hẳn hạn định cho lứa tuổi thanh niên mà theo nhu cầu xã hội và quan niệm Tráng sĩ của phương Đông. Hướng Đạo Việt Nam trước đây vẫn xem Tráng sinh Lên Đường như là những Tráng sĩ Việt Nam, một mẫu người vươn lên đến sự hoàn hảo, đến cái Chân – Thiện – Mỹ.
Quy chế ngành Tráng theo dòng lịch sử
Ngành Tráng HĐVN nói riêng hay HĐVN nói chung cũng trải qua bao nhiêu thăng trầm theo vận nước nổi trôi. Về phương diện sinh hoạt Tráng, từ lúc thành lập ngành Tráng HĐVN các tập tục, nghi thức đều nhất tề làm theo Hướng Đạo Pháp. Từ khi trở về nước năm 1958, Trưởng Cung Giũ Nguyên mở khóa huấn luyện Huy hiệu rừng tại trại trường Tùng Nguyên Đà Lạt và trao bằng rừng cho các Trưởng: Tôn Thất Dương Vân, Mai Liệu, Nguyễn Xuân Long, Lê Mộng Ngọ, Vũ Thanh Thông.
Năm 1959 Để cải tổ ngành Tráng HĐVN, Trưởng Cung Giũ Nguyên soạn thảo và phổ biến một bản Dự án Quy chế ngành Tráng (dựa theo quy chế HĐ Anh Quốc) thay cho cuốn Sổ Đường. Theo Dự án Quy chế mới, tuổi Tráng sinh được quy định từ 17 đến 25 tuổi. Tráng đoàn có nhân số từ 5 đến 40 và chia thành nhiều toán. Muốn lập Tráng đoàn phải có Tráng trưởng đủ điều kiện để xin Bộ Tổng Ủy viên bổ nhiệm và thừa nhận đơn vị. Khi hoạt động vì một mục đích nhất định hay ngắn hạn, Tráng sinh họp nhau thành xưởng, do một Xưởng trưởng (do Tráng sinh bầu lên) điều khiển. Quan niệm lễ Lên đường cũng thay đổi: Lên đường không phải là đã đến đích, mà chỉ mới bắt đầu đi. Ngành Tráng cũng có 6 chuyên hiệu. Trong đó, chuyên hiệu “Cấp cứu” đòi hỏi điều kiện khó khăn nhất. Nghi thức và cấp hiệu ngành Tráng vẫn giữ nguyên như cũ.
Năm 1964, Trưởng Mai Liệu soạn thảo và phổ biến một quyển Dự án Quy chế ngành tráng khác, dựa theo Quy chế ngành Tráng của Hội HĐ Công giáo pháp (Scout de France). Theo Dự án Quy chế ngành Tráng này, đẳng cấp Huấn Luyện Tráng sinh gồm 3 giai đoạn: Dự tráng, Thuần tráng (tức Tráng sinh Lên đường cũ) và Tráng huynh. Khi người Dự tráng đến tuổi 25 vẫn có thể ở lại Tráng đoàn khi đạt được một số tiêu chuẩn về tinh thần và kỹ năng sẽ được tấn phong Tráng huynh. Về nghi thức có thêm lễ: “Tiễn Thiếu sinh lên Tráng đoàn”, “Tấn phong Tráng sinh” và lễ “Tấn phong Tráng huynh”. Tuy nhiên bản Dự án Quy chế ngành Tráng này có nhiều bất cập và gặp sự phàn nàn của nhiều Tráng trưởng và Thiếu trưởng nên Bộ Tổng Ủy viên phải nhờ trưởng Trần Điền lúc đó đang phụ trách ngành Tráng Đạo Thừa Thiên đứng ra tổ chức Hội nghị Tráng trưởng toàn quốc. Vào dịp này, Trưởng Tôn Thất Hy là Phụ tá Ủy viên ngành Tráng Đạo được cử làm Trưởng xưởng Quy chế ngành Tráng, nhờ tinh thần làm việc cao độ và sự hướng dẫn tinh tường của Trưởng Trần Điền, một bản Quy chế ngành Tráng mới ra đời đã được Bộ tổng ủy viên ban hành để áp dụng trên toàn Quốc cho đến ngày 30/05/1975.
Bản quy chế ngành Tráng này khác với 2 bản Quy chế ngành Tráng trước (của Trưởng Cung Giũ Nguyên và Trưởng Mai Liệu) về những điểm sau:
- Bỏ chuyên hiệu ngành Tráng.
- Bỏ lễ tiễn Thiếu sinh lên Tráng.
- Bỏ cấp Tráng huynh.
Sau năm 1975, ngành Tráng tạm ngưng sinh hoạt. Đến thập kỷ 1980 các thành viên của PTHĐ mới nhen nhóm lại ngọn lửa HĐ và thập kỷ 1990 mới thật sự sinh hoạt lại tuy rằng nhà nước chưa có luật thành lập hội. Ở thời điểm này, một số đơn vị tự phát thành lập lại và sinh hoạt trong một hoàn cảnh vô cùng khó khăn và các đơn vị Hướng Đạo phát triển một cách manh mún.
Năm 2006, các đơn vị từ Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng đến Cần Thơ đã phục hoạt. Theo thư mời của Trưởng Trần Văn Lược, nguyên Tổng Ủy viên HĐVN nhiệm kỳ 1972 – 1975 (và chưa có Đại Hội Đồng kế tiếp để bầu lại Tổng Ủy viên mới) ký ngày 16/09/2006 gửi cho các Đạo Trưởng, Liên Đoàn Trưởng, Tráng Đoàn biệt lập hiện đang sinh hoạt từ miền Trung, Tây Nguyên, miền Tây, Sài Gòn và các vùng phụ cận. Hội nghị Huynh Trưởng toàn quốc “Huynh đệ Nhất gia” được triệu tập từ 06 giờ sáng ngày 14/10/2006 đến 13 giờ ngày 15/10/2006 tại Biên Hòa – Đồng Nai. Ngày 15/10/2006, Trưởng Trần Văn Lược được bầu làm Trưởng Ban Điều Hành HĐVN. Trong giai đoạn này sinh hoạt ngành Tráng bắt đầu hồi phục và sinh hoạt khá quy cũ, nhưng Quy Chế Ngành Tráng có một số điều tỏ ra bất cập cần phải chỉnh sửa.
Năm 2008 Trưởng Nguyễn Vĩnh Thịnh phụ trách sinh hoạt ngành Tráng của Ban Điều hành HĐVN cùng một số Trưởng trong Toán Huấn luyện và Sinh hoạt ngành Tráng đã soạn thảo lại Quy chế ngành Tráng với những điểm tu chỉnh chính:
- Tuổi Tráng sinh từ 18 đến 30 tuổi.
- Tổ chức lễ “Phong nhậm Tráng Huynh” cho Tráng sinh trên 30 tuổi
- Mỗi Tráng sinh có thể có nhiều Bảo huynh (Bảo tỷ).
- Thêm dạng Tráng đoàn mới dành cho người khuyết tật: “Tráng đoàn Phổ cập”.
Bản Quy chế này đã được thông qua tại Hội nghị Huynh trưởng toàn quốc “Huynh đệ Nhất gia” lần thứ 2 từ ngày 30/11/1012 đến ngày 01/12/2012 do Ban Điều Hành Hướng Đạo Việt Nam tổ chức. Đây là một Hội nghị Huynh trưởng HĐVN rất đặc biệt, để bảo đảm cho hội nghị thành công tốt đẹp, toàn bộ các đại biểu phải lần lượt di chuyển qua 2 địa điểm Đồng Nai và Quận 9, TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện bản Quy chế này vẫn cần phải tu chỉnh và bổ xung cho sát hợp với tình hình xã hội Việt Nam ngày nay.
Cuối năm 2015, Trưởng Nguyễn Trọng Luyện phụ trách sinh hoạt ngành Tráng Ban Điều hành HĐVN thành lập Ban Soạn thảo, tu chỉnh Quy chế ngành Tráng. Quy chế ngành Tráng này đã được Hội nghị Huynh trưởng ngành Tráng toàn quốc tổ chức ngày 10/01/2016 tại Thủ Đức, TP. HCM xem xét, góp ý và thông qua. Trưởng Ban Điều hành HĐVN Trưởng Trần Minh Thiện ký chuẩn thuận ngày 01/06/2016. Quy chế ngành Tráng này có những tu chỉnh chính như sau.
- Tráng đoàn phải có từ 2 toán trở lên và có số thành viên tối thiểu là 10.
- Tuổi Tráng Trưởng từ 30 đến 65.
- Mỗi Tráng sinh từ lúc vào Tráng đoàn đến lúc Lên đường có thể có tối đa 2 Bảo huynh ở 2 thời điểm khác nhau.
- Xác định lại tiêu chuẩn, vai trò, nhiệm vụ của Tráng Huynh và Tráng niên trong tráng đoàn.
- Xây dựng lại hệ thống chuyên hiệu ngành tráng.
- Tu chỉnh lại nghi thức ngành Tráng dựa theo Nghi thức chuẩn của ngành Thiếu mới theo tinh thần của Hội nghị Huynh trưởng Huynh đệ Nhất gia lần 3 năm 2015 đề ra.
Bản Quy chế này được Ban Điều hành HĐVN cho áp dụng từ ngày 01/06/2016.
Tháng 4/2017 trưởng Nguyễn Vĩnh Thịnh Trưởng Khối Sinh hoạt phê duyệt cho áp dụng hệ thống “Biểu tượng giúp ích ngành Tráng” do Trưởng Nguyễn Trọng Luyện phụ trách sinh hoạt ngành Tráng chủ trì soạn thảo, đây là hệ thống rèn luyện mới phù hợp với nhiệm vụ giúp ích của ngành Tráng, đánh giá được sự thăng tiến của Tráng sinh trong sinh hoạt Tráng.
Tóm lại, ngành Tráng Hướng Đạo Việt Nam từ khi thành lập đã phát triển rất mạnh mẽ, đi qua những bước thăng trầm của lịch sử, luôn cố gắng hoàn thiện mình. Ngành Tráng có một vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn lực Trưởng cũng như vấn đề sinh hoạt của PTHĐ VN. Nhiều Trưởng lớn của Phong trào đã trở thành các nhà khoa học, quân sự, chính khách của cả 2 miền Bắc và Nam VN trước năm 1975. Sau năm 1975 với những khó khăn nhất định, bằng tất cả sự cố gắng hết sức của các Trưởng và HĐS để duy trì PTHĐ (tuy rằng luôn có những viên sạn nhỏ lọt vào làm nhói đau gót chân anh em HĐ chúng ta), các trưởng và anh chị em Hướng đạo sinh vẫn cố gắng duy trì và phát triển một phương pháp giáo dục tối ưu dành cho thanh thiếu niên VN mai hậu. Ngành Tráng, Kha, Thiếu, Ấu, Nhi dưới sự dìu dắt của Ban Điều hành HĐVN mong mỏi góp phần xây dựng một “Một thế hệ công dân ưu tú” phụng sự tổ quốc, “Một thế hệ Trưởng nối tiếp” để giữ lửa và phát triển PTHĐ VN trong giai đoạn lịch sử vô cùng khó khăn này. Trong khi chờ đợi ngày Hội Hướng Đạo Việt Nam chính thức tái lập lại.
HỌP BẠN NGÀNH TRÁNG HĐVN
Năm 1942 Họp Bạn ngành Tráng ở Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình có 400 Tráng sinh tham dự.
Năm 1944 Họp Bạn ngành Tráng ở Qua Châu, Thanh Hóa cho miền Bắc và Bắc Trung VN, và cù lao Bảy Miễu, Nha Trang (Trung & Nam VN).
Năm 1969 Họp Bạn Tráng sinh toàn quốc tại Đà Lạt.
Năm 2012 Họp Bạn ngành Tráng toàn quốc tại Vườn Quốc gia Bidoup Đà Lạt với 562 thành viên tham dự và 108 khách mời. Trại Trưởng là Trưởng Nguyễn Vĩnh Thịnh: Ủy viên ngành Tráng Ban Điều Hành Hướng Đạo Việt Nam.
- Năm 2017 ngành Tráng tổ chức Trại Họp bạn ngành Tráng toàn quốc kỷ niệm 100 năm thành lập ngành Tráng Hướng Đạo Thế giới; Trại có tên Việt Nam Rover Moot 2017 – Vững tiến. Trại Trưởng là trưởng Nguyễn Trọng Luyện. Chương trình trại được phát động từ ngày sinh nhật cụ BP: 22/02/2017 đến ngày 16/08/2017 gồm 2 phần:
- Phần giúp ích: Các Tráng đoàn, Liên Tráng đoàn thực hiện công cuộc giúp ích trong đơn vị như tổ chức các sự kiện cho PTHĐ và ngoài cộng đồng xã hội như giúp đỡ các nhà tình thương, mồ côi, khuyết tật, khám chữa bệnh phát thuốc, xây dựng nhà ở cho người nghèo, hệ thống nước sạch, xây cầu tại vùng rốn lũ… Nhằm giáo dục và xây dựng lại hình ảnh người Tráng sĩ Việt Nam ngày nay.
- Phần trại kỷ niệm 100 năm: Do những lý do khách quan không cho phép tập trung tại một địa điểm được, nên chia làm 4 Tiểu trại theo vùng miền, đó là các Tiểu trại: Hoa Lư (Sài Gòn), Bảy Miễu (Kontum, Bidoup (Phú Yên-DakLak), Tùng Nguyên (Huế).
MỤC ĐÍCH NGÀNH TRÁNG
Tráng là một nhóm huynh đệ, cùng chí hướng, sống ngoài trời và phục vụ với mục đích:
- Tiếp tục huấn luyện tư cách công dân đã được dạy cho Nhi, Ấu, , Thiếu và Kha sinh với nhân sinh quan mở rộng hơn, phù hợp với lứa tuổi của Tráng sinh.
- Khuyến khích Tráng sinh làm những nghề hữu dụng cho chính mình mà lại phục vụ cho cộng đồng xã hội.
Việc huấn luyện các Tráng sinh được liên tục trong suốt thời kỳ mà người thanh niên ĐANG KHÁM PHÁ CHÍNH MÌNH, nghĩa là phát triển tính khí với tài năng và nỗ lực giúp anh ấy thực hiện Nguyên lý, Lời Hứa và Luật HĐ trong một thế giới mở rộng hơn.
- MỤC ĐÍCH NGÀNH TRÁNG:
1. Nơi tiếp nhận các em từ 18 đến 25 tuổi trong PTHĐ:
Để tìm một chỗ sinh hoạt HĐ cho các thanh niên đã qua lứa tuổi Thiếu nhưng không muốn rời PTHĐ, làm cản trở cho việc thâu nhận các đoàn sinh mới, BP đã lập ra ngành Tráng. Tạo điều kiện cho các em này có một chỗ tốt để đi.
Chú ý: Theo Quy Chế của BĐH.HĐVN lứa tuổi Tráng từ 18 đến 30 tuổi.
2. Bảo đảm tính liên tục trong việc giáo dục của PTHĐ:
- Để bảo đảm tính liên tục và sự hoàn tất đến một mức độ nào đó, công cuộc huấn luyện mà các em đã lãnh hội nơi phong trào HĐ ở các ngành Nhi, Ấu, Thiếu, Kha.
- Trong nhiều phương diện, những sinh hoạt của Tráng hoàn toàn giống như những sinh hoạt của Thiếu và Kha, nhưng được thực hiện ở cấp độ cao hơn về chuyên môn, hiệu quả công việc cũng như vai trò và trách nhiệm cá nhân.
3. Đón nhận những thanh niên ở lứa tuổi thích hợp vào phong trào:
- Đối với các thanh niên ở lứa tuổi Tráng ngoài xã hội có thể gia nhập PTHĐ nếu họ có nguyện vọng.
- Theo quy chế ngành Tráng HĐVN: ngành Tráng gồm những thanh niên ở lứa tuổi từ 18 đến 30 tuổi.
4. Đưa những nguyên lý HĐ vào lứa tuổi trưởng thành:
- Ở lứa tuổi trưởng thành, Luật và Lời Hứa cần đào sâu và áp dụng nhiều hơn vào đời sống riêng tư của từng Tráng sinh.
- Dựa trên nền tảng Luật và Lời Hứa cùng với Quy ước Tu thân người Tráng sinh tự chèo chống thuyền đời của mình hướng tới Chân – Thiện – Mỹ.
5. Huấn luyện phục vụ:
Trong HĐ huấn luyện phục vụ có 2 mục đích khác nhau:
- Một là thấm nhuần ý muốn phục vụ trong phạm vi HĐ và trong phạm vi mở rộng hơn của cuộc sống.
- Hai là sự rèn luyện của ngành Tráng với các kiến thức và kỹ năng để làm cho sự phục vụ mang lại nhiều hiệu quả cao hơn và xa hơn.
6. Đào tạo công dân:
Để chuẩn bị đưa vào đời sống Tráng niên, ngành Tráng không phải là một hầm trú ẩn thử nghiệm dành cho thanh niên lẩn tránh những gian khổ của cuộc đời. Mà đúng hơn là môi trường rèn luyện nhằm cho Tráng sinh có thể thích nghi với những hoàn cảnh bất lợi và có đủ khả năng đón lấy mọi thời cơ, đồng thời lướt thắng được mọi cám dỗ.
Đoạn 2, Điều 1 của bản Hiến chương Tổ chức Hướng đạo Thế giới: “Phong trào Hướng đạo có mục đích góp phần vào việc phát triển thanh thiếu niên bằng cách giúp họ phát huy toàn vẹn các khả năng về: Thể chất (Physical), Trí tuệ (Intellectual), Tinh thần (Spiritual), Tình cảm (Emotional), Xã hội (Social). Trên cương vị cá nhân, trên cương vị công dân có tinh thần trách nhiệm và trên cương vị thành viên các cộng đồng địa phương, quốc gia và quốc tế”.
- KẾT LUẬN:
Trong cuốn “Đường Thành Công”, BP viết:
TRÁNG LÀ NHÓM HUYNH ĐỆ, CÙNG CHÍ HƯỚNG, SỐNG NGOÀI TRỜI VÀ PHỤC VỤ. NẾU MỘT NGƯỜI CÓ Ý HƯỚNG LÀM HAI VIỆC NÀY TRONG ĐỜI, ANH TA SẼ KHOÁI CHÍ THƯỞNG THỨC NÓ.
Việc thứ nhất là: ĐỪNG XEM MỌI VIỆC MỘT CÁCH QUÁ NGHIÊM TRỌNG, NHƯNG HÃY TẬN DỤNG CÁI MÀ BẠN CÓ, HÃY NHÌN CUỘC ĐỜI NHƯ MỘT TRÒ CHƠI VÀ THẾ GIỚI NHƯ MỘT SÂN CHƠI.
Việc thứ hai là: HÃY ĐỂ TƯ TƯỞNG VÀ HÀNH ĐỘNG CỦA MÌNH ĐƯỢC HƯỚNG DẪN BỞI TÌNH YÊU.
PHƯƠNG PHÁP NGÀNH TRÁNG
Nhằm đạt được những mục tiêu giáo dục đề ra cho lứa tuổi trưởng thành, ngành Tráng áp dụng một số phương pháp chung của Phong trào Hướng Đạo, ngoài ra còn có thêm một số phương pháp riêng của ngành.
Phương pháp Hướng đạo là một khung cấu trúc gồm một nhóm các yếu tố bổ sung cho nhau để tạo nên một tổng thể hài hòa và thống nhất, nhằm hướng dẫn và khuyến khích các Hướng Đạo Sinh theo con đường phát triển cá nhân. Nếu tách rời hoặc bỏ qua bất cứ yếu tố nào thì không thể phát triển con người quân bình và toàn diện và cũng không còn là phương pháp Hướng Đạo nữa.
Những phương pháp giáo dục chính yếu của PTHĐ có thể trình bày sơ lược như sau:
1. Luật và Lời Hứa
Mười điều Luật và Một lời Hứa gồm ba điều bao gồm những đức tính cần thiết cho một công dân tốt và hữu ích cho xã hội. Tất cả HĐS được nhắc nhở phải cố gắng áp dụng trong đời sống hàng ngày và xem đó như là tiêu biểu cho lối sống của HĐS.
2. Học bằng thực hành (learning by doing)
Sinh hoạt HĐ phát triển con người về tinh thần, trí não, thể chất và xã hội không phải bằng lý thuyết suông mà nhằm tạo cơ hội để chính HĐS bắt tay vào việc, rồi từ đó rút ra những bài học cho chính mình. Bằng cách này những điều thu lượm được sẽ rõ ràng và có thể giữ được dài lâu.
3. Sinh hoạt từng nhóm nhỏ
Mỗi HĐS tham gia vào một nhóm nhỏ (hộ, đàn, đội, tuần, toán) gồm năm bảy bạn cùng lứa tuổi. Nhóm có những sinh hoạt riêng trong khuôn khổ chương trình chung của đoàn. Trong mỗi nhóm, có một nhóm trưởng điều hành nhóm và từng người trong nhóm sẽ luân phiên giữ trách vụ khác nhau để giúp cho công việc chung của nhóm được tiến triển điều hòa. Phương pháp này nhằm phát triển tinh thần trách nhiệm, lòng tự tin, khả năng lãnh đạo… của các em và còn được gọi là Phương pháp hàng đội.
4. Khung cảnh biểu tượng
Các HĐS sinh hoạt trong những không gian mang tính chất biểu tượng nhằm mục đích rèn luyện và giáo dục bao gồm:
Tưởng tượng: Giáo dục Hướng Đạo tận dụng sự tưởng tượng phong phú của các HĐS như đang sống trong một thế giới ảo như: những người thám hiểm, các bộ lạc sống trong rừng, các cuộc chiến vĩ đại của dân tộc… Với kinh nghiệm của mình, Baden-Powell đem vào Hướng Đạo những phong cách, tập tục hơi khác lạ so với đời thường và tạo được sự hấp dẫn trẻ, dẫn dắt trẻ từ biểu tượng này đến biểu tượng khác làm say lòng hàng triệu trẻ em trên toàn thế giới. Tập tục và đồng phục Hướng Đạo cũng là một phần trong kịch bản của người với mục đích giáo dục.
Nghi thức: Hướng Đạo có một số các nghi thức. Nó được tạo ra ngắn gọn, đơn giản và hấp dẫn đối với giới trẻ. Nhưng nằm trong nền tảng giá trị biểu tượng mang tính giáo dục. Ví dụ: các tiếng reo trong các buổi lễ khai mạc.
5. Thăng tiến cá nhân với một chương trình tiệm tiến, hấp dẫn
Một chương trình sinh hoạt hấp dẫn giúp cho các thành viên thăng tiến một cách tiệm tiến từ thấp đến cao, từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác theo một trình tự nhất định gọi là chương trình Đẳng thứ & Chuyên hiệu. Nhằm giúp trẻ:
Tự tin: Giúp trẻ có thể tự ra quyết định những việc xảy ra với bản thân mình cũng như với những người khác.
Tự quản: Giao phó trách nhiệm cho HĐS là chìa khóa chủ chốt trong phương pháp giáo dục Hướng Đạo.
Tự học: PTHĐ khuyến khích và tạo cơ hội cho các HĐS niềm khao khát tự nghiên cứu học hỏi để thăng tiến bản thân.
6. Sinh hoạt ngoài trời:
Chương trình sinh hoạt sống động và gần thiên nhiên với đặc điểm là vui tươi, hấp dẫn. Nhờ đó HĐS luôn luôn cảm thấy thú vị nhất là khi sống gần thiên nhiên (cắm trại, thám du, leo núi, bơi thuyền…). Nhờ vẻ đẹp và sự bao la hùng vĩ của thiên nhiên, HĐS cảm thấy tâm hồn trở nên thanh thản, phóng khoáng… đồng thời phát triển được khả năng tháo vát, bớt lệ thuộc vào các tiện nghi vật chất hiện đại.
7. Sự hỗ trợ của người lớn
Dưới sự hướng dẫn và hỗ trợ của các Trưởng các em được chơi trong môi trường an toàn và mang tính giáo dục theo nguyên lý của PTHĐ. Trong đó có hai điều quan trọng mà một Trưởng Hướng đạo phải thực hiện, đó là:
Sự làm gương của Huynh Trưởng
Dẫn dắt các em tận tình
8. Tham gia cộng đồng
Đây là phương pháp giáo dục các HĐS mới được đưa vào Phong Trào Hướng Đạo tại Hội nghị Hướng Đạo Thế Giới tại Azerbaijan 2017.
Việc tham gia phục vụ cộng đồng giúp các em HĐS có nhiều trải nghiệm khi làm việc chung với tổ chức, cơ quan, đoàn thể bạn hay nước bạn. Các em sẽ có nhiều cơ hội ứng dụng các kỹ năng mình đã học được. Mặt khác, cơ hội được tiếp xúc thực tiễn cuộc sống giúp các em nhận thức rõ hơn về bản thân mình cũng nền văn hóa các em được tiếp xúc. Với những trải nghiệm này sẽ giúp người Tráng sinh trưởng thành hơn, làm việc hiệu quả hơn nhằm mang lại lợi ích cao nhất cho cộng đồng.
Ngoài ra
Ngành Tráng còn áp dụng hai phương pháp sau đây chỉ đặc biệt thích hợp với lứa tuổi trưởng thành: Quy ước tu thân và phương pháp dự án.
A. Quy ước tu thân:
Quy ước tu thân là những điều mà Tráng sinh tự đặt ra cho mình để cố gắng thực hiện với sự giúp đỡ của các bạn trong Tráng đoàn, Tráng trưởng và Bảo huynh, Bảo tỷ, nhằm giúp cá nhân mình đến gần chân, thiện, mỹ hơn.
Thí dụ: Một Tráng sinh thấy mình hút thuốc lá hơi nhiều và trong thời gian qua sống không điều độ. Nhằm sửa đổi những khuyết điểm trên, có thể tự mình quy định cho mình mỗi tuần chỉ được hút nửa bao thuốc lá thôi và sẽ dứt hẳn trong một tương lai gần và ăn ngủ đúng giờ giấc trong ba tháng sắp tới. Những điều tự hứa này được ghi vào quy ước tu thân.
Trong quy ước tu thân, nên chọn những điều gì cụ thể, rõ ràng để dễ nhận xét kết quả. Tránh không nên ghi những điều quá trừu tượng, tổng quát hoặc xa vời.
Thí dụ: không nói tiếng “XX” tục nữa, mỗi ngày tập thể dục 15′, không uống rượu trong một tháng, không mua sắm phung phí trong 3 tháng tới, để dành mỗi ngày 1000 đồng để giúp gia đình hoặc cho trẻ em trại mồ côi, cố gắng học xong hai môn còn lại trong bốn tháng tới…
Trước khi bắt đầu quy ước tu thân, Tráng sinh nên tìm một người anh (hoặc chị) tinh thần, một người mà mình tin cậy, thân thiết, kính trọng và bàn với người ấy về ý định của mình. Trong PTHĐ người anh (hay chị) ấy được gọi là Bảo huynh hay Bảo tỷ. Đó là những Trưởng hoặc Tráng sinh đứng tuổi, đã Lên Đường rồi, có cuộc sống ổn định, có kinh nghiệm và có thể chỉ dẫn cho Tráng sinh. Tráng Trưởng sẽ được Tráng sinh thông báo về dự tính của mình để Trưởng này cùng với Bảo huynh hay Bảo tỷ tìm cách giúp đỡ.
Về hình thức làm bản quy ước tu thân, chúng tôi đề nghị mẫu trình bày gồm 3 phần:
Phần 1: Thông tin cá nhân (Tên, tuổi, địa chỉ, trình độ văn hóa, tôn giáo, ngày tuyên hứa, quá trình sinh hoạt HĐ…).
Phần 2: Nhận xét sơ lược về bản thân (Tính tình, thói quen, những mặt tốt và chưa tốt của bản thân).
Phần 3: Kế hoạch sửa đổi bản thân (Nêu cụ thể hành động và thời gian khắc phục).
Sau khi làm xong quy ước tu thân, Dự tráng sẽ đưa cho Tráng trưởng và Bảo huynh ký. Ngoài Dự tráng giữ một bản, Tráng Trưởng, Bảo huynh mỗi người sẽ giữ một bản để theo dõi và giúp đỡ quá trình thực hiện của Dự tráng.
Và việc làm quy ước tu thân được lặp đi lặp lại như một phương pháp rèn luyện Tráng sinh.
B. Phương pháp dự án:
Khi theo dõi chương trình truyền hình một buổi lễ huy hoàng, tỷ như Lễ khai mạc Thế Vận Hội chẳng hạn, hoặc khi nghĩ đến sự vĩ đại và chính xác của chương trình phóng và ráp nối phi thuyền trong không gian, chúng ta cảm thấy thích thú và thầm thán phục khả năng tính toán và sắp xếp, hay nói khác đi là khả năng quản trị của người tổ chức.
Muốn thực hiện một chương trình như vậy, dĩ nhiên người tổ chức phải vận dụng nhiều yếu tố khác nhau. Một trong những yếu tố then chốt giúp nhà quản trị đạt được thành quả mong muốn với năng suất cao là phương pháp làm việc khoa học được gọi là: “Phương Pháp Dự Án”.
Trong sinh hoạt Hướng Đạo, để thể hiện phương châm Sắp Sẵn và Giúp Ích, Huynh Trưởng và Tráng sinh thường đảm trách nhiều công tác khác nhau (tổ chức trại, lớp Việt ngữ, đêm văn nghệ…) bởi vậy sự áp dụng phương pháp dự án được trình bày sau đây chắc chắn sẽ rất hữu ích vì có thể giúp chúng ta hoàn tất một cách tốt đẹp nhất các công tác cần thực hiện.
1. Định nghĩa
Từ trước Tây lịch, các triết gia Tây phương đã định nghĩa “phương pháp là con đường ngắn nhất đưa đến thành công”. Danh từ “dự án” có thể được hiểu là một tập hợp các ý kiến và công tác dự định thực hiện nhằm đạt được một hoặc nhiều mục tiêu mong muốn. Vậy “phương pháp dự án” trong phạm vi bài này được hiểu là cách thức hoặc con đường hoàn hảo nhất để đạt được mục tiêu mong muốn với phí tổn thấp nhất.
Khác với Toán là đơn vị hành chính căn bản và thường xuyên, cũng như Xưởng là đơn vị hoạt động trong một lĩnh vực nhất định và dài hạn, dự án thường được hạn chế trong một khoảng thời gian rõ rệt, nhằm đạt được những kết quả định trước.
Thí dụ: Dự án thực hiện lớp Việt ngữ sơ cấp trong ba tháng kể từ ngày 1 tháng 5 năm 1993 tại thành phố XYZ. Dự án này sẽ do Toán ABC, hoặc một nhóm anh chị em hợp tác thực hiện. Trong khi đó xưởng Việt Ngữ của Tráng đoàn (một cơ cấu thường xuyên trách nhiệm về vấn đề dạy Việt ngữ) sẽ hỗ trợ về kỹ thuật, nếu Toán ABC hoặc nhóm thực hiện dự án cần đến.
Tiến trình của phương pháp dự án bao gồm nhiều giai đoạn khác nhau. Tựu trung có thể chia làm 4 giai đoạn chính:
- Giai đoạn nghiên cứu sơ khởi và quyết định
- Giai đoạn chuẩn bị
- Giai đoạn thực hiện
- Giai đoạn kết thúc.
2. Tiến trình
Giai đoạn nghiên cứu sơ khởi và quyết định.
A. Lựa chọn lĩnh vực và mục tiêu:
Dự án nào cũng nhằm đạt được một (hoặc nhiều) mục tiêu định sẵn trong một lĩnh vực rõ rệt. Việc lựa chọn lĩnh vực và mục tiêu cho dự án thường được căn cứ trên các tiêu chuẩn kể sau:
- Nhu cầu của toàn thể, của số đông hay của một thành phần khiến vấn đề trở nên cần thiết và dự án được nêu lên.
- Sự quan tâm và sở thích của nhóm thực hiện dự án cũng ảnh hưởng rất nhiều đến việc lựa chọn dự án này hay dự án khác.
- Khả năng hiện tại và khả năng có thể vận dụng để thực hiện dự án là một trong những yếu tố căn bản. Có những dự án đòi hỏi những điều kiện vượt hẳn khả năng có thể thì chúng ta không thể nào lựa chọn được.
- Những yếu tố khách quan khác (thời tiết, thời gian, không gian, điều kiện vận chuyển…).
B. Thu nhập dữ kiện:
Việc thu nhập các dữ kiện cần thiết sẽ giúp chúng ta thấy rõ vấn đề từ mọi góc cạnh, ở mọi tầm mức để tránh những thành kiến, ngộ nhận và ảo tưởng. Có rất nhiều cách thức để thu thập dữ kiện, sau đây là một số kỹ thuật thông thường:
- Phỏng vấn: Trực tiếp gặp người có thể cung cấp dữ kiện để nói chuyện và đặt câu hỏi, rồi từ đó ghi nhận những điều cần biết.
- Bảng câu hỏi: Nếu vì lý do gì không thể trực tiếp thu thập dữ kiện từ người cung cấp, có thể gửi bảng câu hỏi để người ấy trả lời. Dĩ nhiên các câu hỏi cần phải dễ hiểu và rõ ràng, hầu người trả lời có thể đáp ứng được điều chúng ta muốn tìm biết.
- Quan sát: Người thu nhập dữ kiện tự mình theo dõi diễn tiến của vấn đề cần biết và ghi nhận các sự kiện cần thiết bằng giác quan.
- Tham khảo: Các chuyên gia hoặc những người am hiểu vấn đề sẽ giúp chúng ta có thêm ý kiến, biết rõ thêm nhiều khía cạnh của vấn đề.
- Sưu tầm dữ kiện qua báo chí, sách vở, tài liệu…: Đa số dữ kiện có thể thu thập được qua internet, báo chí, sách vở, tài liệu các loại… Để giảm thiểu sự tốn công tìm kiếm dữ kiện mỗi khi cần đến, chúng ta có thể ghi chép, hoặc chụp phóng ảnh rồi lưu trữ dữ kiện theo từng lĩnh vực mà chúng ta quan tâm.
C. Xác định mục tiêu:
Các dữ kiện thu thập cần được thẩm định để có thể phân biệt các dữ kiện còn sử dụng được với các dữ kiện không còn giá trị vì mất thời gian tính, không gian tính, hoặc có tính chất phiến diện…
Sau khi có được cái nhìn tổng quát về vấn đề, hoặc công tác đã được đề ra, cần phải xác định rõ ràng mục tiêu của dự án. Phải phân biệt các mục tiêu dài hạn và ngắn hạn, hoặc các mục tiêu cần đạt được trong những lĩnh vực khác nhau. Cần tránh đề ra các mục tiêu quá xa vời, quá trừu tượng không thể nào đạt được.
D. Xác định thời gian:
Dự án nào cũng cần phải được giới hạn trong một khoảng thời gian, theo đó lúc nào dự án bắt đầu, khi nào chấm dứt. Tùy theo tính chất và mức độ quan trọng mà thời gian của một dự án được ấn định một cách vừa phải, không nên quá vội vàng khiến không đủ thời gian để thực hiện.
E. Dự trù nhu cầu và phí tổn:
Muốn đạt được kết quả mong muốn, dự án cần có một số chi phí hay nói chung là nhu cầu cần thiết để dự án có thể thực hiện được. Có thể phân loại các nhu cầu ra như sau:
- Tiền bạc: Cần để mua một số vật dụng hoặc có được một số dịch vụ mà dự án cần đến. Thí dụ tổ chức trại cần dự trữ tiền thuê đất trại, mua thực phẩm, tiền di chuyển…; tổ chức một đêm văn nghệ phải tính đến tiền thuê và dọn dẹp hội trường, trang trí, bảo hiểm…
- Vật dụng: Có một số dự án cần đến vật dụng. Những vật dụng này thường thì phải mua, đôi khi có thể có được mà không tốn kém, nhưng phải dự trù trước để xin, mượn hoặc mang theo. Thí dụ tổ chức trại cần có dây, cưa, búa, cây tròn… để làm thủ công trại hoặc nồi chảo… để nấu ăn. Tất cả các vật dụng cần thiết phải được liệt kê và sau đó được dự trù cách đáp ứng.
- Nhân sự: Dự án nào cũng cần đến người thực hiện và thường khi có những nhân sự thụ hưởng. Do đó phải dự trù trước những ai sẽ tham gia vào dự án. Cần xác định số lượng người cần thiết, thời giờ và khả năng của mỗi thành phần hoặc trách nhiệm.
- Các dịch vụ khác: Có những dự án mà một phần nhu cầu có thể là một vài dịch vụ không tốn kém, nhưng phải biết trước để liên lạc xin yểm trợ. Thí dụ: Có thể nhờ xe của một cơ quan xã hội nào đó để di chuyển trại sinh, hoặc nhờ nhân viên y tế đến trực tại địa điểm khi có những trại lớn quy tụ đông đảo người. Dĩ nhiên, muốn có được những dịch vụ này, cần phải dự trù và liên lạc trước với cơ quan có thể trợ giúp.
- Dự phòng những trường hợp bất thường: Dù các nhu cầu đã được liệt kê trước, nhưng trên thực tế, lắm khi nhu cầu vượt quá giới hạn dự liệu; do đó cần dự trữ thêm một khoản dự phòng trong trường hợp bất thường.
Thí dụ: cần dự trù thêm chi phí nếu việc nhờ xe chuyên chở trại sinh miễn phí không thực hiện được; cần dự trữ thêm chỗ cho trại sinh nếu thời tiết hoàn toàn xấu (mưa to, gió lạnh…) không thể cắm trại được.
F. Dự trù khả năng:
Để đáp ứng toàn thể nhu cầu của một dự án, cần phân biệt những khả năng hiện có, những khả năng có thể huy động được và những yểm trợ thiết yếu khác.
- Khả năng hiện có: Bao gồm những gì mà nhóm tổ chức có được trong tầm tay và có thể mang ra sử dụng dễ dàng. Thí dụ: muốn tổ chức một đêm văn hóa dân tộc, Liên đoàn trách nhiệm có sẵn 5 tiết mục đã tập dợt như ý và vào thời gian cần đến, các diễn viên đều có thể có mặt được.
- Khả năng có thể huy động: Bao gồm những khả năng mà nhóm soạn thảo hoặc những cơ quan liên hệ có thể vận dụng thêm được. Những phương tiện này tuy không nằm trong tầm tay nhưng nơi cung cấp và cách thức huy động có thể biết và vận dụng được. Trong thí dụ tổ chức đêm văn hóa nói trên, nhóm tổ chức biết rằng Liên đoàn XYZ hoặc Hội đoàn ABC có khả năng đóng góp thêm vài tiết mục và có thể nhờ yểm trợ được.
- Những khả năng cần yểm trợ khác: Bao gồm những phương tiện cần nhưng mình không có được, mà cũng chưa biết có thể huy động từ đâu! Trong thí dụ kể trên, đêm văn hóa dân tộc cần thêm một vài màn độc tấu hoặc hòa tấu các nhạc khí cổ truyền, nhưng nhóm trách nhiệm chưa biết sẽ nhờ ai hoặc tìm từ đâu. Kinh nghiệm thực tế cho thấy một dự án ít tốn kém, hoặc phương tiện cần thiết có thể do nhóm thực hiện tự đảm trách được thì dự án đó có nhiều hy vọng thành công hơn những dự án đòi hỏi nhiều chi phí và yểm trợ quá lớn từ bên ngoài.
G. Quyết định dự án:
Sau khi đã nghiên cứu sơ khởi, nhận thấy dự án đáp ứng được nhu cầu, mối quan tâm hoặc sở thích như mong muốn và có thể thực hiện được, nhóm soạn thảo sẽ trình bày với những người có trách nhiệm. Phiên họp có thể có thêm sự hiện diện của những người quan tâm hoặc có thể hỗ trợ sự thực hiện. Dự án sơ thảo cần được bàn luận tỉ mỉ và bổ túc nếu cần, trước khi đi đến quyết định chung.
Trong trường hợp nhiều dự thảo dự án được tiến hành nghiên cứu cùng một lúc để sau đó lựa chọn một dự án, việc thảo luận và quyết định đòi hỏi phải có đủ thời gian để giải pháp lựa chọn đạt được sự hài lòng thực sự (chứ không phải miễn cưỡng) của tất cả mọi người. Kinh nghiệm cho thấy hễ dự án càng lớn thì việc cứu xét lại càng phải thận trọng và trong mọi trường hợp, sự đồng tâm nhất trí giữa những người có trách nhiệm bao giờ cũng là yếu tố then chốt cần đạt được.
Giai đoạn chuẩn bị
Bất cứ dự án nào nếu được chuẩn bị kỹ cũng sẽ có triển vọng thành công rất cao. Tùy tính chất của mỗi dự án mà giai đoạn chuẩn bị bao gồm những công tác khác nhau; nhưng tựu trung, mục tiêu của giai đoạn này là hoàn tất những điều kiện thiết yếu để từ đó dự án có thể tiến hành hoặc tạo thêm những yếu tố thuận lợi cho giai đoạn thực hiện. Để hình dung được những gì cần phải chuẩn bị trước, có thể nêu các câu hỏi sau:
- Những việc nào cần phải làm trước? Lúc nào phải hoàn tất? Ai làm? Làm cách nào?
- Dự án cần bao nhiêu người? Những người này cần có những điều kiện gì?
- Cần có những phương tiện gì? Làm sao để có những phương tiện đó?…
Những chi tiết thu thập được trong giai đoạn nghiên cứu sơ khởi sẽ rất hữu ích để giúp nhóm trách nhiệm thấy rõ hơn có những công tác nào cần chuẩn bị. Nếu xét thấy cần, những khía cạnh chỉ mới được nghiên cứu sơ khởi phải được nghiên cứu kỹ càng hơn. Thông thường giai đoạn chuẩn bị bao gồm tối thiểu các công tác sau:
- Tổ chức nhân sự:
- Thành lập nhóm trách nhiệm dự án:
Dự án bao giờ cũng phải có một nhóm chịu trách nhiệm thực hiện. Tùy theo khối lượng công việc và điều kiện của nhân sự có thể huy động mà ấn định sự phân công. Đứng đầu nhóm trách nhiệm là Trưởng Dự án và những người phụ tá (cần phải tâm đầu ý hợp và làm việc chặt chẽ với nhau). Nếu dự án kéo dài thì thành phần lãnh đạo hoặc nòng cốt cần tham dự từ đầu đến cuối. Những nhân sự giữ những trách nhiệm không quan trọng có thể bổ sung hoặc thay thế sau từng giai đoạn; nhưng tốt nhất vẫn là tham dự suốt tiến trình của dự án để nhờ đó, sự đóng góp và học hỏi có thể được hoàn hảo hơn.
Công việc của mỗi người trong nhóm trách nhiệm dự án cần được ấn định rõ ràng, tránh sự dẫm chân nhau hoặc bỏ sót công việc. Dĩ nhiên sự phân công phải được căn cứ trên các điều kiện sẵn có của mỗi cá nhân (thời giờ, sức khỏe, khả năng…) nhưng cũng nên tạo điều kiện cho mỗi người có cơ hội gánh vác trách nhiệm, vì một trong những phương pháp giáo dục của Phong trào là học hỏi bằng cách làm việc (learning by doing).
- Thành lập bộ phận hỗ trợ:
Ngoài nhóm trách nhiệm, cũng cần mời thêm những người có khả năng, uy tín hoặc có phương tiện… để hỗ trợ cho dự án. Những người được mời tham gia vào bộ phận hỗ trợ cần được thông báo đầy đủ về dự án để sự đóng góp được hữu hiệu. Vì dự án còn là cơ hội để mời gọi thêm sự tham gia của những thành phần ngoài Phong trào, nên trong nhóm trách nhiệm lẫn trong bộ phận hỗ trợ nên có sự tham gia của những người chưa là Hướng Đạo Sinh. Một dự án thành công thường thu hút được thêm nhiều nhân sự mới.
- Tài liệu hóa:
Nhằm tạo điều kiện cho nhóm thực hiện cũng như những người liên hệ có thể có được một cái nhìn mau lẹ, tổng quát và rõ ràng cũng như tiện theo dõi tiến trình của dự án, cần có những tài liệu diễn tả được các khía cạnh, đặc điểm, nhu cầu… của những mục tiêu đang theo đuổi hay nói khác đi là cần phải tài liệu hóa dự án. Công tác tài liệu hóa có thể thực hiện trong suốt tiến trình của dự án, từ lúc chuẩn bị cho đến lúc kết thúc và rất cần thiết để việc quảng bá, điều hợp… có thêm điều kiện đạt được kết quả mỹ mãn.
Ngoài ra, nhờ các tài liệu đầy đủ và chính xác về dự án đã thực hiện (thí dụ một dự án lớn như Trại Họp Bạn HĐVN BÁCH VIỆT), những người tiếp nối công việc sau này sẽ có được vốn liếng hữu ích và sẽ cảm thấy hãnh diện về những nỗ lực của những người đi trước.
Công tác tài liệu hóa bao gồm tất cả những giấy tờ, đồ biểu, phim ảnh, băng nhựa… nhằm mô tả hoặc ghi nhận về dự án. Tùy theo tầm mức của mỗi dự án mà sử dụng những phương tiện tài liệu hóa khác nhau. Trong giai đoạn chuẩn bị, cần thực hiện các biểu đồ mô tả hoặc tóm tắt về dự án (đặc biệt là biểu đồ “Diễn tiến công tác theo thời gian”), có thể nghĩ đến các mẫu truyền đơn bươm bướm (21x29cm), bích chương, hình ảnh, bài tường trình,…
Sau đây là một vài hướng dẫn về đồ biểu theo chức năng và đồ biểu diễn tiến công tác theo thời gian:
@ Kỹ thuật đồ biểu theo chức năng: Giới thiệu cơ cấu tổ chức và điều hành dự án, trong đó mỗi bộ phận giữ một trách nhiệm khác nhau. Biểu đồ “Sơ đồ tổ chức Ban Điều Hành Trại” ở trang bên sẽ mang đến một khái niệm về những trách nhiệm trong Trại Hè của nhiều Liên Đoàn. Số lượng các Tiểu ban có thể tùy nghi thay đổi. Cần phân biệt :
- Hệ thống chỉ huy: Bộ phận cấp dưới nhận lệnh từ một cấp trên duy nhất (hệ thống chỉ huy duy nhất) hoặc từ hai đến nhiều cấp chỉ huy cấp trên (hệ thống chỉ huy đa phương).
- Hệ thống tham mưu: Bộ phận tham mưu chỉ góp ý kiến chứ không quyết định hoặc ra lệnh.
@ Kỹ thuật đồ biểu diễn tiến công tác theo thời gian (Gantt chart hoặc bar chart): cung cấp một cái nhìn tổng quát về tiến trình của dự án. Muốn vẽ đồ biểu này cần xác định:
- Công tác nào phải thực hiện trước hoặc sau?
- Những công tác nào có thể tiến hành song song?
- Thời gian dự trù bắt đầu và chấm dứt một công tác?
- Công tác do ai đảm trách?
Sau đó, cụ thể hóa các phân tích trên vào đồ biểu.
Để có một ý niệm về loại biểu đồ này, xin xem thí dụ điển hình qua Biểu đồ công tác chuẩn bị Trại. Dĩ nhiên, các công tác được liệt kê (việc) cùng nhân sự trách nhiệm (người) chỉ có tính cách tiêu biểu. Trong thực tế, nhóm soạn thảo hoặc thực hiện có thể sửa đổi, điều chỉnh biểu đồ sao cho thích hợp với kế hoạch của mình.



- Vận động phương tiện :
Có rất nhiều phương cách khác nhau để vận động phương tiện yểm trợ cho một dự án. Tùy địa phương, hoàn cảnh, tính chất của dự án và sáng kiến của nhóm trách nhiệm mà những biện pháp vận động được lựa chọn. Có thể kể sơ lược một số phương cách như sau:
- Tự lực cánh sinh: Trước tiên, những thành phần có liên hệ mật thiết đến dự án (những người thụ hưởng, nhóm thực hiện…) tự mình đóng góp những phương tiện cần thiết để có thể hoàn toàn chủ động sự thực hiện.
Thí dụ: trong dự án mở lớp dạy Việt ngữ cho trẻ em, phụ huynh sẽ chung nhau tiền mua học cụ (phấn viết bảng, sách vở cho con em…), các anh chị em dạy học tự đài thọ chi phí di chuyển… Cũng có thể xếp vào loại này những hy sinh của mỗi cá nhân hoặc cả nhóm bằng cách làm thêm giờ, làm thêm một công việc ngắn hạn khác chỉ với mục tiêu là dành số tiền thu được để yểm trợ dự án.
- Kỹ thuật vận động riêng:
- Từ các cơ quan: một số cơ quan xã hội thuộc các tôn giáo (Công giáo, Tin lành…) hoặc không có khuynh hướng tôn giáo (Hồng Thập Tự, Hội Thân Hữu Ngoại Kiều, Trung Tâm Xã Hội…) có dự trù ngân khoản hàng năm để yểm trợ một số dự án nhất định. Có thể trực tiếp hoặc nhờ người quen có uy tín tìm cách xin tài trợ từ những cơ quan này.
- Từ các cấp chính quyền: những cơ quan chính quyền như Bộ Thanh Niên, Bộ Xã Hội, Bộ Văn Hóa… và các cơ quan trực thuộc tại các tỉnh, thành phố. Có dự trù ngân khoản để yểm trợ các dự án thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Cần tìm hiểu và vận dụng.
- Từ tư nhân, giới doanh nghiệp: Một số tư nhân, nhất là các xí nghiệp, ngân hàng… có thể trợ giúp nếu họ xét thấy dự án có ý nghĩa, quan trọng hoặc cũng có lợi cho họ. Để dễ đạt được sự trợ giúp từ giới này, cần lưu ý tìm sự “bảo trợ tinh thần” của một nhân vật tiếng tăm và cung cấp “giấy chứng nhận để trừ bớt thuế” cho những người hoặc cơ sở doanh nghiệp có thể tài trợ.
Lưu ý: muốn được tài trợ, dự án cần đáp ứng một số điều kiện mà người hoặc cơ quan tài trợ đòi hỏi: mục tiêu của dự án, thành phần thực hiện, đối tượng thụ hưởng, thời gian nộp dự án, các văn kiện đính kèm…
- Vận động công chúng: Một số dự án có thể mang ra vận động gây quỹ với quảng đại quần chúng nhờ có ý nghĩa đặc biệt hoặc có tầm mức lớn lao, thí dụ: dự án cứu trợ nạn nhân bị thiên tai, xây dựng đền thờ quốc tổ… Trong trường hợp này vai trò giới truyền thông rất quan trọng trong việc tác động để sự yểm trợ được mạnh mẽ. Có thể sử dụng các kỹ thuật kể sau:
- Kỹ thuật “Dự án được bảo trợ bởi…”:
Cũng có thể mời một nhân vật (hoặc cơ quan) có quyền hành hoặc có tiếng tăm bảo trợ cho dự án. Bằng cách này, dự án có thể thu hút được sự chú ý của quần chúng, đặc biệt là giới doanh nghiệp và do đó có thể huy động được những sự trợ giúp cần thiết. Dĩ nhiên muốn đạt được sự hỗ trợ này, dự án thường phải có được một tầm vóc tối thiểu và nhóm vận động cũng phải có được sự tin cậy của người hoặc cơ quan đứng ra bảo trợ.
- Kỹ thuật “Gây quỹ cho Dự án”:
Cũng có thể nhân danh dự án để tổ chức những gian hàng, buổi trình diễn, cơm gây quỹ, cung cấp dịch vụ… nhằm gây quỹ cho dự án. Cần lưu ý tính toán kỹ để những “Dự án trung gian” này sẽ không gây trở ngại cho việc thực hiện dự án chính (vì dự án gây quỹ bị thâm lỗ hoặc nhân sự sau đó quá mệt mỏi!)
- Kỹ thuật “Quyên góp tại chỗ”:
Trong rất nhiều trường hợp, có thể vận động thêm phương tiện bằng cách quyên góp tại chỗ, tổ chức xổ số… trong khi dự án đang được thực hiện.
Thí dụ: Hội Tết, Ngày Văn Hóa, Đêm Văn Nghệ giúp đồng bào bị bão lụt…
Trong những trường hợp, cần lưu ý đến khía cạnh pháp lý khi muốn tiến hành các công tác nhằm gây quỹ cho một dự án, nhất là khi những công tác ấy quy tụ đông người hoặc cung cấp các thức ăn uống… Tốt nhất là nên liên lạc với các công sở có thẩm quyền để được cho phép trước hầu tránh những rắc rối có thể xảy ra.
Giai đoạn thực hiện
Sau khi đã được nghiên cứu và chuẩn bị đầy đủ, dự án được tiến hành hầu thu đạt được những mục tiêu mong muốn. Giai đoạn thực hiện giữ vai trò chủ yếu vì chính giai đoạn này sẽ quyết định trực tiếp sự thành bại của dự án.
Tùy theo đặc điểm riêng của mỗi dự án mà kế hoạch trù liệu được tiến hành. Phương tiện đã huy động sẽ được sử dụng để nhân sự hoạt động theo biểu đồ diễn tiến công tác đã soạn thảo trong giai đoạn chuẩn bị. Thành phần lãnh đạo dự án cần theo dõi chặt chẽ tình hình để điều hợp công việc giữa các bộ phận khác nhau, bổ sung những thiếu sót hoặc kịp thời ứng phó với những bất ngờ… Nếu thời gian thực hiện dự án kéo dài, những nhân sự liên quan (nhóm trách nhiệm, thành phần hỗ trợ…) cần gặp gỡ nhau để kiểm điểm tiến trình, thông báo tin tức, tạo thêm thông cảm hoặc khích lệ lẫn nhau… Có lắm trường hợp, vì lý do này hoặc lý do khác, dự án cần được thu gọn lại hoặc mở rộng ra, kéo dài thời gian hoặc rút ngắn bớt… đôi khi phải chọn một quyết định chẳng mấy vui là hủy bỏ dự án nửa chừng! Những quyết định về việc điều chỉnh dự án cần phải được cân nhắc kỹ càng và đưa ra đúng lúc, vì tầm ảnh hưởng chẳng những chỉ trong hiện tại mà cả trong tương lai nữa.
Giai đoạn kết thúc
Đã có lúc bắt đầu thì ắt hẳn phải có hồi kết thúc. Vào giai đoạn cuối này, có những công việc sau đây cần được thực hiện:
- Liên hoan kết thúc:
Dự án được kết thúc bằng một buổi liên hoan. Đây là một cơ hội để mừng thành quả hoặc những điều thu đạt được và cũng chính là cơ hội để mọi người liên quan đến dự án, qua cuộc vui, trút bỏ những buồn phiền, căng thẳng, bực mình… đã vướng phải trong thời gian chuẩn bị và thực hiện dự án, cùng phát triển (hoặc củng cố lại) tình thân ái với nhau. Trong rất nhiều trường hợp, nhất là sau những dự án lớn và kéo dài, tình cảm giữa người này với người kia thường bị sứt mẻ vì những đụng chạm, khác biệt cá tính hoặc phương pháp làm việc trong khi tiến hành dự án.
Hình thức liên hoan được quyết định tùy ý kiến của toàn thể, miễn sao không là gánh nặng chung hoặc tạo nên một “Dự án mới”. Điều quan trọng là sự tham dự đông đủ của mọi người liên quan đến dự án và cảm tưởng thoải mái trong cuộc liên hoan. Những tiết mục văn nghệ tự biên tự diễn hoặc tùy hứng nên được khuyến khích. Buổi liên hoan dĩ nhiên không nên quá tốn kém hoặc sử dụng quá nhiều thức uống có rượu.
- Thẩm định kết quả dự án :
Các thành phần có liên quan đến dự án cùng nhau đánh giá kết quả việc lựa chọn, chuẩn bị và thực hiện dự án.
Những khía cạnh sau đây cần được đánh giá :
- Những mục tiêu đề ra cho dự án có đạt được hay không?
- Mục tiêu nào đạt được? Mục tiêu nào không?
- Mỗi mục tiêu đạt được chừng bao nhiêu phần trăm?
- Lý do vì sao không thể đạt được kết quả tối đa? Có những trở ngại chủ quan nào và khách quan nào? Những trở ngại trên có thể khắc phục được không?
- Những mục tiêu đã đề ra có bị thay đổi không? Tại sao?
- Dự án có phù hợp với đường hướng của Phong trào? Của ngành?
- Dự án có được nghiên cứu, chuẩn bị, thực hiện một cách đúng mức, hợp lý…?
- Tác dụng của dự án đối với cá nhân?
- Cá nhân tham dự thế nào vào dự án?
- Cá nhân có cảm tưởng gì: vui, buồn, phấn khởi, bực mình, thất vọng…?
- Có học hỏi, thu lượm được gì trong khi và sau khi dự án đã được thực hiện?
- Tác dụng của dự án đối với nhóm thực hiện, đoàn…?
- Sự làm việc chung của nhóm qua dự án ra sao?
- Vấn đề lãnh đạo và thông đạt như thế nào?
- Cơ cấu tổ chức có hợp lý và hữu hiệu không?
- Có những dị biệt, bất đồng, đụng chạm… nào đã xảy ra và cách thức giải quyết có thỏa đáng không?
- Nhóm thực hiện thu lượm được gì từ dự án?
- Hiện tình của nhóm sau khi thực hiện dự án ra sao?… Những yếu tố khác cần có trong sự thẩm định dự án:
- Thái độ của mỗi người cần thành thực, thẳng thắn nhưng hòa nhã. Cần lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người khác.
- Cần có đủ thời gian cần thiết. Thời điểm tốt nhất là ngay sau khi dự án được kết thúc. Nếu để trễ quá nhiều dữ kiện và cảm nghĩ sẽ bị lãng quên.
- Mỗi người cần có cơ hội phát biểu.
- Diễn tiến của dự án cần được nhắc lại, hoặc chiếu lại nếu là dự án lớn, diễn ra tại nhiều nơi hoặc kéo dài, để giúp mọi người nhìn được các khía cạnh của dự án hoặc nhớ lại các chi tiết.
- Đúc kết, quảng bá và lưu trữ:
Những thành công và thất bại của dự án cần được suy ngẫm và thông báo đến những người có liên hệ hoặc có quan tâm hầu các dự án sau này được thêm hoàn hảo. Cũng có thể phổ biến thành quả trên báo chí, đài phát thanh… để tạo thêm thuận lợi về sau. Theo thời gian, các dữ kiện chính xác về dự án sẽ bị dần dà quên lãng hoặc thất lạc nếu không được ghi chép, trình bày và lưu trữ hợp lý. Công tác tài liệu hóa trong giai đoạn kết thúc sẽ rất hữu ích cho những người đi sau như đã đề cập ở trên.
Để đáp ứng những nhu cầu này, những chi tiết thiết yếu về dự án như mục tiêu, tiến trình chuẩn bị và thực hiện, kết quả… cần được ghi nhận và lưu trữ. Những kỹ thuật tài liệu hóa như đồ biểu phim ảnh, tường trình, băng nhựa… cần được sử dụng.
3. Mẫu dự án đề nghị
- Bối cảnh và tầm quan trọng của dự án: Hoàn cảnh và những nguyên nhân xa và gần khiến dự án được đề ra.
- Mục tiêu: Dự án nhằm đạt được những gì? Để làm gì? Cho ai?…
- Thời gian: Từ… đến… (giờ, ngày, tháng, năm).
- Giai đoạn nghiên cứu và quyết định.
- Giai đoạn chuẩn bị.
- Giai đoạn thực hiện.
- Giai đoạn kết thúc.
- Địa điểm: Tại đâu? (số nhà, đường, thành phố, điện thoại…).
- Nhân sự:
- Người trách nhiệm là những ai? Những ai tham gia?
- Nhân sự cố vấn và bảo trợ? Nhân sự thụ hưởng?
- Phân công:
- Người nào làm việc gì? Tương quan với nhau thế nào?
- Phương tiện cần:
- Dự chi: Cần mua sắm, chi tiêu thế nào? Bao nhiêu?
- Dự thu: Để đài thọ các chi phí trên, cần thu tiền ở đâu? Bao nhiêu?
- Các nhu cầu khác? Làm sao để đáp ứng?
- Kế hoạch thực hiện:
- Tiến trình thực hiện dự án ra sao?
- Dự án sẽ được thực hiện như thế nào? Những gì sẽ được tiến hành theo thứ tự thời gian? Ai làm? Làm thế nào? Có thể diễn tả qua những biểu đồ nào?
- Lập bảng mô tả công việc cho từng nhóm.
- Tổng kết:
- Triển vọng thành công cùng lợi ích của dự án…
- Trên thực tế, tùy loại dự án và tùy trường hợp mà những mục đề nghị trên cần được thêm bớt hoặc thay đổi để đáp ứng nhu cầu.
- Ghi chú: Trong giai đoạn hiện nay của HĐVN, vì chưa được nhà nước công nhận chính thức, nên khi chuẩn bị thực hiện một dự án – dù lớn hay nhỏ, chúng ta nên có nhiều phương án dự phòng để dự án đạt được kết quả tốt đẹp nhất.
TỔ CHỨC TRÁNG ĐOÀN
1. CÁC THÀNH PHẦN TRONG TRÁNG ĐOÀN:
1. Tân Tráng
Là các thành viên mới vào Tráng đoàn, chưa tuyên hứa. Các bạn này sẽ tìm hiểu về nguyên lý PTHĐ cùng phần lý thuyết và thực hành chuyên môn Hướng Đạo dưới sự giúp đỡ của Bảo huynh và Toán trưởng. Sau khi tuyên hứa các Tráng sinh này được gọi là Dự tráng.
2. Dự tráng
Bao gồm tất cả các Kha sinh lên Tráng và các Tráng sinh đã tuyên hứa nhưng chưa Lên Đường trong Tráng đoàn, các Dự tráng sẽ đi qua 2 giai đoạn:
Giai đoạn làm quen với Tráng đoàn: Ở giai đoạn này, có hai thành phần Dự tráng trong Tráng đoàn.
- Những thanh niên mới gia nhập Tráng đoàn: các thanh niên đã từng tham gia PTHĐ ở một ngành nào đó, đã tuyên hứa, nay quay trở lại sinh hoạt HĐ ở lứa tuổi Tráng.
- Các Kha sinh lên Tráng: Các Kha sinh đã Tuyên Hứa và đã có một số kiến thức về Phong trào cũng như chuyên môn HĐ.
Dưới sự giúp đỡ của Bảo huynh, Toán trưởng và Tráng Trưởng, các Dự tráng sẽ dần quen với phương pháp sinh hoạt của ngành Đường.
Giai đoạn làm quy ước tu thân: Dự tráng sau khi làm quy ước tu thân sẽ đi vào một chương trình ôn luyện để nâng cao kiến thức, kỹ năng và thái độ trong sinh hoạt HĐ cũng như trong phục vụ cộng đồng (Xem phần Huấn luyện Dự Tráng).
3. Thuần tráng
Sau khi làm và thực hiện nhuần nhuyễn quy ước tu thân và được Hội Đồng Đường xét duyệt cho Lên Đường, Tráng sinh này được gọi là Thuần Tráng.
Sau ngày Lên Đường, Tráng sinh bắt đầu công việc tu tiến theo theo một chương trình đặc biệt gọi là Tiêu Chuẩn Tráng gồm các cơ sở:
- Sức sống ngoài trời và kỹ thuật HĐ.
- Kiến thức và kỹ năng để lập dự án và tiến hành các công cuộc mà Tráng đoàn giao phó.
- Khả năng lãnh đạo.
- Truyền thông.
- Quản lý.
- Sức khỏe (Thể dục, thể thao).
- Văn hóa, văn nghệ.
- Hôn nhân và gia đình.
- Nghề nghiệp và sinh kế.
- Công dân và xã hội.
- Đạo lý (tôn giáo).
4. Ban Huynh trưởng
Ban Huynh trưởng bao gồm Tráng trưởng, Tráng phó và các Trưởng phụ tá.
5. Phụ trách Linh hướng
Nếu là đạo Thiên Chúa, Linh mục phụ trách linh hướng được gọi là Tuyên úy, nếu là đạo Phật thì Thượng tọa phụ trách gọi là Cố vấn Giáo hạnh.
6. Ban bảo trợ
Một số Tráng đoàn thực hiện nhiều công cuộc giúp ích cần có một nguồn tài chính ổn định, Ban bảo trợ sẽ được thành lập để tìm kiếm nguồn tài chính cho các công cuộc giúp ích cũng như các sinh hoạt của Tráng đoàn.
7. Tráng Huynh
Là thành phần không chính thức trong Tráng đoàn. Gồm các thành viên trong Tráng đoàn đang sinh hoạt trong hệ thống Liên đoàn, Đạo đã Lên Đường và đã được bổ nhiệm Trưởng. Tuy nhiên, các thành viên này chưa đến 30 tuổi, và vẫn mong muốn được gắn kết với sinh hoạt của Tráng đoàn.
Vai trò của Tráng Huynh trong Tráng đoàn:
- Làm Bảo Huynh hay Bảo Tỷ cho các Dự Tráng.
- Giúp đỡ Tráng trưởng huấn luyện Tráng sinh mới.
- Tham gia góp ý với Tráng trưởng về phương thức sinh hoạt của Tráng đoàn.
- Giúp Tráng đoàn thực hiện các công cuộc có quy mô lớn của Tráng đoàn, Đạo, Ngành, Hội… Ví dụ: Ngày Hội đoàn của Đạo, Liên Đoàn, Hội Bầy, Trại Họp Bạn, các công cuộc cứu trợ v.v…
Tuy nhiên, các Tráng huynh không thuộc quân số của Tráng đoàn, không sinh hoạt thường xuyên, chỉ trở về Tráng đoàn khi được mời. Toán Tráng huynh là nơi gắn kết các Trưởng trẻ đang sinh hoạt ở các ngành khác nhau trong Liên Đoàn, Đạo để trao đổi chuyên môn với nhau, và giúp đỡ Tráng đoàn thực hiện các công cuộc có tầm vóc lớn được giao phó.
Chú ý:
Sau 30 tuổi, nếu không thuộc Ban Cố vấn hoặc Ban Huynh Trưởng của Tráng đoàn, mà không muốn phụ trách các đơn vị các ngành khác với trọng trách của một Trưởng, thì các thành viên này của Tráng đoàn sẽ được chuyển lên sinh hoạt trong Niên đoàn và được gọi là Tráng Niên nếu là Tráng sinh và Trưởng Niên nếu đã từng là Trưởng.
2. TỔ CHỨC TRÁNG ĐOÀN:
Đơn vị của ngành Tráng là Tráng đoàn. Theo hệ thống hành chánh, Tráng đoàn nằm trong một Liên đoàn hay một đạo (trừ Tráng đoàn biệt lập). Các Tráng đoàn trong nước hợp thành ngành Tráng HĐVN. Trong Tráng đoàn có các cơ cấu sau:
1. Toán Lãnh đạo Tráng đoàn
Khi Tráng đoàn có từ 2 Toán trở lên, Tráng Trưởng sẽ thành lập Toán Lãnh đạo.
- Nhiệm vụ:
- Ấn định đường lối chung của Tráng đoàn.
- Soạn thảo chương trình sinh hoạt để trình cho Hội Đồng Đoàn.
- Xúc tiến mọi sinh hoạt của Tráng đoàn.
- Toán Lãnh đạo họp có định kỳ rõ ràng.
- Thành phần:
- Tráng Trưởng.
- Các Phó Tráng trưởng.
- Các Toán Trưởng.
- Các vị cố vấn tinh thần.
Ngoài ra tuỳ theo thực tế của Tráng đoàn, Tráng Trưởng có thể mở rộng thêm một số thành viên khác như:
- Trưởng xưởng.
- Thư ký và Thủ quỹ.
- …
2. Hội đồng Tráng đoàn
- Nhiệm vụ:
- Phê chuẩn các đề nghị của Toán Lãnh đạo.
- Giám sát việc thu chi của Tráng đoàn.
- Thành phần:
- Toán lãnh đạo, Trưởng các đơn vị còn đang sinh hoạt trong Tráng đoàn và một số Tráng sinh được Tráng đoàn đề cử. Khi số Tráng sinh dưới 10 người thì tạm thời cả Tráng đoàn họp thành Hội đồng Tráng đoàn.
Tráng Trưởng điều khiển Hội đồng Tráng đoàn, Hội đồng Tráng đoàn họp định kỳ theo quy định và có thể họp đột xuất theo đề nghị của Toán Lãnh đạo.
Hội Đồng Tráng đoàn chấp hành nguyên tắc tuân theo đa số. Tuy nhiên Tráng trưởng có quyền phủ quyết trong trường hợp xét thấy có vấn đề lệch lạc về tinh thần hay nguyên lý PTHĐ.
3. Hội đồng Đường
- Nhiệm vụ:
- Tiếp nhận yêu cầu Lên Đường của Tráng sinh với sự giới thiệu của Bảo huynh (sau khi hoàn tất chương trình thực hiện quy ước tu thân).
- Rèn luyện và xét duyệt cho các Tráng sinh đủ tiêu chuẩn Lên Đường.
- Thành phần:
- Tất cả các Tráng sinh đã Lên Đường trong Tráng đoàn.
- Túc số tối thiểu: 3 thành viên.
- Tráng Trưởng là chủ tọa Hội đồng Đường.
4. Ban Huynh Trưởng Tráng đoàn
Ban Huynh trưởng Tráng đoàn gồm Tráng trưởng, Phó Tráng trưởng (còn gọi là Tráng phó) và các Trưởng Phụ tá.
Thường trong sinh hoạt Tráng đoàn các Toán trưởng có vai trò như một Trưởng. Vì thế, khi làm việc Tráng Trưởng thường triệu tập Toán Lãnh đạo hơn là họp Ban Huynh trưởng Tráng đoàn đơn thuần.
5. Toán Tráng huynh
Các Tráng sinh đã lên đường và được bổ nhiệm Trưởng nhưng còn trong lứa tuổi Tráng (≼ 30 tuổi), nhưng vẫn thiết tha với sinh hoạt Tráng đoàn, sẽ thuộc toán Tráng huynh. Nhiệm vụ của toán Tráng huynh trong Tráng đoàn:
- Làm Bảo huynh (Bảo tỷ) cho Dự tráng.
- Giúp Tráng trưởng huấn luyện Tráng sinh.
- Góp ý cho Tráng trưởng về chương trình sinh hoạt của Tráng đoàn.
- Giúp Tráng đoàn thực hiện công cuộc giúp ích được giao phó.
3. PHẦN KẾT
Tráng đoàn sinh hoạt trong một cơ chế rất dân chủ, các sinh hoạt trong Tráng đoàn thường dưới dạng công cuộc, được giao cho từng cá nhân phụ trách (Người lập dự án), và vị này điều hành các bước tiến hành dự án, vai trò Toán trưởng không rõ nét như ở ngành Kha hay Thiếu. Làm cho Tráng sinh có cảm giác Phương pháp Hàng đội không được áp dụng rõ nét trong sinh hoạt Tráng. Tuy nhiên trong từng công cuộc, Phương pháp Hàng đội vẫn được áp dụng triệt để, nhưng những nhóm nhỏ ở đây nằm dưới dạng các Tiểu ban hay các nhóm phụ trách các phần việc chuyên môn khác nhau. Vai trò của Toán trưởng nay được thay bằng Nhóm trưởng hay Trưởng Tiểu ban.
Khi lên Tráng, tự bản thân các em sẽ làm việc nhiều hơn dưới sự giúp đỡ của Bảo huynh, Toán trưởng và Tráng trưởng. Các em sẽ được hướng dẫn để hội nhập trở lại với cộng đồng xã hội hiện tại (không tạo ra nhiều khác biệt: tập tục, nghi thức, giao tiếp…) và sinh hoạt ngành Tráng gần gũi cuộc sống đời thường hơn để các Tráng sinh dễ dàng hội nhập và thích nghi với nhịp sống của xã hội hiện tại.

HUẤN LUYỆN DỰ TRÁNG
I. NGUYÊN TẮC HỌC TẬP CỦA DỰ TRÁNG
- Nguyên tắc
- Dự Tráng là người trưởng thành trong xã hội vì thế: “Tự tìm hiểu, học hỏi và tự ôn luyện là chính.”
- Bằng cách nào?
- Qua sự hướng dẫn của Toán trưởng, Bảo huynh (Bảo tỷ), Tráng huynh và Tráng trưởng.
- Qua nghiên cứu, tham khảo sách, báo, hình, băng, đĩa phim ảnh Hướng đạo, và các phương tiện truyền thông đại chúng.
- Qua giao tiếp với các Trưởng và Tráng sinh trong và ngoài đơn vị mình đang sinh hoạt.
- Qua các công cuộc giúp ích, các trại Họp bạn trong nước và thế giới.
- Dự tráng tự soạn nội dung và phương pháp giảng dạy dưới sự hướng dẫn của Tráng trưởng, Toán trưởng và Bảo huynh. Sau đó sẽ thay nhau lên khóa cho Toán hay Tráng đoàn dưới sự hỗ trợ của Toán Lãnh đạo.
- Dự tráng sẽ học tập và thực hành khi xuống phục vụ đơn vị dưới hình thức tự ôn luyện và học hỏi thêm Ban Huynh trưởng đơn vị mình đang thực tập.
- Học tập trong lúc thực hiện các công cuộc phục vụ.
- Riêng ở các nội dung chuyên sâu, hoặc là Ban Huynh trưởng sẽ lên khóa (nếu đủ khả năng) hoặc mời chuyên gia đến lên khóa cho Tráng sinh.
II. HÌNH THỨC CHUYỂN TẢI
Các nội dung huấn luyện được chuyển tải đến các Dự tráng bằng các hình thức sau:
1. Các nội dung dùng trong sinh hoạt hàng tuần
Thường là các nội dung đơn lẻ, ngắn không cần sự liên tục. Phần thực hành không đòi hỏi một lượng lớn thời gian. Được thực hiện trong các buổi họp hàng tuần của Tráng đoàn, thường dùng để huấn luyện cho các đối tượng là Dự tráng mới vào Tráng đoàn hoặc để phổ biến các nội dung cấp thiết cần phổ biến ngay cho Tráng đoàn. (Các Tráng sinh khi xuống phục vụ đơn vị rất khó tập trung hàng tuần được, chỉ về Tráng đoàn khi họp đột xuất, tham dự trại định kỳ hay các công cuộc phục vụ của Tráng đoàn).
2. Tham quan tìm hiểu
Khi cần bổ sung kiến thức về thực tế một chủ đề nào đó (tổ chức Trại Họp bạn, tổ chức hội chợ, tổ chức các nhà tình thương, học về lịch sử, văn hóa dân tộc…) Toán hoặc Tráng đoàn tổ chức các buổi tham quan để các Tráng sinh có thể thu thập những dữ liệu từ thực tế sinh động có sẵn trong cuộc sống đời thường.
3. Xem chiếu phim, kịch, ca nhạc, hội diễn
Khi có một chủ đề về văn hóa, khoa học, tâm lý xã hội… mà Toán hoặc Tráng đoàn quan tâm. Thường là Toán sẽ tổ chức đi xem, sau đó tổ chức một buổi thanh đàm hay thảo luận để rút tỉa ra một giá trị về nghệ thuật, văn hóa, tư tưởng nào đó cần cho cuộc sống cá nhân Tráng sinh hay tập thể Toán, Tráng đoàn. Đôi khi chỉ là việc thư giãn tạo lại bầu khí của Toán hay Tráng đoàn sau một công cuộc giúp ích mệt nhọc.
4. Tham dự các lớp học chuyên đề được tổ chức trong cộng đồng xã hội
Các lớp chuyên đề luôn được tổ chức trong xã hội như: Sơ cấp cứu, Quản trò, Kỹ năng lãnh đạo, Kỹ năng giao tiếp, Giáo dục giới tính, xu hướng phát triển âm nhạc thế giới… Cả Tráng đoàn, từng Toán, hay Toán cử một vài Tráng sinh đi học xong về truyền đạt lại cho Toán, Tráng đoàn.
5. Hội luận bàn tròn
Ở ngành Tráng, Hội luận bàn tròn được nâng cao hơn về chất lượng và mức độ chuyên sâu, thường kiến thức và kỹ năng của các Trưởng và các Tráng sinh không đủ đáp ứng như ở các ngành dưới. Vì thế, ở các chủ đề chuyên sâu về các lĩnh vực như Tâm lý học, Y học, Xã hội học, Y Xã hội học… Ban Huynh trưởng Tráng đoàn sẽ tổ chức một buổi Hội luận giữa các chuyên gia về các lĩnh vực này với Tráng đoàn. Dưới sự điều phối của một Trưởng hay một MC, từng vấn đề được đặt ra để các chuyên gia trao đổi với nhau. Các Tráng sinh ngồi nghe và cuối mỗi chủ đề, có thể đặt câu hỏi với các chuyên gia để mở mang thêm kiến thức và giải đáp những thắc mắc cho mình.
6. Hội thảo
Nhằm thông đạt, phổ cập một hay nhiều vấn đề đến tập thể hoặc lấy ý kiến, quyết định thông qua tập thể, thì nên tổ chức Hội thảo. Các Tráng sinh được chia làm nhiều nhóm để dễ trao đổi, thảo luận. Dưới sự điều khiển của một Chủ tọa hay một Chủ tọa đoàn gồm nhiều thành viên, các vấn đề tuần tự được đưa ra thảo luận. Mọi ý kiến đều được Thư ký ghi vào biên bản. Cuối buổi thảo luận, Chủ tọa đoàn sẽ đúc kết và nếu có thể đưa ra kết luận cuối cùng tùy thuộc vào mục tiêu cuộc Hội thảo đề ra.
7. Hội nghị
Là một sinh hoạt mang tính chất chuyên sâu về kiến thức, kỹ năng, thái độ ở một nội dung nào đó. Trong hội nghị có 3 thành phần chính: Chủ tọa đoàn, Báo cáo viên, các thành viên tham dự.
Tùy thuộc vào mục tiêu, hội nghị có thể tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng sẽ có các phần chính sau:
- Chủ tọa đoàn giới thiệu đại biểu, nội dung và chương trình làm việc;
- Các báo cáo viên báo cáo đề tài của mình;
- Thảo luận chung hay từng nhóm theo yêu cầu của Chủ tọa đoàn;
- Chủ tọa đoàn đúc kết vấn đề.
Hội nghị Tráng sinh là một hình thức sinh hoạt trang trọng, chuyên sâu và có chất lượng của ngành Đường, nhằm thông đạt một số vấn đề hoặc lấy quyết định của tập thể về những nội dung quan trọng.
8. Trại định kỳ hay đột xuất
Các chủ đề cần phải chuyển tải trong một thời gian dài với nhiều nội dung gồm cả lý thuyết lẫn thực hành, nhưng cần có sự liên tục mới có thể nắm bắt được vấn đề. Thường được tổ chức dưới dạng trại Tráng đoàn.
9. Thám du
Thường để học hỏi hay áp dụng một chuyên môn nào đó, hay để tìm hiểu lập dự án cho một công cuộc giúp ích. Thường thám du có thể tổ chức với một vài Tráng sinh, Toán hay cho cả Tráng đoàn. Đôi khi do nhu cầu của các công cuộc giúp ích hoặc giao lưu, thám du có thể mở rộng cho tất cả các Tráng sinh trong Đạo, Châu hay cả nước và quốc tế.
10. Xưởng
Một số kỹ năng cần thường xuyên rèn luyện nhằm phục cho sự phát triển bản thân Tráng sinh, cho sinh hoạt Hướng Đạo hay cộng đồng xã hội. Thường được thể hiện dưới dạng xưởng của Toán, Tráng đoàn hay Liên Tráng đoàn.
Ví dụ:
- Xưởng kỹ năng sống
- Xưởng tổ chức sự kiện
- Xưởng võ tự vệ
- Xưởng giáo dục giới tính
- Xưởng sơ cấp cứu
- Xưởng ngoại ngữ
- Xưởng khiêu vũ
- . . .
11. Sinh hoạt theo chủ đề
Có thể gói gọn trong Toán, Tráng đoàn hay mở rộng cho Liên đoàn, Đạo. Cũng có thể mở rộng trong một khu vực nào đó theo phân bố địa lý.
Ví dụ:
- Tổ chức Noel cho các em làng SOS
- Tổ chức Halloween cho Đạo
- Giỗ tổ Hùng Vương cho Liên Tráng đoàn ở Bà Rịa Vũng Tàu…
12. Hoạt động giao lưu giữa các Tráng đoàn
Khi có dịp các Tráng đoàn tổ chức giao lưu với nhau, nội dung sinh hoạt là những chủ đề đã được chuẩn bị sẵn, cũng có thể các chương trình sinh hoạt được lồng ghép vào các công cuộc có nhiều Tráng đoàn tham dự. Qua các cuộc giao lưu này người Tráng sinh học hỏi được nhiều điều.
Ví dụ: Hội thảo về giúp ích lứa tuổi Tráng, thuyết trình, thảo luận, trao đổi giữa các Tráng đoàn về cách thức gây quỹ cho các công cuộc giúp ích…
13. Công cuộc giúp ích
Qua các công cuộc giúp ích Tráng sinh sẽ có dịp ứng dụng những khả năng và kiến thức mà mình đã lĩnh hội được, sẽ được trang bị nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Hơn thế nữa, đây chính là chiếc gương để Tráng sinh nhìn nhận lại khả năng và nhân cách của mình. Sau đó, bằng thực hiện quy ước tu thân người Tráng sinh sẽ tự hoàn thiện mình tốt hơn.
14. Du lịch
Toán tráng hay Xưởng có thể tổ chức đi du lịch trong hoặc ngoài nước để giao lưu, học hỏi chuyên môn và tìm hiểu các nền văn hóa khác.
15. Trại Họp Bạn quốc tế
Tráng sinh nếu có điều kiện nên tham gia các Jamboree Vùng hoặc Thế giới, Trại Họp bạn Tráng sinh (Rover Moot)… Với trách nhiệm của một Tráng sinh phục vụ ở Trại Họp bạn, Tráng sinh sẽ được học hỏi rất nhiều điều bổ ích về lãnh đạo, quản lý, tổ chức các chương trình sinh hoạt hiện đại và có mối liên hệ quốc tế với các thành viên khá từ các quốc gia tham dự trại.
III. NỘI DUNG HUẤN LUYỆN DỰ TRÁNG
Nội dung huấn luyện Dự Tráng đã được đề cập rất rõ trong Quy chế ngành Tráng, tuy nhiên trong phạm vi nhỏ của tập sách này, chúng tôi cố gắng cô đọng những nội dung cơ bản của việc ôn luyện Dự tráng, để các bạn tham khảo.
1. Biểu đồ huấn luyện tối đa
BIỂU ĐỒ HUẤN LUYỆN TỐI ĐA
THANH THIẾU NIÊN KHA SINH

2. Phần ôn luyện trước khi làm quy ước tu thân:
Cả hai thành phần Kha lên Tráng và các thanh niên từ ngoài vào đều phải ôn luyện theo chương trình sau:
- Nghiên cứu sâu rộng hơn về Nguyên lý Phong trào Hướng Đạo
- Hiểu rõ được mục đích và phương pháp ngành Tráng
- Hiểu và biết cách thực hiện quy ước tu thân
- Đạt trình độ của một Hướng Đạo Hạng Nhì
- Tham khảo qua các sách:
- Sách ngành Tráng:
- Quy chế Ngành Tráng
- Nghi thức ngành tráng
- Đường thành công
- Huấn luyện Dự Tráng
- Các sách khác:
- Bước đường đầu
- Hướng Đạo cho trẻ em
- Hướng đạo Hạng Nhì
- Hướng đạo Hạng Nhất
- Quy chế Hướng Đạo Việt Nam.
- Sách ngành Tráng:
3. Phần ôn luyện sau khi làm quy ước tu thân:
Sau khi làm quy ước tu thân, Dự tráng sẽ tự ôn luyện để đạt:
- Trình độ Hướng Đạo Hạng Nhất hay có đủ khả năng kỹ thuật Hướng đạo để huấn luyện một Thiếu sinh trở thành một Hướng Đạo Hạng Nhì (Không buộc phải huấn luyện thực sự). Đạt trình độ trung bình về thám du và nghề rừng của một Hướng Đạo Hạng Nhất.
- Có khả năng trung bình về một ngành kỹ thuật hoặc nghệ thuật (tùy ý lựa chọn một trong hai ngành: sửa máy vi tính, xe máy, điện nhà, đàn, sáng tác nhạc, hát, múa, hội họa…).
- Đủ sức tham gia một cuộc thảo luận Hướng Đạo (đủ sức nghĩa là đủ thời giờ và sức khỏe để đi họp chuyên cần với Toán và Tráng Đoàn, đủ khả năng ghi chép, lãnh hội và thảo luận).
- Biết các bước tiến hành của phương pháp dự án của ngành Đường.
- Biết và có thể tham gia các dạng sinh hoạt thường gặp trong PTHĐ: tập hát, tập múa, băng reo, hò đối, trò chơi, lửa trại, lửa dặm đường…
- Biết cách tập họp đơn vị.
- Biết vai trò nhiệm vụ người trực trại HĐ.
- Biết làm một số thủ công trại: cổng, cột cờ, lều sàn và một số tiện nghi trại.
- Có khả năng tổ chức một cuộc hội thảo, trại hay thám du cho Tráng đoàn.
IV. BẢO HUYNH
Khi bước vào Tráng đoàn, Dự tráng sẽ chọn cho mình một Bảo huynh hay Bảo tỷ, nếu không quen biết ai, thì Tráng trưởng sẽ chỉ định Toán trưởng hay một thành viên nào đó trong Tráng đoàn (đã Lên Đường làm Bảo huynh). Bảo huynh, Bảo tỷ sẽ hướng dẫn cho Dự tráng hội nhập với sinh hoạt Tráng đoàn và giúp Dự tráng trên con đường tự rèn luyện mình. Mối quan hệ giữa Bảo huynh, Bảo tỷ với Dự tráng là mối quan hệ rất khăng khít trong tình huynh đệ HĐ.
Trong quá trình sinh hoạt, đôi lúc Dự tráng cảm thấy mình không hợp hay khó gần với Bảo huynh do mình chọn hay được Tráng trưởng chỉ định (mà lúc mới bước vào Tráng đoàn mình chưa hiểu rõ về tính khí và khả năng Bảo huynh này lắm). Trước lúc làm quy ước tu thân, Dự tráng có thể xin Hội đồng Đường để được chọn thêm một Bảo huynh thứ hai thích hợp với mình hơn để giúp đỡ trên con đường tu tiến bản thân sau đó.
CÁC PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC THƯỜNG DÙNG TRONG SINH HOẠT TRÁNG ĐOÀN
Khi một Kha sinh lên Tráng hay một thanh niên ở ngoài xã hội bước vào PTHĐ, có một số thay đổi về quan niệm cũng như trong sinh hoạt. Nếu một Sói con, Thiếu sinh, Kha sinh hay một thanh niên chỉ quen chơi những trò mình thích, làm những điều mình muốn, khi không được đáp ứng điều này, bạn ấy sẽ cảm thấy buồn chán, chỉ tham gia chiếu lệ hay không chơi nữa. Nhưng một Tráng sinh lại khác: Một Tráng sinh không những chỉ biết nhiệt tình làm những việc mình thích mà phải còn biết nhiệt tình làm những việc mình cảm thấy đúng nữa (cho dù công việc này mình có thích hay không).
Ví dụ:
- Xuống phục vụ đơn vị: nấu cơm, rửa chén, khiêng vác đồ hậu cần…
- Giữ trật tự, thức canh gác trại vào ban đêm cho Liên đoàn hay Đạo.
- Phải bỏ cách ăn mặc kệch cỡm, thói quen hút thuốc, nói năng vô tội vạ… khi xuống đoàn làm Tráng sinh phục vụ.
- …
Mặt khác, các Tráng sinh không những chỉ biết học cho bản thân mình mà còn phải biết dạy người khác học một cách hiệu quả. Nghĩa là bản thân Tráng sinh đó cũng phải biết về Sư phạm Giáo dục, hay nói khác hơn phải biết cách truyền đạt kiến thức và kỹ năng một cách hiệu quả cho người khác vì bản thân Tráng đoàn chính là: “Vườn ươm Trưởng” cho PTHĐ. Mà Trưởng chính là những nhà giáo dục. Theo nhận định của các nhà giáo dục trên thế giới, phương pháp giáo dục Hướng đạo là một trong những phương pháp giáo dục rất hiệu quả dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên ngày nay trên thế giới.
Các phương pháp giáo dục thường dùng trong sinh hoạt Tráng Đoàn:
- Giáo dục chủ động
- Phương pháp thuyết trình
- Phương pháp bài giảng
- Phương pháp thảo luận nhóm
- Phương pháp động não
- Phương pháp sắm vai
- Phương pháp trạm
- Tòa án vườn
- …
(Xem phần phụ lục)
Chương IV: Kỹ năng sinh hoạt
PHƯƠNG PHÁP TẬP HÁT
1. TRƯỚC KHI VÀO ĐỀ
Tựa của một bài hát của nhạc sĩ Trần Đình Tuân đã trở thành bất hủ: “Hát để nhớ đời, không phải hát để quên đời”. Nếu thế ca nhạc đâu phải là “xướng ca vô loài” như một số người quan niệm nữa! Mà ngược lại ca nhạc mang một sứ mạng của nó: GIÁO DỤC BẰNG TRUYỀN CẢM. Đành rằng ca nhạc mang tính đa diện: vừa ru ngủ, vừa rộn ràng reo vui tùy theo bài hát, tùy thuộc vào hoàn cảnh của người tiếp thu bài hát đó… vì thế ta không nên vơ đũa cả nắm để kết án một ai, song hãy chấp nhận ca nhạc trong tinh thần thông cảm.
- Bạn đang buồn chán, mời bạn hát lên một bài ca.
- Bạn muốn truyền thông bài ca bạn ưa thích cho người khác, mời bạn đứng lên giữa đám đông, tập cho họ.
- Bạn muốn hát nhưng chưa biết hát, xin bạn lắng tai nghe và hát theo.
Dưới đây là vài quy tắc nhỏ giúp bạn dễ thành công hơn trong việc học và dạy hát.
2. THỰC HÀNH
1. BỐN BƯỚC HỌC HÁT
1. Chú ý nghe hát
- Lắng nghe người dạy hát hát, không hát theo ngay.
- Để ý những chỗ láy, ngắt, nhịp chỏi, mạnh, nhẹ, đàn.
2. Ghi
- Gạch dưới những nhịp nhanh, những chữ ngân dài hay lên giọng hay luyến láy (nếu những bài khó hát, bạn có thể ghi luôn những phách mạnh).
- Ghi những chữ thay đổi: lớn, nhỏ.
3. Hát theo
- Hát mạnh dạn, lớn tiếng để nếu sai thì người dạy hát có thể biết mà sửa ngay.
- Giữ những chỗ mạnh yếu theo tiết điệu bài hát mà người dạy hát đã chỉ.
- Vừa hát vừa gõ nhịp nếu cần.
4. Ôn tập
- Giữ tài liệu cẩn thận.
- Hát lại nhiều lần và nên hát thuộc lòng.
2. SÁU BƯỚC TẬP HÁT:
1. Chọn bài:
- Chọn lựa bài thật kỹ.
- Vừa sức học viên, đúng lúc, hợp cảnh, hợp tình.
2. Phát bài:
- Đọc cho người học hát ghi, chép lên bảng hay phát bản nhạc đã in sẵn.
- Nên gạch nhịp và chỉ rõ những chỗ khó.
3. Hát thử
- Vài lần.
- Thật rõ ràng.
- Đúng nhịp.
4. Tập từng câu từng đoạn
- Sau vài lần nên trở lại từ đầu.
- Mỗi đoạn hát vài lần. Tuy nhiên chỗ nào dễ quá nên qua nhanh kẻo người học hát sốt ruột.
5. Tập thế nào
- Chỗ nào sai sửa ngay tức khắc. Nếu không người được tập sẽ quen đi và không sửa được nữa. Bao giờ đúng mới sang câu khác.
- Muốn người học hát không chán và hát dễ dàng hơn, nên chia ra làm nhiều nhóm nhỏ, mỗi nhóm lập lại một lần.
6. Nhắc nhở
- Hát lại toàn bài hai lần khi đã tập xong.
- Bài hát đã tập được nên dùng luôn nhiều ngày kế tiếp.

PHƯƠNG PHÁP TẬP MÚA
(MÚA TRONG SINH HOẠT)
Múa là hoạt động nghệ thuật sơ khởi nhất của con người, trải theo chiều dài phát triển của nhân loại, múa phát triển rất đa dạng. Có nhiều cách phân loại múa:
- Phân loại theo thời gian: Múa cổ điển, múa hiện đại.
- Phân loại theo xuất xứ: Múa dân gian, múa cung đình.
- …
Ngày nay, người ta thường sử dụng các dạng múa sau:
- Múa Ba Lê.
- Múa dân gian (Dân vũ).
- Múa hiện đại.
- Khiêu vũ.
- Múa trong sinh hoạt vòng tròn (múa hát tập thể).
- Bài hát có cử điệu.
Trong sinh hoạt Hướng Đạo, bài hát có cử điệu và múa tập thể là hai loại hình thức sinh hoạt khá phong phú, có thể dùng trong nhiều tình huống khi sinh hoạt vòng tròn cũng như hội họp.
A. BÀI HÁT CÓ CỬ ĐIỆU
1. Loại bài hát suông
Trong một số nghi thức như câu chuyện dưới cờ, câu chuyện tàn lửa ở đất trại, người quản trò yêu cầu mỗi người đứng nghiêm trang (không vỗ tay), và cất lên bài và mọi người cùng hát theo.
Ví dụ: Bài Nguồn thật, Bài ca 5 ngành Hướng Đạo…
2. Bài hát vỗ tay
Trong sinh hoạt tập thể, để gây bầu khí vui tươi nhộn nhịp, người quản trò có thể đề nghị vỗ tay theo nhịp hoặc theo tiết tấu bài hát, vỗ toàn bài, vỗ câu cuối hay chỉ vỗ để thay thế cho một số từ trong bài thay vì hát. Ở Loại bài hát này một số quản trò có thể chuyển thành trò chơi bằng cách đặt ra một số luật và bắt lỗi khi vi phạm.
Ví dụ: Bài Chịu chơi, Dựng lều
3. Bài hát có động tác
Người quản trò có thể sử dụng một số bài hát đơn giản, dứt khoát kèm theo từng câu của bài hát, thường là 4 động tác đối các nhịp 2/4 hay 4/4 hay 3 động tác đối với nhịp 3/4. Loại này có tác dụng gây bầu khí sôi nổi, giúp thư giãn, tỉnh ngủ khi đã ngồi lâu.
4. Bài hát có vũ điệu
Loại bài hát này có thể dùng làm các tiết mục trình diễn của một nhóm trên sân khấu nhỏ hoặc trong dịp sinh nhật lửa trại. Vì mang tính nghệ thuật trình diễn nên loại này phải được tập dợt kỹ trước khi trình diễn.
Ví dụ: Anh em ta về, Trống cơm…
Bài hát có cử điệu
Loại bài hát sinh hoạt này cho tới nay vẫn còn ít sử dụng. Thật ra, dạng này rất dễ sáng tác, dựa trên lời bài hát mà sáng tác cử điệu có tính chất minh họa. Có thể dùng trong phòng họp hay ngoài trời tùy thuộc vào mục đích của người quản trò.
Ví dụ: Đi câu cá, kìa nhìn xem…
B. MÚA TRONG SINH HOẠT
Múa trong sinh hoạt vòng tròn rất thông dụng và đa dạng, nó có thể lấy chất liệu từ thể loại múa Ba Lê cổ điển, múa dân gian, khiêu vũ hay tự sáng tác tùy theo đối tượng tham gia và yêu cầu biểu diễn. Ở đây chúng ta chỉ đề cập đến dạng múa hát tập thể đơn giản dành cho sinh hoạt vòng tròn.
Múa hát tập thể là dạng sinh hoạt mà mọi thành viên trong vòng tròn vừa hát và vừa múa. Đây là một trong những biểu lộ tự nhiên và ưa thích nhất của thiếu nhi. Hát cho đời vui và vui thì ca hát, nhảy múa, mà nhảy múa tức là bộc lộ tâm tình bên trong bằng cử chỉ, điệu bộ bên ngoài, nhưng một cách có nghệ thuật, nghĩa là điệu múa lời ca phải đi đôi với nhau, bổ túc cho nhau: điệu múa phải diễn tả và làm nổi bật lời ca, phải nhịp nhàng, linh động, uyển chuyển theo nhịp điệu bài ca. Múa hát tập thể là phương pháp giáo dục rất hiệu quả đối với cả người lớn và trẻ em.
1. NGUYÊN TẮC SÁNG TÁC MÚA
- Hát thuộc bài ca.
- Hát đúng nhịp, đúng tiết điệu.
- Cử điệu đơn sơ, dễ dàng tránh độc điệu, nhưng đừng quá phức tạp khó tập.
- Càng đông, càng nhiều lứa tuổi tham gia, bài múa phải càng đơn giản.
- Điệu múa phải tự nhiên không kỳ khôi quá.
- Động tác phải đi đôi với lời ca: Hát hái hoa thì tay làm điệu ngắt bông.
- Chú ý từng cử điệu: đầu, cổ, mình, tay phải, tay trái, chân phải chân trái. Bàn chân đi trên gót hay đi trên ngón, đi qua phải hay trái, đi tới hay đi lui. Làm sao cho rập ràng, xuông xoắn.
- Có đi, có về: Tiến bao nhiêu bước, thì lùi lại bấy nhiêu bước. Đi qua phải bao nhiêu bước thì trở về trái bấy nhiêu. Làm sao cho khi bắt đầu vũ và khi hết, vũ sinh ở nguyên vị trí cũ.
2. NGUYÊN TẮC MÚA
- Người dạy múa phải tập nhiều lần trước.
- Thuộc kỹ điệu múa để tập. Lưu ý trước cho học viên những chỗ khó.
- Tập cho học viên hát thuộc bài ca, hát đúng nhịp đúng điệu.
- Tập kỹ từng động tác một.
- Tập từng phần từng đoạn sai sửa ngay.
- Bạo dạn và tự nhiên trong các động tác.
- Thỉnh thoảng nên cho múa lại kẻo quên.
3. TRÌNH DIỄN
- Mặt vui mắt hiền, tay chân uyển chuyển.
- Thỉnh thoảng mỉm cười đúng chỗ.
- Rập ràng (chờ nhau) nhưng không ngó liếc trắng trợn.
- Nương theo người đầu đàn.
- Hồn múa: đặt mình vào khung cảnh và vai mà ý bài vũ muốn diễn tả.

BĂNG REO
Băng reo là loại hình phổ biến trong sinh hoạt cộng đồng, thường gặp ở các hội trại lớn, đặc biệt là trong sinh hoạt Hướng đạo. Thường dùng để chào mừng, chào đón, khai mạc, kết thúc trong các hội trại. Đôi khi băng reo cũng được dùng để tập trung chú ý, để “phá băng” làm thay đổi không khí sinh hoạt hay tạo khí thế để bước vào một loại hình sinh hoạt nào đó.
1. ĐỊNH NGHĨA
Băng reo là một chuỗi tiếng động, âm thanh mang tính chất vui nhộn, tích cực có thể kèm hoặc không kèm động tác, được thực hiện bởi các thành viên tham dự dưới sự hướng dẫn của quản trò.
2. CÁC LOẠI BĂNG REO
1. Sự va đập
Tiếng động phát ra do sự va đập giữa hai hay nhiều vật với nhau như tiếng vỗ tay, tiếng vỗ vào đùi, vào thân mình. Đôi khi là tiếng va đập của các vật dụng với nhau.
Ví dụ:
- Vỗ từng ngón tay, tăng dần, kết bằng 3 tiếng A.A.A.
- Tạo âm thanh trên thân thể với tiết tấu: Vừa phát âm bằng miệng, vừa tạo âm thanh bằng tay, chân.
- Tiếng vỡ bong bóng, tiếng lắc bong bóng có bỏ gạo bên trong.
2. Sự thay đổi cao độ và tiết tấu âm nhạc
Âm thanh phát ra bằng giọng người hay nhạc cụ mang những cao độ và trường độ khác nhau, tạo nên một hòa âm nghe rất hay và vui tai.
Ví dụ:
- Cao độ “rì rào” của 4 nhóm người.
- Cao độ “vi vu” của gió.
3. Sự mô phỏng
Các âm thanh phát ra bằng giọng người hay va đập mô phỏng theo các âm thanh có thật bên ngoài như tiếng đại bác, tiếng cồng chiêng, tiếng thú rừng v.v… Ví dụ:
- Ba hồi chiêng trống.
- Tràng đại bác.
- Gà gáy sáng.
4. Sự diễn cảm
Các tiếng cười, khóc mếu, la v.v…
Ví dụ:
- Cười ba tiếng.
- Khóc ba tiếng.
- Tiếng reo chào mừng.
5. Nói chữ, đếm số
Các chữ, tên người, khẩu hiệu được đánh vần từng mẫu tự thật to sau đó lập lại nguyên chữ để kết.
Ví dụ:
- Nói chữ “HOA NHÂN ÁI”.
- Nói chữ “CHÀO MỪNG”.
- Đếm số: một hai, một hai ba (2). Một hai ba bốn năm sáu bảy A. (cũng có thể làm như trên bằng tiếng vỗ tay).
6. Kết hợp các giai điệu
Chia làm nhiều nhóm, mỗi nhóm hát một giai điệu (một câu hát), các câu cùng hát một lúc tạo ra những hòa âm rất hay và vui nhộn.
Ví dụ: Chia làm 3 nhóm.
Nhóm 1: “Te, te, te. Con gì nó kêu tí te. Tò, tò, tò. Con cò, con bò, con sò”.
Nhóm 2: “Te, te, te. Con gì nó kêu tí te. Tò, tò, tò. Tò te tí toét. Kìa ông Lý toét”.
Nhóm 3: “Bực, bực, mình. Bực, bực, mình. Bực cả là mình. Bực cả là mình”.
3. CÁCH THỰC HIỆN
Thường quản trò phổ biến cách thực hiện băng reo, sau đó tập cho các thành viên tham dự thực hiện thử, đến khi thấy các thành viên đều làm được, quản trò mới thực sự dùng băng reo vào mục đích của mình.
MẬT THƯ
MẬT THƯ VÀ ĐỜI SỐNG
Trong đời sống hàng ngày, con người muốn trao đổi cho nhau bằng nhiều cách: dùng lời nói, thư từ, chữ viết, tín hiệu, dấu hiệu… những tin tức ấy nếu cần giữ bí mật thì người ta thường bí mật trao đổi với nhau. Mật thư là một dạng trao đổi tin tức bí mật, nó thường được viết với dạng đặt biệt mà người ngoài cuộc khó có thể hiểu được.
Trong sinh hoạt, đặc biệt trong trò chơi lớn thì việc ứng dụng mật thư sẽ tạo nên không khí sôi nổi và cuốn hút đoàn sinh hơn.
CÁCH VIẾT VÀ GIẢI MẬT THƯ
1. Một số từ chuyên môn
- Chuyển bản tin sang mật thư gọi là mã hóa.
- Dịch mật thư gọi là giải mã.
- Khóa là quy định hướng dẫn cách giải mã và mã hóa.
2. Giới thiệu mật thư
Mật thư rất đa dạng và phong phú, khó có thể phân biệt rõ, dựa vào một số đặc điểm chung ta chia làm 4 nhóm như sau:
Nhóm 1
Dùng ký hiệu, dấu hiệu, số hiệu, hình vẽ để thay thế tín hiệu Morse, Semaphore.
Nguyên tắc của mật thư nhóm này là phải có hai dấu hiệu khác nhau để thay thế (-) và (•).
Ứng với tên gọi là hình tượng của mật thư: hoa lá cành, nốt nhạc, nguyên âm – phụ âm, chẵn lẻ, đứng ngồi, ngắn dài, ngang dọc…
Ví dụ: K: (•) lẻ, (-) chẵn Bản tin: 211, 233, 15
Giải mã: ĐI
Nhóm 2
Lấy mẫu tự quốc tế hay Việt Nam làm gốc để giải mã và mã hóa. Dùng nhiều cách để thay thế mẫu tự như: số, chữ, hình vẽ… hoặc phối hợp cả hai.
Tên gọi của các mật thư cũng khá phong phú: Chuồng bò, Chuồng bồ câu, Số thay chữ, Chữ thay chữ, Điện thoại, Đồng hồ, Tọa độ…
Ví dụ: K: A = 2, Z = 1 Bản tin : 5, 5,10
Giải mã: ĐI
Nhóm 3
Bản văn được viết xáo trộn hoặc bị nhiễu trên bức mật thư. Chỉ loại bỏ chữ nhiễu hay đọc theo hướng dẫn của khóa.
Mật thư nhóm này thuộc dạng dễ, do vậy có nhiều mật thư không cần viết khóa vào mật thư, mà người chơi sẽ tự suy đoán. Tên gọi của mật thư nhóm này thường là Napoléon, Bão cuốn, Cuốn chiếu ngược, Mưa rơi, Chặt đầu chặt cuối…
Ví dụ: K: Anh cả và em út bị bắt cầm tù
Bản tin : dddii vveeff
Giải mã: ĐI VỀ
Nhóm 4
Sử dụng hóa chất hoặc các hoạt tính của hóa chất như chanh, tỏi, hành, xà bông…
Đặc điểm là viết lên giấy sẽ không thấy. Muốn dịch phải bôi thuốc hoặc đem đi hơ lửa, ngâm nước …
3. Thực hiện mật thư
Trong bất cứ trò chơi nào ở trại, mật thư vẫn là điều lý thú, vì nó có nhiều tính bất ngờ, nhanh trí, biến báo, sáng tạo, đoàn kết… Vì vậy, mật thư trong trò chơi phải được thực hiện một cách có tính toán trước về mục đích, nội dung cũng như hình thức.
Đối với một người Trưởng, để thực hiện mật thư trong trò chơi phải lưu ý các điểm sau đây:
- Chủ đề: Phải nắm vững chủ đề trại, hoặc buổi chơi, các trò chơi, nhất là trò chơi lớn phải xoay quanh chủ đề đó, vì vậy nội dung của mật thư không ra ngoài chủ đề này.
- Địa thế: Để lên phương án cho một trò chơi lớn và để làm mật thư, phải thám sát đất trại, địa thế chơi và có thể phác họa sơ đồ tiến trình của trò chơi lớn với các trạm, các điểm “gài” mật thư.
- Thực hiện: Khi có nội dung của mật thư theo các trạm, ta có thể thực hiện nội dung của mật thư ngay. Chọn một trong các dạng mật mã, đặt khóa rồi theo chìa khóa làm mật thư. Làm xong, ta đọc lại rồi dịch ra để dò lại xem có sai thiếu chỗ nào không.
Mật thư được thực hiện bằng nhiều cách và trên nhiều vật liệu khác nhau như: lá cây, thân cây, giấy, đất, gạch… Nhưng những vật liệu này phải đảm bảo được hình thức và nội dung của mật thư, nếu không, thời gian và thời tiết có thể làm sai lạc mật thư.
4. Giấu mật thư
Giấu mật thư cũng là một xảo thuật để gây sự hứng thú và “ấm ức” cho người chơi. Vì vậy người giấu mật thư phải lưu ý các điểm sau:
- Dấu hiệu chỉ có mật thư: để người chơi tìm mật thư ta phải luôn luôn cho dấu hiệu chỉ dẫn rõ ràng và chính xác, nhất là về khoảng cách và phương hướng của mật thư. Nếu không, có “Thánh” mới biết có mật thư mà tìm.
- Giấu mật thư: mật thư được cất giấu dưới rất nhiều hình thức và nhiều vị trí để gây sự can đảm, hoặc óc phán đoán, sáng tạo cũng như tính cách cảnh giác của người chơi, như giấu trong nồi cơm đang nấu, trên chính quần áo mà họ đang mặc, hoặc trong ổ kiến lửa…
Nhưng mật thư phải được giấu tại một vị trí cố định và phải có một ám hiệu đặc biệt hoặc rõ ràng, hoặc lu mờ để người tìm phải quan sát, phán đoán mới tìm ra, vì tìm kiếm mật thư phải dùng trí nhiều hơn dùng sức.
Ví dụ: mật thư giấu trên cây, ngoài dấu hiệu hướng dẫn khoảng cách và phương hướng, ta phải làm dấu ám hiệu đặc biệt mà người tìm phải lưu ý và tìm mật thư đâu đó chứ không nên tìm ở chỗ khác. Như ta bẻ một cành lá, hoặc tuốt hết lá của một cành, hoặc cắt đi một nửa số lá của cành bên cạnh cành có mật thư… để làm ám hiệu. Nếu không, cả một cây um tùm làm sao mà tìm và có khi cả ta nữa cũng chẳng tìm ra được mật thư mà chính ta đem giấu.
* Lưu ý về bảo quản mật thư :
Mật thư được giấu bất cứ nơi đâu, hình thức nào cũng phải được bảo quản để không được phai mờ, rách nát… và không được thất lạc vị trí…
5. Tìm mật thư
Bất cứ mật thư nào được cất giấu cũng phải có một dấu hiệu hướng dẫn. Dấu hiệu đó có thể bằng hình vẽ, có thể là một bản văn. Trước khi tìm mật thư, ta phải luôn luôn bình tĩnh và đề cao cảnh giác đọc kỹ dấu hiệu: hướng mật thư và khoảng cách mật thư, rồi chính xác theo chỉ dẫn, đứng quan sát xem vị trí đó có gì khác thường, đặc biệt không; có thể có một viên sỏi trong đám cỏ xanh, hoặc một nhúm cỏ bị cụt lá, hoặc một cây cỏ bị nhổ lên khỏi đất… Mật thư nằm đâu đó.
Nhẹ nhàng tìm kiếm cẩn thận, đừng vội vã bới tung hoặc quần nát vị trí mật thư, bởi vì mật thư không luôn luôn là tờ giấy được giấu dưới đất, nhưng có thể là những lá cỏ xếp lại trên đất mà ta đã xóa, hoặc mật thư là một lá cây khô được để khơi khơi trên mặt đất, hoặc ở trong một cái hộp giấy nằm trơ trẽn trên bãi cỏ… mà ta dại dột đã bỏ đi mất.
Ta luôn nhớ: mật thư tìm bằng trí chứ không tìm bằng sức, như thế phải luôn luôn đề cao cảnh giác, lưu ý những dấu hiệu khác thường, đặc biệt. Vì trong trò chơi lớn, tất cả được tính toán…
6. Giải mật thư
Tìm mật thư đã “oái oăm” nhưng giải mật thư còn “oái oăm” hơn. Vì thế, cầm được mật thư rồi điều ta phải tìm, phải đọc, phải hiểu trước tiên là chìa khóa.
Một điều chắc chắn là bao lâu ta chưa tìm ra được chìa khóa, thì khó mà ta mới giải được mật thư.
- Chìa khóa, thường là một biểu tượng, hoặc một câu văn ám chỉ đòi ta phải vận dụng trí phán đoán. Ví dụ: khóa có vẽ một ngọn lửa đang cháy. Thì đó là mật thư phải hơ lửa mới đọc được bản tin. Hoặc khoá: “cả đội nhảy hết xuống sông” thì đó là mật thư phải nhúng nước mới đọc được bản tin. Muôn ngàn khóa hóc búa khác buộc ta phải điên đầu để suy nghĩ…
- Khi tìm ra khóa, ta đừng khinh thường và chủ quan cho rằng bản tin dễ ợt, nhưng cẩn thận dịch mật thư ra một tờ giấy khác, đừng ghi trực tiếp lên mật thư, để khi dịch lộn hay sai, mật thư vẫn còn sạch sẽ và nguyên vẹn, ta sẽ dịch lại cho chính xác, đồng thời giữ mật thư để trình diện cùng với bản dịch khi tới trạm.
Lưu ý: các mật thư hóa học, khi giải phải đọc cho lẹ và ghi ngay vào sổ, vì các loại mật thư này khi hơ lửa, hoặc nhúng nước nó sẽ bị tác dụng hóa học, chữ hiện lên rồi biến đi ngay, trừ một số trường hợp đặc biệt.
DẤU ĐƯỜNG
Tráng sinh cần biết nhận diện và thực hiện các loại dấu đường sau:


TRÒ CHƠI SINH HOẠT
LỜI DẪN NHẬP
Đối với người lớn, chơi có thể chưa thật sự cần thiết, nhưng đối với trẻ em chơi lại là nhu cầu. Với nhà giáo dục thì chơi là một phương pháp hữu hiệu để phát triển trẻ. Chơi đối với trẻ là một cách tranh đấu, một cách dự bị tranh đấu do bản năng tạo ra để dần dần đưa chúng vào cuộc đấu tranh thật sự, lớn lao và khó khăn đó là cuộc đời. Chúng ta không cho rằng trò chơi là một trò giải trí, trò vui chốc lát cho trẻ em, chúng ta coi trò chơi là một phương tiện để giáo dục tốt và hay nhất.
ĐỊNH NGHĨA TRÒ CHƠI
Là một cuộc vận động sinh hoạt do một người hay nhiều người tổ chức cho một số người tham gia theo một quy ước có hướng dẫn, trong một thời gian, tại một nơi chốn, để đem lại ý nghĩa riêng cho mỗi người và chung cho mọi người có mặt. Theo định nghĩa này trò chơi sinh hoạt gồm cả các trò chơi, các bài hát, các vũ điệu, các tiết mục ảo thuật nhỏ, các câu đối, các băng reo….
LỢI ÍCH CỦA TRÒ CHƠI
Đem lại sinh khí
Các hoạt động tập thể phải vui tươi hào hùng, thay đổi bầu khí, tạo điều kiện thuận lợi cho các sinh hoạt.
Giúp phát triển và lợi ích cho giáo dục.
a. Phát triển
- Thân thể lớn mau, dẻo dai
- Chân tay khéo léo
- Tinh thần, tinh xảo, thính nhạy
- Khả năng, năng khiếu phát triển.
b. Lợi ích giáo dục
- Trò chơi giúp trẻ thêm thành thật, can đảm, kỷ luật, biết tự chủ, kiên nhẫn, có tinh thần lãnh đạo.
- Trong khi chơi trẻ em bộc lộ cả tính khí của nó, nhờ đó ta biết rõ từng em để có thể khuyến khích và sửa dạy chúng một cách hiệu quả.
YÊU CẦU TRÒ CHƠI
1. Yêu cầu xây dựng bầu không khí
- Xây dựng bầu không khí sống động, tươi trẻ, mọi người đều hết ngại ngùng, thụ động, căng thẳng tâm lý.
- Đem lại niềm vui cho mọi người.
2. Yêu cầu rèn luyện kỹ năng
- Rèn luyện thể lực, phản xạ nhanh nhẹn, nhạy bén, tháo vát.
- Rèn luyện trí óc: Suy luận, phán đoán phân tích, tổng hợp.
3. Yêu cầu giáo dục chiều sâu
- Về nhân bản:
- Tinh thần kỷ luật, đoàn kết, tính trung thực, quan hệ tốt đẹp với mọi người.
- Yêu mến thiên nhiên, môi trường.
- Sự chấp hành mệnh lệnh, vâng phục cấp trên, thương yêu đồng loại.
- Hướng thượng:
- Hướng về cuộc sống tâm linh.
- Tìm hiểu các lý thuyết tôn giáo.
PHÂN LOẠI TRÒ CHƠI
Ở nước ngoài, người ta chia làm hai loại trò chơi :
- Trò chơi trong phòng (in door).
- Trò chơi ngoài trời (out door).
Ở nước ta các Trưởng thường chia ra làm 5 loại trò chơi:
- Theo tính chất nội dung.
- Theo đối tượng tham gia.
- Theo tầm cỡ dàn dựng.
- Theo điều kiện không gian.
- Theo nhu cầu phục vụ.
I. Theo tính chất nội dung
1. Trò chơi phản xạ
- Phản xạ thuận (làm và nói theo khẩu lệnh).
- Phản xạ chéo (làm và nói thế này thì làm và nói thế kia).
- Phản xạ nghịch (làm và nói nghịch với khẩu lệnh).
Tốc độ mỗi lúc càng nhanh, mức độ quy ước càng lúc càng phức tạp gây rối loạn, lẫn lộn thì bị loại hoặc phạt.
Ví dụ:
- Quản trò: “Đây là cái mũi của tôi”
- Đáp: “Đây là cái tai của tôi”
2. Trò chơi lý luận
Quy ước thời gian, không gian, số câu hỏi thăm dò để đi đến kết luận theo yêu cầu.
Ví dụ: Cho một người ra khỏi vòng tròn, quây lưng lại. Vòng tròn chọn một người bí mật. Gọi người ra khỏi vòng tròn vào lại. Với 4 câu hỏi, người này phải xác định được người bí mật là ai.
3. Trò chơi vận động nhẹ
Thường là ngồi tại chỗ, có thể kết hợp một bài hát sinh hoạt đòi hỏi sự khéo léo và nhạy bén, ăn khớp với nhau về động tác.
Ví dụ: chuyền dép…
4. Trò chơi vận động mạnh
Dùng đến sức lực, sự nhanh nhẹn, quả cảm, tháo vát và cả mưu trí để đoạt được giải. Kết quả tính theo tỷ lệ số người thi đua trên hai đội hoặc bị phạt thế chỗ quản trò.
Ví dụ: Chạy tiếp sức, Banh tù…
5. Trò chơi cảm giác
Liên quan đến ngũ quan: thị, thính, vị, xúc, khứu giác bằng cách cô lập loại trừ một hay nhiều cảm giác và đưa vào trò chơi sự quan sát, lý luận, khéo léo, nhạy bén, chính xác của cảm giác còn lại (trò chơi kim).
II. Theo đối tượng tham gia
Theo độ tuổi và phái tính người tham gia.
1. Tuổi Ấu, Nhi (nam & nữ từ 5 tuổi đến 11 tuổi)
Bao gồm những trò chơi đơn giản, vận động ít, kèm múa hát. Nhằm mục đích giáo dục sự hiền hòa, nhân ái, vui tươi, chăm chỉ.
Ví dụ : Thi vẽ, chạy tìm dép, chuyền banh qua chân…
2. Tuổi Thiếu (nam & nữ từ 11 tuổi đến 15 tuổi)
- Đơn giản, nhưng đòi hỏi gắt gao.
- Vận động mạnh, nhẹ liên tục hấp dẫn.
- Rèn luyện thể lực và kỹ năng.
- Mục đích giáo dục tính thi đua, kỷ luật, trung thực, rộng lượng, vị tha.
Ví dụ: Chơi u, vượt chướng ngại, cướp cờ…
3. Tuổi Kha (nam & nữ từ 15 tuổi đến 18 tuổi)
- Phức tạp, vận động mạnh và nhiều.
- Có tính phiêu lưu, mạo hiểm, diễn ra trong phạm vi rộng, nhiều tình huống.
- Rèn luyện thể lực, ý chí, kỹ năng, sáng tạo, thích nghi.
- Mục đích tạo ý thức đồng đội, tuân phục cấp trên, sự khẳng khái, thể lực bền bỉ, dẻo dai.
Ví dụ: Trò chơi lớn, thám du, thám hiểm, khai phá, mở đường…
4. Tuổi Tráng (chung cho nam & nữ tuổi từ 18 tuổi đến 25 tuổi)
- Quy ước đơn giản, ý nhị, sâu sắc.
- Vận động nhẹ nhiều hơn mạnh.
- Rèn luyện lý luận, kỹ năng, óc tổ chức.
- Mục đích hướng thượng, vị tha, tế nhị, hài hòa.
Ví dụ: Viết kết luận ngắn, tập ứng xử trong nhiều tình huống.
5. Tuổi Trưởng (chung cho nam & nữ từ 25 tuổi trở lên)
- Đa dạng, phong phú, ý nghĩa.
- Vận động nhẹ.
- Rèn luyện chuyên môn.
- Mục đích giúp ích, ý thức bản ngã và ý thức xã hội, hướng thượng, tình huynh đệ, dân chủ, nhân quyền.
III. Theo tầm cỡ dàn dựng
1. Trò chơi nhỏ: Từ 12 đến 36 người
Ví dụ: Chuyền bạc cắc, bịt mắt bắt dê, bịt mắt đập lon.
2. Trò chơi trung: Từ 12 đến 36 người (15-60)
Thi đua theo đội trong thời gian nhất định.
Ví dụ : Thi vẽ, vá áo, tìm người mất tích.
3. Trò chơi lớn: Từ 24 đến 48 người (60-120).
Thi đua theo đội, toán
Ví dụ : Vượt sa mạc, vượt biển đỏ, cứu công chúa.
4. Trò chơi chiến dịch: Từ 100 đến 1000 người (1 tuần 1 tháng).
Gồm nhiều thành phần tham gia.
Ví dụ: Chiến dịch về đất hứa, trở về nguồn cội…
5. Trò chơi quốc gia: Mọi người, mọi giới (1 tháng 3 tháng).
Ví dụ: Thi ảnh nghệ thuật, tranh, sưu tầm tem…
6. Trò chơi quốc tế: Nhiều nước tham gia.
Ví dụ: Du khảo, liên hoan múa dân tộc, vòng tay toàn cầu, vì môi trường sống thân yêu…
IV. Theo điều kiện không gian
1. Trò chơi thong thả
Trò chơi nhẹ nhàng, thường là bài hát có cử điệu.
Ví dụ : 3 câu hỏi tìm người tôi yêu, thuyền chở, bắn tàu, nếu thì…
2. Trò chơi trong nhà
Chơi trong một không gian quy định.
Ví dụ : Chơi trong vòng tròn, thi tranh, báo tường, kể chuyện.
3. Trò chơi ngoài trời
Chơi trong một không gian rộng lớn.
Ví dụ: Đánh trận giả, săn thú rừng.
V. Theo nhu cầu phục vụ
1. Trò chơi sinh hoạt vòng tròn
Thường kèm cử điệu múa hát.
Ví dụ: Kìa nhìn xem, bên mặt tôi đây là, bạn ơi hãy làm, vỗ cái tay cho đều…
2. Trò chơi sinh hoạt thi đua
Chia đội, lấy tỉ số thắng bại.
Ví dụ : Trò chơi lớn, đường đi khó…
3. Trò chơi sinh hoạt thân hữu
Phục vụ sinh nhật, liên hoan.
Ví dụ: Giải câu đố, Đoán quà, Bong bóng yêu cầu, nếu thì…
4. Trò chơi sinh hoạt cao điểm
Dùng để mở đầu và kết thúc một buổi lễ truyền thống, có quan khách mọi lứa tuổi.
Ví dụ : Chỉ một lần trong đời, người đàn ông lịch sự nhất…
5. Trò chơi phục vụ
Mời mọi người, mọi thành phần tham dự.
Ví dụ: Đấu giá, gây quỹ xã hội, tặng quà cho người Lên Đường…
6. Trò chơi giáo dục
Dùng cho trường học, lớp giáo lý, trung tâm từ thiện. Mục đích giáo dục tính nhân bản, hướng thượng, lòng nhân ái, tình huynh đệ…
KẾT LUẬN
Trò chơi trong Phong trào Hướng Đạo không những chỉ đơn thuần để giải trí, mà nó còn là phương pháp giáo dục rất hiệu quả. Vì thế, khi ra một trò chơi người quản trò phải cân nhắc để không bị phản tác dụng giáo dục, phải làm sao để đạt được các yêu cầu của một trò chơi như phần trên đã nêu nhằm giúp người chơi có thể thăng tiến bản thân về trí dục, đức dục và thể dục.
TỔ CHỨC TRÒ CHƠI LỚN
1. Lựa chọn đề tài và xác định yêu cầu của cuộc chơi
Nêu rõ mục đích và yêu cầu của trò chơi là gì? Một buổi gắn với vấn đề học tập, một kỳ kiểm tra chuyên môn, một chương trình rèn luyện kỹ năng dã ngoại v.v…
Đặt tên cho trò chơi lớn và chọn đề tài phù hợp với yêu cầu đặt ra. Tên đề tài gắn với ngày lịch sử, với những chuyến phiêu lưu mạo hiểm, trinh thám, quân sự sẽ có nhiều kích thích đối với người chơi. Đề tài giúp cho người chơi tưởng tượng về một nhân vật nào đó mà họ sẽ nhập vai, khi vượt qua những khó khăn, những thử thách là thành tích đáng được tán dương. Đề tài tạo ra một môi trường mới, nâng đỡ hoạt động, làm cho hoạt động thêm phong phú, và hấp dẫn hơn.
Đề tài không phải là tên đặt cho nó, mà nó phải được tán nhuyễn trong mỗi trạm, trong suốt cuộc chơi.
ĐỀ TÀI LÀ SỢI CHỈ ĐỎ XUYÊN SUỐT, KẾT DÍNH CÁC TRÒ CHƠI, THỬ THÁCH CỦA CUỘC CHƠI TẠO THÀNH MỘT CHỦ ĐỀ GIÁO DỤC TƯ TƯỞNG, NHÂN CÁCH CHO NGƯỜI CHƠI. ĐÓ LÀ TÁC DỤNG TO LỚN CỦA TRÒ CHƠI.
2. Tìm hiểu đối tượng và dự tính cách biên chế các đơn vị
Số lượng tham gia là bao nhiêu? Nam? Nữ? Cách biệt như thế nào? (Ít nam, nhiều nữ?), tuổi tác, trình độ chuyên môn về các nội dung ta định đưa ra. Trình độ những nhóm tham gia: mới quen hay quen lâu, nhóm có kỷ luật, tự quản tốt với nhóm còn yếu…
- HIỂU ĐƯỢC ĐỐI TƯỢNG GIÚP TA THIẾT KẾ TRÒ CHƠI VỪA SỨC VỚI HỌ.
Tính vừa sức giúp cho người chơi tham gia một cách hào hứng, không quá khó (đánh đố) hoặc dễ dàng.
- NHIỀU TRÒ CHƠI “BỂ” VÌ NGƯỜI TỔ CHỨC ĐÃ XEM THƯỜNG VẤN ĐỀ NÀY.
- VẤN ĐỀ HÀNG ĐẦU: THIẾT KẾ TRÒ CHƠI DỰA VÀO ĐỐI TƯỢNG THAM GIA.
Tính toán cách biên chế các đơn vị, dựa vào cuộc chơi mà có thể biên chế theo các cách khác:
- Giữ theo đơn vị gốc.
- Chia lộn xộn cá nhân các đơn vị (có tính đến giới tính, trình độ, sức lực…).
- Họp các đơn vị với nhau (đối với trò chơi trạm, trò chơi có nhiều đơn vị tham gia).
- Nên có phù hiệu theo màu sắc để phân biệt các đơn vị tham gia, giúp ích cho việc kiểm soát của BTC.
- Đặt tên cho đơn vị mới tham gia.
Tùy theo yêu cầu của chủ đề mà đặt tên: có thể là tên con thú, trái cây, tên địa danh, nhân vật lịch sử… kinh nghiệm: nên kèm theo khẩu hiệu.
3. Nội dung của trò chơi
Đây là phần cốt lõi của trò chơi lớn. Thông thường trò chơi lớn chia thành các chặng đường (trạm) mà người chơi phải vượt qua. Một trạm có một trò chơi, một thử thách riêng biệt, có thể đi từ dễ đến khó. Mỗi trạm có một màu sắc riêng nhưng phải dựa vào yêu cầu chung, cái tổng thể của trò chơi lớn.
Sử dụng những trò chơi vận động, kiểm tra kiến thức qua việc hái hoa dân chủ, tìm sinh vật, cây, lá, hoa, hay là phải vượt qua khúc sông, bò qua dây khoảng cách 3m…
4. Ấn định thời gian, xem xét địa điểm
- Thời gian
- Quy định thời gian chung cuộc là bao nhiêu lâu, rồi chia ra ở các trạm, ưu tiên thời gian cho những nội dung chính (đây là cách làm thực tế hơn).
- Dựa vào nội dung chung, nội dung từng trạm với những thời gian tối thiểu để quyết định thời gian chung cuộc.
- Thời gian cụ thể:
- Bắt đầu cuộc chơi.
- Di chuyển.
- Từng trạm.
- Dịch mật thư.
- Đánh trận (nếu có).
Trò chơi lớn nên tổ chức vào buổi sáng sớm.
- Xem xét địa điểm:
Các nhà quân sự tài giỏi đều biết dựa vào đặc điểm của địa hình để định ra cách đánh. Trò chơi lớn cũng như một trận đánh, nó đòi hỏi BTC phải biết lựa chọn địa điểm phù hợp với nội dung cuộc chơi. Nếu gặp những vùng có đồi cát thì không gì hấp dẫn hơn là đánh trận chiếm đồi đối phương hoặc trinh sát tìm khu căn cứ của “địch”. Nếu trong thành phố thì phải tính đến cách di chuyển thế nào để vừa phù hợp với vấn đề an toàn giao thông vừa dạy luật đi đường…
Xem xét các địa điểm đặt trạm, đối với những trò chơi có đánh trận thì phải chú ý thêm các vấn đề sau :
- Khu dùng để “giao tranh” từ đâu đến đâu.
- Căn cứ của các phe ở vị trí nào? dấu hiệu X riêng biệt.
- Khu vực “phi quân sự” là nơi BTC đặt điểm giám sát để xử các “vụ khiếu nại”, là nơi dùng cho các chiến sĩ tử trận, nơi nghỉ ngơi của các thông tin viên.
Đường biên giới phân định hai phe, tất cả các khu vực đó đều có dấu hiệu riêng để phân biệt, có thể do mình tự làm dấu hoặc dựa vào khung cảnh, cảnh vật tự nhiên để phân định.
Vẽ toàn bộ sơ đồ của địa điểm diễn ra trò chơi lớn.
5. Di chuyển trong trò chơi lớn
Sử dụng các phương tiện đi lại: đi bộ, đi xe đạp, gắn máy…
Cần tính toán cuộc chơi sẽ đi theo những hướng nào, và đi theo mấy hướng. Chia làm hai phe đi hai hướng khác nhau hay chung một đường.
Di chuyển theo đường thẳng hoặc theo đường tròn.
Ngoài ra còn có thể di chuyển cùng một đường rồi tách ra hoặc ngược lại. Việc thiết kế cách di chuyển phụ thuộc rất nhiều vào nhân sự của BTC và số lượng người tham gia.
6. Ban chỉ huy (Ban tổ chức BTC)
Từ chỗ thiết kế trò chơi lớn mà ta tính ra số lượng người trong BTC. Hoặc ngược lại, từ số lượng BTC đang có, mà ta thiết kế trò chơi lớn (Liệu cơm gắp mắm).
- Ban chỉ huy có: Chỉ huy trưởng chịu trách nhiệm điều hành và giải quyết các tình huống, còn lại được phân công đứng trạm và làm trọng tài nếu như có đánh trận hoặc thi đua giữa các đơn vị.
- Nếu ít người ta có thể làm theo cách: Người chơi đến trạm sẽ có dấu hiệu chờ đợi, bạn sẽ ra gặp và cho thử thách. Trước khi di chuyển và qua trạm tiếp theo, bạn phát cho họ mật thư để giải. Còn bạn thì đi qua trạm kế tiếp chờ họ tới.
Muốn cho trò chơi thêm phần hào hứng BTC nên hóa trang, cải trang hoặc sử dụng người ngoài cuộc tham gia.
7. Luật chơi
Là những quy định bắt buộc của trò chơi mà người chơi phải thực hiện đúng với luật. Mỗi trạm có quy định riêng biệt các thử thách.
Thí dụ: bò qua dây, nếu đụng dây thì bị trừ bao nhiêu điểm.
Nếu sai phạm sẽ được chuyển qua thang điểm để đánh giá chung cuộc.
- Đối với trò chơi có đánh trận thì chú ý:
- Sinh mạng: Là một tờ giấy được dán vào lưng, một cái khăn, miếng vải, thân cây nhét vào lưng quần. Nếu đối phương cướp được xem như tử trận. Sinh mạng nên ít nhất là hai lần để người chơi có dịp rút kinh nghiệm.
(Mục tiêu của trò chơi là phát hiện thêm cá tính, giúp cho người chơi rèn luyện, nên cho người chơi được tham gia đến gần cuối của trò chơi).
- Cần quy định rõ cách tấn công đối phương như: không được mang gậy, không đánh người ít hơn, yếu hơn… để tránh các trường hợp xô xát nhau.
- Quy định điểm của sinh mạng của việc cướp được cờ của đối phương.
Ví dụ: sinh mạng 10 điểm, cờ 100 điểm.
Thang điểm sẽ lựa chọn phần nào chính để có số điểm cao hơn giúp cho người chơi thấy được nhiệm vụ chính yếu của mình.
8. Kế hoạch trò chơi lớn
- Tên của trò chơi lớn.
- Mục đích yêu cầu chung của trò chơi.
- Số lượng và thời gian chung.
- Nội quy và hiệu lệnh chung.
- Biên chế các đội và các vật dụng cần chuẩn bị của cá nhân và tập thể tham gia.
Thường kế hoạch trong trò chơi lớn được giữ gìn một cách bí mật cho đến khi chơi. Có những yếu tố bất ngờ trong cuộc chơi sẽ làm không khí cuộc chơi thêm hào hứng và sôi động qua đó giúp ta phát hiện thêm những bạn giỏi giang trong việc ứng xử các tình huống.
- Thông tin liên lạc dùng trong trò chơi lớn:
- Dấu đường.
- Tín hiệu Morse, Semaphore.
- Mật thư.

LỬA TRẠI
Thời tiền sử, con người sống theo từng bộ tộc nhỏ, cư trú trong các hang đá, sống bằng cách hái lượm trái cây và săn bắt thú rừng. Khi đêm đến họ nhóm lửa lên để xua đuổi tà ma quỷ quái. Bên đống lửa họ nghỉ ngơi, thư giãn, chia cho nhau những gì kiếm được trong ngày, kể chuyện, múa, hát cho nhau nghe… Sau thời kỳ đó, các nhóm dân du mục, dân da đỏ, vẫn giữ thói quen, cứ chiều tối là họ quay quần, nhóm lửa lên để liên hoan nhảy múa, để nấu nướng hoặc xét xử một vụ việc, một thành viên nào đó.
Ngày nay, trong thời đại văn minh, con người vẫn quay lại với lửa trại, đó là các nhà thám hiểm các cảnh quan thiên nhiên, tìm hiểu hệ sinh thái trên mặt đất… Mặt khác, từ đầu thế kỷ 20, gắn liền với PTHĐ các cuộc cắm trại ngoài trời đã đem lại cho các em thanh thiếu niên của Anh Quốc nói riêng và thanh thiếu niên toàn thế giới nói chung những sự say mê của phương pháp giáo dục HĐ, trong đó lửa trại là một trong những hoạt động gây ấn tượng nhất.
Lửa trại là một hình thức vui chơi giải trí lành mạnh, nhắm tới giáo dục & huấn luyện ngay trong lúc vui chơi vô tư và nghỉ ngơi thư giãn, nhằm:
- Thắt chặt thêm tinh thần đoàn kết, thân ái giữa các trại sinh.
- Giáo dục tính thẩm mỹ, giáo dục tư tưởng, tình cảm qua các tiết mục trình diễn.
- Rèn luyện tính khí cho trại sinh.
- Tạo sự thư giãn thoải mái sau một ngày hoạt động.
- Hướng thượng cho trại sinh.
Tùy thuộc vào sự phát triển tâm sinh lý của từng lứa tuổi mà mà lửa trại trong sinh hoạt của PTHĐ được thể hiện cho phù hợp như :
- Hải ly vui dưới trăng
- Hoa Đỏ của ngành Ấu
- Lửa trại của ngành Thiếu & ngành Kha
- Lửa tâm tình của ngành Kha
- Lửa dặm đường của ngành Tráng
- Lửa tiễn biệt của ngành tráng
- Lửa tâm giao của Trưởng Niên
Khi có một Huynh trưởng lìa rừng, ACE HĐS sẽ trở về vào đêm trước khi động quan để viếng và tiễn người anh em của mình về với BP. Trong lửa tiễn biệt, mọi người chia sẻ về những tiếc thương, về những kỷ niệm buồn vui của mình với trưởng mới lìa rừng, gợi nhớ lại những điểm son của người đã khuất đã cống hiến thế nào cho gia đình, cho PTHĐ và cho xã hội nhằm mục đích giáo dục các thành viên còn lại đang phục vụ trong PTHĐ. Lửa tiễn biệt vừa là nghi thức vừa là một tập tục đặc thù của ngành Tráng với bầu khí vừa trang nghiêm vừa chân tình và đậm thắm trong tình huynh đệ HĐ, nó để lại trong cuộc đời người HĐS những kỷ niệm buồn vui khó quên và một quyết tâm vững vàng trong việc gầy dựng phong trào ngày mai.
(Ở lứa tuổi Nhi, để bảo đảm an toàn, các em không được dùng lửa, nên khi cùng nhau quây quần vui chơi ban đêm tương tự như lửa trại ở các ngành khác. Các Nhi Trưởng sẽ dùng một nguồn ánh sáng an toàn khác thay cho việc đốt lửa, và hoạt động này được gọi là Hải ly vui dưới trăng).
CÁC LOẠI LỬA TRẠI
Thường trại 12 giờ thì không có lửa trại, trại 24 giờ có thể tổ chức lửa trại. Một cuộc trại dài ngày có thể tổ chức nhiều đêm lửa trại và có nhiều hình thức lửa trại.
Lửa trại khai mạc
Tùy vào mục đích, nếu để khai mạc một hội trại lớn thì đêm lửa trại được tổ chức rất công phu kéo dài từ 1 giờ 30 phút đến 2 giờ, nếu ở trại trường, để các đơn vị làm quen với nhau lần đầu, lửa trại khai mạc mang tính “làm quen” nên được tổ chức nhẹ nhàng, kéo dài từ 45 phút đến 1 giờ.
Lửa trại bế mạc
Nội dung được chuẩn bị chu đáo, gồm nhiều thể loại, nói lên thành quả tốt đẹp của kỳ trại và làm cho mọi trại sinh bày tỏ được sự quyến luyến lẫn nhau trước khi chia tay ra về.
Lửa trại tự do & theo chủ đề
Tùy thuộc mục đích giáo dục mà chủ đề trại được đặt ra và tất cả các đơn vị tham dự chuẩn bị tiết mục theo nội dung này, hoặc để giao lưu chung chung thì không cần theo chủ đề nào cả.
Lửa trại bên đường
Lửa trại của những trại bay, được tổ chức đơn giản, không có quản trò, quản lửa, quản ca. Mọi người ngồi quanh đống lửa kể chuyện, tâm tình, hát, đọc thơ cho nhau nghe. Mục đích thư giãn, chia sẻ, suy tư sâu lắng.
Lửa trại kỷ niệm
Tùy mục đích kỷ niệm mà có nội dung và tầm vóc cho phù hợp.
Lửa trại tuyên truyền
Tùy mục đích như xóa nạn mù chữ, bài trừ tệ nạn xã hội… mà có nội dung cho thích hợp. Loại lửa trại này thường tổ chức nơi đông người, là một hình thức tập hợp quần chúng, không còn giữ được tính chất của lửa trại truyền thống.
TỔ CHỨC MỘT ĐÊM LỬA TRẠI
Thời gian
Sau bữa cơm chiều một vài giờ, khi trời đã tối hẳn, không nên để muộn quá, sao cho đêm lửa trại kết thúc trước 10 giờ hoặc 11 giờ, không nên trễ quá sẽ làm cho trại sinh mệt mỏi ảnh hưởng đến công việc ngày hôm sau.
Địa điểm
Thường nằm ở vị trí trung tâm của trại, rộng hay hẹp tùy thuộc lượng trại sinh, ít người đất rộng quá hay sát biển sẽ bị loãng, đông quá mà đất trại hẹp sẽ khó chơi. Chọn được chỗ lòng chảo nhưng khô ráo thì tốt và không sát bụi bờ cây cối quá. Hướng gió thổi không được có cây cối dễ bắt lửa.
Vị trí ngồi xem
Nếu đống lửa ở giữa thì các đơn vị ngồi thành vòng tròn xung quanh và sân khấu là khoảng giữa đống lửa và trại sinh. Nhưng hay nhất vẫn là ngồi hẳn một phía, cách này thuận tiện cho các quan khách, Huynh trưởng, và trại sinh thưởng thức tiết mục, nhất là tránh được khói và tàn lửa theo hướng gió tạt vào.
BAN TỔ CHỨC LỬA TRẠI
Ở lửa trại tổ chức chu đáo thường có một Đội phụ trách tổ chức lửa trại gồm: một Trưởng đội tổ chức lửa trại, và 3 bộ phận phục vụ cho đêm lửa trại: Quản trò, Quản lửa và Quản ca, mỗi bộ phận có thể có 1 hay nhiều người phụ trách tùy vào tầm vóc của đêm lửa trại, nếu có nhiều người thì có một người phụ trách chính còn lại là các phụ tá.
– Quản trò: Có thể nói quản trò là linh hồn của đêm lửa trại. Ta có thể ví von: quản trò là ngọn lửa tách ra từ đống lửa trại, chạy đến với mọi thành viên tham dự lửa trại để thắp lên ngọn lửa nhiệt thành trong tim họ. Quản trò phải là người có năng lực thật sự và có trách nhiệm cao trong công việc. Trước khi tổ chức lửa trại, quản trò liên lạc với các đơn vị tham dự để nắm các tiết mục, quản trò có thể gợi ý, giúp ý kiến, hướng dẫn thêm cho các đơn vị chuẩn bị tiết mục, thường quản trò sắp xếp chương trình biểu diễn trước lúc khai mạc 2 giờ, sau đó họp bàn bạc với người phụ trách quản lửa và quản ca để phối hợp làm tăng hiệu quả của tiết mục biểu diễn. Một điều đáng nhớ là phải tham khảo ý kiến Ban Quản trại về chương trình đêm lửa trại.
Quản trò là người :
- Biết các bài hát và các tiếng reo mà nhiều trại sinh thuộc.
- Lanh lợi, tháo vát, dí dỏm nhưng không phải một anh hề.
- Nắm bắt được diễn biến tâm lý trại sinh để có những sáng tạo dí dỏm, mang tính giáo dục.
- Điều quan trọng là quản trò phải biết “chữa cháy” cho chương trình biểu diễn. Biết lấp những khoảng trống bất ngờ ngoài dự kiến, phải biết cắt các tiết mục quá dài gây nhàm chán, hay các màn diễn quá lố phản giáo dục. Muốn thực hiện được điều này anh quản trò phải thật tế nhị, nhanh trí và có nhiều “tài vặt”.
- Biết hóa trang để tạo sự tập trung chú ý, lời giới thiệu phải ngắn gọn súc tích nhưng không cứng ngắc.
Mặt khác, y phục của quản trò cũng hơi dị biệt, “lạ lùng” nhưng không quá lố lăng.
Tóm lại, ta phải xem quản trò là một nghệ sĩ thực sự, với chất liệu là các tiết mục do từng đơn vị góp lại, anh sẽ dàn dựng thành một tác phẩm với những nét chấm phá đầy màu sắc, gây ấn tượng, vui nhộn và sâu sắc.
– Quản lửa: Chuẩn bị các loại củi cho đêm lửa trại (củi mồi, củi vừa, củi to giữ lửa), chọn các hình thức xếp củi sao cho hiệu quả, chọn cách châm lửa tạo ấn tượng trong trại sinh (chuột lửa, góp lửa bốn phương, mồi điện…). Chuẩn bị hóa chất dụng cụ để làm thay đổi màu sắc, tính chất minh họa cho tiết mục:
– Khói: cỏ, lá tươi.
– Sáng rực: rơm, giấy cắt nhỏ, dầu hôi.
– Lửa đỏ: bột màu đen.
– Lửa xanh lục: bột Sulfate de cuivre.
– Lửa vàng: muối hột, hay nhựa.
– Lửa xanh lơ: bột Zinc.
Một điều không được quên là quản lửa phải luôn luôn có ý thức bảo vệ môi sinh, không để khói nóng làm chết các tầng cây trên đống lửa, không để cháy cỏ trên mặt đất (xúc từng khoanh cỏ mang ra nơi khác cất giữ, xong lửa trại trồng lại như cũ), tạo một khoảng an toàn có đường kính 3 mét để đốt lửa, chuẩn bị dụng cụ chữa cháy: nước, cát, xẻng… phòng cháy rừng.
– Quản ca: Người trợ lực cho quản trò, bắt các bài ca, băng reo vào lúc thích hợp mục đích :
– Khen thưởng các tiết mục.
– Tăng thêm sự hào hứng cho tiết mục.
– Thay đổi không khí, giảm căng thẳng, mệt mỏi.
Quản ca góp phần đắc lực vào việc lấp các khoảng trống giữa hai tiết mục. Khác quản trò, quản ca ít xuất hiện trong vòng tròn lửa trại mà thường ngồi lẫn với các trại sinh.
Tóm lại, tất cả các thành viên trong đội phụ trách lửa trại, phải nắm được nhiệm vụ của mình và danh sách, trình tự biểu diễn các tiết mục trong đêm lửa trại để có thể phối hợp, hỗ trợ nhuần nhuyễn cho nhau nhằm tạo hiệu quả cao nhất cho đêm lửa trại.
DIỄN TIẾN CỦA ĐÊM LỬA TRẠI
Hò lửa
Sau khi chuẩn bị xong xuôi, Đội Trưởng đội phụ trách lửa trại hay Qu£n lía có giọng khỏe cầm đuốc đứng giữa, các thành viên khác đứng xung quanh thành vòng tròn với cây đuốc đang cháy trên tay.
Quản lửa: Ơ… này anh em ơi!
Trại sinh: (ƠI !!!)
Quản lửa: Lại đây cùng nhóm lửa hồng. Đền bù những lúc đêm khuya. Sương rơi mênh mang, lòng người chập chùng.
Trại sinh: (Sương rơi mênh mang, lòng người chập chùng)
Quản lửa: Ơ… này anh em ơi!
Trại sinh: (ƠI !!!)
Quản lửa: Lại đây cùng nhau quây quần. Nào đoàn ta ca. Ca trong đêm khuya, lửa hồng bập bùng.
Trại sinh: (Ca trong đêm khuya, lửa hồng bập bùng).
Gọi Đoàn sinh
Đội phụ trách lửa trại cùng hát :
“Ta đốt to cho bừng lên sáng, đốt to cho bừng lên sáng, đốt to cho bừng lên sáng, sáng lên. Mau các anh em cùng nhau đến, chóng nhanh lên Đoàn sinh nhé, chóng nhanh không thôi các anh chờ ta.”
Đội Trưởng nói lớn và cả đội cùng lập lại :
“Mời Thiếu Đoàn…đến dự lửa trại”
Khi nghe mời trúng tên đơn vị nào thì đơn vị ấy cùng “A.A.A !!!” và chạy ra nhập vào vòng tròn lửa trại.
Sau đó tất cả cùng hát lại bài gọi Đoàn sinh:
“Ta đốt to cho bừng lên sáng,…”
“Mời Kha đoàn… đến dự lửa trại”
Chú ý:
* Nếu có ít thành viên tham dự (một vài đơn vị) hoặc có micro, sau khi quản lửa mời một mình, tất cả vòng tròn cùng nhắc lại: “Xin mời” chứ không cần nhắc lại nguyên câu mời của quản lửa như phần trên.
* Khi mời các đơn vị, ban quản lửa đứng yên cho trang trọng. Nhưng khi hát Ta đốt to… cả vòng tròn di chuyển ngược chiều kim đồng hồ, để vòng tròn giãn rộng một cách tự nhiên và đơn vị được mời vào có chỗ dễ dàng tập kết vào vòng tròn mà không làm rối loạn các đơn vị đang có mặt.
Mời Trưởng & quan khách
Sau khi tất cả trại sinh đều có mặt xếp thành vòng tròn xung quanh đống củi lửa trại, Đội trưởng đội phụ trách lửa trại bước ra mời Trại trưởng và quan khách vào tham dự lửa trại.
Châm lửa khai mạc
Trại trưởng sẽ châm lửa một mình hay cùng châm với một vài vị khách quan trọng (tùy theo hình thức châm lửa do quản lửa chuẩn bị như: châm chuột lửa, châm điện, bắn tên lửa…) mà ngọn lửa trại sẽ được đốt lên. Sau khi đống củi cháy phừng lên, Trại trưởng sẽ nói lời khai mạc cùng giới thiệu một vài vị khách Danh dự. Ban tổ chức lửa trại cũng có thể được giới thiệu trong lúc này.
Nhảy lửa
Tất cả trại sinh xếp thành một vòng tròn (có thể làm nhiều vòng đồng tâm nếu lượng trại sinh đông). Tay chống lên hông, mắt hướng về đống lửa, bắt đầu nhảy lửa.
“Anh em ta mau cố chất cây khô vào đây đốt chung. Đêm khuya nghe tiếng tí tách cây khô nổ vang giữa rừng. Giang tay nhau đứng vòng quanh lửa hồng. Trông khói xanh gió đưa bốc cao. Cùng cầm tay hát vang lừng, ta chúc lửa thiêng sáng tươi xua tan bóng đêm. Anh em ta đùa vui hăng hái. Hát cho đời vui vui thật vui.”
Bài ca nhảy lửa sẽ được hát 2 lần và mọi thành viên tham dự sẽ nhảy 2 lần.
Chương trình biểu diễn
Dưới tài nghệ của quản trò, chương trình được sắp xếp một cách hợp lý, mọi trại sinh đều tham gia tích cực, tạo không khí vui vẻ, thân ái, thư giãn nhưng vẫn mang tính giáo dục và rèn luyện. Chương trình biểu diễn thành công hay thất bại gần như tùy thuộc vào tài năng của người quản trò.
Giờ tinh thần
Sau tiết mục cuối cùng, quản lửa làm cho lửa không cháy ngọn nữa mà chỉ còn than hồng, quản trò mời mọi trại sinh đứng thành vòng tròn sát vai nhau và im lặng. Một vị Cố vấn Giáo hạnh, một Tuyên úy hay một Trưởng được phân công phụ trách về giờ tinh thần nói “Câu chuyện tàn lửa” nhằm mục đích hướng thượng trại sinh.
Bế mạc
Sau phần dặn dò cuối ngày của trại Trưởng hay Trưởng trực v.v… (nếu cần). Quản ca bắt bài tàn lửa.
“Đêm đã dần buông xuống chúng ta cùng quây quần, lửa hồng soi sáng. Đêm đã dần dần buông xuống chúng ta cùng quây quần, lửa hồng soi lòng.”
Trại sinh lặng lẽ trở về lều, miệng vẫn ca nho nhỏ bài tàn lửa cho đến khi về đến lều của mình, sau đó lặng yên giây lát cho tâm hồn mình lắng đọng, suy tư, và để hòa quyện vào sự bao la tinh khiết của đêm rừng vô tận…
Thường, để khỏi gây ồn ào làm mất đi vẻ tĩnh mịch của màn đêm, tất cả trại sinh không về lều cùng một lúc. Các đơn vị tuần tự rời chỗ chơi lửa trại theo thứ tự: ngành Nhi và Ấu trước, rồi đến ngành Thiếu, Kha. Riêng Tráng sinh và các Trưởng sẽ đứng lại hát tiếp cho đến khi các em về đến lều mới ngưng và im lặng trở về lều của mình.
Ghi chú:
- Không nên dùng sân cờ làm nơi đốt lửa trại vì sân cờ cần được giữ sạch, đẹp, trang nghiêm.
- Nếu sân để đốt lửa trại là sân cỏ, quản lửa xén một vòng tròn cỏ có đường kính 2 3 mét đem cất (nhớ tưới nước cẩn thận). Khi không còn tổ chức lửa trại nữa, ta lại lấp phần cỏ này lại để trả lại hiện trạng ban đầu cho sân cỏ.
- Ưu tiên chọn các tiết mục tập thể (tiết mục có nhiều người tham gia). Các tiết mục do cá nhân trình bày phải là các tiết mục đặc sắc và chỉ được chiếm 1/3 tổng số tiết mục trong đêm lửa trại.
- Các tiết mục đều do các đơn vị tự biên tự diễn có nội dung tốt. Kiên quyết gạt bỏ những tiết mục lố lăng kệch cỡm phi văn hóa.
- Kịch lửa trại phải là những vở ngắn, hàm súc, ít lời thoại và nhiều động tác phù hợp với hoàn cảnh tâm lý các trại sinh.
- Thường các tiết mục kịch phản ánh các tệ nạn xã hội, các em thường khai thác quá nhiều hành vi, tính cách của vai phản diện, vai chính diện không có gì nổi bật lắm, có thể gây tác dụng ngược: các em bắt chước hành vi vai phản diện làm mất đi tính giáo dục của tiết mục.
- Cách hóa trang nên đơn giản, mang tính ước lệ để khỏi mất thời giờ chờ đợi diễn viên ra trình diễn.
- Các tiết mục hay nên xếp vào lúc kết thúc, cần xen kẽ các tiết mục động với tĩnh, xen kẽ giữa các đơn vị. Làm sao cho bầu khí tăng dần đến lúc kết thúc.
- Cuối cùng chương trình cần được giữ kín để tạo bất ngờ. Quản trò cần biết phân phối hợp lý các tiết mục nếu là trại dài ngày có nhiều đêm lửa trại.
- Sau khi hát bài tàn lửa, để tránh gây tiếng động trong toàn trại, nên chúng ta không thổi còi tập họp nếu không có chuyện gì cấp bách.

XẾP CỦI LỬA TRẠI
Xếp củi lửa trại là công việc không khó, nhưng nó cần có chút ít kinh nghiệm (thực hành vài lần qua các kỳ trại) thì ta mới thực hiện tốt được. Củi phải được xếp từ chiều, lúc trời còn sáng để có đủ thời giờ hoàn tất và cốt cho các trại sinh trông thấy hầu kích thích sự nô nức và trông chờ nơi họ.
VỊ TRÍ
Tùy thuộc vào vị trí của của các trại sinh tham dự, nếu ngồi vòng tròn thì đống củi được xếp ở giữa, nếu ngồi vòng cung thì đống củi sẽ được xếp ở chỗ mở của vòng cung phía cuối gió.
CHỌN CỦI
Tùy theo hình thức lửa trại, thời gian ngắn hay dài mà phải chuẩn bị củi cho đầy đủ. Củi phải khô để dễ bắt cháy, nếu còn tươi hay bị ướt thì sẽ ra nhiều khói, nếu củi mục thì lửa chóng tàn. Lửa trại mà đống củi không cháy, không bốc cao bừng sáng thì hiệu quả của buổi sinh hoạt sẽ giảm rất nhiều.
Củi phải có đủ loại:
- Củi nhỏ, cành khô: đường kính từ 12cm, dài từ 3 đến 7 tấc dùng để mồi và làm cho lửa cháy bùng lên khi màn trình diễn cần nhiều ánh sáng.
- Củi vừa: đường kính từ 4 đến 6cm, dài từ 0,5 đến 1m dùng để dễ cháy và làm cho ngọn lửa bốc cao.
- Củi lớn: đường kính trên 10cm, dài từ 0,6 đến 1,2m dùng để giữ lửa lâu tàn, khi tàn rồi còn than lại đủ dùng cho Lửa Tĩnh tâm.
HÌNH DÁNG ĐỐNG CỦI
Có rất nhiều cách xếp củi cho lửa trại, nhưng thông thường người ta dùng 3 kiểu xếp củi: Hình nón, hình lục lăng, hình tháp… Một đống củi lửa trại gồm các phần sau:
- Vật mồi lửa: được đặt dưới cùng và giữa đống lửa hay trên cùng của đống lửa theo kiểu Trại trường của Philippine. Thường là một miếng vải có tẩm chất cháy, hay một nùi chất dễ bắt lửa như cỏ tranh, lá dừa khô, tre khô chẻ nhỏ v.v…
- Củi dẫn lửa: là những cành khô, que củi nhỏ được xếp hình tháp hay vuông bao quanh vật mồi lửa để tạo một ngọn lửa lớn hơn đủ cháy các cây củi khác chung quanh.
- Củi lớn giữ lửa: là những cây củi vừa và lớn được xếp thành hình dáng đống lửa mà ta nhìn thấy.
- Cửa để châm lửa: nếu là đống củi hình chóp nón thì ta mở ra một khe để có thể châm lửa vào đúng vật mồi lửa, nếu đống củi xếp hình tháp thì không cần làm cửa châm lửa vì có thể châm qua khe trống giữa các thanh củi. Cửa để châm lửa phải hướng về phía gió thổi để lửa dễ bùng cháy hơn.
- Củi dự trữ: là củi châm thêm trong quá trình đốt lửa, thường được xếp thành vòng tròn chung quanh đống củi lửa trại, cách chân các cây củi đang đốt từ 12m tùy đống lửa trại to hay nhỏ với mục đích:
=> Tiện lấy củi châm vào đống lửa.
=> Hong cho các cây củi chưa thật khô trở nên khô hơn.
=> Tạo vòng tròn giới hạn để các trại sinh trong lúc chơi trò chơi không té vào đống lửa trại.
CÁC ĐIỀU HAY GẶP KHI ĐỐT LỬA TRẠI
- Bệnh “tắt ngụp”: lửa mới châm lên cháy rất dữ sau đó tắt ngụp làm quản lửa phải lăn xăng tưới dầu liên tục làm giảm khí thế lúc khai mạc. Do các củi dẫn lửa quá ít không đủ sức làm cháy các cây củi to hoặc vật mồi cháy không đủ lâu.
- Bệnh rỗng ruột: do đống củi bị rỗng ruột, cháy một hồi đổ sụp xuống làm lửa không còn cháy sáng nữa, cho nên quản lửa phải quan sát để bổ sung củi cho kịp lúc.
- Bệnh ngộp khói: giữa các thanh củi cần có một khoảng trống để oxy trong không khí dễ len vào tạo cho lửa cháy to. Một số quản lửa thiếu kinh nghiệm châm quá nhiều củi mới vào đống lửa, làm thiếu khoảng trống trao đổi khí giữa các thanh củi làm lửa không cháy to mà chỉ lên khói.
THỰC HÀNH
- Xếp một đống củi lửa trại hình kim tự tháp.
- Xếp một đống củi lửa trại hình chóp nón.
- Xếp một đống củi lửa trại hình lục lăng.
Chú ý :
- Nếu đống củi lửa trại hình tháp thì đống củi dẫn lửa bên trong nên xếp thành hình khối vuông để các cây củi lớn có thể tỳ lên khối này mà đứng vững, còn các vật mồi lửa được bỏ bên trong lòng khối này.
- Nếu đống củi lửa trại hình kim tự tháp hay hình lục lăng thì đống củi dẫn lửa bên trong nên xếp hình chóp nón, còn vật mồi lửa được để bên trong.
- Ở trại trường Philippine người ta xếp củi hình tháp vuông khoảng từ 6 đến 10 lớp, các thanh củi được xếp sát nhau, cạnh đáy tháp chỉ khoảng 40-60cm. Ở lớp trên cùng, củi được xếp hình chóp nón để có khoảng trống đốt lửa. Khi đốt, củi sẽ cháy từ lớp trên và lan dần xuống lớp dưới, nên thời gian cháy rất lâu khoảng vài giờ mà không cần phải châm thêm củi.
KẾT LUẬN
Đốt một đống củi cho nó cháy là chuyện dễ, nhưng làm cho đống củi lửa trại cháy theo ý quản lửa thì quả là không dễ, đó là nghệ thuật của các quản lửa điêu luyện. Cách cháy của ngọn lửa trong đêm lửa trại có thể minh họa cho tiết mục, làm cho tiết mục lửa trại hay và xúc tích hơn, đây là công việc thầm lặng không được các trại sinh vỗ tay như các tiết mục biểu diễn, nhưng nó góp phần cho sự thành công của đêm lửa trại.

XẾP CỦI LỬA TRẠI

Đội hình lửa trại khi có quan khách và khán giả
CHUỘT LỬA
I. ĐỊNH NGHĨA
Chuột lửa là vật mang lửa từ một nơi nào đó chung quanh đống lửa trại đến mồi cho đống lửa cháy bùng lên. Thường là trên cao như từ ngọn cây, bảng lửa chạy xuống đống lửa trại.
II. LÀM CHUỘT LỬA
1. Chuột lửa
Chuột lửa thường là một ống hình trụ tròn làm bằng kim loại rỗng ruột, có trọng lượng khoảng 50gr đến 100gr được quấn gòn hay vải chung quanh để tẩm chất cháy. Chui qua lòng chuột lửa là dây dẫn chuột lửa. Đôi khi chuột lửa có thể được làm đơn giản hơn bằng cách quấn một cuộn bông hay vải tròn, phía trên cục vải này có gắn một vòng kẽm tròn để treo chuột vào dây dẫn lửa.
2. Dây dẫn chuột lửa
Được treo trên cao từ bên ngoài đống lửa, gồm hai đầu:
- Đầu cao: được gắn từ một điểm cao ngoài đống lửa như ngọn cây, vách núi hay từ bảng lửa.
- Đầu thấp: được gắn vào đống lửa ở vị trí mồi lửa.
- Chuột lửa được xuyên qua bởi dây dẫn lửa để định đường di chuyển của chuột lửa từ nơi cao bên ngoài vào đống lửa.
- Chuột lửa có thể được mồi cháy bằng cách đốt trực tiếp hay bằng một chuột lửa khác từ dưới đất chạy lên. Trường hợp này chuột lửa thứ nhất sẽ được bắn lên bằng lực kéo của một sợi dây thun (tự động kéo khi đốt) hay kéo bằng tay qua một sợi dây kéo.
* Chú ý :
- Chuột lửa sẽ được neo vào vị trí trên cao bằng một dây vải tẩm chất cháy, khi bị đốt dây vải sẽ bị đứt, chuột lửa được giải phóng sẽ theo trọng lực tuột nhanh xuống đống lửa.
- Nếu có hai chuột lửa (1: từ dưới đất lên và 2: từ trên cao xuống), thì chuột lửa 1 phải được gắn thêm một thanh nhọn hoặc một cái móc để có thể bám dính vào vị trí chuột 2 khi bắn lên mà không bị rơi lại xuống do trọng lực.
- Có thể làm chuột hỏa tiễn bằng cách nhồi chất cháy mạnh như thuốc súng, diêm sinh vào lòng chuột để chuột lóe sáng và di chuyển nhanh tạo cảm giác mạnh mẽ hơn.
- Mồi lửa điện: một mồi lửa bằng điện được đặt ở vị trí trung tâm, khi bấm nút sẽ nẹt lửa làm cháy vật mồi lửa. Khi bắn tên hay thần lửa “hóa phép” quản lửa sẽ bấm nút điện để khai hỏa mồi lửa. Phương pháp này tạo hiệu ứng rất mạnh nhưng hay gặp sự cố về kỹ thuật, nên cần cân nhắc khi sử dụng.
III. KẾT LUẬN
Làm chuột lửa rất đơn giản, nhưng để có một con chuột lửa cháy phừng phừng và chạy suôn sẻ xuống đống lửa là điều không dễ dàng lắm. Rất nhiều bạn đã bao lần muốn “chui xuống đất” vì mắc cỡ khi con chuột lửa nó không “vâng theo ý mình”. Vì thế, khi làm chuột lửa, nên dợt thử trước vài lần để rút kinh nghiệm rồi hãy đem ra trình diễn trước bàn dân thiên hạ, chúc các bạn thành công.

BẢNG LỬA
I. ĐỊNH NGHĨA
Bảng lửa là một khung có hình chữ nhật, vuông hay tròn dùng làm giá đỡ các chữ hay biểu tượng mà ta muốn tạo ra hình dạng này khi đốt cháy chúng.
II. THỰC HIỆN
1. Làm giá đỡ
Giá đỡ có thể được làm bằng tre, gỗ hay các vật liệu khác như ống nhôm, thanh sắt v.v… Hình dáng giá đỡ tùy thuộc vào biểu tượng mà ta sẽ đốt để tạo hình dáng ngọn lửa cho đẹp mắt. Thông thường giá đỡ có hình chữ nhật mà chiều dài, dài gấp nhiều lần chiều rộng để tiện việc gắn biểu tượng hay chữ lên đó.
2. Làm biểu tượng
Thường biểu tượng là logo của trại hay các khẩu hiệu, châm ngôn, lời chúc như :
XUÂN 2005, HOA NHÂN ÁI, KẾT THÂN, ĐẠO ÂU LẠC v.v…
* Thực hiện:
– Dùng kẽm lớn đường kính trên 1mm nắn thành các hình dạng hay chữ mà ta muốn lửa cháy theo hình dạng này. Cắt gòn thành những sợi băng dài có chiều ngang khoảng 2cm đến 3cm, dày khoảng từ 2mm đến 5mm.
– Quấn các băng này lên các chữ hay biểu tượng mà ta mới tạo dáng xong.
– Gắn các biểu tượng này lên bảng lửa mà ta mới làm ở trên, tùy theo nội dung mà sắp xếp trình tự cho hợp lý nhất.
– Tẩm chất cháy lên biểu tượng.
– Gắn bảng lửa lên vị trí sẽ đốt.
* Chú ý :
1. Chất cháy tẩm lên biểu tượng phải là chất lâu khô (lâu bay hơi để khi treo nhiều giờ chúng không bị khô), chất này khi đốt cũng dễ bắt lửa và cháy lâu, cho hình ảnh rõ nét. Thường chúng tôi dùng loại dầu hôi pha nhớt cũ với tỉ lệ 1:1 nếu để trong vòng 1 giờ hay tỉ lệ 1:3 nếu để nhiều giờ mới đốt.
2. Nếu là bảng lửa dùng cho lửa trại thì con chuột lửa sẽ được gắn luôn lên bảng lửa.
3. Tùy theo sức gió mà độ lớn các sợi dùng tạo dáng chữ hay logo sẽ khác nhau: ở các bãi biển gió mạnh độ lớn khoảng bằng ngón tay cái người nam trưởng thành (đường kính # 1,5cm), nơi không gió độ lớn bằng ngón tay út (đường kính # 1cm).
4. Nhớ quấn gòn thật chặt tay để chữ hay biểu tượng không bị sút ra khi di chuyển.
5. Các chữ hay logo phải có chiều cao trên 40cm và chiều ngang trên 20cm để khi cháy các ngọn lửa sẽ không chồng lên nhau làm hình ảnh chữ bị nhòe đi.
6. Có thể gắn pháo bông lên bảng lửa để tăng sự hấp dẫn.
III. KẾT LUẬN
Làm một bảng lửa đẹp và đốt cháy thành công sẽ tạo một ấn tượng đẹp khó phai trong lòng những người được chứng kiến nó. Phải xem đây là một nghệ thuật, một nghệ thuật thật sống động huyền ảo, tạo ra thêm một kỉ niệm đẹp trong số biết bao kỷ niệm đẹp của cuộc đời Hướng Đạo Sinh chúng ta.

ĐÀI LỬA
I. ĐỊNH NGHĨA
Ở những nơi đồng trống, không có một vị trí cao nào để cố định đầu cao của dây dẫn lửa, thì ta sẽ làm một giàn giáo để gắn bảng lửa và chuột lửa. Giàn giáo này gọi là đài lửa. Đôi khi vì muốn đẹp và trang trọng người ta cũng làm đài lửa chứ không treo chuột lửa lên cây.
II. THỰC HIỆN
1. Có điểm tì
Nếu có một điểm tì như cành ngang một thân cây hoặc một bức tường, thì đài lửa có thể làm đơn giản như dùng hai cây thang tre nối lại với nhau, hoặc làm một khung chữ nhật là đủ.
2. Nếu không có điểm tì
Như ở nơi đồng trống, muốn gắn bảng lửa cho vững. Ta phải làm một đài lửa hình khối dạng trụ, khối vuông hay hình tháp, để gắn bảng lửa và chuột lửa.
* Chú ý :
1. Tùy thuộc số lượng người tham dự lửa trại mà làm chiều cao của đài lửa cho tương xứng. Chiều cao từ vị trí chuột lửa xuống mặt đất bằng bán kính vòng tròn trại sinh nhảy lửa cộng thêm 2 đến 3 mét. Nếu thấp quá khi nhảy lửa trại sinh sẽ bị vướng dây dẫn chuột lửa, kéo ngã đài lửa vào vòng tròn sinh hoạt rất nguy hiểm.
2. Tốt nhất là có một quản lửa cắt dây dẫn lửa sau khi đống củi đã cháy trước khi nhảy lửa. Nhớ cẩn thận cắt ở đầu nối vào đống lửa, rồi cuộn dần ra ngoài vòng tròn để dây không vướng vào các thành viên tham gia lửa trại.
3. Thường đài lửa được làm sẵn, trước khai mạc lửa trại một vài giờ mới tẩm dầu và dựng lên.
III. KẾT LUẬN
Châm lửa trại bằng một đài lửa có gắn chuột lửa và bảng lửa trong đêm rừng tĩnh mịch sẽ tạo một cảm giác mạnh cho tất cả các thành viên tham dự trại. Bỏ nhiều công sức thực hiện lúc ban ngày, đêm đến các em sẽ có dịp chiêm ngưỡng thành quả lao động của mình, thật không có gì sung sướng và hãnh diện bằng. Rồi mai, hành trang trên bước đường Hướng Đạo của các em lại ghi thêm một kỷ niệm đẹp, khó quên dưới mái lều HĐ.


LỬA DẶM ĐƯỜNG
I. NGUỒN GỐC
Ngày xưa, ở các bộ tộc có cuộc sống du mục hay các đoàn lữ hành trong sa mạc. Khi chiều đến lúc mặt trời tắt nắng, họ quây quần bên đống lửa sưởi ấm, chia sẻ thức ăn cho nhau, kiểm điểm lại công việc trong ngày, giúp đỡ nhau những kinh nghiệm để ngày mai họ tiếp tục công việc với một tinh thần tốt hơn và với một phương pháp làm việc tốt hơn. Và những tinh túy này được áp dụng trong PTHĐ bằng lửa dặm đường của ngành Tráng.
II. NGUYÊN TẮC
- Lửa dặm đường phải có tinh thần của một trò chơi.
- Phong cách thoải mái, thư giãn, ít gò bó và tự nguyện.
- Mọi người phải tích cực, tránh thụ động. Nhưng không cố chứng minh mình đúng, người khác sai. Ở lứa tuổi trưởng thành mọi người sẽ tự biết thu nhặt những điều mình cần.
III. TÍNH CHẤT
- Ngưng nghỉ: Thoải mái, thư giãn nhằm phục hồi lại tinh thần và thể chất để chuẩn bị cho cuộc hành trình sắp tới (không bắt mọi người phải ngồi tư thế giống nhau, nhưng đừng quá thoải mái làm mất không khí của buổi lửa trại).
- Chia sẻ: Lắng nghe, thấu hiểu, tạo sự đồng cảm, với người đang chia sẻ. Làm vơi đi nỗi niềm của các thành viên tham dự.
- Sưởi ấm: Sưởi ấm tinh thần và thể chất, làm cho các thành viên cảm nhận được tình huynh đệ HĐ, thấy mình không đơn độc trước mọi chông gai thử thách.
- Soi sáng: Soi rọi tâm hồn từng Tráng sinh, và họ sẽ “ngộ” ra được nhiều điều trong cuộc sống.
* Chú ý: Lửa dặm đường là một cuộc chia sẻ, cảm thông, giúp đỡ lẫn nhau trong tình huynh đệ HĐ, chứ không phải một buổi kiểm điểm, phê tự phê làm ngã lòng người.
IV. PHƯƠNG PHÁP
Sau khi đống lửa được đốt lên, các thành viên tham dự tự động đến tạo một vòng quanh đống lửa, yên lặng và kiếm chỗ ngồi sao cho thoải mái nhưng không ngả ngớn để mất vẻ trang nghiêm.
1. Bầu khí yên tĩnh dưới ánh lửa bập bùng.
2. Suy nghĩ những vấn đề xoay quanh lứa tuổi Tráng, những vấn đề bức xúc của bản thân, gia đình và xã hội…
3. Nội dung chất lượng mang tính “tim óc” (Hơi ấm của trái tim cùng sự minh mẫn của khối óc).
4. Nội dung phải được chuẩn bị để lôi cuốn và có chất lượng.
5. Phải có phương pháp tiếp cận để người nghe có cảm giác không bị xúc phạm và vui vẻ sửa đổi.
6. Có sổ ghi chép lại nội dung các buổi lửa dặm đường.
7. Có thể gắn với tập tục của đơn vị.
V. CHẤT LIỆU ĐÓNG GÓP CHO LỬA DẶM ĐƯỜNG
1. Rút tỉa kinh nghiệm sinh hoạt.
2. Kể chuyện tâm tình gợi lại kỷ niệm đáng nhớ.
3. Hòa giải những hiểu lầm, bất hòa.
4. Dùng các ngụ ngôn, điển tích, các tác phẩm văn học để đóng góp cho Tráng sinh nếu vấn đề đó mang tính chất tế nhị.
5. Giảm căng thẳng bằng những bài hát, bài thơ, chuyện cười có nội dung phù hợp.
6. Trình bày các tác phẩm văn, thơ, âm nhạc mới sáng tác.
7. Dùng các nhạc cụ đàn, kèn, sáo, Harmonica v.v… tạo bầu khí.
8. Sau vài phút dành cho “giờ tinh thần” (Hướng thượng). Lửa dặm đường kết thúc bằng bài hát “Trời đêm dần tàn”… hay “Anh em chúng ta chung một đường lên”. Có thể hát một bài nào đó theo tập tục của từng Tráng đoàn miễn nó phải phù hợp với không khí của lửa dặm đường.
9. Xen kẽ vào đêm lửa dặm đường một vài tập tục của đơn vị để tạo dấu ấn khó phai trong lòng Tráng sinh.
Chú ý:
Có những vấn đề thật riêng tư của người khác phải cân nhắc, đôi lúc nói riêng lại hiệu quả hơn (Vấn đề tình yêu, tình dục, tiền bạc…).
VI. KẾT LUẬN
Lửa dặm đường là một sinh hoạt mang hơi ấm của trái tim, của tình huynh đệ HĐ kết hợp với sự minh mẫn của khối óc của các thành viên tham dự. Vì thế, phải luôn nhớ lửa dặm đường không phải là một buổi “kiểm điểm” hay “phê tự phê”, tranh chấp cho rõ đúng sai, mà là một cuộc chia sẻ, sưởi ấm, soi sáng, tạo sự cảm thông, kết chặt tình huynh đệ HĐ nhằm trợ thêm sức lực và ý chí cho mọi người. Ở lửa dặm đường không có người thắng kẻ thua mà chỉ có tình huynh đệ bao trùm lên tất cả mọi hoạt động, để sáng hôm sau người Tráng sinh tiếp tục cuộc hành trình của mình với một ý chí, niềm tin và khát vọng hướng đến CHÂN-THIỆN-MỸ.

Chương V: Kỹ thuật Trại – Nghề Rừng
NÚT DÂY
Nút dây là một phần kỹ năng chuyên môn không thể thiếu được của một HĐS, Dự Tráng cũng không ngoại lệ. Làm nút đòi hỏi phải khéo léo thuần thục và nắm được công dụng của nó. Một nút dây hữu dụng cần phải có 3 đặc điểm sau:
- Có thể buộc nhanh.
- Chặt.
- Dễ tháo.
Ngoài dây riêng của mỗi Dự Tráng (một sợi 2m và một sợi từ 5 đến 10 mét). Mỗi Toán nên có túi dây chung, bao gồm những sợi dây ngắn 2m, trung 5 đến 10m và các dây thừng nhiều kích cỡ với độ dài vài chục mét.
I. CÁC NÚT CƠ BẢN
1. Nút dẹt

2. Nút thòng lọng

3. Nút thuyền chài

4. Nối chỉ câu

5. Nút ghế đơn: (đổi hình)


6. Nút thợ dệt: (đổi hình)

7. Nút một vòng hai khóa

II. CÁC NÚT THÁP
1. Tháp thẳng


2. Tháp vuông


3. Chạc 3

4. Các nút khác
Nút bện dây thừng







5. Các nút dùng trang trí
Nút hoa 3 cánh

Nút hoa 4 cánh

Nút hoa 5 cánh

Nút hoa 6 cánh

THỦ CÔNG TRẠI
Thủ công trại là phần không thể thiếu được trong sinh hoạt Hướng Đạo. Nó là kết quả của một quá trình tìm tòi, học hỏi một cách kiên trì của riêng từng HĐS tại nhà, cũng như trong các buổi họp đoàn. Khi đi trại, các em sẽ mang những những kiến thức và kỹ năng đã được trang bị từ trước cộng với sự sáng tạo để thích nghi với đời sống giữa thiên nhiên. Không có gì hạnh phúc hơn khi màn đêm buông xuống, giữa rừng già hoang vu, ta được ngả lưng yên giấc trên chiếc lều sàn mình đã khởi công làm từ buổi sáng.
I. CỔNG TRẠI




II. KỲ ĐÀI


III. LỀU – LỀU SÀN





IV. TIỆN NGHI TRẠI





Chương VI: Sơ cấp cứu
KHÁI NIỆM SƠ CẤP CỨU
I. Mục đích
Học sơ cấp cứu để có thái độ xử trí đúng khi có tai nạn xảy ra nhằm hạn chế tổn thương & giảm thiểu tử vong cho nạn nhân.
II. Khái niệm sơ cấp cứu
Cấp cứu tạm thời ngay sau khi xảy ra tai nạn trong khi chờ sự can thiệp của nhân viên y tế hay chuyển nạn nhân đến trạm y tế gần nhất.
III. Các bước xử trí khi có tai nạn xảy ra
- Tri hô cho người chung quanh biết đang có tai nạn xảy ra, gọi cơ quan chức năng nếu cần:
- Công an: 113
- Sở cứu hỏa: 114
- Cấp cứu: 115
- Cắt nguy cơ gây tai nạn: dập lửa, ngắt cầu dao điện, đem nạn nhân lên bờ (cứu đuối)…
- Mang nạn nhân ra nơi an toàn, thoáng mát nếu có thể.
- Chẩn đoán.
- Xử trí ban đầu.
- Chuyển nạn nhân đến trạm y tế gần nhất.
THĂM KHÁM NẠN NHÂN
Thực tập thăm khám nạn nhân:
- Tri giác:
- Tỉnh.
- Lơ mơ.
- Hôn mê.
- Hô hấp:
- Đường hô hấp.
- Tình trạng hô hấp.
- Thủ thuật HEIMLICH khi có dị vật thanh quản làm tắc nghẽn đường thở.
- Tuần hoàn:
- Bắt mạch.
- Nghe tiếng tim.
- Chảy máu:
- Chảy máu ra ngoài.
- Chảy máu trong cơ thể.
- Tổn thương ở các cơ quan khác.

CÁC KỸ THUẬT CƠ BẢN
A. BẮT MẠCH
Là động tác cơ bản khi khám bệnh, mục đích để biết :
- Nhịp mạch nhanh hay chậm.
- Đều hay không đều.
- Có lực hay không có lực.
- Mạch chìm hay nổi.
- To hay nhỏ, cứng hay mềm.
I. Vị trí bắt mạch
- Động mạch thái dương.
- Động mạch mặt.
- Động mạch cảnh gốc.
- Động mạch dưới đòn.
- Động mạch cánh tay.
- Động mạch quay.
- Động mạch chủ bụng.
- Động mạch đùi.
- Động mạch kheo.
- Động mạch chày sau.
- Động mạch mu chân.
II. Phương pháp lấy mạch
- Bệnh nhân nằm nghỉ ngơi yên tĩnh ít nhất 30 trước khi lấy mạch (trừ trường hợp cấp cứu phải lấy ngay).
- Lấy mạch trong một phút để tránh sai số.
- Phải lấy mạch nhiều lần trong ngày để đánh giá tình trạng bệnh.
- Xem tần số mạch với tần số nhịp tim có phù hợp với nhau không.
III. Chỉ số mạch bình thường
- 1 tuổi : 120-140 lần/phút
- 2-3 tuổi : 100-120 lần/phút
- 4-5 tuổi : 90-120 lần/phút
- 6-10 tuổi : 80-110 lần/phút
- 11-15 tuổi : 70-100 lần/phút
- Trên 15 tuổi : 70-90 lần/phút
B. ĐO NHIỆT ĐỘ CƠ THỂ
Để biết được tình trạng thân nhiệt của bệnh nhân, dựa vào đó góp phần đánh giá tình trạng bệnh.
I. Vị trí
- Ở miệng.
- Ở hố nách.
- Ở hậu môn.
Nhiệt độ ở miệng cao hơn ở hố nách 0,2oC.
Nhiệt độ ở hậu môn cao hơn ở hố nách 0,5-0,6oC.
Ví dụ :
Nhiệt độ ở hố nách là 37.5oC thì nhiệt độ ở :
- Miệng là: 37,7oC
- Hậu môn là: 38,1oC
II. Kỹ thuật
- Vẩy cho mực thủy ngân trong ống xuống 360C.
- Vị trí hố nách : Đặt nhiệt kế vào giữa hố nách, khép nách lại.
- Vị trí miệng : Đặt giữa mặt trong má và hàm, ngậm miệng lại.
- Vị trí hậu môn : Đút vào hậu môn trẻ em, để # 1-2 phút.
III. Đánh giá
Thân nhiệt bình thường là 37oC.
C. ĐO HUYẾT ÁP
Là động tác cần thiết để khám bệnh, mục đích đánh giá sự hoạt động hệ tuần hoàn nói chung.
Vị trí
Vị trí thông thường là hai cánh tay, trường hợp đặc biệt có thể đo một số nơi khác.
Kỹ thuật
- Thông thường nên để bệnh nhân nằm ngang.
- Quấn bao máy vào cánh tay trên nếp khuỷu 1cm. Nhớ để dây dẫn hơi phía động mạch và không bị gập.
- Bóp cho áp lực lên khoảng 200 – 220mmHg.
- Xả hơi từ từ, ghi nhớ vị trí tiếng đập của động mạch bắt đầu và kết thúc (tương ứng huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương).
Đánh giá
Huyết áp có thể thay đổi theo lứa tuổi.
Ở người trưởng thành châu Âu :
– Huyết áp tối đa : 120-140mmHg
– Huyết áp tối thiểu : 70-80mmHg
Còn ở người Việt Nam :
– Huyết áp tối đa : 110-120 mmHg
– Huyết áp tối thiểu : 70-80mmHg
Các chỉ số này sẽ giảm đi ở trẻ em và tăng lên ở người già.

CẤP CỨU NGƯNG TIM NGƯNG THỞ
A. MỤC TIÊU
– Có khả năng cấp cứu ngưng tim ngưng thở bằng phương pháp hà hơi thổi ngạt và xoa bóp tim ngoài lồng ngực khi có tai nạn xảy ra.
– Có thể truyền đạt lại phương pháp hà hơi thổi ngạt và xoa bóp tim ngoài lồng ngực cho học viên khác.
B. CHỈ ĐỊNH, CHUẨN BỊ NẠN NHÂN
I. Chỉ định
Ngừng tim ngừng thở do tai nạn: Khí độc, ngộ độc thức ăn, điện giật, chết đuối, chết ngạt, té ngã, tai nạn trong sinh hoạt, tai nạn lao động, tai nạn giao thông v.v…
II. Chuẩn bị nạn nhân
- Đem nạn nhân ra khỏi nơi nguy hiểm: hỏa hoạn, sông nước, điện…
- Không di chuyển nạn nhân nếu thực sự không cần thiết.
- Cởi khuy áo, khăn quàng, dây lưng để nạn nhân dễ thở.
- Làm thông đường thở: móc đất cát, răng giả, dị vật, đàm nhớt… (cấp cứu viên thực hiện thủ thuật HEIMLICH nếu nghi ngờ có dị vật thanh quản).
- Hà hơi thổi ngạt xoa bóp tim ngoài lồng ngực càng nhanh càng tốt.
C. THỰC HIỆN
I. Hà hơi thổi ngạt
Chỉ định: khi nạn nhân không tự thở được nhưng tim còn đập.
Có hai cách hà hơi thổi ngạt : Miệng qua miệng và miệng qua mũi.
1. Miệng qua miệng : (Mouth to mouth)

- Người cấp cứu ngồi bên phải nạn nhân, tay phải kéo cằm cho miệng mở ra, tay trái bịt hai lỗ mũi.
- Dùng miếng gạc, khăn tay lót ngang miệng nạn nhân.
- Dùng miệng thổi qua miệng nạn nhân.
- Để nạn nhân thở ra tự nhiên (có thể dùng bàn tay ấn nhẹ vào ngực nạn nhân cho hơi xì ra).
- Mỗi phút thở ra 15 – 16 lần.
2. Miệng qua mũi : (Mouth to nose)
- Người cấp cứu ở bên phải nạn nhân, tay phải đè lên cằm, tay trái đặt lên trán nạn nhân.
- Dùng miếng gạc thưa hay khăn tay lót lên mũi nạn nhân.
- Dùng miệng áp kín hai lỗ mũi nạn nhân, thổi cho lồng ngực phồng lên.
- Để cho hơi thở xì ra tự nhiên.
- Mỗi phút thổi 15 – 16 lần.
* Chú ý:
Đối với trẻ em nhỏ, trẻ sơ sinh, chỉ thổi từng ít một, vì dung tích phổi nhỏ thổi mạnh quá gây vỡ phổi, vừa thổi vừa quan sát lồng ngực nạn nhân.
Khi thấy lồng ngực đã căng phồng không cố thổi thêm vì hơi có thể vào dạ dày, gây chướng bụng làm cản trở hô hấp nạn nhân. Nhưng nếu lỡ hơi vào đầy dạ dày, đừng cố ép cho hơi xì ra vì thức ăn trong dạ dày sẽ ra theo gây tắc nghẽn đường thở.
II. Xoa bóp tim ngoài lồng ngực
Đặt nạn nhân trên mặt phẳng cứng (mặt đất cứng, nền xi măng hoặc lót ván dưới lưng). Vừa xoa bóp tim ngoài lồng ngực vừa hà hơi thổi ngạt.
1. Phương pháp một người
Người cấp cứu ngồi bên trái nạn nhân.
Thì 1: Đặt bàn tay phải vào 1/3 dưới xương ức, bàn tay trái đè lên lưng bàn tay phải. Dùng sức ấn xương ức lún xuống khoảng 4-5cm (để tim bị ép giữa xương ức và cột sống, kích thích tim co bóp).
Thì 2: Tay phải bịt chặt hai lỗ mũi nạn nhân, tay trái kéo cằm cho miệng bệnh nhân mở ra, thổi miệng qua miệng.
Luân phiên bóp 15-30 cái rồi thổi 2 cái (có thể bóp 30 cái và thổi 2 cái).
2. Phương pháp hai người
Người thứ 1: Ở phía đầu nạn nhân, tay phải ấn cằm nạn nhân cho ngậm khít miệng lại, tay trái vịn ở trán nạn nhân, thổi qua mũi nạn nhân 2 cái.
Người thứ 2: Ở phía bên trái nạn nhân, tay phải đặt ở 1/3 dưới xương ức, tay trái đè lên lưng bàn tay phải, ấn mỗi lần 15-30 cái sao cho khoảng 100-120 lần mỗi phút.
Cũng có thể luân phiên nhấn 5 cái rồi thổi một cái.
* Chú ý :
Ở phương pháp hai người, tốt nhất người hà hơi nằm bên phải, người xoa bóp tim ngồi bên trái. Hai người xen kẽ nhau làm cho đến khi tim nạn nhân tự đập và nạn nhân tự thở lại được.
Nếu nạn nhân không có dấu hiệu hồi phục dần hay toàn trạng không tốt hơn, ta sẽ dừng thao tác sau 30’.

D. KẾT LUẬN
Cấp cứu ngưng tim ngưng thở bằng phương pháp hà hơi thổi ngạt và xoa bóp tim ngoài lồng ngực nói chung rất quan trọng và khẩn cấp, chỉ cứu được nạn nhân nếu việc hà hơi thổi ngạt và xoa bóp tim ngoài lồng ngực được thực hiện trong vài ba phút đầu tiên, nếu để muộn hơn (quá 6 phút) não nạn nhân sẽ bị tổn thương vĩnh viễn, cho dù nạn nhân không chết hẳn cũng chỉ sống đời sống thực vật. Vì thế, cấp cứu viên phải thực tập thường xuyên cho thuần thục, thực hiện như một phản xạ khi có tai nạn làm nạn nhân ngưng tim ngưng thở, có như vậy mới mong cứu sống được họ.

CẦM MÁU TẠM THỜI CÁC VẾT THƯƠNG
I. BĂNG BÓ VẾT THƯƠNG
1. Băng ép đơn thuần
Đặt miếng gạc lên vết thương rồi dùng khăn quàng xếp lại hay băng cuộn quấn nhiều vòng quanh vết thương.
2. Băng chèn
Dùng các vật hình khối không được cứng lắm, cũng không quá mềm. Đặt các vật này trên đường đi của các động mạch dẫn đến vết thương, băng lại để giảm lượng máu đến vết thương (phương pháp này ít dùng).
3. Băng nút
Dùng gạc hoặc các phương tiện khác cuộn thành cục nhét vào các lỗ khuyết của vết thương rồi băng ép lại.
II. GIƠ CAO CHI ĐỂ HẠN CHẾ CHẢY MÁU
Khi bị chảy máu nhiều ở các chi, ta giơ cao chi cho bớt chảy máu và băng ép lại.
III. GẬP CHI LẠI ĐỂ ÉP VÀO VẾT THƯƠNG
Ở các vết thương ở mặt trong của tay, mặt sau của chân. Ta có thể gấp chi lại ép lên vết thương để hạn chế chảy máu.
IV. DÙNG TAY ĐÈ VÀO CÁC ĐỘNG MẠCH PHÍA TRÊN
1. Vùng động mạch cảnh
Từ gờ nhọn của sụn giáp kéo ngang sang hai bên, đến một cái hõm có bờ ngoài là cơ ức đòn chủm, ta cảm giác được động mạch cảnh đập ở đáy hõm, ép động mạch cảnh vào mỏm ngang đốt sống cổ 2.
2. Vùng động mạch dưới đòn
Đè vào hõm trên xương đòn, ép vào xương sườn 2.
3. Vùng động mạch cánh tay
Đè vào bờ trong cơ nhị đầu cánh tay.
4. Vùng động mạch đùi
Đè vào giữa nếp bẹn.
5. Vùng động mạch thái dương
Đè vào điểm trước vành tai.
6. Vùng động mạch hàm dưới
Đè vào điểm góc hàm dưới.

CÁC ĐIỂM ẤN CHẶN ĐỘNG MẠCH

V. BUỘC GA RÔ
1. Chỉ định
- Cầm máu ở các đầu chi bị đứt lìa.
- Cầm máu tức thời để xử lý vết thương đang chảy máu ồ ạt.
- Khi các biện pháp khác cầm máu không hiệu quả.
2. Phương pháp
- Ngày nay, trong Y khoa người ta dùng garô hơi để garô lúc phẫu thuật, dụng cụ này tương tự như dụng cụ đo huyết áp ta thường dùng.
- Dùng dây cao su hay vải to bản đặt gần vùng tổn thương (không nên xa quá cũng không gần vết thương quá # 8-10cm). Quấn nhiều vòng cùng một vị trí quanh chi, cho đến khi máu ngưng chảy.
- Lót miếng gạc phía trong chỗ xiết, vòng khăn quàng chung quanh và dùng cây xoắn nhẹ cho đến khi vết thương ngưng chảy máu (bất đắc dĩ mới dùng phương pháp này vì nó dễ làm dập nát mô tại chỗ).
1. Ga rô hơi

2. Ga rô bằng băng thun

3. Ga rô bằng khăn quàng


* Chú ý :
- Ghi rõ tên họ nạn nhân, ngày, giờ đặt garô lên chỗ buộc.
- Đưa ngay nạn nhân đến bệnh viện sau khi đặt garô.
- Không buộc garô quá 45’. Vì để ga rô quá lâu sẽ gây hoại tử chi bên dưới chỗ buộc. Quá 2-3 giờ là chi có thể tổn thương không hồi phục.
- Trong điều kiện bất khả kháng, phải đặt garô lâu, thì cứ khoảng 20-30 phút phải nới garô một lần.
VI. PHẦN THỰC TẬP
Thực tập băng bó các vết thương bằng hai loại vật liệu:
- Khăn quàng
- Băng cuộn vải, băng thun
- Vết thương ở đầu
- Vết thương ở mũi
- Vết thương ở cằm
- Vết thương mắt
- Vết thương ngực (có gãy xương sườn)
- Vết thương ở bụng (có lòi ruột ra ngoài)
- Vết thương bàn tay
- Vết thương cẳng tay
- Vết thương khớp khuỷu
- Vết thương cánh tay
- Vết thương bàn chân
- Vết thương cẳng chân
- Vết thương khớp gối
- Vết thương đùi
- Vết thương ở mông
- Vết thương ở hông
KỸ THUẬT BĂNG BÓ VẾT THƯƠNG
I. MỤC ĐÍCH
- Cầm máu.
- Giảm đau.
- Chống nhiễm khuẩn.
II. PHƯƠNG TIỆN
- Băng cuộn, khăn quàng, băng keo.
- Bông, gạc.
- Các dung dịch rửa, thuốc sát khuẩn.
- Kềm, nhíp, kéo.
III. YÊU CẦU
- Phải sạch sẽ vô trùng.
- Băng đủ chặt.
- Băng càng sớm càng tốt.
- Băng đúng quy cách.
TRÌNH TỰ CHĂM SÓC VẾT THƯƠNG
- Rửa sạch vùng da chung quanh vết thương bằng dung dịch xà phòng rồi sát khuẩn lại bằng cồn iod (không để dịch rửa dây vào vết thương).
- Rửa vết thương bằng dung dịch nước muối sinh lý (NaCL 0,9%) hay dung dịch Betadin pha loãng tỉ lệ 1% theo trình tự:
- Từ trên xuống dưới.
- Từ trong ra ngoài.
- Từ vết thương sạch đến vết thương dơ (bị vấy bẩn).
- Đắp gạc băng lại: tùy thuộc loại vết thương mà ta dùng gạc mỡ (gạc tẩm vasơlin), gạc thuốc (gạc có tẩm thuốc như kháng sinh hay Betadin) hay gạc vô trùng đơn thuần. Đặt gạc lên che phủ vết thương và băng lại.
KỸ THUẬT BĂNG BÓ VẾT THƯƠNG
- Vô trùng tay và dụng cụ.
- Chăm sóc vết thương.
- Ngừa uốn ván.

1. Băng đầu và vùng hàm mặt




2. Băng ngực



Gãy xương cánh tay Đa thương

Cố định gãy xương đòn

Cố định gãy xương sườn

Tư thế Fowler


Vết thương bả vai
3. Băng vết thương vùng bụng


4. Băng cẳng tay

Băng treo cẳng tay


Khóa đầu băng
5. Băng cánh tay

6. Băng khuỷu tay

7. Băng bàn tay

8. Băng đầu ngón tay



9. Băng đầu gối và băng kheo

10. Băng bàn chân và gót chân

11. Băng hai đùi

ĐẠI CƯƠNG VỀ GÃY XƯƠNG VÀ BẤT ĐỘNG TẠM THỜI TRONG GÃY XƯƠNG
A. ĐẠI CƯƠNG VỀ GÃY XƯƠNG
I. Nguyên nhân
1. Bệnh lý
Loãng xương ở người già, u xương, viêm tủy xương, lao xương, giang mai xương.
2. Chấn thương
- Ngã hoặc bị các vật đập trực tiếp vào xương.
- Bị đè ép gây lún gây gãy xương.
- Bị vặn xoắn gây gãy xương…
II. Triệu chứng
1. Triệu chứng không chắc chắn
Chỉ có giá trị gợi ý
- Sưng nề, tím bầm.
- Có điểm đau chói.
- Hạn chế hoặc không vận động được.
2. Triệu chứng chắc chắn
- Có tiếng lạo xạo xương.
- Cử động bất thường.
- Biến dạng chi.
- Thấy đầu xương gãy lòi ra.
Biến dạng chi


III. Điều trị
- Nếu có sốc thì phải tích cực chống sốc.
- Cố định đúng tư thế.
- Giảm đau: uống thuốc, chích thuốc phong bế ổ gãy bằng Lidocain 0,5-1%.
- Chống nhiễm khuẩn.
- Đưa nạn nhân đến bệnh viện nếu tình trạng nạn nhân cho phép.
B. BẤT ĐỘNG TẠM THỜI TRONG GÃY XƯƠNG:
I. Nguyên tắc bất động
- Bất động qua khớp trên và khớp dưới của chi gãy, không cần cởi quần áo khi không cần thiết.
- Khi chỗ gãy có di lệch hay nguy cơ có di lệch, khi vận chuyển phải làm nẹp cố định.
- Tư thế bất động bao giờ cũng phải phù hợp với tư thế sinh lý của khớp và chi:
- Đối với chi trên khớp khuỷu cố định ở tư thế 90o.
- Đối với chi dưới, bất động theo tư thế duỗi thẳng chi, bàn chân thẳng góc 90o với cẳng chân.
- Khi gãy xương kín có di lệch rõ, cố gắng kéo và nắn cho đúng vị trí rồi đặt nẹp (cần kéo liên tục cho đến khi đặt nẹp xong).
- Khi gãy xương hở, đầu xương lòi ra thì không ấn không kéo để phòng gây nhiễm khuẩn và dập nát thêm. Chỉ lau sạch vết thương độn bông gạc chỗ lòi xương rồi băng lại, cố định bằng nẹp.
II. Cố định theo vùng bị gãy
- Sọ não: quấn băng như vành khăn xếp.
- Hàm mặt: để nạn nhân nằm sấp hoặc ngồi, đầu ngã về phía trước phòng tụt lưỡi.
- Cột sống: nằm ngửa trên ván cứng, nếu gãy cột sống cổ thì chêm gối mềm hai bên cổ.
- Gãy xương đòn: Băng hình số 8.
- Gãy xương sườn: băng ép quanh ngực chỗ gãy lúc thở ra sâu. Khi vận chuyển để nạn nhân ở tư thế ngồi hoặc Fowler.
- Gãy xương cẳng tay : cố định ở tư thế khuỷu gấp 900 và treo tay lên cổ.
- Gãy xương cánh tay, bả vai : nẹp ngoài vai xuống khuỷu, nẹp trong từ nách xuống khuỷu, băng cố định vào thân.
- Cổ tay, bàn tay : cố định từ giữa cẳng tay đến đầu các ngón tay.
- Xương chậu hông : nằm ngửa, đùi hơi dạng, đầu gối hơi gập.
- Gãy xương đùi : đặt 3 nẹp
- 1 nẹp từ bẹn tới quá mắt cá trong.
- 1 nẹp từ nách tới mắt cá ngoài.
- 1 nẹp từ trên xương chậu đến gót chân.
- Gãy xương cẳng chân : đặt 3 nẹp như gãy xương đùi, nhưng chiều dài chỉ từ nửa đùi đến quá gót chân.
- Cổ chân, bàn chân : đặt 2 nẹp hai bên từ giữa xương cẳng chân tới gót chân.

KỸ THUẬT VẬN CHUYỂN NẠN NHÂN
I. CÁCH LÀM CÁNG
- Làm cáng dây, khăn quàng.
- Làm cáng bằng 3 chiếc áo sơ mi, hay áo thun.
- Làm cáng bằng chăn bạt.
- Cố định nạn nhân trên cáng.

II. DI CHUYỂN NẠN NHÂN
- Nâng nạn nhân lên cáng.
- Dìu nạn nhân từ xe xuống.
- Di chuyển nạn nhân khi chỉ có một mình:
- Kéo lê (tay hoặc chân).
- Dìu.
- Cõng.
- Bế.
- Vác.
- Dìu nạn nhân dưới nước.
- Làm cáng bằng tay để kiệu nạn nhân.
- Di chuyển nạn nhân khi có hai người:
- Kiệu nạn nhân (nạn nhân tỉnh táo, tổn thương nhẹ).
- Khiêng nạn nhân (nạn nhân tổn thương nặng nhưng bắt buộc phải di chuyển).
- Di chuyển nạn nhân bằng cáng qua chướng ngại vật.
- Kéo nạn nhân từ hố sâu lên, thả nạn nhân từ trên cao xuống.


Mang nạn nhân ra khỏi nơi hỏa hoạn

Thao tác vác nạn nhân trên vai

Di chuyển nạn nhân bằng cáng

Di chuyển nạn nhân khi không có cáng


Nâng nạn nhân lên

Dìu nạn nhân

Kiệu tay 4 người

Di chuyển nạn nhân bằng ghế
III. KẾT LUẬN
Di chuyển nạn nhân đúng quy cách là điều rất quan trọng vì nó làm cho ta có thể di chuyển tiện lợi, nhanh chóng, mà vẫn bảo đảm sự an toàn cho nạn nhân. Di chuyển sai quy cách có thể làm tình trạng nạn nhân nặng hơn, có thể xảy ra các tai biến không lường trước được.

CẤP CỨU NẠN NHÂN CHẾT ĐUỐI
I. ĐẠI CƯƠNG
1. Định nghĩa
Chết đuối là do nạn nhân bị chìm trong một chất lỏng, chất lỏng tràn ngập vào đường hô hấp dẫn đến ngạt thở, làm nạn nhân tử vong do lượng oxy lên não bị gián đoạn.
2. Nguyên nhân
- Do chất lỏng tràn vào phổi.
- Do co thắt cổ họng (co thắt thanh môn).
3. Quá trình diễn ra chết đuối
- Vẫy vùng.
- Ngộp thở.
- Hít thở mạnh.
- Co giật.
- Ngừng thở.
II. CỨU NẠN – VỚT NGƯỜI
1. Báo tai nạn
Tri hô to cho mọi người biết có tai nạn, nếu có thể gọi cấp cứu (113: Công an, 114: Cứu hỏa, 115: Cấp cứu).
2. Giúp đỡ nạn nhân
- Quăng một vật nổi, nhẹ cho nạn nhân.
- Quăng sợi dây, đưa cây sào cho nạn nhân níu rồi kéo vào.
- Có thể nhiều người nắm tay nhau nối từ bờ xuống nắm tay nạn nhân kéo lên.



3. Tiếp cận nạn nhân
- Nếu có thuyền, bơi thuyền và tiếp cận nạn nhân thận trọng vì do quá sợ, nạn nhân làm lật thuyền (tốt nhất là bơi vòng quanh và quăng phao cho nạn nhân).
- Nhảy xuống: có 3 cách
- Chân trước, chân sau (nhảy ngồi).
- 2 chân giang ngang.
- 2 chân đưa ra trước giang rộng.
- Lúc nhảy xuống nước hai tay giang ngang tạo sức cản để đầu không chìm xuống, nhờ vậy có thể quan sát nạn nhân liên tục.
- Bơi đến chỗ nạn nhân: có thể bơi ếch hoặc bơi sải nhưng lúc nào cũng ngẩng đầu cao quan sát để khỏi mất dấu nạn nhân. Khi đến nơi, không tiếp cận nạn nhân ngay vì nạn nhân sẽ ôm cứng làm chìm cả hai người. Chỉ bơi vòng quanh trấn an nạn nhân rằng phải bình tĩnh vì có người đến cứu, sau đó tiếp cận và mang nạn nhân vào bờ bằng nhiều cách:
- Cởi áo ngậm ở miệng, bơi ra đưa áo cho nạn nhân níu, rồi kéo nạn nhân vào bờ.
- Bơi luồn ra sau lưng, cầm lấy hai chân đẩy trồi lên và đưa vào bờ. Nếu hết hơi, bơi lùi lại, lấy hơi rồi tiếp tục.
- Nếu nạn nhân bất tỉnh: bơi nghiêng một tay, tay kia nắm tóc, nâng gáy, nắm cổ áo hoặc vòng tay qua cổ bơi dìu nạn nhân vào.
- Nếu bị nạn nhân ôm cứng: luồn hai tay mình vào trong hai tay nạn nhân, một tay tống cằm, một tay xô mạnh nạn nhân cho tuột ra, rồi nắm cổ tay vừa trấn an nạn nhân và dìu vào bờ.
Thao tác để tránh bị nạn nhân ôm chặt




Thao tác đẩy nạn nhân khi bị ôm chặt

Dìu nạn nhân vào bờ

Thao tác gỡ hai nạn nhân đang ôm nhau
– Nếu có hai nạn nhân ôm cứng nhau: bơi ra sau một người, vòng hai tay ôm cằm người đó, một chân đạp vào háng, một chân đạp vào cằm người còn lại cho rời nhau ra. Xong đưa người không biết bơi hay yếu nhất vào trước.

4. Cấp cứu hồi sức
- Đánh giá và xử trí:
- Nếu tim còn đập, phổi còn thở: đặt nạn nhân ở tư thế nghiêng sang bên phải và ủ ấm.
- Nếu tim còn đập nhưng nạn nhân ngưng thở: hà hơi thổi ngạt.
- Nếu nạn nhân ngưng tim ngưng thở: hà hơi thổi ngạt, xoa bóp tim ngoài lồng ngực.
* Chú ý:
Trước khi hà hơi thổi ngạt và xoa bóp tim ngoài lồng ngực phải đặt nạn nhân trên mặt phẳng cứng, làm thông đường thở (móc răng giả, đàm nhớt, dị vật…) và nới lỏng quần áo.
Khi đường hô hấp (người lớn) bị nghẽn, ta có thể dùng thủ thuật Heimlich để tống dị vật ra (đối với trẻ em ta dốc ngược người xuống và vỗ vào lưng).
5. Đánh giá nạn kết quả hồi sức cấp cứu qua các chỉ số sinh học
- Mạch.
- Huyết áp.
- Thở.
- Nhiệt độ.
- Da, niêm mạc.
- Đồng tử.
III. KẾT LUẬN
Cấp cứu thủy nạn là công việc rất khó khăn, nó đòi hỏi phải có thể lực tốt, kỹ năng bơi lội, óc phán đoán chính xác và lòng dũng cảm mới có thể thực hiện được. Vì vậy, chúng ta phải tập dợt sơ cấp cứu thủy nạn thường xuyên cho thuần thục thì mới có thể thực hiện tốt khi có tai nạn xảy ra.
SƠ CẤP CỨU BỎNG
I. ĐẠI CƯƠNG
Bỏng là tai nạn thường gặp trong sinh hoạt hàng ngày cũng như trong lao động, thường chỉ xảy ra lẻ tẻ một vài trường hợp, tuy nhiên có khi xảy ra hàng loạt dạng thảm họa như cháy nổ các nhà cao tầng, xí nghiệp, tai nạn về điện, dầu khí, cháy rừng v.v… Vì thế hiểu biết về sơ cấp cứu bỏng nói riêng sơ cấp cứu tai nạn nói chung là những kiến thức cần trang bị cho người dân trong sinh hoạt hàng ngày.
II. TÁC NHÂN GÂY BỎNG
Có nhiều tác nhân gây bỏng người ta chia làm các tác nhân chính sau:
- Nhiệt khô: cháy xăng, dầu, các vật liệu có thể cháy được.
- Nhiệt ướt: nước sôi, cháo nóng, hèm rượu nóng…
- Do điện: hồ quang điện, điện giật, sét đánh…
- Do hóa chất: acid, bazơ, phospho, NH3…
- Do bom đạn: các chất nổ, bom napan…
- Do lạnh: ở những nơi trữ lạnh có nhiệt độ rất thấp (tiếp xúc với các phòng đông lạnh, nitơ lỏng…) có làm bỏng lạnh vùng da bị tiếp xúc dẫn đến hoại tử vùng da tiếp xúc.
III. XỬ TRÍ CẤP CỨU BAN ĐẦU
- Cắt nguyên nhân gây tai nạn: ngắt cầu dao điện, gas… mang nạn nhân ra khỏi nơi gây tai nạn, dập tắt, lột bỏ quần áo đang cháy.
- Làm nguội nạn nhân nhanh chóng: tốt nhất tưới nước sạch lên vết bỏng cho đến lúc vết bỏng nguội hẳn.
- Chống đau: tiêm Morphin, Dolargan vào bắp thịt (nếu không có sẵn có thể cho nạn nhân uống các thuốc giảm đau, an thần thông thường: Efferalgan Codein, Panadol).
- Săn sóc vết thương bỏng:
- Làm sạch vết bỏng bằng dung dịch sinh lý NaCl 0,9% hay nước chín, nếu vết bỏng bị vấy bẩn có thể rửa bằng xà phòng dùng trong y khoa (Microshield).
- Bôi lớp thuốc điều trị bỏng Biafine, Flammazin, Silvirin, dầu mù u, gặc mỡ Betadin, gạc tẩm Vasơlin lên vết bỏng (nếu vết bỏng nông, diện tích nhỏ).
- Đắp gạc sạch, băng vết bỏng lại (nếu bỏng sâu, diện tích rộng).
- Ủ ấm cho nạn nhân nếu cần.
- Chống mất nước (nếu bỏng nặng): cho nạn nhân uống nước (Oresol) càng sớm càng tốt, nếu không có, ta có thể pha một muỗng cafe muối và 30g đường (khoảng 8 muỗng cafe đường) trong một lít nước, có thể pha trong nước chè.
- Để nạn nhân nơi yên tĩnh, gọi xe cấp cứu đưa nạn nhân đến bệnh viện điều trị các bước tiếp theo.
IV. KẾT LUẬN
Xử trí ban đầu một vết thương bỏng khi có tai nạn xảy ra là điều rất quan trọng, nó giảm nhẹ đi tình trạng bệnh của nạn nhân rất nhiều. Nếu tưới nước ngay trong những phút đầu của bỏng nạn nhân sẽ không bị bỏng sâu hơn, làm sạch ngay vết bỏng sẽ giảm đi nguy cơ nhiễm trùng vết bỏng, giảm đau, bù nước, điện giải sẽ tránh được sốc bỏng xảy ra. Những động tác sơ cấp cứu đúng cách sẽ góp phần đáng kể trong việc cứu sống nạn nhân, cũng như tạo thuận tiện cho quá trình điều trị sau này.

CÁCH XỬ TRÍ MỘT SỐ BỆNH & NHỮNG TÌNH HUỐNG THƯỜNG GẶP KHI ĐI TRẠI
A. CẢM NẮNG SAY NẮNG CẢM NÓNG
I. Cảm nắng, say nắng
1. Nguyên nhân
Vào mùa hè nắng gắt làm việc ngoài nắng hay đi ngoài nắng lâu không có nón che, để ánh nắng chiếu trực tiếp vào đầu và gáy.
2. Triệu chứng
- Nhức đầu, hoa mắt, ù tai, ngất…
- Trạng thái thần kinh kích động, vật vã, bồn chồn, đôi khi nói sảng.
II. Cảm nóng
1. Nguyên nhân
- Làm việc ở hầm lò có nhiệt độ cao, không thoáng hơi, bị ra mồ hôi nhiều.
- Mặc đồ phòng vệ cách nhiệt kín (cao su), nên không thoát khí và mồ hôi được.
2. Triệu chứng
- Nhức đầu, chóng mặt, choáng váng, đôi khi hôn mê.
- Mặt đỏ người đẫm mồ hôi.
- Chuột rút co giật.
- Khát nước, nhiệt độ cơ thể tăng.
III. Xử trí cấp cứu
- Đặt nạn nhân nằm nơi yên tĩnh, thoáng mát.
- Nới lỏng, quần áo, dây lưng, áo ngực…
- Đặt khăn mát lên trán, mặt, gáy nạn nhân.
- Cho uống nước chè pha muối. Một muỗng cafe muối trong 500ml nước (có thể dùng Oresol).
- Đưa nạn nhân cơ sở y tế gần nhất nếu có dấu hiệu trụy tim mạch hay không đỡ.
B. CẢM LẠNH :
I. Nguyên nhân
- Làm việc lâu hay đi ngoài trời lạnh mà mặc không đủ ấm.
II. Triệu chứng
- Thân nhiệt hạ, mặt, chân, tay lạnh giá, đầu chi tím tái.
- Rét run lập cập.
- Mệt mỏi, buồn ngủ, phản ứng chậm chạp, hỏi trả lời chậm.
- Có thể hôn mê.
III. Xử trí cấp cứu
- Ủ ấm cho nạn nhân, đặt túi nước nóng, chai nước nóng quanh nạn nhân, đắp mền, đốt lò sưởi, tránh gió.
- Xoa dầu nóng vào tay, chân, cổ gáy…
- Cho uống nước chè nóng pha đường, có thể pha 30ml rượu 30% vào nước chè có pha đường, ở vùng biển người dân có kinh nghiệm cho uống 20-30ml nước mắm nguyên chất pha trong nước chè đường (Chú ý : không được cho uống khi nạn nhân hôn mê hoặc có tiền căn cao huyết áp).
- Tại cơ sở y tế có thể ngâm nạn nhân trong bồn nước nóng 35oC, rồi nâng dần lên 40oC trong vòng 15’, đến khi thân nhiệt nạn nhân lên 37oC thì lau khô rồi mặc áo ấm cho nạn nhân.
- Săn sóc chống nhiễm khuẩn phổi ở các ngày sau.
C. RẾT, BÒ CẠP CẮN
Sau khi bị cắn, nạn nhân rất đau, có khi đau kéo dài vài giờ.
* Xử trí:
- Nặn vết cắn cho ra bớt nước vàng rồi bôi vôi tôi (vôi ăn trầu) vào hoặc bôi Povidine 10%.
- Nếu đau nhức nhiều thì phong bế bằng Lidocain 0,5-1% khoảng 2ml.
D. ONG ĐỐT, VE CHÍCH
Ong mật: loại ong này đốt thì chỉ bị sưng đau, ít khi bị tai biến trừ khi bị đốt quá nhiều.
Ong vò vẽ: loại này đốt gây sưng nề, đau nhức nhiều, có khi gây biến chứng nặng gây tử vong nạn nhân.
* Xử trí:
- Nặn ngay vết đốt cho nước vàng có nọc chảy ra.
- Bôi vào vết đốt một ít vôi tôi (vôi ăn trầu).
- Nếu đau nhiều, phong bế bằng Lidocain 0,5-1% khoảng 2 đến 3ml.
- Nếu có phản ứng dị ứng nặng thêm Prednisolone 25mg TTM hay Prometazin 50mg TB.
- Nếu nạn nhân khó thở thêm Ephedrin TTM.
- Điều trị các triệu chứng khác nếu có.
E. RẮN ĐỘC CẮN
Vết cắn có 2 dấu răng nanh sâu, nạn nhân rất đau, vết cắn sưng nề, bầm tím.
* Xử trí cấp cứu:
- Đặt garô trên dấu cắn từ 3 đến 5cm.
(Quan điểm mới dùng băng thun băng chặt phần chi còn lại trên vết cắn).
- Rửa sạch vết cắn bằng nước xà phòng hoặc dung dịch có vị chua.
- Rạch da hình chữ thập lên dấu răng nanh (mỗi nanh một chữ thập).
- Hút máu độc ra bằng nhiều cách: ống giác hơi, ống hút cao su, ống chích v.v… có thể dùng miệng nếu không có vết thương.
- Bôi thuốc sát khuẩn lên vết rạch da.
- Mỗi 45 phút, tháo garô 1 phút .
- Đưa nạn nhân đến trạm ý tế gần nhất.

Dấu răng rắn độc Dấu răng rắn không độc



Rút nọc độc ra khỏi vết thương
Ghi chú:
Một số tài liệu mới hiện nay đề nghị chỉ băng thun ép phần chi phía trên vết cắn, rồi đưa nạn nhân đến Bệnh Viện mà không cần xử trí gì thêm. Tuy nhiên, không phải lúc nào ta cũng có băng thun bên mình và cho đến nay phương pháp này cũng chưa được phổ biến lắm.
F. CHÓ MÈO CẮN
* Xử trí:
- Rửa ngay vết thương dưới vòi nước chảy khoảng 3 đến 5’.
- Rửa sạch lại bằng dung dịch xà bông mềm 20%. Sau đó rửa lại bằng nước chín.
- Đắp gạc có dung dịch sát khuẩn như Betadin 5% hoặc chất có dẫn xuất từ amoniac bậc 4.
- Đưa nạn nhân đến cơ sở chích ngừa bệnh dại và uốn ván.
* Chú ý:
- Không được khâu kín vết thương nếu không có chỉ định tuyệt đối.
- Tìm cách bắt con vật đã cắn nạn nhân đem đến viện Pasteur khám nghiệm.

XỬ LÝ CÁC BỆNH LÝ THƯỜNG GẶP Ở TRẺ EM KHI ĐI CẮM TRẠI
Ở phạm vi bài này chúng tôi chỉ đề cập đến một số bệnh lý và các tình huống thường gặp ở các em nằm trong lứa tuổi Ấu-Nhi và cách xử trí đơn giản ngay lúc đó. Sau đó, nếu cần, quý Trưởng phải đưa các em đến các Bác sĩ hay các Trung tâm Y tế có chuyên môn để điều trị.
NỘI DUNG:
1. Co giật do sốt cao
* Triệu chứng: cơ thể sốt cao, trán vã mồ hôi, mắt trợn ngược da mặt tái xanh, người cứng, uốn cong lên, hai tay nắm chặt.
* Xử trí:
- Đặt vải mềm như chăn gối chung quanh trẻ để tránh cho trẻ bị tổn thương do đụng vào đồ vật chung quanh.
- Cởi bỏ bớt quần áo cho trẻ thoáng mát, nhưng không được để trẻ bị lạnh.
- Lau cơ thể bé bằng nước ấm.
- Khi cơ thể hạ nhiệt, không còn co giật nữa, đặt trẻ ở tư thế hồi phục, trấn an trẻ.
2. Động kinh
* Triệu chứng:
- Trẻ có tiền căn động kinh.
- Đột ngột ngã lăn ra bất tỉnh, đôi khi có kèm la hét. Người cứng uốn cong lên. Ngừng thở, co giật toàn thân, miệng sùi bọt mép. Đôi khi có đại, tiểu tiện không kiểm soát. Sau đó tự tỉnh lại trong vòng vài phút, ngơ ngác rồi lại ngủ thiếp đi.
* Xử trí:
- Đặt vải mềm như chăn gối chung quanh trẻ để tránh cho trẻ bị tổn thương do đụng vào đồ vật chung quanh. Không được cho trẻ ăn uống bất cứ thứ gì.
- Nếu trẻ có dấu hiệu cắn lưỡi, thì ngáng ngang miệng trẻ bằng cuộn băng nhỏ hay vật gì đó, nhưng không được làm cản trở hô hấp của trẻ.
- Khi cơn đã qua, đặt trẻ nằm tư thế hồi phục.
3. Hạ đường huyết
* Triệu chứng: đang chơi bỗng trẻ thấy cơ thể mệt mỏi, đói, chân tay bủn rủn, rịn mồ hôi, mặt nhợt nhạt, mạch đập mạnh, thở nông.
* Xử trí: đặt trẻ ở tư thế ngồi dựa hoặc nằm, nới lỏng quần áo, cho trẻ ăn hay uống đồ có đường. Có thể nói chuyện, xoa bóp chân tay trẻ để trẻ khỏi lạnh và đây cũng là cách động viên trẻ để trẻ khỏi sợ hãi. Sau 20 phút trẻ sẽ tự hồi phục. Tuy nhiên phải giữ trẻ nghỉ ngơi, không nên để trẻ vận động mạnh, sẽ bị lại.
4. Ngất
* Triệu chứng:
- Trẻ cảm thấy yếu, mệt, mặt nhợt nhạt. Bất tỉnh nhanh chóng. Mạch chậm.
* Xử trí:
- Đỡ trẻ nằm xuống, nâng hai chân cao so với tim. Kê chăn gối, balo, hay chồng sách dưới hai chân.
- Nới lỏng quần áo, nếu ở trong nhà, nên mở cửa sổ để thoáng khí.
- Quạt mát trên mặt.
- Nếu trẻ không tỉnh lại, phải nhận biết tình trạng của trẻ: thân nhiệt, hô hấp, tuần hoàn, các tổn thương khác.
- Gọi xe cấp cứu khi cần thiết.
- Nếu trẻ tỉnh lại, đặt trẻ ở tư thế hồi phục.
5. Hóc ở trẻ còn tỉnh
* Triệu chứng: thở khó, cố khóc nhưng chỉ phát ra những tiếng lạ hoặc không thành tiếng (có thể nghe tiếng trẻ sặc sụa lúc mới bị hóc trước đó), mặt tái nhợt.
* Xử trí:
- Nếu là trẻ nhủ nhi: đặt trẻ nằm sấp trên cánh tay bạn. Đầu trẻ chúi xuống thấp hơn cơ thể, bàn tay đỡ phần đầu và hai vai trẻ. Tay còn lại vỗ vào lưng 5 lần.
- Nếu là trẻ lớn hơn: cho trẻ đứng thẳng, gập người xuống, bạn đứng từ phía sau, một tay vòng qua bụng giữ trẻ khỏi té ra trước, tay còn lại vỗ 5 lần vào lưng giữa hai vai.
- Nếu trẻ lớn gần bằng bạn: đứng đằng sau trẻ, vòng tay ra trước, đặt nắm đấm dưới xương ức. Tay còn lại nắm cổ tay kia giật ra sau mạnh 1-2 lần.
- Khuyến khích trẻ ho khạc ở tư thế cúi trước.
- Kiểm tra miệng trẻ, ấn ngón tay xuống dưới lưỡi để nhìn rõ hơn. Nếu thấy dị vật, dùng ngón tay móc ra.
Ghi chú: Có thể làm lại thao tác này 2-3 lần sau mỗi khi kiểm tra miệng.
6. Phồng da
* Triệu chứng: da phồng rộp lên, có chứa dịch hoặc không.
* Xử trí:
- Rửa vết thương bằng xà phòng và nước sạch.
- Dùng gạc sạch, giấy mềm thấm khô vết thương và vùng chung quanh.
- Đặt gạc sạch hay băng keo cá nhân và quấn băng thun lại.
7. Chảy máu mũi
* Triệu chứng: máu tươi chảy ra từ lỗ mũi trẻ lúc đang chơi đùa.
* Xử trí:
- Cho trẻ ngồi đầu cúi trước. Bắt trẻ thở bằng miệng, sau đó bạn bóp nhẹ mũi trẻ khoảng 10 phút.
- Hướng dẫn trẻ khạc nhổ bất cứ dịch nào chảy vào miệng.
- Sau 10 phút bỏ ra nếu thấy còn chảy thì bóp tiếp.
- Khi máu ngưng chảy, thấm bông gòn khô vào nước ấm lau quanh mũi và miệng. Cho trẻ nghỉ ngơi tránh hoạt động mạnh vì máu có thể chảy lại.
8. Bỏng nước nóng và lửa
* Triệu chứng: đỏ, rát, phồng rộp da, trắng bệch hoặc cháy đen.
* Xử trí:
- Cắt nguyên nhân gây bỏng.
- Làm nguội vết bỏng (có thể bằng rửa nước lạnh khoảng 10 – 15 phút).
- Cởi bỏ quần áo nếu cần.
- Làm sạch vết bỏng và vùng da chung quanh.
- Phủ vải sạch hay băng lại.
- Giảm đau.
- Chuyển trạm y tế nếu cần (nếu các bóng nước bị vỡ phải chuyển trạm y tế).
9. Ngộ độc
Ở đây chúng ta chỉ đề cập đến ngộ độc qua đường miệng.
* Triệu chứng: sau khi ăn hay uống một loại thuốc hay thực phẩm nào đó thì có các triệu chứng: nôn mửa, đau bụng quằn quại, mặt tái xanh, rối loạn nhịp thở hay mạch. Nếu nặng có thể co giật hay hôn mê.
* Xử trí:
- Kiểm tra miệng lấy hết các vật phẩm còn trong miệng.
- Thông đường thở.
- Giúp nôn ra.
- Uống than hoạt tính.
- Chuyển trạm y tế gần nhất
Mỗi đơn vị khi đi trại nên có một hộp thuốc chống độc gồm hai thứ chính: Sirô IPECA và than hoạt tính.
10. Rắn cắn
* Triệu chứng: vết răng còn hằn trên da, đau dữ dội, đỏ tấy sưng chung quanh vết cắn. Nôn mửa, hoa mắt, khó thở, chảy nước dãi, vã mồ hôi…
* Xử trí:
- Đở trẻ nằm, giữ cho tim cao hơn vùng bị rắn cắn.
- Rửa sạch vết cắn, dùng gạc sạch thấm khô.
- Dùng băng cuộn quấn chặt phía trên vùng bị cắn một đoạn dài, khi chân có dấu hiệu tê lạnh mới được nới lỏng băng.
- Cố định chi bị cắn.
- Trấn an trẻ. Giữ trẻ nằm bất động để chất độc không lan truyền khắp cơ thể.
- Gọi xe cứu thương.
11. Côn trùng đốt
* Triệu chứng: sau khi bị đốt, da vùng đó sưng, nóng, đỏ, đau nhức có thể rất ngứa.
* Xử trí:
- Nếu ngòi của côn trùng vẫn còn cắm trong da, thì nặn hai bên cho ra, không được tự tiện dùng nhíp kẹp ra vì như vậy nọc độc càng lan vào nhanh vào cơ thể hơn.
- Chườm khăn lạnh lên vùng bị đốt để giảm đau, khoảng 10 phút thay khăn lạnh một lần cho đến khi đỡ nhức.
- Nếu có dấu hiệu dị ứng nặng hay triệu chứng bất thường phải mang trẻ ngay đến Bệnh Viện.
12. Bị sinh vật biển châm đốt
* Triệu chứng: sứa, hải quỳ, san hô có nhiều tế bào gai chích độc. Sau khi trẻ tiếp xúc chỉ sưng, đau rát nhưng không nguy hiểm.
* Xử trí:
- Chườm lạnh lên vùng da bị chích khoảng 10 phút.
- Nâng cao vùng bị chích để giảm sưng.
- Sau một thời gian sẽ tự khỏi.
13. Bị cá chích
* Triệu chứng: sau khi bị gai cá độc chích vào chân tay sưng tấy và nhức nhối. Gai cá có thể bị gãy vào trong da bàn chân.
* Xử trí: ngâm vùng bị thương vào nước ấm trong vòng 30 phút. Liên tục đổ thêm nước nóng để giữ ấm. Cẩn thận thăm dò không được để trẻ bị bỏng. Nếu vết thương sưng tấy nhiều hơn hay còn gai cá trong chân, phải đưa trẻ đến Bệnh viện.
14. Hạ thân nhiệt
* Triệu chứng: sau khi ở môi trường lạnh lâu hay bị rơi xuống nước. Trẻ có dấu hiệu run rẩy, da lạnh, khô, xanh. Bơ phờ, bất tỉnh, thở chậm, mạch yếu dần.
* Xử trí:
- Nếu trẻ còn đủ sức, tắm cho trẻ bằng nước ấm. Khi màu sắc da trở lại bình thường, lau khô người, quấn khăn, mặc áo ấm cho trẻ.
- Đưa trẻ lên giường, đắp nhiều chăn, đội mũ và nằm trong phòng kín gió.
- Nếu trẻ mê, phải kiểm tra hô hấp, tuần hoàn để có thể làm hô hấp nhân tạo hay xoa bóp tim ngoài lồng ngực khi có chỉ định.
Chú ý: Không được cho da trẻ tiếp xúc với bất kỳ nguồn nhiệt nào, như chai nước nóng, bịch chứa nước nóng. Cơ thể trẻ sẽ tự nóng dần lên.
15. Say nắng
Gặp khi trẻ phải phơi mình quá lâu trong môi trường nóng bức.
* Triệu chứng: Bất ngờ đau đầu, lúng túng, da khô nóng, phản ứng kém, mạch nảy mạnh, nhanh, thân nhiệt có thể lên đến 40 độ C.
* Xử trí:
- Cho trẻ nằm nơi thoáng mát, cởi bỏ hết quần áo. Đầu kê gối hay khăn mỏng, trấn an trẻ.
- Dùng miếng bọt biển hay khăn ướt lau người trẻ bằng nước ấm. Để da trẻ tự khô trong không khí.
- Quạt để hạ bớt nhiệt xuống.
VỆ SINH TRẠI
Ở mọi cuộc trại, đặc biệt là các trại dài ngày, ngoài phần kỹ thuật cắm lều và thủ công tiện nghi trại, các trại sinh phải biết rõ một số quy định trong vệ sinh trong ăn uống, vệ sinh thân thể và một số kỹ thuật tiện nghi phục vụ cho đời sống trại như hố rác, nhà cầu, nhà tắm v.v… có như vậy trại sinh mới có thể bảo đảm được sức khỏe trong lúc cắm trại cũng như sau khi về nhà.
I. BẾP
Bếp phải được làm ở cuối gió so với đất trại, tốt nhất là cách lều 50m, gần nguồn nước thiên nhiên để tiện sử dụng. Nếu ở trong rừng hay khu có nhiều vật liệu dễ cháy, bếp phải được dọn sạch lá và vật dễ cháy cách khu làm bếp ít nhất 3m. Bếp nên để nơi cuối hướng gió để khói không bay vào khu sinh hoạt của trại.
II. HỐ RÁC
Thường miệng hố rác hình tròn, kích thước 40cm đường kính, sâu 40cm là đủ dùng cho một Đội, Tuần hay Toán. Tuy nhiên hố rác phục vụ bếp nấu cho cả đơn vị thì phải lớn hơn hoặc sâu hơn. Thường nên có hai loại hố rác:
- Hố chứa rác vô cơ: rác không thối rữa như giấy, vải, bao bì v.v…
- Hố chứa rác hữu cơ: rác có thể thối rữa như thịt, cá, rau quả v.v… nên được lấp mỗi ngày.
Hố rác nên có nắp đậy để tránh rác bay tứ tung khi gió mạnh hay trôi lềnh bềnh khi hố bị ngập nước.
III. NHÀ TẮM
Nên làm nơi khô ráo, dễ đi, cách lều 200m là tốt nhất và gần khu nhà cầu. Nhà tắm phải có mái che, kín gió, và tránh xa nguồn nước đang sử dụng.
VI. NHÀ CẦU
- Hố tiêu có kích thước ngang 30cm, dài 1m, sâu 1m (nếu không có đường dẫn nước tiểu riêng).
- Có thể đào hố tiêu hình tròn đường kính 30cm, sâu 60cm.
Hố tiêu nên làm ở nơi cuối gió, khô ráo, cách lều trại 200m. Tấm dừng xung quanh cao từ 1,2m – 2m, giữa mái che và tấm dừng phải có khoảng cách tối thiểu 30cm để nhà cầu thông thoáng.
V. ẨM THỰC Ở TRẠI
Nhu cầu năng lượng của mỗi trại sinh tối thiểu từ 2.500 đến 3.000 calo, bao gồm 1 bữa ăn sáng, 2 bữa ăn chính trưa, chiều và hai bữa ăn phụ (dặm thêm ở buổi xế và tối sau khi chơi lửa trại). Mỗi bữa ăn chính tối thiểu phải có 3 món: món canh, món mặn, món xào. Lượng dầu, mỡ ở mỗi bữa ăn không được quá 10%.
Rau tươi sau khi bỏ những phần hư, phần không ăn được phải được rửa sạch dưới vòi nước, sau đó ngâm thuốc tím từ 10 đến 15 phút hay nước muối loãng trong nửa giờ.
Nước phải được đun sôi từ 5 đến 10 phút (tính từ lúc sôi). Nếu là nước ao, hồ, sông, suối hay nước bẩn phải được lắng phèn, lọc rồi mới được đun sôi.
VI. KẾT LUẬN
Bảo đảm vệ sinh đời sống trại là điều hết sức quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sinh mạng của trại sinh. Vì thế, vệ sinh đời sống trại phải được Trưởng và toàn thể trại sinh quan tâm đúng mức để bảo đảm cho trại thành công.

Chương VII: Thám du
AN TOÀN KHI CẮM TRẠI
Cắm trại là hoạt động thường xuyên của sinh hoạt Hướng Đạo, nó là môi trường tuyệt vời để vui chơi, huấn luyện, giáo dục kiến thức, kỹ năng và thái độ cho đoàn sinh. Được hòa mình vào thiên nhiên cùng các bạn trang lứa thi đua, khám phá, trải nghiệm, tận hưởng không khí trong lành, tinh khiết, tránh xa được sự ô nhiễm huyên náo nơi đô thị là một điều tuyệt vời trong cuộc sống. Những kỷ niệm dưới mái lều sẽ làm thắm thêm tình huynh đệ HĐ.
Để khỏi gặp những rắc rối về thủ tục khi tổ chức trại, bạn phải đi tiền trạm trước và hoàn tất các việc sau:
- Khảo sát vùng đất trại: vẽ sơ đồ đất trại và khảo sát các dịch vụ phục vụ cho hội trại.
- Xin phép chính quyền hay cơ quan chủ quản có đất trại.
- Ký hợp đồng sau khi xem xét các điều khoản nếu là khu du lịch.
Để có được một chuyến đi cắm trại ngoài trời an toàn và thành công, bạn nên tham khảo và chuẩn bị một số vấn đề sau:
1. Thời tiết
Chọn lúc thời tiết khô ráo, mát mẻ là lúc thích hợp nhất để đi cắm trại. Trời mưa sẽ khiến đất đá ẩm ướt, lều bạt cũng không vững chắc nếu xảy ra mưa quá to. Nếu vào mùa mưa các hoạt động leo núi, chơi thể thao hoặc bơi thuyền, ngắm cảnh sẽ gặp trở ngại. Nếu trời âm u, mù mịt kèm theo mưa giông to gió lớn sẽ khiến cho buổi dã ngoại của bạn có thể trở thành thảm họa khi có lũ quét, sạt lở. Thời tiết nắng ráo sẽ đem lại cho bạn một buổi cắm trại tuyệt vời.
2. Địa điểm cắm trại
Tùy theo những đối tượng sẽ đi mà bạn chọn địa điểm cắm trại sao cho phù hợp. Nếu đi cùng với các em nhỏ như Nhi và Ấu và người lớn tuổi như phụ huynh, nên chọn những địa điểm bằng phẳng, dễ đi chuyển, có đường xe vào-ra và có nhiều dịch vụ hỗ trợ du lịch ở xung quanh, đề phòng những trường hợp bất ngờ.
Nếu chọn đi cắm trại cùng các em lớn hơn như Thiếu, Kha và Tráng thì những địa điểm hoang sơ, hiểm trở và có đôi chút gai góc, khó khăn sẽ là địa điểm lý tưởng để cùng nhau chinh phục và khám phá. Các vị trí gần suối, sông, núi rất lý tưởng cho các em chinh phục nhưng phải nhớ nếu không hiểu biết rõ địa hình và có kỹ năng chuyên môn, các em không giữ kỷ luật thì các trò chơi ở các vị trí này đôi khi sẽ trở thành thảm họa.
Cần chọn địa điểm có địa hình bằng phẳng, hay nơi cao ráo, xung quanh thoáng đãng. Đặc biệt, nếu bạn cắm trại trong rừng, nên chú ý lựa chọn những nơi gần suối để tiện cho việc sinh hoạt. Còn nếu ở biển, hãy chắc chắn trại của bạn không bị ảnh hưởng khi thủy triều lên hoặc xuống. Việc chọn địa điểm phải được quyết định khi trời còn sáng, bởi ở những nơi thiên nhiên hoang dã, xa dân cư, trời sẽ tối đen do không có ánh đèn điện xung quanh. Lúc đó, bạn sẽ khó tìm đường và tiến hành dựng trại. Hạ trại lúc trời còn sáng cũng là để tiện cho việc kiểm tra môi trường xung quanh, dọn dẹp và phát quang, tránh côn trùng sẽ bất ngờ xuất hiện trong trại của bạn vào nửa đêm.
3. Nơi đóng lều
Chọn nơi cao ráo, tránh luồng nước chảy khi mưa. Không đóng lều dưới gốc cây, bụi rậm vì các nơi này thường là chỗ trú ẩn của rắn, rết, bọ cạp… Nên tránh đóng lều dưới gốc cây to, cao vì có thể xảy ra tổn thương do sét đánh hay cây ngã, gãy cành khi mưa dông. Chọn cửa lều nhìn về hướng Nam hay Bắc để tránh nắng nóng chiếu vào trong lều. Mùa hè chọn lều có nhiều cửa thoáng mát, mùa đông chọn lều kín hơn để khỏi bị nhiễm lạnh.
4. Trang phục phù hợp
Ngoài bộ đồng phục, cần mang theo một số trang phục khác. Lựa chọn trang phục phù hợp sẽ giúp bạn có một chuyến đi thoải mái và an toàn. Một số lưu ý nhỏ khi bạn lựa chọn trang phục: Không nên mặc quần áo quá bó sát, vì sẽ dễ làm bạn khó khăn di chuyển đường dài. Mặc trang phục nhiều lớp, mỏng, nhẹ để dễ cởi đồ ra nếu bạn cảm thấy nóng khi đi trên đường. Vào mùa lạnh, hãy mang theo đồ giữ ấm như mũ len, găng tay, áo khoác, tốt nhất là loại chống thấm nước. Đặc biệt, nếu bạn cắm trại trong rừng, hãy mang thêm áo khoác. Đêm trong rừng nhiều sương và rất lạnh, đặc biệt khi bạn không vận động như ban ngày. Nếu trong chương trình có hoạt động đi bộ thì giày cũng là đồ mà bạn cần để ý tới. Hãy đi giày phù hợp với đôi chân của bạn, không quá lỏng, cũng đừng quá chật, tránh loại giày đế trơn vì sẽ không bám đất dễ trượt ngã sẽ làm bạn không thoải mái nếu đi đường dài và đặt biệt là giày kín và không có khả năng thấm mồ hôi.
5. Đồ dùng cần thiết
- Đồ vệ sinh cá nhân: bàn chải, kem đánh răng, xà phòng tắm, khăn, giấy vệ sinh.
- Lều, bạt trải.
- Dây, cọc, gậy, xẻng nhỏ.
- Túi ngủ hay chăn đắp.
- Áo mưa, áo gió, mũ, khăn.
- Quần áo thay đổi trong, ngoài.
- Hộp kim chỉ may vá.
- Giấy vệ sinh.
- Bình xịt diệt côn trùng.
- Dụng cụ chiếu sáng: Đèn pin, đèn dầu, nến…
6. Dụng cụ nấu nướng
- Bật lửa, bếp dùng đi dã ngoại.
- Bình nước, bình trữ lạnh.
- Dao, thớt, nồi, thau, chén, bát, đũa.
- Miếng chùi, xà bông rửa chén, bát.
- Nhiên liệu, nguyên liệu để nấu nướng.
- Thức uống, cà phê, nước ngọt, nước khoáng…
- Thực phẩm khô được đóng gói, đóng hộp: Thực phẩm đóng hộp, tôm khô, cá khô, lạp xưởng, mì gói..
- Thực phẩm tươi sống nên được chuẩn bị, sơ chế, ướp sẵn tại nhà và được bảo quản hợp lý.
- Gia vị: Nước mắm, muối, bột nêm, tiêu, hành, tỏi, ớt.
Một nguyên tắc trong việc chuẩn bị hành lý khi đi chơi xa, cắm trại là: chỉ mang đúng và đủ những gì thật sự cần thiết, đặc biệt là với thức ăn. Việc này sẽ giúp giảm thiểu cân nặng của những dụng cụ thừa, đồng thời giúp các bạn có thể mang thêm những vận dụng cần thiết khác. Đi cắm trại và đốt lửa trại sẽ luôn gắn liền với màn nướng ngô, khoai và uống trà nên hãy chuẩn bị sẵn những món ăn này để đêm lửa trại thêm thú vị.
7. Túi cứu thương
Túi cứu thương cá nhân bao gồm:
- Các thuốc thông thường như: giảm đau, hạ sốt, chống dị ứng, đau dạ dày, thuốc tiêu độc, tiêu chảy, thuốc trị côn trùng cắn, dầu gió…
- Bộ sơ cứu vết thương: Kìm, kéo, nhíp, dao mổ, nước muối sinh lý NaCL 0,9%, oxy già, Povidin 10%…
- Băng keo cá nhân, băng keo cuộn, băng thun, băng cuộn vải, gòn, gạc.
- Thuốc thoa chống muỗi
8. Dụng cụ khác
- Ba lô
- Sổ sách, giấy viết, nhật ký hành trình…
- Bản đồ, và địa bàn
- Thiết bị định vị toàn cầu GPS (Cái này tùy theo khả năng của từng người)
- Đồng hồ
- Ống dòm
- Máy chụp hình và phim
- Máy thu thanh (radio)
- Điện thoại di động (nếu vùng có phủ sóng)
- Dao săn (hoặc dao rừng, dao mưu sinh…)
- Dao bỏ túi (đa chức năng)
- Dây đủ cỡ
- Rìu, rựa, cuốc, xẻng, cưa…
- Nhang đuổi muỗi
- Bình lọc nước loại nhỏ.
9. Xử lý rác thải
Đào 2 loại hố rác hay có 2 túi đựng rác khác nhau: túi đựng rác vô cơ và túi đựng rác hữu cơ. Túi đựng rác hữu cơ sẽ được thay mỗi ngày để tránh ruồi, nhặng và bốc mùi hôi thối. Rác nên để ở nơi cuối trại, cuối hướng gió và gói lại hay có nắp đậy. Khi tan trại, phải chôn, đốt rác hay tập trung ra nơi quy định.
10. Các vấn đề khác
- Để bảo vệ thiên nhiên hoang dã và vẻ đẹp hoang sơ của nó, khi nhổ trại, hãy dọn dẹp các loại rác thải, đặc biệt những loại rác vô cơ, luôn mang theo những túi để đựng rác. Bạn hãy tắm và làm các vệ sinh cá nhân cách nguồn nước 60m. Tại Việt Nam, rất nhiều nơi người dân địa phương không có nước máy mà phải sử dụng nguồn nước tự nhiên để sinh hoạt. Hãy trả lại hiện trạng ban đầu của môi trường như khi bạn mới đặt chân đến.
- Hãy luôn nhớ dọn sạch sẽ lá, rác, các que nhỏ dễ bắt lửa nơi đặt bếp và đốt lửa trại. Cẩn thận với củi lửa khi đốt lửa trại hoặc nấu nướng vì ở nơi hoang sơ nhiều cây cối và gió lớn làm tàn lửa bay xa và ngọn lửa có thể bùng lên bất cứ lúc nào gây cháy rừng.
- Nếu để xe máy cạnh nơi cắm trại, hãy đốt lửa xa xe máy để đề phòng cháy, nổ.
- Tuyệt đối chú ý an toàn khi nhóm lửa hoặc trên đường thám du khám phá thiên nhiên.
- Không đi vào những con đường nhỏ, đường quá hiểm trở, đường có biển cấm hoặc cảnh báo nguy hiểm để bảo vệ an toàn cho chính bản thân mình và những người cùng đoàn.
Tóm lại,
Hoạt động dã ngoại luôn là những hoạt động làm say mê lòng người. Tuy nhiên, chúng ta luôn phải tự trang bị kiến thức, kỹ năng và vật dụng phù hợp khi tham gia hoạt động này. Luôn luôn nhớ rằng, dù là du lịch khám phá hay cắm trại HĐ, sự nguy hiểm của thiên nhiên bao la rộng lớn luôn luôn rình rập bạn lúc bạn thiếu cảnh giác. Không ai có thể biết trước ở những nơi hoang dã có những gì nguy hiểm đang chờ đợi bạn.
ĐỌC BẢN ĐỒ
TỔNG QUAN
Các bản đồ hiện nay chúng ta đang dùng là bản đồ lập theo hệ thống U.T.M (Universal Transverse Mercator). Với đặc điểm:
- Dùng lưới Mercator (Phương pháp chiếu Mercator của Mỹ).
- Lấy kinh tuyến Greenwich của Anh làm chuẩn (làm kinh tuyến số 0). Theo chiều dọc, trái đất được chia làm 180 kinh tuyến phía Đông và 180 kinh tuyến phía Tây.
- Theo mặt phẳng ngang, lấy đường xích đạo là vĩ tuyến số 0. Trái đất chia thành 90 vĩ tuyến Bắc và 90 vĩ tuyến Nam.
- Đơn vị tính chiều dài là thước (mètre) của Pháp.
- Theo chiều dọc, trái đất chia thành 60 múi (mỗi múi rộng 6o) viết bằng số, bắt đầu từ kinh độ Tây 180o. Theo chiều ngang chia làm 22,5 giải (mỗi giải 8o). Mỗi giải được đặt tên bằng một mẫu tự bắt đầu từ C đến X (bỏ các mẫu tự A,B,I,O,Y).
- Vùng bao quát: Được giới hạn bởi số của múi và chữ của giải.
Ví dụ: vùng bao quát của Việt Nam là: 47Q 48Q 49Q 48P 49P.
– Ô vuông 100 cây số: mỗi vùng bao quát được chia ra nhiều ô vuông có cạnh là 100 cây số (diện tích ô là 10.000 cây số vuông).
- Ở bản đồ tỉ lệ: 1/25.000 mỗi ô có cạnh 4cm tương đương 1km.
- Ở bản đồ tỉ lệ: 1/50.000 mỗi ô có cạnh 2cm tương đương 1km.
- Ở bản đồ tỉ lệ: 1/100.000 mỗi ô có cạnh 1cm tương đương 10km.
CÁC ƯỚC HIỆU
- Tỉ lệ xích: Phần tỉ lệ được thu nhỏ lại so với thực tế.
Ví dụ: Tỉ lệ 1/25.000 thì 25.000 đơn vị chiều dài thực tế bằng 1 đơn vị trên bản đồ. Cụ thể nếu đoạn AB trên bản đồ đo được 5cm, suy ra:
5cm x 25.000 = 125.000cm = 1.250m = 1,25km.
- Vòng cao độ: Là những vòng đồng tâm được đánh số cho biết chiều cao nơi đó.
Ví dụ: Vòng cao độ có số 470 có nghĩa ở các điểm trên vòng này đều có độ cao 470 mét so với mặt nước biển.


HƯỚNG BẮC TRÊN BẢN ĐỒ:
Phía dưới bản đồ UTM có một biểu tượng của các hướng Bắc:

- Hướng Bắc của ô vuông (GN).
- Hướng Bắc địa dư (có hình ngôi sao).
- Hướng Bắc từ (MN).

SỬ DỤNG BẢN ĐỒ
ĐỊNH HƯỚNG BẢN ĐỒ
Định hướng một bản đồ tức là đặt phương hướng bản đồ trùng khớp với phương hướng ngoài thiên nhiên. Muốn vậy, phải làm một trong hai việc sau:
- Xoay hướng Bắc của bản đồ trùng hướng Bắc của địa bàn (nếu có địa bàn).
- Tìm một số mốc có sẵn ngoài thiên nhiên, tìm các mốc đó trong bản đồ rồi xoay các mốc đó cho trùng khớp với ngoài thiên nhiên.
CÁCH ĐỊNH TỌA ĐỘ MỘT ĐIỂM
Trên mặt phẳng, muốn xác định tọa độ một điểm người ta dùng tọa độ của hệ thống trục x,y. Trong bản đồ người ta cũng làm như thế.
1. Đại cương về hệ thống ô vuông

Bản đồ được chia làm rất nhiều ô vuông, mỗi cạnh ô tương ứng với 1 cây số ngoài thực tế. Những con số in trên hay dưới đường dọc chỉ rằng các điểm ở trên đường đó có cùng một hoành độ. Ngược lại, những con số in bên phải và trái của mỗi đường ngang chỉ rằng tất cả các điểm trên đường đó có cùng một tung độ.
Điểm x được xác định bằng các số in lớn ghi trên các đường ngang và dọc, như hình trên tọa độ của điểm x là 4633 (hoành độ ghi trước, tung độ sau).
2. Cách tìm tọa độ một điểm
– Thước định điểm: Tùy vào tỉ lệ xích của bản đồ sử dụng mà ta có thước tương ứng.Ví dụ: Thước định điểm tỷ lệ xích 1/25.000 có cạnh dài 40mm (tương ứng với 1km ngoài thiên nhiên). Cạnh được chia làm 10 khoảng, mỗi khoảng 4mm tượng trưng cho 100m. Một khoảng nhỏ lại chia làm 5 phần, mỗi phần tượng trưng 25m.

3. Xác định tọa độ
Muốn xác định tọa độ một điểm trên bản đồ, trước hết ta tìm xem điểm đó nằm trong ô vuông nào. Ví dụ điểm C, nằm trong ô vuông 4633. Xê dịch thước đến điểm C, một cạnh thước trùng với cạnh dưới ô vuông chứa C, cạnh còn lại qua C. Đọc trên thước thấy hoành độ là 425, tung độ là 935.
Ghép các chỉ số ô vuông vào ta có 10 số hiển thị tọa độ của C là 46.425/33.935 viết liên tục: 4642533935. Tọa độ này còn gọi là tọa độ mét vì con số tận cùng của hoành độ, tung độ là con số tính bằng mét.
4. Xác định một điểm khi biết tọa độ điểm đó
Ta làm ngược lại phần trên:
Ví dụ: Xác định điểm C có tọa độ 4634033600.
Ta biết, mỗi ô có cạnh 1000m, do đó ô vuông trên điểm C có :
- Hoành độ: 340, tung độ: 600.
- Tìm ô vuông 4633.
- Đặt thước dọc đường ngang 33 xê dịch thước cho đến khi đường 46 đi qua gạch 340.
- Nhìn cạnh đứng của thước lấy điểm 600. Đó chính là điểm C tọa độ: 4634033600.
DÙNG BẢN ĐỒ ĐỂ DI CHUYỂN
Phối hợp giữa bản đồ và địa bàn để di chuyển là công việc thường xuyên một số ngành như hàng hải, địa chất và quân đội. Riêng trong sinh hoạt thám du, các HĐS cũng áp dụng phương pháp trên, có một chút trở ngại khi chúng ta dùng địa bàn đó là phương Bắc từ, còn trên bản đồ lại dùng phương Bắc địa dư. Để khắc phục điều này ta phải thực hiện 3 giai đoạn:
- Giai đoạn 1:
Giả sử muốn đi từ Hoa Lư đến Đống Đa, ta đặt địa bàn lên bản đồ, kẻ bằng bút chì những đường song với hướng Bắc – Nam từ lên bản đồ, sau đó kẻ một đường nối liền Hoa Lư với Đống Đa. Đặt địa bàn lên điểm Hoa Lư.
- Giai đoạn 2:
1. Xoay địa bàn để kim chỉ đúng hướng Bắc – Nam của địa bàn.
2. Giữ nguyên địa bàn, xoay bản đồ đến khi các đường Bắc Nam từ song song với kim địa bàn.
- Giai đoạn 3:
Nhìn lên địa bàn và đường thẳng nối Hoa Lư với đống Đa. Ta sẽ biết góc độ của đường đi, ví dụ 340o. Bây giờ cầm địa bàn trên tay, ngắm hướng 340o tìm một điểm mốc (cây cao, nóc nhà thờ, cột cờ, đài tưởng niệm…). Nhắm hướng điểm mốc đi tới. Khi đến nơi, ta lại ngắm tiếp hướng 340o chọn một mốc khác tiếp tục đi cho đến khi đến Đống Đa.

THÁM DU
Thám du là một hoạt động thường xuyên của các đơn vị Hướng Đạo, nó mang lại nhiều lợi ích thiết thực trong vấn đề giáo dục và rèn luyện cho các em HĐS. Ở ngành Tráng, thám du không đơn thuần là việc giáo dục và rèn luyện cho bản thân Tráng sinh, mà nó còn hỗ trợ cho giúp ích của PTHĐ và cộng đồng xã hội. Qua hoạt động thám du, các Tráng sinh sẽ làm công việc khảo sát thiên nhiên và cộng đồng xã hội tại một địa phương nào đó, từ những dữ liệu thu được trong cuộc thám du này, các Tráng sinh sẽ lập các dự án nhằm mục đích phục vụ cho PTHĐ hay cộng đồng xã hội.
Một báo cáo thám du đầy đủ của Tráng sinh gồm 4 phần:
- Họa đồ thám du.
- Tờ trình thám du.
- Khảo sát địa phương.
- Dự án đề nghị.
I. HỌA ĐỒ THÁM DU
Họa đồ thám du gồm 3 phần:
- Họa đồ lộ trình.
- Họa đồ địa hình (Croquis topographique).
- Bức họa toàn cảnh đồ (Croquis panoramique).
1. Họa đồ lộ trình
Họa đồ lộ trình hay còn gọi là họa đồ trực chiếu, dùng để tóm tắt tất cả những gì đã nhìn thấy và đo đạc được trên đường đi với yêu cầu:
- Hành văn giản dị, rõ ràng, chính xác.
- Viết chữ và số liệu lớn cho dễ đọc.
- Ghi chính xác tên địa danh, vật thể mà ta đã gặp (bao gồm tên dân gian người địa phương gọi và tên chuyên ngành sử dụng nếu có thể).
- Định vị các địa điểm theo phương hướng quy ước dựa trên các mốc có sẵn. Ví dụ: Ở về phía Bắc nhà thờ chính tòa, phía Đông Nam làng X…).
Cách lập họa đồ lộ trình (trực chiếu):
Nên có một tấm bìa cứng và cố định nó lên cơ thể dể làm “bàn viết” để hai tay có thể rảnh rang làm các thao tác ước lượng hay sử dụng địa bàn. Trên tấm bìa đó để một tờ giấy vẽ họa đồ và một địa bàn. Tờ giấy được chia làm 7 cột để ghi lại tất cả diễn biến và nhận xét của ta trên đường đi.

1. Giờ: Ghi lại những giờ giấc mỗi khi đến một điểm quan trọng trên lộ trình.
Ví dụ: Khởi hành lúc 8g00, 8g30 đến đầu xa lộ…
2. Bên trái đường: Nhận xét thấy có gì ở bên trái của đường đi.
Ví dụ: Rừng cây, ruộng lúa, làng mạc, ấp miếu, ao hồ, nhà, quán, đường xe lửa…
3. Trên đường: Có những gì trên đường mình đi qua.
Ví dụ: Đường nhựa rộng mấy thước, có ổ gà, cầu cống, bùng binh…
4. Bên phải đường: Giống như nhận xét bên trái đường.
5. Sơ đồ Gilwell: Tức là dạng của đường đi. Đó là một sơ đồ của đường đi. Còn được gọi là sơ đồ trực chiếu, tức là đường đi ra sao thì ghi vào giấy như vậy.
Trong phần này có một đường thẳng kẻ vào giấy (Nên tô đậm hoặc dùng bút màu vẽ cho rõ): đó là đường biểu thị lộ trình đường chúng ta đi qua. Điểm khởi hành được vẽ từ dưới cùng trang giấy vẽ lên.
Nguyên tắc chính là mỗi lần con đường thay đổi hướng đi, ta ghi sự thay đổi đó bằng một mũi tên chỉ hướng Bắc lên trên con đường trong ô số 5 (Sơ đồ Gilwell).
Mỗi khi đổi hướng của một đoạn đường, kẻ một vạch ngang từ trái sang phải tờ giấy để phân biệt với đoạn đường tiếp theo.
Thực ra ở ngoài thực tế hướng Bắc không đổi, nhưng con đường đi quanh co đổi hướng. Trên sơ đồ Gilwell ta làm ngược lại để con đường thẳng tắp. Muốn vậy, ta để hướng Bắc thay đổi, như vậy góc giữa hướng Bắc và con đường trên bản đồ hay trên thực tế cũng không hề khác nhau. Trên sơ đồ này, ta nhìn thấy ngoài thế nào thì vẽ vào giấy như vậy (như thế mới gọi là trực chiếu).
Ta nên chọn sẵn một tỉ lệ xích thích hợp trong việc ghi lại trên giấy.
Nên dùng các ước hiệu địa chính (Xem phần ước hiệu trên bản đồ).
Như vậy, khi về đất trại ta chỉ việc chắp những đoạn đường trên lại với nhau để thành con đường hoàn chỉnh. Phần này sẽ được trình bày ở phần sau.
6. Các khoảng cách: Mỗi khoảng đường được đổi hướng, ta phân biệt bằng một gạch ngang. Khoảng cách giữa hai gạch ngang là đoạn đường ta vừa đi qua, thường được tính bằng đếm bước chân rồi đổi thành mét hay kilomet. Cộng các khoảng cách trên lại ta có khoảng cách từ chỗ đang đứng đến điểm khởi hành. Trong họa đồ trực chiếu ta ghi số này ở dưới mỗi đường gạch ngang khi đổi hướng.
7. Ghi chú: Ở mục này, ta ghi lại những nhận riêng của mình. Chẳng hạn đất để cắm trại tốt, nước sông trong, đục. Đời sống dân chúng, nguồn lợi địa phương.
2. Họa đồ địa hình (Croquis topographique)
Nên nhớ, “Một họa đồ địa hình đầy đủ giá trị hơn một tờ tường trình dài”.
Họa đồ địa hình có thể hoàn thành làm tại chỗ hoặc khi về đất trại (hay về nhà) mới làm và căn cứ phần lớn trên họa đồ Gilwell.
Họa đồ phải được làm cẩn thận, không dùng đến bản đồ (Quân sự hay địa chính) và trong mỗi trường hợp phải có một tỉ lệ xích khác hơn với bản đồ nếu để dùng để đi đường.
Họa đồ địa hình có thể chính nó gồm cả phần tường trình. Trong trường hợp này, họa đồ phải hơi lớn để có thể ghi chép hết những nhận xét hữu ích đã thu lượm được.
Từ sơ đồ Gilwell vẽ thành sơ đồ địa hình:
Trong sơ đồ Gilwell đường đi được ký hiệu bằng những mũi tên thẳng, bây giờ ta sẽ tập hợp các đoạn mũi tên này lại thành các đoạn đường đúng hướng thực nó trên địa hình thực tế.
Muốn vậy phải lần lượt ta thực hiện các bước sau:
- Lấy một tờ giấy mờ (giấy bóng mờ, giấy mỏng viết thơ…). Trên đó đã vẽ một mũi tên chỉ hướng Bắc (thường hướng Bắc của họa đồ chọn là hướng từ dưới lên trên của tờ giấy).
- Ta đồ từng đoạn đường trên sơ đồ Gilwell lên tờ giấy mờ theo thứ tự khởi hành từ dưới lên trên của sơ đồ Gilwell.
Trước hết, để hướng Bắc của tờ giấy mờ (tức hướng Bắc của sơ đồ địa hình) song song với hướng mũi tên chỉ hướng Bắc đầu tiên trong sơ đồ Gilwell. Đồ lại khoảng đường đi đầu tiên của sơ đồ Gilwell đúng như ta đã ghi lại trong đoạn đầu tiên của đường đi trên thực tế.
Sau khi xong đoạn thứ nhất, ta lại xoay tờ giấy mờ, để hướng Bắc của nó lại song song với mũi tên mới chỉ hướng Bắc vừa mới đổi trên sơ đồ Gilwell (Mũi tên này trên sơ đồ Gilwell dính liền với chỗ cuối của đoạn đường thứ nhất, tức ở ngay dưới cái gạch ngang dùng đánh dấu hết đoạn đường thứ nhất). Sau đó lại đồ đoạn đường thứ hai, và cứ thế tiếp tục làm cho đến hết các mũi tên trên họa đồ Gilwell.
Ghi chú: có một phương pháp khác không cần phải dùng giấy mờ mà có thể vẽ chính xác hơn khi chuyển từ sơ đồ Gilwell sang họa đồ địa hình.
Lúc đi thám du, khi dùng địa bàn nhắm hướng các mốc lúc chuyển hướng đi, ta tính số đo độ của góc mới ghi ngay dưới mũi tên vẽ phương Bắc của cột Sơ đồ Gilwell Đường đi trên tờ giấy vẽ họa đồ lộ trình (trực chiếu). Khi chuyển từ họa đồ lộ trình (trực chiếu) sang họa đồ địa hình. Ta xoay vạch thẳng trên mặt kính địa bàn trùng với dây thước ngắm, nghĩa là vạch này song song với thước gạch ở cạnh bên trái địa bàn. Đặt địa bàn lên Sơ đồ địa hình, xoay địa bàn sao cho phương Bắc tạo với vạch thẳng trên mặt kính một góc bằng góc ta đo được ghi ở mũi tên trên sơ đồ gilwell. Tịnh tiến địa bàn sao cho thước đo ở cạnh bên trái địa bàn trùng với điểm cuối của đường gạch trước, gạch một đường thẳng ngay thước có chiều dài bằng chiều dài ta đã tính toán theo tỷ lệ quy ước.
HỌA ĐỒ TRỰC CHIẾU

Khi đồ hết sơ đồ Gilwell theo phương pháp trên lên tờ giấy mờ, ta có một sơ đồ địa hình có hình dạng giống hệt lộ trình ta đã đi qua nhưng được rút nhỏ lại theo một tỉ lệ xích ta đã chọn trước.
Để tấm họa đồ hoàn hảo hơn ta nên:
a. Tô màu xanh trời cho màu nước, lục cho cây cối và rừng, màu nâu, xám cho đất, màu đỏ cho đường xá, đen cho đường xe lửa.
b. Ghi chú những hướng chỉ đến các làng mạc lân cận, đường đi nếu có thể. Một ngã rẽ ta không đi có thể ghi vào nó dẫn tới đâu.
Ví dụ: Đống Đa 4km (nếu đi theo ngã rẽ này 4km sẽ đến Đống Đa).
Những điểm quan trọng nói đến trong tường trình hoặc những nơi cắm trại được.
c. Dùng những ước hiệu thông thường để khỏi phải viết nhiều chữ.
Ví dụ: Ô vuông đen chỉ nhà, ô vuông ngũ giác có thánh giá chỉ nhà thờ.
d. Viết chữ rất ít (dùng những tiếng, tên, số và không dùng câu). Cần sáng sủa, dễ hiểu và trước sau như một (nếu tên làng viết chữ hoa thì mọi tên làng khác đều viết chữ hoa).
e. Dĩ nhiên, trong một sơ đồ địa hình, chúng ta không thể biết rõ để vẽ lại tỉ mỉ cả những vòng cao độ.
Chúng ta chỉ giản dị dùng những mũi tên ở những đoạn có đường dốc, đầu mũi tên sẽ chỉ chiều thế đất cao sẽ thấy.
HỌA ĐỒ ĐỊA HÌNH

3. Bức họa toàn cảnh đồ: (croquis panoramique)
Trên đường đi, nếu gặp một khung cảnh thật đặc biệt, ta có thể ghi lại dưới hình thức bức họa toàn cảnh đồ (Điều này không bắt buộc phải có trong cuộc thám du vì ngày nay đa số các Tráng sinh đều có máy ảnh để ghi lại hình ảnh chi tiết những hình ảnh cần phải lưu lại để phục vụ cho công cuộc giúp ích sau này).
II. TỜ TRÌNH THÁM DU
Tờ trình của cuộc thám du gồm có:
- Tường thuật cuộc thám du.
- Quan sát trong cuộc thám du.
Thuật lại cuộc thám du như một kẻ đi rừng thực sự, mô tả những khung cảnh, sự vật, hiện tượng với những chi tiết quan sát được một cách chính xác cùng những nhận xét, suy nghĩ của mình. Nhằm phục vụ cho những công cuộc giúp ích sau này hay giúp người khác có thể sử dụng nó một cách hiệu quả.
- Nói về thời tiết và trời mây. Ghi chép lại những điều quan sát và dự đoán của mình. Xem những điều mình dự đoán có đúng không?
- Quan sát các loại mây và gió, mặt trời và các vì sao, cho biết các hiện tượng này nói lên điều gì?
- Để ý đến đất cát, hoa màu, cây cối cùng các loại thảo mộc nhằm tìm ra những điều đặc biệt của chúng.
- Vết tích của người, xe cộ hay thú vật.
- Các di tích lịch sử cùng xuất xứ của các di tích này.
- Khảo sát các cụm dân cư và các vấn đề của họ.
- Các câu chuyện, giai thoại thú vị truyền khẩu trong dân gian.
- Kể lại diễn tiến cuộc thám du một cách ngắn gọn, súc tích nhưng thật sinh động như: sự yên ả của đồng quê, sự bí hiểm của rừng khuya, tiếng chim đêm, tiếng chó sủa, tiếng chân thú dẫm lên lá khô…
- Tóm lược những vấn đề của địa phương đó: vấn đề vệ sinh, văn hóa, tôn giáo, mức sống, nghề nghiệp, môi trường, nạn phá rừng, buôn bán, săn thú trái phép…
- Đưa ra đề nghị của mình nhằm giải quyết các vấn đề đó.
III. KẾT LUẬN
Thám du là một hoạt động không thể thiếu được trong sinh hoạt Hướng Đạo, tuy nhiên ở mỗi ngành Hướng Đạo có những mục tiêu riêng khi đi thám du. Ở ngành Tráng, thám du không chỉ là một hoạt động rèn luyện kỹ năng đơn thuần mà nó chính là những tiền đề để người Tráng sinh đề xuất những dự án thực hiện các công cuộc giúp ích sau này nhằm phục vụ cho bản thân, gia đình, Phong trào Hướng Đạo hay cộng đồng xã hội.

Chương VIII: Phương hướng – Ước đạc – Sao
ƯỚC ĐẠC
- Diện tích
- Số đông
- Khối lượng
- Thời gian
- Khoảng cách
- Chiều cao
- Chiều rộng
Trong sinh hoạt Hướng Đạo, không phải lúc nào chúng ta cũng có sẵn những dụng cụ chuyên dùng mang theo mình để đo đạc một cách chính xác. Vì thế, chúng ta phải tập luyện ước lượng các số đo một cách nhanh chóng và tương đối chính xác.
Ví dụ: Chiều cao một cây lớn, chiều rộng một con sông, trọng lượng một vật thể…
Trước hết một HĐS phải biết rõ kích thước của thân thể mình: chiều dài một ngón tay, gang tay, một bàn chân. Chiều dài sải tay giang ngang, một bước chân… Khi cần chúng ta so sánh chiều dài muốn đo với các bộ phận cơ thể để biết tương đối chính xác chiều dài kích thước của vật muốn đo.
* Ước lượng diện tích
Để tập ước lượng một diện tích (một miếng đất, một thửa ruộng…) ta dùng phương pháp so sánh với những diện tích mà ta đã đo đạc trước. Sau đó, đo lại kích thước và suy ra diện tích thật của miếng đất đó để kiểm tra. Tóm lại ước lượng bằng mắt trước, rồi so sánh và cuối cùng đo thật để kiểm tra lại.
* Ước lượng số đông
Cách tập luyện cũng giống như ở trên, nghĩa là bằng cách so sánh. Thử và kiểm chứng lại. Tập luyện cho tới khi nào đạt được sự sai lầm nhỏ nhất. Những ký giả nhà nghề là những người ước lượng số đông rất cừ, họ chỉ cần đảo mắt qua là đã ước lượng được số đông một buổi họp, một cuộc biểu tình… Đó cũng chỉ là thói quen.
* Ước lượng khối lượng
Cũng tập bằng cách so sánh với những khối lượng đã biết. Cầm ở tay bên kia, sau đó đổi tay cầm. Hãy bắt đầu bằng những khối lượng trung bình từ 1kg đến 5kg.
* Ước lượng thời gian
Có rất nhiều phương pháp để đoán biết thời gian, ta hãy tập ngay thói quen nhận biết thời gian của một hơi thở, để vượt qua một khoảng cách (vận tốc đi). Nhận biết giờ giấc bằng vị trí của mặt trăng, mặt trời, các vì sao, bóng cây cối… Có thể ước lượng thời gian tương đối ngắn bằng cách bắt mạch cổ tay của mình ở trạng thái bình thường (đã biết số lần mạch mình đập trong một phút). Thường xuyên so sánh mạch, hơi thở của mình với đồng hồ xem có bao nhiêu nhịp trong một phút.
* Ước lượng khoảng cách
Để ước lượng khoảng cách ta có thể dùng mắt để ước đoán. Với đôi mắt bình thường:
– Cách 50m, có thể nhận rõ hai mắt và miệng của một người.
– Cách 100m, hai mắt chỉ là những chấm.
– Cách 300m, ta còn trông thấy mặt người đó.
– Cách 400m, những cử động người đó còn thấy được.
– Cách 500m, nếu đủ ánh sáng ta còn nhận biết được màu quần áo.
– Với những khoảng cách trên 500m, ta định một điểm ở giữa, rồi ước lượng khoảng cách từ đó đến nơi mình đứng rồi nhân đôi sẽ được khoảng cách muốn đo.
Một phương pháp khác để ước lượng khoảng cách là dùng vận tốc của âm thanh: thường chúng ta có thể phân biệt khá rõ ràng lúc phát ra tiếng động và lúc tiếng động truyền đến ta (tức lúc nghe tiếng động đó). Bằng chứng là chúng ta thấy ánh chớp trước khi nghe sấm. Ta nhân khoảng thời gian tính bằng giây từ lúc thấy cái làm phát ra tiếng động đến lúc nghe được âm thanh của nó với 330 (vận tốc âm thanh tính bằng mét).
Ngoài ra có thể đo khoảng cách bằng bước đi (chiều dài mỗi bước nhân với số bước đi được). Có thể tính bằng xe đạp (một vòng đạp của Pédale xe đi được bao nhiêu mét nhân với số lần đạp).
* Ước lượng chiều cao
Nguyên tắc:
Nguyên tắc chính được dùng trong hầu hết các phương pháp ước lượng chiều cao suy từ đặc tính của hai tam giác đồng dạng.
* Phương pháp 1:
Thí dụ: Ta muốn đo chiều cao của một cây.
– Cầm một cây gậy cách gốc cây một khoảng cách nào đó. Nằm xuống ngắm sao cho ngọn cây trùng với đỉnh cây gậy: Mắt, đỉnh gậy, ngọn cây trên cùng một đường thẳng (có thể cắm lại cây gậy nếu thấy cần thiết).
– Nếu gọi H là chiều cao của cây, B là chiều cao của gậy, D là khoảng cách từ điểm đặt mắt tới cây, O là khoảng cách từ điểm đặt mắt tới gậy.
H = B x D / O
* Phương pháp 2:
Nếu có mặt trời, ta đo chiều cao bằng cách cắm một gậy xuống đất, đo chiều dài của bóng cây và bóng gậy in trên mặt đất.
Nếu:
– H là chiều cao của cây muốn đo.
– B là chiều dài của bóng cây.
– h là chiều cao của gậy.
– b là chiều dài bóng cây.
H = h x B / b
* Phương pháp 3:
Cắm ở thân cây hay vật muốn đo một cây đã biết kích thước. Đứng cách cây khoảng gấp hai lần chiều cao phỏng đoán của cây. Cầm một bút chì ở đầu tay, thẳng tay ra, nheo mắt và bắt đầu đếm số đơn vị mẫu (bút chì) chứa trong chiều cao của cây ta muốn đo.
Chú ý:
Trong thực tế chiều cao muốn đo là độ dài của một cung tiếp xúc với vật cần đo, do đó ta chỉ phạm phải một sai số nhỏ. Sai số sẽ ít nếu ta đứng xa vật muốn đo.
Trong hình vẽ chiều cao trụ điện cao vào khoảng bốn lần chiều cao của gậy. H = 4h
* Phương pháp 4:
Lấy một miếng giấy vuông a,b,c,d. Gấp lại theo đường chéo cd. Ta xuyên một đinh E gần đỉnh c. Nối a và b bằng một sợi dây phía dưới có treo một cục đá P. Cạnh a sẽ thẳng đứng (dây dọi) và đường chéo sẽ làm một góc 45o với mặt đất. Thay đổi vị trí để nhắm thấy ngọn cây dọc theo đường chéo cd. Đo khoảng cách từ chỗ ta đứng (A) tới cây (B). Thêm vào khoảng cách này chiều cao của người đứng đo (từ chân đến mặt), ta có chiều cao của cây:
L = AB + H
* Phương pháp 5:
Đặt dưới đất một thau nước (hay một gương soi M). Lựa chỗ đứng thế nào để có thể thấy được ngọn cây S muốn đo trong chậu nước (S). Định luật phản chiếu ánh sáng cho biết hai góc x và y bằng nhau. Do đó những tam giác đáy A và B sẽ đồng dạng.
Ta đo khoảng cách A và B. Đo h chiều cao từ mắt xuống đất.
Ta được:
H = h x A / B
* Ước lượng bề rộng không thể vượt được
Thí dụ ta phải đo bề rộng của một con sông hay con lạch mà ta không có dụng cụ chuyên dụng để đo.
* Phương pháp 1:
Ngắm một điểm P bên kia bờ. Đối diện với P ta cắm cọc A, như vậy PA là khoảng cách muốn tìm.
Dọc theo bờ sông ta cắm cọc C sao cho CA thẳng góc với đường PA.
Ở giữa khoảng AC ta cắm cọc B. Rồi trên đường thẳng vuông góc AC kể ở C ta di chuyển cọc D cho đến khi nào đứng ở vị trí D ta ngắm thấy P trùng lên B. Nói khác đi P,B,D thẳng hàng. Lúc đó 2 tam giác PBA và BCD đồng dạng, ta có:
PA / AB = DC / CB Suy ra: PA = DC x AB / CB
Các đoạn AB, BC, DC đo được vì nằm bên bờ ta đang đứng.
Ghi chú:
– Nếu sông quá rộng thì lấy đoạn BC nhỏ hơn BA.
– Nếu bề rộng trung bình, có thể lấy BC = BA như vậy đoạn DC sẽ bằng PA(DC=PA), ta khỏi phải tính toán.
* Phương pháp 2:
Đóng cọc A đối diện với một điểm P ở bên kia sông. Trên đường PA nối dài, cắm một cọc C. Từ A và C, kẻ hai đường song song với nhau và hai đường này cũng thẳng góc với PA.
Cắm một cọc C trên đường thẳng góc với PA tại A. Đường thẳng nối dài của PC gặp đường thẳng góc với PC tại C ở điểm D (có nghĩa là đứng tại D ta sẽ ngắm thấy hai điểm P và B trùng nhau).
Hai tam giác PAB và PCD đồng dạng: PC / PA = CD / AB
Áp dụng tính chất của tỷ số (PC – PA) / PA = (CD – AB) / AB
Vì PA – AC : AC nên AC / PA = CD – AB / AB
Do đó PA = AC x AB / (CD – AB)
Những đoạn AC, AB, CD đều đo được ở cùng bờ sông ta đang đứng.
Ghi chú: Dùng cách này: 2 đoạn AB và CD phải đo thật chính xác.
* Phương pháp 3:
Ta vẫn chọn một điểm P bên kia sông (một gốc cây chẳng hạn).
Đứng đối diện với P và thật thẳng người.
Từ từ kéo vành mũ xuống (có thể thay bằng tấm bìa, quyển vở… nhưng phải cầm vững, không di động trong suốt lúc đo), cho tới khi trông thấy điểm P nằm trên vành mũ. Thân người vẫn giữ thẳng từ từ xoay người lại trông dọc theo bờ sông em đang đứng. Nhờ một người bạn cầm một gậy di chuyển dọc theo bờ sông với mình đến khi thấy chân gậy nằm trên vành mũ thì đứng lại.
Khoảng cách từ cho ta tới gậy là khoảng cách ta muốn tìm.
* Cách tạo một góc vuông trên mặt đất:
Ta thấy trong hai phương pháp 1, 2 ở trên, chúng ta phải vẽ những đường thẳng góc. Vậy làm sao vẽ được một góc vuông (90o) trên mặt đất với những dụng cụ thô sơ.
Ví dụ: Ta muốn vẽ một đoạn thẳng góc với đoạn AB ở điểm B.
– Trước hết đóng tại B một chiếc cọc nhỏ.
– Gập đôi một sợi dây. Buộc một nút N ở giữa sợi dây để dễ thấy.
– Đặt hai đầu của sợi dây ở hai điểm A và B. Khoảng cách AB bất kỳ (tùy theo chiều dài của dây). Làm căng sợi dây bằng cách kéo căng nút C, rồi giữ vững nút N bằng một cái cọc nhỏ.
– Đem đầu B của sợi dây đến điểm C thế nào để 3 điểm A, N, C thẳng hàng.
– Góc ABC là một góc nhọn. Nói khác đi ta vẽ được đoạn CB thẳng góc với AB tại B.
TÌM PHƯƠNG HƯỚNG
Người ta thường sử dụng địa bàn để tìm phương hướng. Tuy nhiên, trong sinh hoạt Hướng Đạo, không phải lúc nào chúng ta cũng có sẵn địa bàn để sử dụng. Vì thế, các HĐS phải biết cách tìm phương hướng bằng nhiều cách khác. Dưới đây là một số phương pháp xác định phương hướng khi không có địa bàn.
1. Dùng đồng hồ và mặt trời:
Muốn dùng mặt trời để định phương hướng, việc đầu tiên ta phải chỉnh đồng theo giờ quốc tế (giờ GMT: Greenwich Mean Time). Ở VN giờ quốc tế sau chúng ta một giờ. Như vậy trước tiên ta phải vặn đồng hồ chậm lại một giờ.
Xoay đồng hồ để hướng kim chỉ giờ về phía mặt trời. Đường phân giác của góc hợp bởi kim chỉ giờ và số 12 cho ta biết hướng Nam.
Muốn chính xác hơn ta làm như sau:
Sau khi vặn đồng hồ chậm một giờ, ta lấy một cái que tăm nhỏ. Dựng thẳng đứng que tăm trên mặt đất: Que tăm sẽ cho một cái bóng. Sau đó ta đặt đồng hồ trên mặt đất và xoay để bóng que tăm trùng với kim chỉ giờ và số 12 cho biết hướng Nam.
2. Dùng mặt trời:
Ta biết mặt trời mọc ở hướng Đông và lặn ở hướng Tây, một chi tiết nữa là buổi trưa nó ở hướng Nam. Như vậy mặt trời đi từ Đông sang Tây bên phía Nam. Do đó, ta có thể định hướng đại khái nhờ mặt trời trong ngày như sau:
– Vào lúc 6-7 giờ sáng, mặt trời ở hướng Đông. Trưa 12-13 giờ nó ở hướng Nam, do đó khoảng 9-10 giờ nó ở Đông Nam.
– Buổi chiều mặt trời ở hướng Tây, vậy độ 15 giờ nó ở Tây Nam.
Dựa vào hiểu biết trên, trong bốn hướng chính Đông, Tây, Nam, Bắc, chỉ có hướng Bắc là không bị mặt trời chiếu vào trong ngày. Chính vì vậy, khi đi trong rừng, người cũng xem xét quanh thân cây, chỗ ẩm ướt nhất hoặc có rêu mọc nhiều nhất đó chính là hướng Bắc.
3. Dùng gậy và mặt trời:
* Phương pháp 1: còn gọi là phương pháp Owen Doff
Cắm thẳng đứng một cây gậy (cao khoảng một mét) xuống mặt đất. Đánh dấu bóng đầu cây gậy trên mặt đất (ta gọi là điểm A trên hình).
Chờ sau 15 phút đánh dấu bóng đầu gậy ở điểm mới (điểm B).
Nối đường AB, ta sẽ được hướng Tây Đông thứ tự như hình vẽ (bóng thứ hai chỉ về hướng Đông).
* Phương pháp 2:
Phương pháp này lâu hơn phương pháp trên nhưng rất chính xác.
Lấy một cây gậy (chừng 1 mét) cắm xuống đất vào khoảng trước giữa trưa. Bóng cây gậy sẽ đổ xuống theo đường XA như trong hình vẽ. Em vạch một nửa vòng tròn đường bán kính là XA (tâm là X). Chịu khó ngồi đợi cho tới khi bóng cây gậy chạm vào vòng tròn vẽ trên mặt đất (điểm B). Sau đó, chia đoạn AB là hai đường thẳng nối chân gậy X với trung điểm của đoạn AB sẽ cho biết phương Bắc.
4. Những phương pháp khác:
Ngoài mặt trời và trăng sao, chúng ta còn có thể căn cứ vào một vài yếu tố về địa dư. Chẳng hạn như gió mùa, phong tục địa phương.
Ở nước ta gió mùa đóng vai trò quan trọng trong sự đổi thay của thời tiết. Như miền Bắc khi gió Bấc thổi từ phương Bắc xuống là đem cái lạnh buốt giá của mùa Đông. Ở miền Trung, gió Lào (độ tháng 5-6) thổi sang thì khí hậu nóng một cách khó chịu. Rồi còn gió Nồm ở miền Nam, từ tháng 5 đến tháng 10, gió từ Ấn Độ Dương, vịnh Thái Lan thổi vào theo hướng Tây Nam đem hơi nước tạo mùa mưa.
Dựa vào những kiến thức này ta có thể đoán được phương hướng, tuy nhiên phải phối hợp nhiều yếu tố để có độ chính xác cao hơn.
TRĂNG – SAO
* ĐỊNH HƯỚNG BẰNG SAO:
Hằng đêm ta thấy trăng và sao luôn di chuyển theo một trình tự nhất định. Tuy nhiên, hướng của chúng không phải không thay đổi. Ta chỉ dùng một số chòm sao nhất định để định hướng, và các chòm sao này không phải lúc nào cũng xuất hiện trên bầu trời để ta có thể nhìn thấy. Vì thế, muốn định hướng bằng sao trời. Ta phải nhớ tháng và thời điểm các chòm sao này xuất hiện trong đêm. Các chòm sao thường dùng để định hướng trong dân gian là: sao Bắc Cực, sao Hôm và sao Mai, sao Liệp Hộ, chòm sao Nam Thập.
1. Sao Bắc cực (Polaris): muốn định vị sao Bắc Cực ta phải xác định được chòm sao Gấu Lớn tức Đại Hùng Tinh hay chòm Gấu Nhỏ tức Tiểu Hùng Tinh.
– Chòm Đại Hùng Tinh: chòm sao giống như cái muỗng lớn, gồm 7 ngôi sao. Lấy hai ngôi sao đầu của cái muỗng, kéo dài một khoảng gấp 5 lần khoảng cách của chúng, ta sẽ gặp một ngôi sao lấp lánh, đó là sao Bắc Đẩu.
– Chòm Tiểu Hùng Tinh: chòm sao này cũng có 7 ngôi sao, nhưng khó tìm hơn chòm Đại Hùng Tinh. Ta có thể tìm chòm Tiểu Hùng Tinh từ chòm Đại Hùng Tinh, sao Bắc Cực là ngôi sao cuối của chòm Tiểu Hùng Tinh.
2. Sao Hôm, sao Mai:
Sao Hôm Và sao Mai thực ra chỉ là một. Đó chính là Kim Tinh (Venus): một hành tinh thứ hai gần Mặt Trời trong Thái Dương Hệ chúng ta. Bởi vì gần mặt trời nên từ trái đất nhìn tới ta thấy rất rõ và lớn, nhất là những lúc hừng sáng và chập tối. Lúc hừng sáng Kim Tinh ở hướng Đông nên gọi là sao Mai, còn lúc chập tối nó ở hướng Tây và được gọi là sao Hôm.
3. Sao Liệp Hộ (Orion):
Còn gọi là sao Cày, sao Ba, Thần săn, Chiến sĩ… Chòm Liệp Hộ có hình dáng một người mang kiếm ngang thắt lưng (thắt lưng là 3 ngôi sao sáng xếp hàng ngang, còn 3 ngôi sao hơi mờ là thanh kiếm).
Nếu vạch một đường thẳng tưởng tượng từ thanh kiếm đi qua ngôi sao Capella (sao Thiên Dương) là hướng tới Bắc Cực. Chòm sao này rất dễ nhận biết dưới bầu trời Việt Nam từ chập tối tháng 11 năm này cho đến tháng 5 năm sau.
4. Chòm Nam Thập:
Còn gọi là Nam Tào, Thập Tự Phương Nam. Gồm 4 ngôi sao xếp hàng hình chữ thập ở khoảng giữa chòm sao Nhân Mã và Thiên Huyền, là những ngôi sao sáng và rõ nên rất dễ nhận diện. Ở Nam Cực không có ngôi sao nào nằm ngay ở điểm cực Nam như sao Bắc Đẩu ở phương Bắc, cho nên người ta chỉ dựa vào những chòm sao xoay quanh điểm cực Nam để định hướng. Trong đó, chòm sao Nam Thập là chòm sao dễ định hướng nhất.
Ta gọi đường chéo dài của sao Nam Thập là đoạn AB. Các bạn kéo đoạn AB dài ra 4 lần rưỡi, định một điểm tưởng tượng. Điểm tưởng tượng đó cho ta hướng Nam địa dư. Ở Việt Nam, chúng ta chỉ có thể thấy sao Nam Thập từ chập tối trong khoảng tháng 5 đến tháng 7 hàng năm.
* ĐỊNH HƯỚNG BẰNG TRĂNG:
Mặt trăng có thể giúp chúng ta xác định phương hướng một cách tương đối, điều này rất cần thiết cho những ai mới bắt đầu quan sát bầu trời.
Một chu kỳ của trăng khoảng 29,5 ngày điều này hẳn chúng ta đều biết qua tháng âm lịch là 30 ngày.
Những cột mốc đặc biệt là các ngày: sóc, thượng huyền, vọng và hạ huyền.
* Sóc: là thời điểm không trăng, rơi vào ngày 30 hoặc mùng 1. Từ ngày sóc trở đi, chúng ta sẽ thấy vào chập tối trăng lưỡi liềm đang lặn ở hướng Tây. Ngày hôm sau nó sẽ đầy dần và cao dần lên nếu cùng thời điểm ngắm của ngày hôm trước.
* Thượng huyền: là khi trăng đầy một nửa vào khoảng mùng 7, khi trời vừa tối ta đã thấy nó ở trên đỉnh đầu. Từ ngày thượng huyền trăng bắt đầu tròn đầy.
* Ngày vọng – hay ngày Rằm: Trăng vào thời điểm tròn nhất mọc lên ở hướng Đông khi trời vừa tối. Sau ngày vọng trăng bắt đầu mọc muộn hơn và khuyết dần.
* Hạ huyền: khoảng ngày 21 trăng chỉ còn một nửa và mọc lên vào lúc nửa đêm. Sau đó trăng khuyết dần thành dạng lưỡi liềm và mọc vào gần sáng.
Dựa vào hình dáng mặt trăng vào từng thời điểm trong tháng ta có thể xác định được tương đối về phương hướng.
– Trăng thượng tuần (từ đầu tháng tới ngày rằm) phần khuyết quay về hướng Đông.
– Trăng hạ tuần (sau rằm đến cuối tháng) phần khuyết quay về hướng Tây.
Trăng đầu tháng quay phần đầy về hướng TÂY
Chương IX: Bài Hát Dùng Trong Nghi Thức & Tập tục PTHĐ
HỘI CA
Lưu Hữu Phước
LUẬT HƯỚNG ĐẠO
Tiến Lộc
LUẬT RỪNG 1
LUẬT RỪNG 2
LUẬT RỪNG 3
BÀI CA NĂM NGÀNH
Lời ngành Nhi:
Bầy Hải Ly chúng mình, cùng bơi đùa vui dưới nước. Em luôn biết chia sẻ mọi thứ quanh mình, châm ngôn em. Đây bầy Hải Ly hăng hái vui tươi. Đem tình thương yêu mang đến muôn nơi. Dựng xây thế giới một ngày một xinh đẹp hơn.
BÀI CA CHÍNH THỨC CHIM NON
SÓI CON VIỆT NAM
BÀI CA CHÍNH THỨC SÓI CON
MUỐN NÊN NGƯỜI CƯỜNG TRÁNG
BÀI CA CHÍNH THỨC NGÀNH KHA
TRÁNG SINH CA
BÀI CA TUYÊN HỨA
KHA SINH VIỆT NAM
Bùi Hoàng
BÀI CA LÊN ĐƯỜNG
Bài ca Rovermoot
LIÊN ĐOÀN CA
MỐI DÂY LIÊN ĐOÀN
NGUỒN THẬT
TRẠI TRƯỜNG
NHẢY LỬA
BÀI CA CHÍNH THỨC HẢI LY
LÚC THÚ VUI NÀY
GIỮ CHẶT MỐI DÂY
2. Dẫu khi xa xôi đường dài, lòng ta chớ phai. Sớm khuya không quên giờ này, giữ chặt mối dây. Sông núi không ngăn tình thương, mưa gió không lay can trường, chúng ta hôm nay hiệp vầy, giữ chặt mối dây.
3. Mến nhau ta nên hằng ngày cùng nhau đến đây. Gắng công anh em họp đoàn, giữ chặt mối dây. Vui sướng ta chung cùng nhau, đau đớn ta chia mối sầu. Mến nhau ta nên hằng ngày, giữ chặt mối dây.
KHA SINH CHIA TAY
MÂY GIÓ MÂY TAN HỢP
BÀI CA TẠM BIỆT
Phần phụ lục
PHỤ LỤC 1: NỘI DUNG CHUYỂN TẢI TRONG SINH HOẠT TRÁNG
1. CHUYÊN MÔN HƯỚNG ĐẠO:
Đối với ngành Tráng, người Tráng sinh phải tự ôn luyện để vượt qua chương trình này dưới sự giúp đỡ của Tráng Trưởng, Bảo huynh, Toán Trưởng và Trưởng các đơn vị mình xuống phục vụ. Ở lứa tuổi Tráng, Trưởng không thể cầm tay chỉ từng nút dây như một Thiếu sinh hay Sói Con được, mà người Tráng sinh phải lập cho mình một chương trình tự ôn luyện như thế nào, trong thời gian bao lâu để có thể đạt được trình độ chuyên môn đó.
- Chương trình Tân sinh.
- Chương trình HĐ Hạng Nhì.
- Chương trình HĐ Hạng Nhất.
(Các phần này đã được soạn lại cho phù hợp với lứa tuổi Tráng và đưa vào sách Huấn luyện Dự Tráng này).
2. NỘI DUNG CẦN LỒNG GHÉP VÀO SINH HOẠT HÀNG TUẦN CỦA TOÁN HAY TRÁNG ĐOÀN:
- Luật Lời Hứa HĐ.
- Nguyên lý của PTHĐ.
- Lịch sử PTHĐ thế giới.
- Lịch sử PTHĐ Việt Nam.
- Lịch sử ngành Tráng.
- Giới thiệu 5 ngành HĐ.
- Mục đích ngành Tráng.
- Phương pháp ngành Tráng.
- Tâm lý các lứa tuổi.
- Các thành phần trong Tráng Đoàn.
- Biểu đồ huấn luyện Tráng sinh.
- Quy ước tu thân.
- Phương pháp hàng đội.
- Sử dụng còi, các lệnh bằng còi & tập họp đơn vị.
- Lửa dặm đường.
- Lửa trại.
- Vai trò, nhiệm vụ người trực trại.
- Bảo huynh.
3. TRẠI CHUYÊN ĐỀ:
- Quản lý học.
- Thuật lãnh đạo.
- Kỹ năng giao tiếp.
- Kỹ năng đàm phán.
- Kỹ năng sống.
- Trò chơi rèn luyện kỹ năng sống.
- Phép lịch sự & phong tục tập quán một số quốc gia trên thế giới.
- Giáo dục giới tính.
- Sơ cấp cứu.
- Kỹ năng tổ chức sự kiện.
- Phương pháp dự án.
- Thiết kế chương trình PRAISE.
- Quản trò.
- Trò chơi.
- Trò chơi lớn.
- Team building.
- Các phương pháp giáo dục chủ yếu hiện nay trên thế giới.
- Các phương pháp giáo dục dùng trong PTHĐ.
- Thực hành lửa trại.
- Xếp củi lửa trại, chuột lửa.
- Sao, và định hướng bằng sao.
- Ước đạc.
- Xác định phương hướng.
- Mưu sinh thoát hiểm.
- Chuyên đề kỹ thuật trại:
- Lều: lều khung xếp, lều cọc, lều bằng cây cỏ.
- Các loại lều sàn.
- Các loại cổng trại.
- Tiện nghi trại.
- Các kiểu bếp và làm thức ăn ở trại.
- Công trình vệ sinh cho trại.
- Tạo tác tiền phong:
- Hạ cây bằng rìu, cưa tay, cưa máy.
- Đào giếng.
- Tìm nguồn nước.
- Cách tạo nước trong rừng già, đất trống, từ nguồn nước mặn.
- Dây căng vượt suối.
- Làm bè vượt sông.
- Cáp treo.
- Cầu tạm vượt qua vực sâu, suối.
- Nhà sàn.
- Lắp ghép nhà tiền chế.
- Mở đường mòn trong rừng.
- Tải thương trong các địa hình phức tạp.
- Xử lý khi cháy nhà & thoát thân khi có hỏa hoạn.
- Xử lý cháy rừng & thoát thân trong đám cháy rừng.
4. XƯỞNG:
- Các xưởng chuyên ngành: Nhi, Ấu, Thiếu, Kha, Tráng
- Xưởng Kỹ năng lãnh đạo
- Xưởng huấn luyện sơ cấp cứu
- Xưởng võ thuật
- Xưởng ngoại ngữ
- Xưởng tin học
- Xưởng kỹ năng sống
- Xưởng Team building
- Xưởng Tổ chức sự kiện
- Xưởng Mưu sinh thoát hiểm
- Xưởng hội họa
- Xưởng khiêu vũ
- Xưởng múa sinh hoạt
- Xưởng dân ca
- Xưởng nữ công gia chánh
- Xưởng chụp ảnh, quay phim
- . . .
5. CÔNG CUỘC GIÚP ÍCH:
Tuỳ thuộc vào nhu cầu của địa phương hay của đơn vị Hướng đạo có Tráng Đoàn mà các Tráng sinh sẽ lập dự án thực hiện các công cuộc giúp ích trình lên Hội Đồng Đoàn, nếu được duyệt sẽ đưa vào chương trình sinh hoạt của Tráng Đoàn. Chỉ thông qua công cuộc giúp ích, người Tráng sinh mới thực sự trở nên hữu dụng, và đây là phương pháp rèn luyện Tráng sinh hoàn hảo nhất.
PHỤ LỤC 2: CHƯƠNG TRÌNH HUẤN LUYỆN DỰ TRÁNG
(Phần lý thuyết)
STT | TÊN ĐỀ TÀI | Tráng sinh phụ trách | Trưởng cố vấn | GHI CHÚ |
1 | Lịch sử PTHĐ thế giới | |||
2 | Lịch sử PTHĐ Việt Nam | |||
3 | Luật và Lời Hứa | |||
4 | Nguyên lý PTHĐ | |||
5 | Mục đích ngành Tráng | |||
6 | Phương pháp ngành Tráng | |||
7 | Tìm hiểu ngành Nhi | |||
8 | Tìm hiểu ngành Ấu | |||
9 | Tìm hiểu ngành Thiếu | |||
10 | Tìm hiểu ngành Kha | |||
11 | Ngành Tráng & HĐ Trưởng Niên | |||
12 | Tâm lý lứa tuổi | |||
13 | Bảo vệ và cải tạo môi trường sống | |||
14 | Bảo huynh | |||
15 | Lửa dặm đường | |||
16 | Vai trò nhiệm vụ của Trưởng trực | |||
17 | Quy ước tu thân của Tráng sinh | |||
18 | Lửa trại lý thuyết | |||
19 | Thực hành lửa trại | |||
20 | Xếp củi lửa trại | |||
21 | Giáo dục chủ động | |||
22 | Phương pháp thuyết trình | |||
23 | Phương pháp bài giảng | |||
24 | Phương pháp động não | |||
25 | Phương pháp thảo luận nhóm | |||
26 | Phương pháp đóng vai | |||
27 | Phương pháp trạm | |||
28 | Tòa án vườn | |||
29 | Phát biểu trước cộng đồng | |||
30 | Kỹ năng sống | |||
31 | Sách tham khảo ngành Tráng: – Quy chế & nghi thức ngành Tráng – Đường thành công – Gửi bạn tráng sinh – Huấn luyện Dự tráng Sách tham khảo khác: – Nguyên lý PTHĐ – Bước đường đầu – Hướng Đạo Hạng Nhì – Hướng Đạo Hạng Nhất – Quy chế Hướng Đạo Việt Nam – … |
CHƯƠNG TRÌNH HUẤN LUYỆN DỰ TRÁNG
(Phần thực hành)
32 | 6 nút Tân sinh: thuyền chài, dẹt, ghế đơn, nối dây câu, thòng lọng, một vòng hai khoá + nút tăng-đơ. | |||
33 | Nút khác nhóm 1: cột đầu dây, lạt vặn, đầu ruồi, thợ dệt, nút vấn, chân chó, gỗ đơn, gỗ kép, ghế thợ sơn. | |||
34 | Nút khác nhóm 2: tháp thẳng, tháp vuông, tháp chéo, chạc 3. | |||
35 | Nút khác nhóm 3: nút khâu khăn quàng, nút hoa đeo còi, nút cổ chai, nút caric, bện dây thừng, nút cột cờ… | |||
36 | Dấu đường: khởi hành, đi theo lối này, đường cấm, nguy hiểm, trại lối này, có mật thư cách 5 mét, đợi ở đây, hết dấu đường. | |||
37 | Dấu đường bằng vật liệu thiên nhiên: tách ra 3 bên trái 2 bên phải, chướng ngại phải qua, nước uống được, nước độc, đi ngã này, rẽ bên phải, chú ý, nguy hiểm, gần, xa, mật thư cách 3 bước. | * Trại ôn các mục đã học, áp dụng thực tế | ||
38 | Morse | |||
39 | Semaphore | |||
40 | Phương pháp tập họp | |||
41 | Sử dụng la bàn, đọc bản đồ | |||
42 | Định hướng bằng sao | |||
43 | Các phương pháp định hướng khác | |||
44 | Trò chơi | |||
45 | Team building | * Trại | ||
46 | Phương pháp tập hát | |||
47 | Phương pháp tập múa | |||
48 | Băng reo | |||
49 | Các bài hát thông dụng trong sinh hoạt HĐ | * Sẽ được tập ở mỗi buổi sinh hoạt | ||
50 | Phương pháp dựng lều, tiện nghi trại | * Trại | ||
51 | Lều sàn | * Trại | ||
52 | Sơ đồ Gilwell | * Trại | ||
53 | Thám du | * Trại | ||
54 | Trò chơi lớn | * Trại | ||
55 | Sơ cấp cứu | * Trại |
PHỤ LỤC 3: CÁC PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC DÙNG TRONG SINH HOẠT TRÁNG ĐOÀN
(PHƯƠNG PHÁP ĐỂ CHUYỂN TẢI NHỮNG NỘI DUNG CẦN TRANG BỊ CHO TRÁNG SINH)
- Thuyết trình
- Bài giảng.
- Thảo luận nhóm (Seminar)
- Động não
- Phương pháp đóng vai
- Phương pháp trạm
- Tòa án vườn
- Giáo dục chủ động
PHƯƠNG PHÁP THUYẾT TRÌNH
Thuyết trình là phương pháp dạy học mà giảng viên giảng liên tục không gián đoạn trước một số cử tọa đông đảo. Cử tọa nếu muốn, chỉ có thể đặt câu hỏi vào cuối buổi thuyết trình.
1. Ưu điểm:
- Tiết kiệm được thời gian mà cung cấp được nhiều thông tin cho nhiều người.
- Số lượng học viên không hạn chế.
- Người giảng chủ động kiểm soát được nội dung và trình tự giảng dạy.
- Dễ thực hiện vì dễ kết hợp được với nhiều phương pháp khác.
2. Nhược điểm:
- Sự truyền đạt chỉ có một chiều, không có sự trao đổi giữa giảng viên và học viên. Giảng viên soạn bài theo ý mình còn học viên chỉ ghi bài một cách thụ động.
- Không thích hợp cho việc dạy kỹ năng.
- Không thu hút được sự chú ý của học viên nếu nội dung không lý thú và hấp dẫn.
- Học viên khó tập trung tư tưởng.
- Khó đánh giá hiệu quả giảng dạy vì không có ý kiến phản hồi ngay của học viên.
3. Những điều cần lưu ý:
a) Lời nói:
- Mọi người đều nghe được (sử dụng micro…).
- Giọng nói theo yêu cầu của bài (thân thiết, cổ động).
- Tốc độ nói không quá 120 từ/phút và thay đổi theo tình tiết.
- Tránh nói lắp, sai chính tả, ngọng nghịu, mất hơi, ho…
b) Phong cách:
- Quần áo trang phục phù hợp với chủ đề nhưng không thái quá.
- Không có động tác thừa: nhìn lên trần nhà, cho tay vô túi, bấm viết, gãi đầu…
- Lời nói, cử chỉ tự tin dứt khoát.
c) Giờ giấc:
- Bắt đầu và kết thúc đúng giờ quy định.
- Phân bố thời gian hợp lý.
- Dự kiến trừ hao những thời gian phát sinh trong chương trình (chuẩn bị dụng cụ giảng, chuyển tiếp…).
4. Nguyên tắc chuẩn bị một bài thuyết trình:
- Xác định mục tiêu tổng quát và mục tiêu chuyên biệt của từng phần.
- Nắm vững trình độ, nhu cầu thực tế, tôn giáo, chủng tộc, thành phần và xu hướng chính trị của người nghe.
- Nắm vững hình thức tổ chức và cơ sở vật chất nơi thuyết trình.
- Gây hứng thú cho người nghe :
i. Dàn bài rõ ràng.
ii. Thông tin chính xác.
iii. Giáo cụ trực quan, cần thiết và thích hợp.
iv. Phương tiện nghe nhìn đúng lúc đúng chỗ.
- Ví dụ phải sinh động, sát hợp với nội dung và ngắn gọn.
- Phối hợp nhuần nhuyễn yếu tố truyền thống của địa phương và xu hướng phát triển của thế giới.
5. Các phương tiện hỗ trợ:
- Bảng, phấn hoặc viết.
- Các bảng biểu vẽ sẵn (biểu đồ, bảng số liệu).
- Mô hình, sa hình.
- Over head.
- Slide.
- Powerpoint.
- Video.
6. Kết luận:
Tóm lại, thuyết trình là một phương pháp dạy học có nhiều nhược điểm, cho nên người thuyết trình phải là người có thực sự có trình độ và hết sức nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy mới có thể truyền đạt tốt được. Tuy nhiên nó là phương pháp giúp người ta có thể truyền đạt nội dung nào đó đến một số lượng rất lớn người nghe mà không cần nhiều báo cáo viên trong phạm vi một cộng đồng, một quốc gia hay toàn thế giới.
PHƯƠNG PHÁP BÀI GIẢNG
Là hình thức giảng dạy trong đó các tư liệu được chia thành từng giai đoạn. Sau từng giai đoạn, giảng viên nêu câu hỏi để xem học viên có nắm được bài giảng không. Học viên có thể đặt câu hỏi về các phần mình còn thắc mắc để giảng viên trả lời.
1. Ưu điểm:
- Có sự giao lưu mật thiết giữa giảng viên và học viên.
- Giảng viên nắm được trình độ của từng học viên.
- Dễ gây hứng thú cho học viên.
- Học viên có thể tham gia vào quá trình dạy học của thầy để điều chỉnh nội dung cho sát hợp.
2. Nhược điểm:
- Vì phải nắm học viên và để học viên thường xuyên giao tiếp với giảng viên nên số học viên hạn chế, không được đông quá.
- Muốn truyền đạt cùng một lượng thông tin như nhau, nhưng thời gian dành cho bài giảng lâu hơn bài thuyết trình.
- Vì lý do thực tế, bài giảng phải phù hợp cho đa số học viên, do đó có thể có một thiểu số học viên không thích hợp (các học viên quá giỏi hoặc quá dở).
3. Nguyên tắc chuẩn bị một bài giảng:
- Xác định mục tiêu tổng quát và mục tiêu chuyên biệt của bài giảng.
- Nắm vững trình độ và nhu cầu của học viên.
- Gợi ý suy luận, tránh nhồi nhét kiến thức.
- Dàn bài rõ ràng, thông tin chính xác, giáo cụ trực quan.
- Chọn ví dụ sinh động, sát hợp.
4. Cấu trúc một bài giảng: gồm 3 phần
- Phần mở bài.
- Phần phát triển bài.
- Phần kết luận.
Các phần này được thể hiện bằng một giáo án. Dựa vào giáo án này, người giảng viên sẽ phân bố thời gian theo yêu cầu nội dung cần truyền đạt đến học viên và phối hợp với các phương tiện giảng dạy khác như: biểu đồ, mô hình, video…
Ví dụ: soạn bài giảng cho một tiết học.
Thời gian | Từ chìa khóa | Tiến trình giảng | Phương tiện | Hoạt động của học viên |
0h-0h05 | Ghi các từ then chốt mà học viên phải nhớ | Mở đầu: – Liên hệ bài trước – Gây hứng thú – Xác định mục tiêu | – viết- chiếu slide – chiếu video Powerpoint | – học viên trả lời 1, 2 câu hỏi |
0h05-0h20 | “ | Phát triển bài – Mục tiêu 1 | – viết – chỉ bảng | – nêu vấn đề cho học sinh suy nghĩ |
0h20-0h45 | “ | – Mục tiêu 2 | – vẽ hình – biểu đồ – mô hình | “ |
0h45-0h50 | “ | Kết luận: – Tóm tắt điểm chính. – Rà lại mục tiêu | – hình vẽ – biểu đồ tổng hợp | – nêu câu hỏi cho học viên trả lời |
Đây là một ví dụ nhỏ để minh họa. Tùy thuộc mục đích của bài giảng, thói quen diễn đạt của người giảng viên và cơ sở vật chất có sẵn mà người giảng viên có thể soạn giáo án cho thích hợp nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
5. Yêu cầu của một bài giảng:
a) Tính cơ bản, hiện đại và thực tế địa phương:
- Tùy đối tượng mà cần nhấn mạnh phần nào.
b) Tính sư phạm:
- Trình bày hợp lý và logic.
- Gợi ý suy luận, không nhồi nhét.
- Gây hứng thú.
- Nêu vấn đề và giải quyết vấn đề.
c) Tính đạo đức:
- Quan điểm khoa học biện chứng.
- Lòng tự hào dân tộc.
- Tinh thần trách nhiệm nghề nghiệp.
6. Những điều cần lưu ý lúc giảng bài:
a) Lời nói:
- Mọi người đều nghe được.
- Giọng thân thiết, nhiệt tình.
- Nói chậm (120 từ/phút).
- Tránh lỗi chính tả, lời nói quá gay gắt hay đều đều.
b) Phong cách:
- Không có động tác thừa: nhìn lên trần nhà, cho tay vào túi quần, mân mê viên phấn.
c) Giờ giấc:
- Bắt đầu và kết thúc đúng giờ.
- Phân bố thời gian hợp lý.
d) Rút kinh nghiệm:
- Thăm dò ý kiến.
Rút ra các ưu khuyết để bổ túc cho bài sau.
7. Tư cách và trình độ giảng viên:
a) Trình độ giác ngộ và tư cách đạo đức:
- Có nhân sinh quan đúng.
- Gương mẫu thị phạm.
- Coi trọng buổi giảng.
- Có tình cảm và lòng yêu thương học viên.
b) Trình độ chuyên môn nghiệp vụ:
- Nắm được vấn đề, hiểu biết sâu sắc.
- Có ý kiến độc đáo, không rập khuôn sáo mòn.
- Làm nghiên cứu khoa học.
c) Có trình độ về phương pháp và nghệ thuật dạy học:
- Biết cách gây hứng thú.
- Biết cách thuyết phục.
- Có sức hấp dẫn lôi cuốn.
- Có nghệ thuật diễn đạt.
PHƯƠNG PHÁP THẢO LUẬN NHÓM
Phương pháp thảo luận nhóm (Seminar) là phương pháp học dựa vào sự thảo luận trong nhóm về những vấn đề nêu ra, trong đó học viên phải chủ động tham gia tích cực. Người chủ trì chỉ nêu vắn tắt vấn đề để học viên thảo luận, sau đó tổng kết hoặc giải thích những vấn đề còn tồn tại nếu cần thiết. Người chủ trì có thể là giảng viên hay là một học viên.
1. Ưu điểm:
- Gây thích thú và các học viên được tích cực tham gia thảo luận.
- Kích thích và khuyến khích sự suy nghĩ, sự phê phán độc đáo của học viên.
- Củng cố được điều đã học.
- Tạo cho học viên biết phân tích, tổ chức và phát triển kỹ năng bằng vấn đáp.
- Xem xét các quan điểm của người khác để rút ra các ý kiến phê bình khách quan.
2. Các hình thức nhóm thảo luận:
- Nhóm thảo luận: từ 10-20 người.
- Nhóm tranh luận: gồm hai nhóm, mỗi nhóm từ 3-7 người tranh luận trước một cử tọa đông đảo.
- Hội thảo thực hành: là nhóm thảo luận có làm bài tập hoặc thực hành.
3. Tổ chức nhóm thảo luận:
- Không nên quá đông hoặc quá ít học viên (trung bình từ 10-20 người) để có ý kiến rộng rãi và mọi người đều được tham gia.
- Mọi học viên phải có kiến thức cần thiết để thảo luận vấn đề được nêu.
- Mọi người phải nhìn rõ và nghe rõ được nhau (nên tổ chức bàn tròn hoặc hình chữ U).
4. Người chủ trì điều khiển nhóm thảo luận:
a) Người chủ trì có thể là:
- Giảng viên.
- Một học viên.
b) Người chủ trì phải:
- Biết điều khiển và kết thúc vấn đề, không để đi lạc đề.
- Biết gợi ý suy luận mà không bao biện.
- Suy nghĩ nhanh và sáng suốt.
- Diễn tả ngắn và rõ.
- Có khả năng tổng kết.
- Khách quan, kiên nhẫn, biết động viên khuyến khích học viên.
- Có thái độ đúng mức và đạo đức.
c) Người chủ trì không nên:
- Chỉ chú ý vào quan điểm của mình.
- Muốn người khác đồng tình với quan điểm của mình.
- Tự cho là biết trả lời câu hỏi.
5. Cách hướng dẫn nhóm thảo luận:
- Nêu vấn đề và mục tiêu thảo luận, tránh thuyết trình dài dòng.
- Dẫn dắt để cuộc thảo luận khỏi đi chệch mục tiêu và lạc đề.
- Can thiệp khi cần thiết để làm sáng tỏ ý kiến của các thành viên và tóm tắt hoặc đặt câu hỏi cho các học viên.
- Sử dụng từ ngữ chính xác, đơn giản, dễ hiểu đối với mọi người.
- Tóm tắt từng phần vào lúc kết thúc hội thảo.
PHƯƠNG PHÁP ĐỘNG NÃO
Trong giờ lên lớp hoặc lúc thảo luận, nhóm giảng viên (và cả học viên) nêu câu hỏi. Các học viên suy nghĩ và trả lời tự do, ngay tại chỗ. Mọi ý kiến đều được ghi lên bảng và coi là ý kiến chung của cả lớp, cả lớp đóng góp cho bài. Các câu hỏi được đặt ra phải rõ ràng, ngắn và tương đối dễ hiểu, học viên có thể trả lời ngay hoặc 1-2 phút suy nghĩ.
Đây là phương pháp làm cho học viên tích cực làm việc nhưng vấn đề nêu ra phải là những điều “trong tầm tay với” của học viên.
PHƯƠNG PHÁP ĐÓNG VAI
Đóng vai là phương pháp đang được áp dụng rộng rãi trong giáo dục, đặc biệt là giáo dục cộng đồng.
Học viên sẽ đóng những vai nhất định (như bệnh nhân, cán bộ lãnh đạo, học sinh…) trong những tình huống cụ thể. Việc đóng vai làm cho tình huống rõ ràng hơn. Mặt khác, thông qua các vai, học viên học được cách xử lý (cả về chuyên môn và thái độ) đồng thời hiểu được đối tượng hơn trong tình huống thật. Theo cách học này, mỗi học viên đóng một vai nhất định, họ được tự do nói và hành động theo diễn tiến của tình huống. Giảng viên quan sát và can thiệp khi cần thiết, có thể cho ngừng diễn biến khi thấy mục tiêu học tập đã đạt được hoặc không đạt được.
Việc đóng vai gồm các bước sau:
1. Xác định mục tiêu:
Đóng vai trong một tình huống nhằm đạt được cái gì? Giảng viên phải xác định mục tiêu và thông báo cho học viên biết.
Ví dụ: Việc đóng vai có thể trình diễn một số kỹ năng hoặc để học tập cách xử sự (thái độ).
2. Chuẩn bị kịch bản:
Kịch bản cần rất ngắn gọn, có thể tóm tắt trong 2-3 câu để mô tả một tình huống cụ thể. Các vai phải có tính cách rõ ràng để học viên dễ diễn.
Ví dụ: Ở một địa phương nọ, dân chúng vẫn giữ thói quen uống nước lã. Hãy khuyên họ từ bỏ thói quen đó.
Các vai: Một sinh viên, một hoặc hai người dân chưa học thông viết thạo, không thấy việc uống nước lã là có hại.
3. Phân vai:
Nên để học viên tự chọn vai. Những người không tham gia đóng vai thì quan sát và nhận xét các vai diễn như thế nào.
4. Diễn kịch:
Các vai được tự do diễn đạt lời nói hành động. Thời gian diễn đạt không hạn chế, tuy nhiên không nên kéo dài quá làm người xem chán. Cũng không nên tạo quá nhiều tình tiết khiến người xem khó theo dõi và khó nhận xét.
5. Thảo luận:
Sau khi diễn kịch xong, học viên thảo luận. Những người trực tiếp đóng vai phát biểu cảm tưởng khi họ đóng vai những người thật trong tình huống thật. Những người quan sát cho nhận xét xem các vai đóng có đạt yêu cầu học tập hay không và nên làm thế nào thì tốt hơn.
6. Diễn lại:
Sau khi thảo luận, có thể diễn lại vở kịch để rút kinh nghiệm.
PHƯƠNG PHÁP TRẠM
Khóa sinh được chia làm các nhóm nhỏ, lần lượt các nhóm nhỏ này đi chuyển qua các trạm (hoặc xưởng) trong một thời gian nhất định.
Số nhóm nên bằng số trạm, để sự luân phiên được khép kín.
Kỹ thuật:
Trạm này cách trạm kia một khoảng cách vừa phải (ngoài tầm tiếng nói). Mỗi trạm có người phụ trách trình bày ngắn gọn, biểu diễn, thực tập, giải đáp thắc mắc và có đủ trang thiết bị cần thiết bị thực hành.
Phương pháp này có lợi điểm:
- Với một nhóm nhỏ, sự trao truyền và phản hồi triệt để hơn. Thu hoạch cao, dễ dàng trao đổi.
- Dễ tìm người phụ trách.
- Ít trang thiết bị.
- Không tạo sự nhàm chán cho học viên.
TÒA ÁN VƯỜN
Diễn lại một buổi xử án với đầy đủ Chánh án, Bồi thẩm đoàn, Công tố viên, Luật sư bào chữa, Bị đơn, Nguyên đơn… Các thành viên tham dự phân nhau thủ các vai là các nhân vật thường có mặt trong các buổi xét xử.
Về bản chất, đây là phương pháp đóng vai, nhưng được thu hẹp trong chủ đề xử án.
Chọn vấn đề, vụ việc đưa ra thực hiện phải thực tế, chuyện diễn ra hàng ngày chung quanh các em.
Mục đích:
- Giúp các em hiểu thêm về pháp luật.
- Giúp các em tư duy sâu hơn về vấn đề nào đó.
- Trui rèn lý luận bản thân và óc nhận xét người khác.
- Tập mạnh dạn nói trước công chúng.
- Là dịp để Trưởng quan sát tính khí và suy nghĩ của từng em một.
GIÁO DỤC CHỦ ĐỘNG CÓ SỰ THAM GIA CỦA NGƯỜI HỌC
Có 3 cách người ta học:
- Có kiến thức -> thực hành -> kỹ năng: cách giáo dục truyền thống (chuyển giao tri thức).
- Thực hành/hành động -> rút ra kinh nghiệm (kiến thức) -> có kỹ năng: học qua thực nghiệm.
Áp dụng cả hai hình thức trên. Đây chính là giáo dục chủ động.
I. KHÁI NIỆM:
“Sự tham gia học tập” không đơn giản chỉ là người học đến tham dự lớp học và thu nhận kiến thức mà người học đóng vai trò chủ động và người dạy ở vai trò tạo thuận lợi. Trong tiến trình học, người học tham gia chia sẻ kinh nghiệm của mình, tự khám phá cái mới (kiến thức mới), tự nhận ra vấn đề và đưa ra các biện pháp giải quyết.
Giáo dục chủ động là phương pháp nhắm đến:
1. Mục tiêu: thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi (biết làm và biết sống) của người học.
2. Người học là trung tâm của quá trình học khi:
- Có sự tham gia của người học trong suốt tiến trình học tập.
- Người học chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng.
- Nội dung và phương pháp phải phù hợp với người học.
- Phương pháp áp dụng đa dạng, linh hoạt.
Do đó:
Người hướng dẫn:
– Chỉ là xúc tác trong quá trình học.
– Cần hiểu rõ đối tượng học: về tâm sinh lý, kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng, quan điểm, giá trị… của họ để có cách hướng dẫn thích hợp.
– Nắm vững và sử dụng thành thạo các phương pháp giáo dục chủ động: thảo luận nhóm, hỏi đáp, động não, sắm vai, phân tích tình huống…
Bảng tóm tắt các điểm khác biệt giữa giáo dục chủ động và giáo dục truyền thống
PHƯƠNG PHÁPDẠY HỌCTRUYỀN THỐNG(MỘT CHIỀU) | PHƯƠNG PHÁPGIÁO DỤC CHỦ ĐỘNG (HAI CHIỀU) | |
Mục tiêu | – Chuyển tải kiến thức từ người dạy, người học ghi nhớ, thuộc bài, tái hiện. – Tuân theo mệnh lệnh do sức ép của người dạy. | – Giúp người học tìm hiểu kiến thức của nhau, đồng thời nảy nở sáng kiến cá nhân. – Thay đổi trong thái độ và hành vi của học viên, xuất phát từ giác ngộ về thực tế, tự nguyện. |
Vị thế | – Người dạy làm trung tâm | – Người học làm trung tâm |
Nội dung | – Những nguyên tắc, khái niệm, công thức, mô hình, một gương sáng. – Bài học in sẵn phát ra, lời thầy và sách khó thay đổi. | – Dạy cái mà trò cần và xã hội đòi hỏi. – Một số vấn đề cần giải quyết, một nhu cầu cụ thể, kích thích sự muốn học. Một trường hợp cụ thể thành công hay thất bại, thích hợp với học viên. – Bài học chính là ý kiến học viên được tổng hợp và nâng lên thành lý luận. |
Phương pháp | – Thầy độc thoại, thuyết trình, hỏi đáp. – Trò quan sát, ghi chép | – Đối thoại (thầy-trò / trò-trò / xã hội-trò / trò-xã hội / trò-thầy / thảo luận / trò chơi / tham quan / động não / sắm vai / phân tích tình huống… – Giáo viên hay học sinh nêu vấn đề hoặc nhiều câu hỏi và tạo điều kiện cho học viên giúp nhau tìm giải đáp.Học viên thực hành theo mẫu và tự nghĩ ra cách làm khác hay hơn. |
Người học | – Học thuộc lòng, hướng theo và làm theo thao tác mẫu của người thầy, của sách. – Thụ động tiếp thu, thiếu cơ hội để được nêu ý tưởng, cách làm khác. | – Học cách học, cách giải quyết vấn đề. Người học chủ động được hành động theo cách riêng của mình với tinh thần sáng tạo |
Người dạy | – Học và dạy phân biệt rạch ròi. – Thầy thiếu thông tin phản hồi từ học viên. – Người dạy chủ động truyền đạt | – Học và dạy không phân biệt rạch ròi, thầy vừa dạy vừa học kinh nghiệm của học viên. – Thầy có nhiều thông tin phản hồi từ học viên. – Thầy cố tình thụ động để phát huy tính chủ động của học viên, thầy không vội phê phán khen chê học viên. – Học viên vừa học, vừa phụ thầy hướng dẫn, góp ý cho nhau và chủ động tổ chức học tập. |
Đánh giá | – Thầy độc quyền đánh giá cho điểm cố định | – Tự đánh giá, tự sửa chữa, điều chỉnh, làm cơ sở để thầy cho điểm cơ động. |
Giáo dục chủ động là lấy người học làm trung tâm:
– Tập trung vào việc đáp ứng đúng nhu cầu (kiến thức, kỹ năng và thái độ) của người học.
– Tạo môi trường học tập phù hợp với trình độ, tuổi tác và điều kiện tham gia của người học.
– Người học là người được hưởng lợi nhiều nhất từ khóa học
– Người học đóng vai trò chủ động (tự học, tự khám phá) trong tiến trình học. GIẢNG VIÊN khích lệ sự tham gia tích cực của mỗi học viên và tinh thần học hỏi lẫn nhau, hạn chế thụ động tiếp nhận một chiều.
Phương pháp giáo dục chủ động là phương pháp lấy học viên làm trung tâm. Với phương pháp này, tập huấn viên không chỉ truyền đạt bằng thuyết trình đơn thuần mà phải biết kết hợp nhiều hình thức như thảo luận nhóm, giải quyết các vấn đề, cùng chơi các trò chơi, đóng vai, cùng tham gia ra quyết định và làm việc theo nhóm. Các phương pháp này nhằm tạo điều kiện cho HỌC VIÊN sử dụng các kiến thức, kỹ năng sẵn có của mình, chủ động tham gia cùng GIẢNG VIÊN thực hiện các nội dung và hoạt động của bài học để cùng đạt kết quả cao nhất.
Các bước thực hiện phương pháp giáo dục chủ động
1. Xuất phát từ kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng của người học.
2. Thông qua quá trình học, giáo viên cung cấp/hệ thống kiến thức, rèn kỹ năng cho người học thông qua các công cụ: động não, hỏi đáp, thảo luận, trò chơi, phân tích tình huống…
3. Thực hành thông qua các bài tập.
4. Đánh giá kết quả.
5. Kiến thức, kỹ năng đó trở thành của người học.
* Một số nguyên tắc tạo sự tham gia:
Phương pháp giảng dạy lấy người học làm trung tâm khuyến khích người học tự học hỏi, tự phát huy sáng kiến, giáo viên đóng vai trò hướng dẫn. Phương pháp này sẽ giúp người học có động lực thúc đẩy học tập.
– Tạo cơ hội đồng đều cho mọi người tham gia trả lời cũng như đặt câu hỏi nhằm khơi gợi óc sáng tạo.
– Tin tưởng vào khả năng sáng tạo của họ.
– Mỗi người có những kinh nghiệm tiếp nhận kiến thức khác biệt, do đó, việc tạo cơ hội để mọi người chia sẻ là điều cần thiết.
– Khuyến khích và chấp nhận sáng kiến của người học.
– Khuyến khích mọi người, trong bất cứ lúc nào đưa ra những thắc mắc về tài liệu, góp ý kiến cải tiến dàn bài của đề tài giảng dạy nếu cần.
– Tìm hiểu mức độ học hỏi của người học, tạo điều kiện để mọi người đưa ra những câu hỏi liên quan đến các nội dung chưa được sáng tỏ.
– Khuyến khích mọi người đối thoại với bạn bè bên cạnh; trong nhóm hay với giáo viên.
– Thúc đẩy mọi người liên quan đề tài học tập với kinh nghiệm đời sống thực tế.
Khi đặt câu hỏi, giáo viên cần chờ một thời gian để người học có thể suy nghĩ và trả lời.
Lưu ý: thời gian tham gia của người học phải chiếm từ 70-80% quỹ thời gian.
Động cơ thúc đẩy việc học tập
Bên trong | Bên ngoài |
– Bản năng, di truyền – Cá tính muốn khám phá – Có mục tiêu, mơ ước – Hiểu rõ lợi ích của việc học tập – Yêu thương – Biết ơn | – Phần thưởng, lợi lộc, điều kiện, môi trường học tập thuận lợi – Áp lực từ gia đình/nhà trường… – Hoàn cảnh, nhu cầu, niềm vui. – Được hướng dẫn tốt: dẫn dắt, động viên… – Bị khích bác… |
Khi người học có động cơ học tập thì họ mới chủ động nắm bắt kiến thức, rèn luyện kỹ năng. Giảng viên cần khơi dậy và thúc đẩy động lực học của người học. Nội lực là động lực bền vững hơn, do vậy cần làm cho người học hiểu rõ mục đích học tập từ đó người học xây dựng những mục tiêu cụ thể để học tập. Giáo viên cũng có thể xuất phát từ những động lực bên ngoài như hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi, hướng dẫn phương pháp học tập đúng và động viên người học. Từ đó người học tự giác học tập để chủ động nâng cao năng lực của mình.
Người giáo dục viên cần:
Nguyên tắc học:
- Chúng ta biết nhiều hơn những gì chúng ta nghĩ.
- Hầu hết chúng ta có thể làm nhiều hơn những gì ta có thể làm.
- Kiến thức của nhiều người (nhóm) hơn cá nhân.
- Nhóm có thể đưa ra hướng giải quyết tốt hơn là cá nhân.
- Chúng ta học thông qua những gì chúng ta có bên trong chúng ta.
- Chúng ta học thông qua những gì xung quanh chúng ta như thiên nhiên, con người.
- Chúng ta học thông qua nói chuyện, trao đổi, thảo luận.
- Chúng ta học thông qua thực nghiệm, việc làm và kinh nghiệm.
- Chúng ta học thông qua hoạt động vui chơi, vui vẻ và hứng khởi.
- Chúng ta học thông qua kết hợp nhiều hoạt động, phương pháp.
- Chúng ta học thông qua những sai lầm của mình.
- Chúng ta học thông qua suy gẫm và ôn luyện.
- Chúng ta học bằng cách giúp người khác học.
- Chúng ta học bạn hơn học thầy (giáo dục đồng đẳng).
- Chúng ta học vì những điều làm ta nghi ngờ, thắc mắc.
Mục đích của giáo dục chủ động là nhằm:
- Trang bị kiến thức (nhận thức).
- Xây dựng thái độ đúng (thái độ – niềm tin)
- Thực tập hành vi (biết làm, biết sống)
AN TOÀN KHỎI NGUY HẠI
(Safe From Harm)
HLV: LT. Nguyễn Trọng Luyện
Mục tiêu
- Biết những nguy cơ các em HĐS có thể gặp phải khi sinh hoạt Hướng Đạo.
- Nắm được chính sách của WOSM về Bảo vệ đoàn sinh (Safe from harm Policy).
- Nắm được chiến lược An toàn Khỏi Nguy hại của HĐVN.
- Hiểu được các quy định pháp luật Việt Nam về bảo vệ trẻ em.
I. CHÍNH SÁCH AN TOÀN KHỎI NGUY HẠI/ SAFE FROM HARM CỦA WOSM
(Chính sách Bảo vệ đoàn sinh An toàn Khỏi Nguy hại 2017. Văn phòng HĐTG)
Từ khi thông qua nghị quyết về An toàn Khỏi Nguy hại của Hội nghị Hướng đạo Thế giới năm 2002. Các Hội HĐ của các quốc gia thành viên đã bắt đầu áp dụng Nghị quyết An toàn Khỏi Nguy hại trong các hoạt động của mình để tránh bớt những hệ lụy liên quan đến vấn đề xâm hại, lạm dụng đã gây ra cho các hội HĐ quốc gia. Năm 2017 Chính sách An toàn Khỏi Nguy hại (Safe From Harm Policy) đã được Hội nghị HĐTG thông qua, đây là kết quả của một công việc tích lũy kể từ khi hội nghị thông qua Công ước Liên hiệp quốc về Quyền của Thanh niên/The Rights of the Youth năm 1990. Tại Hội nghị lần thứ 27 HĐ vùng Châu Á Thái Bình Dương tổ chức vào tháng 2/2022 đã xác định: “Chương trình An toàn Khỏi Nguy hại/Safe From Harm là chương trình ưu tiên hàng đầu của HĐ Châu Á Thái Bình Dương vào chu kỳ 3 năm tới”.
Ở cấp độ thế giới, Chính sách Chương trình Thanh niên Hướng đạo Thế giới (Chương trình Trẻ) và Chính sách Người lớn trong phong trào Hướng đạo Thế giới bao gồm các yếu tố cụ thể nhằm mục đích loại bỏ hoặc giảm nguy cơ gây hại cho giới trẻ thanh thiếu niên. Những yếu tố này là phần thiết yếu và không thể thiếu trong việc triển khai thực hiện Chương trình Trẻ Quốc gia, và trong các lĩnh vực tuyển dụng người lớn, bổ nhiệm, hỗ trợ, đào tạo và duy trì.
“Tổ chức Phong trào Hướng đạo Thế giới (WOSM) cam kết duy trì một môi trường an toàn vì sự phát triển của giới trẻ thanh thiếu niên trên toàn thế giới”
ĐỊNH NGHĨA
An toàn Khỏi Nguy hại/Safe From Harm: Trong bối cảnh phong trào Hướng đạo, việc giữ cho giới trẻ thanh thiếu niên an toàn không bị xâm hại bao gồm tất cả các lĩnh vực bảo vệ giới trẻ thanh thiếu niên, và bao gồm đầy đủ các chiến lược, tầm nhìn, hệ thống và quy trình nhằm thúc đẩy sự an toàn, phát triển và tất cả sự an toàn của giới trẻ thanh thiếu niên là ưu tiên hàng đầu trong tất cả các hoạt động có liên quan đến phong trào Hướng đạo.
Bảo vệ giới trẻ thanh thiếu niên/Youth protection: Thuật ngữ này được sử dụng để xác định việc bảo vệ và thúc đẩy sự an toàn của giới trẻ thanh thiếu niên, bao gồm nhưng không giới hạn các điều sau:
- Bảo vệ giới trẻ thanh thiếu niên khỏi bị lạm dụng.
- Ngăn ngừa sự suy yếu của sức khỏe hoặc sự phát triển của trẻ.
- Đảm bảo phong trào Hướng đạo cung cấp cho giới trẻ thanh thiếu niên một môi trường lành mạnh, mà trong đó trẻ có thể thăng tiến và phát triển.
- Hành động để thúc đẩy sự an toàn của giới trẻ thanh thiếu niên trong mọi tình huống có thể xảy ra.
Môi trường an toàn/Safe environment: Môi trường an toàn là một môi trường khuyến khích phát triển và hỗ trợ trẻ vì sự hạnh phúc và an toàn của giới trẻ, đồng thời làm việc để giải quyết và ngăn chặn các hành vi có hại.
Có một số chỉ tiêu cơ bản trong phong trào Hướng đạo không thể vượt qua bao gồm:
- Lời hứa và Luật Hướng đạo.
- Các nguyên tắc của phong trào Hướng đạo bao gồm Phương pháp Hướng đạo (Bổn phận đối với tín ngưỡng tâm linh, bổn phận đối với bản thân, bổn phận đối với kẻ khác).
- Tôn trọng bản thân và người khác (trao quyền cho giới trẻ thanh thiếu niên để bảo vệ bản thân và những người khác).
- Môi trường khuyến khích sự cởi mở và đa dạng về quan điểm tầm nhìn, mà không sợ những hậu quả bất lợi cho việc thể hiện các ý kiến khác nhau.
- Tạo cơ hội bình đẳng cho mọi người.
Cuối cùng, môi trường an toàn cho phép giới trẻ thanh thiếu niên tự phát triển cũng như phát triển các mối quan hệ lành mạnh giữa các cá nhân và giới trẻ thanh thiếu niên tích cực (bao gồm các mối quan hệ giữa giới trẻ với giới trẻ; giới trẻ với người lớn; người lớn với người lớn).
Sự tác hại/Harm: Thuật ngữ này đề cập đến bất kỳ sự tác động bất lợi nào về thể chất, tinh thần hoặc cảm xúc và tính toàn vẹn của các cá nhân.
Lạm dụng/Abuse: Thuật ngữ này được dùng để mô tả một loạt cách thức mà sự ngược đãi có thể gây ra cho giới trẻ thanh thiếu niên. Lạm dụng có thể được phân loại thành các loại hình khác nhau như thể chất, tâm lý, tình cảm và có nhiều hình thức khác nhau như bắt nạt, bỏ bê, lạm dụng tình dục hoặc bóc lột. Điều quan trọng cần lưu ý là giới trẻ thanh thiếu niên có thể bị một hoặc kết hợp các hình thức lạm dụng này. Lạm dụng có thể xảy ra ở nhà, ở trường, tại nơi Hướng đạo sinh hoạt động hoặc bất cứ nơi nào khác tình huống lạm dụng có thể xảy ra.
PHẠM VI CHÍNH SÁCH
- Giới trẻ thanh thiếu niên từ 5 đến 26 tuổi.
- Tình nguyện viên trưởng thành và nhân viên chuyên nghiệp.
- Bất kỳ và tất cả những người và các bên liên quan bên ngoài tham gia hỗ trợ cho phong trào Hướng đạo.
CHU KỲ CHÍNH SÁCH
- Thời gian ba năm đầu tiên là để xem xét và xúc tiến (bao gồm cập nhật các nguồn tài nguyên hỗ trợ của chính sách) do các NSO và những điều chỉnh cần thiết của các tài liệu, hiến chương của WOSM và những chính sách khác.
- Thời gian ba năm thứ hai dành cho các các NSO thực hiện thực tế.
- Thời gian ba năm thứ ba là để thực hiện liên tục, đánh giá đầy đủ và xem xét lại các cấu trúc của WOSM về lĩnh vực này.
TÁC ĐỘNG CỦA CHÍNH SÁCH AN TOÀN KHỎI NGUY HẠI & CÔNG CỤ ĐÁNH GIÁ
Tác động của Chính sách Thế giới về SFH (SFH World Policy)
- Chương trình giới trẻ (Youth Program)
- Người lớn trong phong trào (Adults in Scouting)
- Cơ cấu tổ chức (Structure)
- Sự kiện Hướng Đạo (Scouting events)
Công cụ tự đánh giá chương trình (SFH)
Có 42 tiêu chí đánh giá với các nội dung sau:
- Tiêu chí chung (General Criteria)
- Tiêu chí cho chương trình giới trẻ (Youth program criteria)
- Tiêu chí cho chương trình người lớn trong phong trào (Adults in Scouting criteria)
- Tiêu chí cho cấu trúc HĐQG (NSO Structure criteria)
- Tiêu chí cho các sự kiện Hướng Đạo (Scouting events criteria)
=> Một vài điểm nhấn về việc thực hiện chính sách An toàn Khỏi Nguy hại thế giới
Group leader and Commissioner conferent 2011
Chủ đề: An toàn Khỏi Nguy hại
Đưa ra cách xử trí khi phát hiện các em bị xâm hại
Nếu các em tiết lộ điều gì về vấn đề bị xâm hại ta phải tiến hành các bước sau:
- Làm cho nạn nhân bình tĩnh và lắng nghe câu chuyện kể cẩn thận.
- Cam đoan, chắc chắn một lần nữa là nạn nhân đã nói đúng sự thật.
- Ghi nhận ngay một cách chính xác từ ngữ và điệu bộ (Demeanour = body language) của nạn nhân vào biên bản.
- Hỏi những câu hỏi ngắn để làm sáng tỏ thêm sự việc.
- Cho họ ký tên và ghi ngày tháng vào biên bản.
- Giải thích điều gì sẽ xảy ra sau đó (hướng xử trí).
- Thông tin cho nhân viên phụ trách bảo vệ trẻ em: CPO (Child protection officer).
Những điều không nên làm:
- Hứa sẽ giữ bí mật thông tin.
- Hỏi những câu hỏi có tính chất gợi ý hay cố tình tìm kiếm những chi tiết riêng tư, hơn là những điều nạn nhân tình nguyện nói.
- Áp vào những quan điểm cho người xâm hại mà không thể chứng minh được.
- Điều tra sự việc.
Hội nghị Hướng Đạo thế giới tổ chức tại Brazil năm 2011
Đã tuyên bố giải pháp giữ gìn cho HĐS an toàn khỏi sự tổn hại:
Ý định của hội Hướng đạo Thế giới để giúp người trẻ đạt được tiềm năng đầy đủ của họ thông qua các phương pháp Hướng đạo, cung cấp một môi trường mà trong đó các hoạt động Hướng đạo có thể thực hiện một cách an toàn, không phân biệt đối xử và được tôn trọng. Điều này đòi hỏi một chức năng quan trọng trong quá trình tuyển dụng Trưởng trong tất cả các Hiệp hội, để đảm bảo rằng chỉ có những người lớn phù hợp thì mới được tuyển dụng.
Bộ công cụ Bảo vệ An toàn cho các em (Child protection toolkit) gồm 7 bước:
- Công nhận đoàn sinh có những quyền riêng tư và được đối xử với phẩm giá và sự tôn trọng.
- Nhìn nhận rằng phúc lợi chung, sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ luôn được đặt lên hàng đầu và bảo đoàn sinh khỏi sự tổn hại.
- Chấp nhận bản tuyên bố về chính sách bảo vệ đoàn sinh khỏi sự tổn hại.
- Nâng cao nhận thức về quyền được bảo vệ của đoàn sinh.
- Lập kế hoạch làm việc với tổ chức để giảm thiểu cho những đoàn sinh trải qua tổn hại và bảo vệ Trưởng khỏi những tình huống dính líu đến những nguyên nhân.
- Công nhận và áp dụng những phương pháp đã được xác định rõ của ban tổ chức và tình nguyện viên.
- Truyền đạt chương trình huấn luyện kỹ năng và nhận thức việc bảo vệ đoàn sinh khỏi sự tổn hại hại cho ban tổ chức và tình nguyện viên.
Cụ thể: Mỗi tình nguyện viên phải nộp một bản tuyên bố sẽ không gây tổn hại cho đoàn sinh với bất kỳ cách nào (Bộ Cam kết về Quy tắc ứng xử). Kiểm tra hồ sơ hình sự của nhân viên, tình nguyện viên và phải có giấy cho phép được làm việc với trẻ em của Bộ Tư pháp. Mở các khóa học về Bảo vệ trẻ em cho tình nguyện viên. Thành lập nhóm khẩn cấp gồm trưởng HĐ, Giám đốc quản lý và chuyên gia pháp luật hay các nhà tâm lý học. Một Ủy ban độc lập được thành lập.
World Scout Jamboree 5/2015 (Ireland)
Chính sách về Giữ các HĐS An toàn Khỏi Nguy hại: (keeping scouts safe from harm).
“Bảo vệ đoàn sinh không chỉ là trách nhiệm của từng Trưởng hay của mọi Trưởng trong việc chăm sóc các em và các vấn đề liên quan một cách thích đáng. Mà nó còn là trách nhiệm của Trưởng về việc nhận thức những khả năng bạo hành tiềm tàng có thể nhận biết được và có những hành động thể hiện trách nhiệm”.
Đưa ra các phương pháp để tư vấn, ngăn ngừa và xử lý các vấn đề xâm hại.
23 World Scout Jamboree Japan 2015
Ở Trại Họp bạn HĐ thế giới lần thứ 23 tại Nhật Bản, để thực hiện chính sách “An toàn Khỏi Nguy hại” (Safe From Harm) của WOSM. Khóa huấn luyện về vấn đề An toàn Khỏi Nguy hại được cập nhật với tất cả các Trưởng và Tình nguyện viên về các hành vi: đối xử tệ, lăng mạ, bắt nạt, quấy rối, bỏ bê giữa đoàn sinh với đoàn sinh, giữa Trưởng với đoàn sinh và giữa Trưởng với Trưởng. Khóa học có thể học qua mạng, bao gồm 9 học phần (9 modules) trong 90 phút, sau đó làm các bài Test để đánh giá. Khi các Trưởng và tình nguyện viên về phục vụ trại phải nộp cho ban tổ chức chứng chỉ này mới được chấp nhận.
II. CHIẾN LƯỢC AN TOÀN KHỎI NGUY HẠI HĐVN
1. Phân cấp mạng lưới chương trình An toàn Khỏi Nguy Hại HĐVN:
2. Kế hoạch thực hiện chương trình An toàn Khỏi Nguy hại HĐVN:
Bảng 1: Kế hoạch thực hiện chương trình ATKNH
STT | Nội dung công việc | Tóm tắt tiến độ thực hiện | |||
Đã thực hiện | Đang thực hiện | Chưa thực hiện | Ghi chúThời gian áp dụng | ||
1 | Dịch các tài liệu SFH của WOSM ra tiếng Việt | x | 06/2019 đến nay | ||
2 | Thành lập Toán Thông hiểu SFH | x | 07/2019 | ||
3 | Mở xưởng SFH cho Trưởng và Tráng sinh. Thông hiểu cho các sự kiện có nhu cầu (Hội nghị Huynh trưởng, hội họp các ngành…) | x | Từ 06/2019 đến nay | ||
4 | Soạn thảo Bộ quy tắc ứng xử cho các Huynh Trưởng HĐVN | x | 06/2019 | ||
5 | Thành lập Tiểu ban An toàn Khỏi Nguy hại HĐVN | x | 08/11/2021 | ||
6 | Soạn Thủ bản Huấn luyện SFH cho HĐVN | x | Hoàn tất 01/01/2022 | ||
7 | Tổ chức thông hiểu cho Tiểu ban An Toàn Khỏi Nguy Hại | x | 01/2022 | ||
8 | Soạn chiến lược SFH của HĐVN | x | 10/02/2022 | ||
9 | Thành lập thư viện điện tử về SFH của HĐVN | x | Quí 1 2022 (HĐVN.info) | ||
10 | Soạn bộ đề thi lấy chứng chỉ ATKNH của HĐVN | x | Quý 1 2022 (Tr. Minh Tuấn GĐXH) | ||
11 | Thành lập bộ phận tổ chức ôn thi & thi lấy chứng chỉ SFH online | x | Quý 2 2022 (Tr. Minh Tuấn GĐXH) | ||
12 | Hỗ trợ cho các khóa Refresher Course cập nhật cho các trưởng HHR Việt Nam | x | Từ 11/04/2022 (Tr. Nguyễn Trọng Luyện) | ||
13 | Thành lập mạng lưới 4 cấp ATKNH HĐVN, hỗ trợ Châu thông hiểu ở cấp Châu khi có yêu cầu. | x | Quý 3 2022 (Tr.Nguyễn Trọng Luyện) | ||
14 | Hỗ trợ cho các Toán SFH của Châu thông hiểu & Tổ chức mạng lưới | x | Từ quý 4 2022 *Các Châu đủ nguồn nhân lực sẽ tự tổ chức. *Ủy ban ATKNH sẽ hỗ trợ các Châu khi có yêu cầu hỗ trợ. | ||
15 | Thông hiểu các nội dung ATKNH của HĐVN đến Cấp 3 & 4 của các Châu | x | Từ quý 4 2022 Toán ATKNH của Châu chủ trì với sự hỗ trợ của Châu chủ quản. | ||
16 | Xây dựng bộ công cụ đánh giá cho từng cấp | x | Quý 4 2022 (Tr.Hoàng Đức Lâm) | ||
17 | Đưa chương trình ATKNH vào Chương trình Trẻ (YP), Người lớn trong Phong trào (AiS) & các sự kiện HĐ | x | Quý 4 2022 *Ủy ban ATKNH sẽ Phối hợp với Ủy ban HL & NNLT, Ủy ban Chương trình trẻ thực hiện. *Các Châu sẽ hỗ trợ đưa vào áp dụng chương trình ATKNH vào Chương trình trẻ của Châu | ||
18 | Chiến lược phổ biến tập trung vào việc triển khai các hoạt động đến cấp quốc gia và địa phương với nhiều chuyên gia / tình nguyện viên / trưởng tham dự, tạo trang web và Facebook, sản xuất video, in ấn và phát hành trên mạng các phát hiện chính, và tổ chức các sự kiện. Sử dụng các công cụ truyền thông để thông hiểu bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm quảng bá chương trình ATKNH của PTHĐ VN đến mọi thành viên trong và ngoài Phong trào (clip, sách, bản tin, tờ bướm, trò chơi, bài hát, dụng cụ học tập…) | x | Từ năm 2023 trở đi: *Thực hiện trong phạm vi có thể tùy thuộc vào tình hình và năng lực của Ủy ban ATKNH & Toán ATKNH các Châu. *Chuẩn bị cho các em tham dự Jamboree Hàn Quốc. | ||
19 | Chỉ định bộ phận giám sát & đánh giá rủi ro về ATKNH vào các hoạt động quốc gia của PTHĐ VN | x | Năm 2023 | ||
20 | Xây dựng những quy định chặt chẽ để tạo môi trường an toàn cho các thành viên HĐVN | x | Năm 2023 | ||
21 | Thực hiện báo cáo về việc thực hiện chương trình SFH quốc gia & tự đánh giá việc thực hiện chương trình theo GSAT gửi cho WOSM theo quy định. | x | Bắt đầu từ cuối năm 2022 |
Ghi chú:
Dựa trên tính cấp bách của chương trình & dựa trên tình hình thực tế của HĐVN, để có thể áp dụng chính sách An toàn Khỏi Nguy hại một cách kịp thời và hiệu quả. Ủy ban An toàn Khỏi Nguy hại sẽ ưu tiên thực hiện các công cuộc theo thứ tự ưu tiên như trên. Tuy nhiên, tùy vào tình hình thực tiễn khi thực hiện, trình tự thực hiện các hạng mục có thể thay đổi chút ít để có hiệu suất cao hơn.
III. CÁC NỘI DUNG TRỌNG TÂM VỀ ATKNH/SFH CỦA WOSM
- Bắt nạt, ức hiếp (Bullying)
- Bạo hành thể xác (Physical abuse)
- Bạo hành cảm xúc, tinh thần (Emotional abuse)
- Lạm dụng tình dục (Sexual abuse)
- Bỏ bê, sao nhãng (Neglect)
Bắt nạt, ức hiếp (Bullying)
I. ĐỊNH NGHĨA
Chưa có một định nghĩa thống nhất về sự bắt nạt. Tuy nhiên, có một sự đồng ý rộng rãi rằng bắt nạt là hành vi hung hăng của một nhóm nhỏ được đặc trưng bởi 3 đặc điểm sau: (1) Ý định thù địch (hostile intent), (2) mất cân bằng về quyền lực (imbalance of power) và tái diễn qua một thời gian. Bắt nạt có thể xác định như một hành động lập đi lập lại thói quen hung hăng nhắm vào làm tổn thương người khác về thể chất, tinh thần hay cảm xúc.
Dan Olweus nhà nghiên cứu Na Uy cho rằng bắt nạt xảy ra khi một người “Biểu hiện lập đi lập lại qua thời gian những hành động tiêu cực (negative actions) trên một người hay trên nhiều người khác”. Theo ông ta, hành vi tiêu cực xảy ra “khi một người nhắm vào việc gây ra tổn thương hay sự bất an trên những người khác thông qua tiếp xúc về thể xác, từ ngữ hay bằng những cách khác”.
Bắt nạt cá nhân là đặc điểm thường thấy bởi một người có cách cư xử nhằm đạt được quyền lực trên người khác.
II. PHÂN LOẠI BẮT NẠT
Bắt nạt cá nhân có thể chia làm 4 loại: Bắt nạt thể chất, tinh thần, bắt nạt qua mối quan hệ và bắt nạt qua mạng. Bắt nạt nói chung được biết như sự tấn công và có thể bao gồm bất kỳ loại bắt nạt cá nhân nào. Trong thực tế có nhiều hình thức bắt nạt như:
1. Bắt nạt cá nhân
Các thủ đoạn bắt nạt cá nhân có thể được thực hiện bởi một người chống lại một người hay nhiều người. Đây là dạng bắt nạt thường gặp trong xã hội.
2. Bắt nạt thể chất
Đây là dạng bắt nạt mà nó gây thương tổn cơ thể ai đó hay các vật sở hữu của họ. Ăn cắp, xô đẩy, đánh đập, chống lại và phá hủy đồ đạc là những biểu hiện của bắt nạt thể chất. Bắt nạt hiếm khi xảy ra một lần đầu rồi thôi mà nó sẽ tiếp diễn trong tương lai. Vũ khí chủ yếu của bắt nạt thường là chính cơ thể của kẻ bắt nạt.
3. Bắt nạt qua mối quan hệ
Đây là dạng bắt nạt nhắm vào mối quan hệ của người khác để làm tổn thương danh tiếng hay vị trí xã hội của đối tượng bị bắt nạt.
4. Bắt nạt qua mạng
Đây là dạng bắt nạt qua phương tiện kỹ thuật số, bao gồm email, tin nhắn ngắn (Instant messaging), mạng xã hội, bài viết qua tin nhắn (Text message) và điện thoại di động.
5. Bắt nạt tập thể (Collective bullying)
Bắt nạt tập thể là hành vi thuê mướn một hay nhiều người chống lại một hay nhiều người khác.
6. Dọa nạt đám đông (Mobbing)
Dọa nạt đám đông là hình thức dọa nạt một cá nhân bởi một nhóm trong một tình huống nào đó như là gia đình, nhóm cùng đẳng cấp (peer group), trường học, nơi làm việc, hàng xóm, cộng đồng hay mạng xã hội. Khi nó xảy ra như là một bạo hành về cảm xúc nơi làm việc như sự kết bè, băng nhóm của những công nhân, người cấp trên, người cấp dưới.
Bạo hành thể xác (Physical abuse)
Xâm hại cơ thể có thể định nghĩa là những hành động cố ý gây nên những tổn thương hay thương tích bằng cách chạm vào cơ thể người khác. Trong hầu hết các trường hợp, nạn nhân là trẻ em, nhưng đôi khi người lớn cũng bị xâm hại cơ thể như bạo lực gia đình hay tranh chấp nơi làm việc (domestic violence or workplace aggression). Những từ ngữ thay thế đôi khi được sử dụng là tấn công thân thể hay bạo hành thân thể (physical assault or physical violence), và nó cũng có thể bao gồm cả việc xâm hại tình dục. Người xâm hại và người bị xâm hại có thể là một hay nhiều người.
Bạo hành có thể xảy ra giữa:
- Giữa những đoàn sinh (giữa những người tham gia; những người tham gia là ≤ 25 tuổi).
- Người tham gia và người lớn (người lớn được coi là ≥ 26 tuổi).
- Giữa những người lớn.
Lạm dụng có thể xảy ra trong một số tình huống và theo một số cách. Có thể có những tình huống trong Trại Họp Bạn, hoạt động của Hướng đạo Thế giới khiến bạn hoặc một hoặc nhiều thành viên cảm thấy không thoải mái. Mặc dù chúng ta phải xem xét đến sự khác biệt văn hóa và cá nhân, tất cả các dấu hiệu của sự khó chịu phải được xem xét và giải quyết nghiêm túc, vì mọi người dễ bị cảm thấy sợ hãi hoặc bị đe dọa hơn trong bất kỳ sự kiện quy mô lớn như những trại họp bạn (moot). Vì vậy, tất cả mọi người nên nhận thức được các dấu hiệu của sự lạm dụng và hành động ngay lập tức nếu họ nghi ngờ lạm dụng sẽ được diễn ra, đang hoặc đã diễn ra.
Ở Hoa Kỳ, tất cả hướng đạo sinh của BSA được trông đợi hành xử theo các nguyên tắc trong Luật và Lời hứa Hướng đạo. Bạo lực thân thể, xúc phạm bằng lời nói, dùng ma túy, uống rượu không có chỗ đứng trong chương trình Hướng đạo và các vi phạm thuộc loại này có thể dẫn đến việc trục xuất ra khỏi phong trào Hướng đạo.
Tất cả các đoàn sinh của BSA đều được kỳ vọng cư xử phù hợp với các nguyên tắc quy định trong Luật và Lời hứa Hướng đạo. Bạo lực thân thể, bắt nạt, ăn hiếp, trộm cắp, xúc phạm bằng lời nói, dùng ma túy và uống rượu đều không có chỗ trong Chương trình Hướng đạo và vi phạm những điều trên có thể dẫn đến hậu quả bị khai trừ khỏi đơn vị Hướng đạo.
- Nếu bị đe dọa bạo lực hoặc các hình thức bắt nạt từ các đoàn sinh khác, Hướng đạo sinh hãy tính đến sự trợ giúp của Huynh trưởng đơn vị hoặc của bố mẹ.
- BSA không cho phép Huynh trưởng dùng các hình phạt đòn roi khi kỷ luật đoàn sinh.
- Xâm hại dụng thân thể: Xâm hại thân thể là thương tích có chủ ý của một đứa trẻ bởi một người chịu trách nhiệm chăm sóc trẻ.
- Các thương tích về xâm hại thân thể có thể bao gồm vết bầm tím, gãy xương, bỏng và trầy xước. Trẻ em bị thương nhẹ như là một phần bình thường của thời thơ ấu, thường ở những nơi chẳng hạn như cẳng chân, đầu gối, và khuỷu tay.
- Khi thương tích được tìm thấy trong các vùng mô mềm ở bụng hoặc lưng, hoặc khi chúng không có vẻ là thương tích trẻ em điển hình, có thể đứa trẻ đã bị xâm hại.
- Khi một đứa trẻ than phiền về cơn đau hoặc cho biết anh ta đã bị tấn công vào bụng, nên thực hiện nghiêm túc một khiếu nại, vì có khả năng gây ra thương tích nội tạng.
- Các dấu hiệu sau thường liên quan đến lạm dụng nhưng không phải là tuyệt đối.
- Chấn thương trẻ em hoặc phụ huynh không thể giải thích đầy đủ
- Chấn thương trên một đứa trẻ đã vắng mặt
- Khiếu nại về đau nhức khi di chuyển
- Sợ hãi khi về nhà với cha mẹ, cha mẹ thấy chấn thương đáng ngờ, cha mẹ cần thiết phải hỏi một đứa trẻ về chấn thương đáng ngờ. Nếu đứa trẻ nói về lạm dụng hoặc đưa ra câu trả lời không có ý nghĩa về vị trí hoặc mức độ thương tích, bạn nên ghi lại tuyên bố này và ngay lập tức liên hệ với cơ quan thực thi pháp luật địa phương hoặc bộ trẻ em và dịch vụ gia đình.
Bạo hành cảm xúc, tinh thần
(Emotional abuse)
Xâm hại cảm xúc là loại xâm hại rất khó nhận biết vì nó không để lại dấu vết vật lý trên cơ thể nạn nhân như xâm hại thân thể. Phải có kiến thức về loại xâm hại này mới có thể nhận diện khi có xâm hại cảm xúc xảy ra. Vai trò của Trưởng và Phụ huynh góp phần hết sức quan trọng trong việc ngăn ngừa và can thiệp kịp thời trong sinh hoạt Hướng đạo.
ĐỊNH NGHĨA VỀ XÂM HẠI TINH THẦN, CẢM XÚC
Xâm hại tinh thần, cảm xúc (hay có thể gọi là Lạm dụng tình cảm, bạo hành cảm xúc) là hành vi ngược đãi tình cảm liên tục gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe tình cảm, làm suy yếu sự phát triển tình cảm, tinh thần hoặc cảm giác tự chủ của trẻ.
Điều này có thể bao gồm hành vi sau:
- Liên tục chỉ trích, đe dọa, tạo ra các mối đe dọa, liên tục từ chối, đánh giá thấp, hạ thấp vai trò trẻ.
- Làm cho đứa trẻ trở thành chủ đề của trò đùa, làm nhục, bắt thực hiện các hành vi xuống cấp hoặc mỉa mai để làm tổn thương một đứa trẻ.
- Không thể hiện cảm xúc tích cực hoặc chúc mừng khi trẻ thành công
- Phơi bày trước mặt trẻ những hành vi không phù hợp như ngược đãi vật nuôi, hủy hoại, đập phá đồ đạc, cãi cọ gia đình…
- Cô lập trẻ khỏi gia đình, bạn bè hay môi trường sống xung quanh, không thúc đẩy phát triển xã hội của trẻ, bỏ bê tình cảm, mặc kệ trẻ (không bao giờ thể hiện bất kỳ cảm xúc nào trong tương tác với trẻ).
- Không nhận ra tính cá nhân của một đứa trẻ, cố gắng kiểm soát cuộc sống của chúng.
- Đẩy trẻ đến tình huống quá khó hoặc vượt quá giới hạn của chúng.
Trẻ em bị ngược đãi về mặt tình cảm thường phải chịu đựng sự xâm hại cảm xúc hoặc bỏ bê cùng một lúc – nhưng điều này không phải luôn luôn như vậy.
1. PHÂN LOẠI XÂM HẠI TINH THẦN, CẢM
XÚC
Xâm hại thụ động
Khi một phụ huynh hoặc người chăm sóc phủ nhận con họ, tình yêu và sự chăm sóc mà họ cần thực hiện để trẻ được khỏe mạnh và hạnh phúc, nó được gọi là lạm dụng “thụ động”. Nó gây thiệt hại tình cảm của trẻ, nhưng khó có thể phát hiện hơn là lạm dụng “tích cực”.
Năm loại lạm dụng tình cảm thụ động đã được xác định
- Tình trạng không có cảm xúc: Khi phụ huynh hoặc người chăm sóc không được kết nối với đứa trẻ và không thể trao cho chúng tình yêu mà trẻ xứng đáng được nhận.
- Thái độ tiêu cực: Đánh giá thấp trẻ và không đưa ra bất kỳ lời khen ngợi hoặc khuyến khích nào.
- Tương tác phát triển không phù hợp với đứa trẻ: Mong đợi đứa trẻ thực hiện các nhiệm vụ mà chúng không đủ trưởng thành về mặt tình cảm để làm, hoặc nói và hành động một cách không thích hợp trước một đứa trẻ.
- Không nhận ra cá tính của một đứa trẻ: Điều này có nghĩa là một người lớn dựa vào một đứa trẻ để đáp ứng nhu cầu tình cảm của họ và không nhận ra rằng đứa trẻ có nhu cầu hay cá tính riêng.
- Thất bại trong việc thúc đẩy thích ứng xã hội: Không khuyến khích một đứa trẻ kết bạn và kết hợp giữa các đồng nghiệp xã hội của mình.
Xâm hại chủ động
Khi ai đó cố tình đe dọa, hạ thấp hoặc lăng mạ một đứa trẻ, nó được gọi là xâm hại “Chủ động”. Có ý định (chủ đích) gây hại cho một đứa trẻ.
Lạm dụng tình cảm chủ động (xâm hại chủ động) đã được định nghĩa là:
- Từ chối
- Khủng bố tinh thần
- Cô lập
- Khai thác trẻ.
2. HẬU QUẢ CỦA XÂM HẠI TINH THẦN, CẢM XÚC
Cũng như xâm hại thể xác, hậu quả của việc xâm hại tình cảm hoặc để trẻ thiếu thốn tình cảm là rất nghiêm trọng và thường có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành.
Các hiệu quả tiềm năng bao gồm:
* Khó duy trì mối quan hệ lành mạnh: Lạm dụng tình cảm có thể ảnh hưởng đến khả năng của trẻ do tạo thành những tổn thương tâm lý, làm cho trẻ khó chấp nhận trong các mối quan hệ với người lớn. Các vấn đề trong thời thơ ấu có liên quan đến những tính cách không ổn tuổi trưởng thành. Điều đó có thể dẫn đến nguy cơ cao hơn về mối quan hệ ngang hàng kém đi, rắc rối với sự thân mật – khó khăn với giải quyết xung đột.
* Tăng nguy cơ các vấn đề sức khỏe tâm thần: Thanh thiếu niên bị xâm hại tinh thần có nhiều khả năng có ít nhất một bệnh tâm thần. Trầm cảm, lo âu hoặc các bệnh tâm thần khác có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành. Những người có tiền sử bị xâm hại tinh thần cũng có nhiều khả năng tự tử hơn.
* Gia tăng các vấn đề xã hội: Trẻ bị xâm hại tinh thần, tình cảm dễ có mối liên hệ với hành vi tội phạm ở thanh thiếu niên.
* Nguy cơ lặp lại chu kỳ lạm dụng cao hơn: Nếu không có sự can thiệp thích hợp, trẻ em bị ngược đãi có nhiều khả năng xâm hại tinh thần con cái của mình khi chúng lớn lên.
Lạm dụng tình dục (Sexual abuse)
1. Khái niệm:
Xâm hại tình dục trẻ em là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức (khoản 8, Điều 4, Luật Trẻ em 2016).
2. Các biểu hiện xâm hại tình dục:
- Hôn hít, sờ mó vào ngực hay bộ phận sinh dục của trẻ.
- Bắt trẻ sờ mó vào bộ phận sinh dục của mình.
- Quan hệ tình dục bằng đường miệng hay hậu môn.
- Toan tính quan hệ tình dục.
- Mại dâm trẻ em.
- Phô bày bộ phận sinh dục của mình để trẻ nhìn thấy.
- Nhìn trộm khi trẻ không mặc quần áo (khi trẻ tắm, thay quần áo).
3. Đối tượng xâm hại tình dục trẻ em:
Nguy cơ bị xâm hại tình dục có thể xảy ra đối với bất kỳ trẻ em ở độ tuổi nào và không phân biệt giới tính, diễn ra từ thành thị đến nông thôn.
Trên thế giới, theo thống kê của Hiệp hội Quốc gia Phòng chống Bạo hành trẻ em (NSPCC), độ tuổi trung bình của trẻ em bị xâm hại tình dục là 9 tuổi. Cứ 4 bé gái thì có 1 bé bị xâm hại tình dục, 6 bé trai thì có 1 bé bị xâm hại tình dục. Vấn nạn này có xu hướng gia tăng đối với trẻ em nam. Tại Việt Nam, trước đây trẻ bị xâm hại thường là 13-18 tuổi thì nay xuất hiện nhiều vụ việc ở lứa tuổi 5-13.
Đáng chú ý, 93% thủ phạm có mối quan hệ quen biết với nạn nhân, trong đó 47% kẻ xâm hại là họ hàng, người trong gia đình nạn nhân.
4. Dấu hiệu trẻ bị xâm hại tình dục:
- Thái độ sợ sệt, ngượng ngùng mỗi khi giáp mặt đối tượng.
- Hay bị giật mình.
- Thoáng vui, thoáng buồn.
- Khóc lóc, gặp ác mộng.
- Trẻ sống thu mình lại, không muốn ra ngoài, không muốn trò chuyện với mọi người…
- Nếu bị xâm hại tình dục nghiêm trọng, trẻ có thể bị sốc, có những vết cào, bầm tím, vùng kín bị sưng, chảy máu…
5. Hậu quả của việc xâm hại tình dục:
- Làm tổn hại nghiêm trọng đến tinh thần, tâm lý, sức khỏe của trẻ.
- Gây hoang mang, lo lắng cho gia đình và xã hội.
- Làm ảnh hưởng đến tương lai của trẻ em.
- Làm gia tăng tệ nạn mại dâm, tệ nạn buôn bán phụ nữ, tăng sự lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh lây qua đường tình dục.
- Nỗi ám ảnh đi theo cuộc đời của trẻ thậm chí ảnh hưởng về sau.
6. Kỹ năng phòng vệ, tránh bị xâm hại tình dục:
- Hướng dẫn trẻ nhận biết những hành vi xâm hại tình dục để đề phòng.
- Giúp trẻ nhận diện được những tình huống, hoàn cảnh dễ bị tấn công, xâm hại tình dục.
- Hướng dẫn trẻ những điểm “nhạy cảm” trên cơ thể tuyệt đối không để người khác chạm vào: Môi, phần gáy, ngực, mông, vùng kín, mặt trong của đùi.
- Nhận diện được “người xấu” với 5 cảnh báo:
Các dấu hiệu cảnh báo:
- Cảnh báo NHÌN: nhìn vào vùng kín – hoặc cho trẻ xem vùng kín, tranh ảnh khiêu dâm.
- Cảnh báo NÓI: nói về vùng kín của trẻ, của bản thân hoặc người khác.
- Cảnh báo CHẠM: người nào khác chạm vào vùng kín của trẻ hoặc yêu cầu trẻ chạm vào vùng kín của họ.
- Cảnh báo MỘT MÌNH: khi trẻ ở một mình với người lạ.
- Cảnh báo ÔM: bị ôm, hôn hay bế, trừ những người nằm trong vòng tròn yêu thương của trẻ (cha mẹ).
7. “Ba chữ R” trong Bảo vệ Thanh thiếu niên là gì?
“Ba chữ R” trong Bảo vệ Thanh thiếu niên chuyển tải một thông điệp đơn giản đến với các đoàn sinh.
Recognize: Nhận ra_Nhận ra tình huống đẩy bạn vào thế có thể bị quấy rối tình dục, hành vi những kẻ quấy rối tình dục trẻ em, và rằng bất cứ ai cũng có thể là kẻ quấy rối tình dục.
Resist: Chống lại_Chống lại sự chú ý không mong muốn và không phù hợp. Phản ứng cự tuyệt này sẽ chấm dứt đa số các hành vi quấy rối tình dục.
Report: Báo cáo_Báo cáo các tiếp cận quấy rối tình dục hoặc hành động quấy rối tình dục lên bố mẹ hoặc người lớn đáng tin cậy. Điều này sẽ ngăn chặn sự lạm dụng tiếp theo và góp phần bảo vệ các trẻ em khác. Hãy nói với các em rằng họ sẽ không bị trách mắng về các sự kiện đã xảy ra.
8. Dạy trẻ nguyên tắc PANTS để tự bảo vệ bản thân.
P – Private (Riêng tư)
A – Always remember your body belongs to you
(Luôn nhớ cơ thể con thuộc về con)
N – No means no (Không là không)
T – Talk (Nói về những điều bí mật khiến con buồn)
S – Speak up (Lên tiếng)
9. Nguyên tắc 5 ngón tay
- Hướng dẫn trẻ những cách thoát thân khi bị nắm tay, ôm.
- Giáo dục các em biết tự bảo vệ nhiều cách. Chia sẻ về luật để đảm bảo an toàn cho trẻ cũng như hiểu được tác hại.
Bỏ bê, sao nhãng (Neglect)
Khái niệm:
Bỏ bê còn có nghĩa là sự xao lãng, sự cẩu thả, sự không chú ý, sự bỏ mặc, sự thờ ơ, sự hờ hững… Bỏ bê trẻ em là một hình thức lạm dụng trẻ em, và thiếu hụt trong việc đáp ứng nhu cầu cơ bản của trẻ, bao gồm việc không cung cấp đầy đủ chăm sóc sức khỏe, giám sát, quần áo, dinh dưỡng, nhà ở cũng như nhu cầu về thể chất, tình cảm, xã hội, giáo dục và an toàn của trẻ.
Nguyên nhân của sự bỏ bê:
Có thể là do một số vấn đề nuôi dạy con cái bao gồm rối loạn tâm thần, lạm dụng dược chất, bạo lực gia đình, thất nghiệp, mang thai ngoài ý muốn và nghèo đói.
Bỏ bê trẻ em là hình thức lạm dụng trẻ em thường xuyên nhất, với trẻ em sinh ra từ các bà mẹ trẻ có nguy cơ bị bỏ bê đáng kể.
Tác hại của việc bỏ bê
Ảnh hưởng của việc bỏ bê trẻ em có thể khác nhau tùy theo cá nhân và mức độ điều trị được cung cấp, nhưng nói chung việc bỏ bê trẻ em xảy ra trong hai năm đầu đời của trẻ có thể là tiền thân quan trọng của sự xâm hại thời thơ ấu. Trẻ em bị bỏ bê thường xuyên nhất cũng có khó khăn gắn bó, thâm hụt nhận thức, các vấn đề về cảm xúc / hành vi và hậu quả về thể chất do hậu quả của việc bỏ bê. Bỏ bê sớm có khả năng thay đổi phản ứng stress của cơ thể, đặc biệt là mức cortisol (hormone stress) có thể gây ra những bất thường và làm thay đổi sức khỏe tổng thể của cơ thể. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng có một mối quan hệ giữa bỏ bê và các mô hình liên quan đến chăm sóc trẻ sơ sinh bị xáo trộn. Nếu cha mẹ thiếu sự nhạy cảm với nhu cầu của em bé, em bé có thể phát triển sự gắn bó không an toàn. Hành vi bỏ bê những kinh nghiệm trẻ em sẽ góp phần vào những khó khăn gắn bó của họ và hình thành các mối quan hệ trong tương lai, hoặc thiếu nó. Ngoài tác dụng sinh học và xã hội, bỏ bê ảnh hưởng đến khả năng trí tuệ và thâm hụt nhận thức / học thuật. Ngoài ra, trẻ em bị bỏ bê trẻ em cũng có thể bị rối loạn lo âu hoặc rối loạn kiểm soát xung. Một kết quả khác của việc bỏ bê trẻ em là những gì mọi người gọi là “không phát triển mạnh”. Trẻ sơ sinh có thâm hụt trong tăng trưởng và hành vi bất thường như rút lui, thờ ơ và ngủ quá nhiều sẽ không phát triển mạnh, thay vì phát triển để trở thành những người khỏe mạnh .
Một nghiên cứu của Robert Wilson, một giáo sư tại Trung tâm y tế Đại học Rush ở Chicago, và các đồng nghiệp của ông, lần đầu tiên cho thấy trẻ em dưới 18 tuổi khi chúng bị bỏ quên một cách vừa phải theo cách nào đó bởi người chăm sóc của họ có nguy cơ cao gấp 3 lần đột quỵ ở những người có mức độ vừa phải thấp, sau khi kiểm soát một số yếu tố nguy cơ phổ biến (họ đã phỏng vấn 1.040 người từ 55 tuổi trở lên; sau 3,5 năm, 257 người chết và 192 người được khám nghiệm tử thi, với 89 bằng chứng đột quỵ khi khám nghiệm tử thi và 40 đã có tiền căn bị bỏ bê). Bỏ bê, bắt nạt, và lạm dụng trước đó đã được liên kết với những thay đổi trong chất xám của não và chất trắng và để tăng tốc lão hóa. Để biết thêm thông tin, vui lòng xem liên kết đến bài viết tin tức trực tuyến về nghiên cứu, từ blog NBCNews.com Health VITALS, bởi nhân viên LiveScience.
Bỏ bê trong sinh hoạt Hướng Đạo
- Người Trưởng không để ý đến việc phòng ngừa tai nạn thương tích cho đoàn sinh.
- Bỏ bê, thiếu quan tâm đến chương trình sinh hoạt.
- Không để ý đến việc kết hợp với gia đình trong việc chăm sóc và giáo dục các em.
- Đoàn trưởng thiếu quan tâm đến việc huấn luyện nâng cao năng lực cho các trưởng đơn vị, tráng sinh.
- Người Trưởng bỏ bê thiếu quan tâm đến cảm xúc, nhu cầu của trẻ, không lắng nghe, thấu cảm với hoàn cảnh, tâm lý trẻ.
- Trưởng có hành vi, lời nói có thể gây xúc phạm, ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.
- Hình thức thưởng phạt thiếu công minh, công bằng và có tính giáo dục.
- Hành hạ, hạ nhục, làm mất uy tín của đứa trẻ.
- Không quan tâm hoặc quan tâm không đủ đến nhu cầu vui chơi, học tập, nghỉ ngơi, dinh dưỡng, phát triển của từng trẻ.
- Dán nhãn, phân biệt đối xử với trẻ.
- Thiếu tôn trọng, yêu thương, tha thứ, chân thành, kiên nhẫn với trẻ
Kết luận
Ở Việt Nam, bảo vệ trẻ em chống lại các hình thức bỏ bê, lạm dung tình dục, xâm hại thể chất và tinh thần… đã được quy định trong hiến pháp và đã được phổ biến trong nhân dân, đặc biệt trong các trường học. Tuy nhiên, điều này chưa được ngành giáo dục nói riêng và cộng đồng xã hội nói chung quan tâm đúng mức, kể cả trong Phong Trào Hướng Đạo Việt Nam hiện nay do không đủ Trưởng phụ trách đơn vị. Vì thế, chúng ta phải xúc tiến các chương trình bảo vệ đoàn sinh trong sinh hoạt Hướng Đạo, đẩy mạnh việc tuân thủ các quy định về quản lý rủi ro vì đây là một trong những quy định của WSOM mà chúng ta phải tuân thủ trong các hoạt động Hướng đạo.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tiếng Việt
- Bỏ bê – Sao nhãng 2022. Tiểu ban An toàn Khỏi Nguy hại HĐVN. HĐVN.info.
- Bộ quy tắc ứng xử Bảo vệ Đoàn sinh 2022. Ban Điều hành Hướng Đạo Việt Nam. HĐVN.info.
- Bắt nạt 2022. Tiểu ban AN toàn Khỏi Nguy hại HĐVN. HĐVN.info.
- Chính sách An toàn Khỏi Nguy hại 2020. Văn phòng HĐTG. HĐVN.info. (Bản dịch Nguyễn Bảo Nhân)
- Chính sách An toàn Khỏi Nguy hại Quốc gia 2017. Văn phòng HĐTG. HĐVN.info. (Bản dịch Nguyễn Bảo Nhân)
- Chiến lược An toàn Khỏi Nguy hại HĐVN 2022. Tiểu ban An toàn Khỏi Nguy hại HĐVN. HĐVN.info.
- Kỹ năng phòng chống bắt cóc. Tiểu ban An toàn Khỏi Nguy hại HĐVN. HĐVN.info.
- Quản lý rủi ro. Tiểu ban An toàn Khỏi Nguy hại HĐVN. HĐVN.info.
- Toán Sinh hoạt ngành Tráng, 2019. Thủ bản Bảo vệ Đoàn sinh. Xưởng Bảo vệ Đoàn sinh Mai Thôn. Bạn Đường số 32 Ban Điều hành HĐVN.
- Xâm hại thể xác 2022. Tiểu ban An toàn Khỏi Nguy hại HĐVN. HĐVN.info.
- Xâm hại tinh thần 2022. Tiểu ban An toàn Khỏi Nguy hại HĐVN. HĐVN.info.
- Xâm hại tình dục 2022. Tiểu ban An toàn Khỏi Nguy hại HĐVN. HĐVN.info.
Tiếng Anh
- Bullying
https://en.wikipedia.org/wiki/Bullying#Definition
- Child neglect
https://en.wikipedia.org/wiki/Child_neglect
- Child Sexual Abuse Warning signs
http://www.parentsprotect.co.uk/warning_signs.htm
- Keeping Scouts Safe from Harm 2016. World Scout Bureau Inc., October 2016. Scouts.org.
- Physical abuse
https://en.wikipedia.org/wiki/Physical_abuse
- Psychological abuse
https://en.wikipedia.org/wiki/Psychological_abuse
- Safe from harm.
https: //www.scout.org/elearningsfh
- Video: https://www.youtube.com/watch?v=ejYa5vJ31Dc
- World Scouting’s Quality Standard, UNICEF Child Protection Policies and Procedures Toolkit.
http://www.unicef.org/violencestudy/pdf/CP%20Manual %20-%20Introduction.pdf
TÀI LIỆU THAM KHẢO
TRONG NƯỚC
- Bạch Văn Quế. Cắm trại Những điều cần biết.
- Ban Điều Hành Hướng Đạo Việt nam (2012). Quy chế Hướng Đạo Việt Nam.
- Ban Điều Hành Hướng Đạo Việt Nam (2012). Quy chế Huấn luyện.
- Ban Điều Hành Hướng Đạo Việt Nam (2012). Kỷ yếu Hội nghị Huynh Trưởng – Trại “Huynh đệ nhất gia” 30/11-01/12/2012.
- Ban Điều Hành Hướng đạo Việt Nam (2015). Kỷ yếu Trại Họp bạn Hợp Lực.
- Ban Điều Hành Hướng đạo Việt Nam (2016). Quy chế & Thủ bản Huấn luyện Trưởng.
- Điều phối Hướng Đạo Việt Nam (2018). Tiến trình hình thành Hiến chương Hướng đạo Việt Nam
- Khối Quản trị Hướng Đạo Việt Nam (2022). Sơ đồ tổ chức tương tác trong cơ cấu Hướng Đạo Việt Nam hiện nay.
- Đỗ Văn Ninh (1969). Bước đường đầu & Hướng Đạo Hạng Nhì. Hướng Đạo Việt Nam (Dịch từ sách Scouting for Boys của Tác giả Robert Baden Powell).
- Đỗ Văn Ninh (1966). Hướng dẫn vào nghề Trưởng Hướng Đạo (Dịch từ sách Scouting for Boys của tác giả Robert Baden Powell).
- Hội Hướng Đạo Việt Nam (1964). Hướng Đạo.
- Hướng Đạo Ca (2000).
- Lê Ngọc Bưu (2006). Tìm về cội nguồn HĐVN 1930 – 2006.
- Lê Ngọc Bưu (2017). Tráng sinh Việt Nam. Kỷ niệm 100 năm ngành Tráng 1917 – 2017.
- Liên Đoàn Âu Lạc (2009). Tuyển tập nhạc kỷ niệm 15 năm thành lập.
- Mai Liệu (1965). Hội Hướng Đạo Việt Nam (Dịch từ sách Scouting for Boys của Tác giả Robert Baden Powell).
- Mạnh Đức P.Q.TH & NG.H (Dịch từ sách The Crew Scovers Handbook. G.G. Pursis).
- Ngành Tráng Hướng Đạo Việt Nam (1966). Tư liệu ngành Tráng: Quy chế ngành Tráng, Sinh Hoạt Toán, Tráng Trưởng.
- Nguyễn Hoàng Bảo Huy (2016). Sổ tay Bài hát sinh hoạt, Toán Sinh Hoạt ngành Tráng, Ban Điều hành HĐVN.
- Nguyễn Hoàng Bảo Huy (2016). Xưởng Quản trò, Bạn đường 31, Toán Sinh Hoạt ngành Tráng, Ban Điều hành HĐVN.
- Nguyễn Trọng Luyện (2001). Tài liệu huấn luyện Tráng sinh Âu Lạc.
- Nguyễn Trọng Luyện (2000). Phương pháp Huấn luyện Tráng sinh trong Tráng đoàn.
- Nguyễn Trọng Luyện (2005). Các bài khóa lớp Quản trò, Tráng đoàn Âu Lạc.
- Nguyễn Trọng Luyện (2006). Sơ cấp cứu.
- Nguyễn Trọng Luyện (2016). Xử trí các bệnh thường gặp ở trẻ em khi đi trại.
- Nguyễn Trọng Luyện (2017). Cập nhật kiến thức mới trong huấn luyện.
- Nguyễn Trọng Luyện (2022). Chương trình An toàn Khỏi Nguy hại Hướng Đạo Việt Nam
- Nguyễn Văn Thuất (2006). Gửi bạn Tráng sinh.
- Nguyễn Vĩnh Thịnh (2016). Lịch sử Phong trào Hướng Đạo Thế giới.
- Nguyễn Vĩnh Thịnh (2016). Những mốc lịch sử Hướng Đạo Việt Nam.
- Nguyễn Văn Thuận (1960). Hướng Đạo Đại Cương.
- Nguyễn Tấn Đệ. Trò chơi Hướng Đạo. (Scouting games. Boy scouts of America).
- Nguyễn Xuân Hoàng Quân & Anh em Đuốc Hồng. Mật Mã.
- Phạm Văn Nhân (2000). Kỹ năng chuyên môn tổng hợp tập 1 và 2, Liên Đoàn Bà Rịa.
- Phạm Văn Nhân (2009). Thủ công trại.
- Ngành Nhi HĐVN (2014) Sổ tay Nhi Trưởng.
- Ngành Tráng HĐVN (1966). Quy chế ngành
Tráng.
- Ngành Tráng HĐVN (2012). Quy chế – Nghi thức ngành Tráng HĐVN.
- Ngành Tráng HĐVN (2016). Quy chế – Nghi thức ngành Tráng HĐVN.
- Quang Uy. Kỹ năng sinh hoạt.
- Tôn Thất Đông & Nguyễn Quang Quỳnh (1969). Phương pháp Hàng đội. (Dịch từ sách của tác giả Roland Philipps).
- Tôn Thất Hàn (2000). Ôn luyện Trainer ngành Kha.
- Tôn thất Hy. Lịch sử ngành Tráng Hướng Đạo Việt
Nam
- Tôn Thất Sam (2007). Huấn luyện trọng trách & nghệ thuật.
- Tôn Thất Sam – Tiến Lộc (2000). Lửa trại và kỹ năng hướng dẫn chương trình.
- Toán Bắc Sơn. Tráng sinh ca, Liên Đoàn Trường Sơn, Đạo Thủ Đô.
- Trần Thị Thu Trang (2004). Quản trò.
- Trần Tuấn Huy. Giáo dục chủ động, Tráng đoàn Ra Khơi.
- Trương Trọng Trác (1969). Hướng Đạo Hạng Nhất, Hội Hướng Đạo Việt Nam.
- Ủy Ban An Toàn Khỏi Nguy Hại Hướng Đạo Việt Nam(2022). An Toàn Khỏi Nguy Hại/ Safe From Harm
- Vĩnh Đào (1993). Nguyên lý Hướng Đạo.
- Võ Văn Tuấn (2016). Hướng dẫn phát triển tín ngưỡng và tâm (Dịch từ Guidelines on spiritual and religious development của VP HĐTG)
NGOÀI NƯỚC
- Boy scouts of America (2010). Camping. Marit Badge series.
- Boy scouts of America (2010). First Aid. Marit Badge series.
- Boy scouts of America (2010). Pioneering. Marit Badge series.
- Boy scouts of America (2010). Pioneering. Marit Badge series.
- Boy scout of America (2008). The Boy scout Handbook.
- Bullying
https://en.wikipedia.org/wiki/Bullying#Definition
- Child neglect
https://en.wikipedia.org/wiki/Child_neglect
- Child Sexual Abuse Warning signs http://www.parentsprotect.co.uk/warning_signs.htm
- Gordon paterson (2002). First aid for children fast.
- St John (2007). Basic life support-An overview. First in first aid.
- World Scout Bureau Inc (2016). Keeping Scouts Safe from Harm 2016.., October 2016. Scouts.org.
- Physical abuse
https://en.wikipedia.org/wiki/Physical_abuse
- Psychological abuse
https://en.wikipedia.org/wiki/Psychological_abuse
- Safe from harm.
https://www.scout.org/elearning sfh
- Video:
https://www.youtube.com/watch?v=ejYa5vJ31Dc
- UNICEF World Scoutings Quality Standard, Child Protection Policies and Procedures Toolkit.